Luật quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, UỶ BAN NHÂN DÂN
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân là văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục do Luật này quy định, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực trong phạm vi địa phương, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội ở địa phương theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân được ban hành dưới hình thức nghị quyết. Văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân được ban hành dưới hình thức quyết định, chỉ thị.
Điều 2. Phạm vi ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
1. Hội đồng nhân dân ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong những trường hợp sau đây:
a) Quyết định những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;
b) Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương;
c) Quyết định biện pháp nhằm ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho;
d) Quyết định trong phạm vi thẩm quyền được giao những chủ trương, biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nhằm phát huy tiềm năng của địa phương, nhưng không được trái với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;
đ) Văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao cho Hội đồng nhân dân quy định một vấn đề cụ thể.
2. Uỷ ban nhân dân ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong những trường hợp sau đây:
a) Để thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh;
b) Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn;
c) Văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao cho Uỷ ban nhân dân quy định một vấn đề cụ thể.
Điều 3. Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong hệ thống pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân còn phải phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân trái với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cùng cấp phải được cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bãi bỏ.
Điều 4. Tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, cơ quan hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản.
3. Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, cơ quan hữu quan phải tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong phạm vi và với hình thức thích hợp.
4. Cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến để chỉnh lý dự thảo văn bản.
Điều 5. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải quy định hiệu lực về thời gian, không gian và đối tượng áp dụng.
Luật sư
Điều 6. Ngôn ngữ của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được thể hiện bằng tiếng Việt.
Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu; đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung thì phải được giải thích trong văn bản.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số. Việc dịch văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ra tiếng dân tộc thiểu số do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
3. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có thể được dịch ra tiếng nước ngoài. Việc dịch văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ra tiếng nước ngoài do Chính phủ quy định.
Điều 7. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
1. Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành phải được đánh số thứ tự cùng với năm ban hành và ký hiệu cho từng loại văn bản.
Việc đánh số thứ tự phải bắt đầu từ số 01 theo từng loại văn bản cùng với năm ban hành loại văn bản đó.
Ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được sắp xếp như sau: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản – tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản.
2. Tên viết tắt của loại văn bản và cơ quan ban hành văn bản được quy định như sau:
a) Nghị quyết viết tắt là NQ, quyết định viết tắt là QĐ, chỉ thị viết tắt là CT;
b) Hội đồng nhân dân viết tắt là HĐND, Uỷ ban nhân dân viết tắt là UBND.
Điều 8. Đăng Công báo, niêm yết, đưa tin, gửi và lưu trữ văn bản
1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) phải được đăng Công báo cấp tỉnh. Việc đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Văn bản đăng Công báo có giá trị như bản gốc.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý Công báo.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện), văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã) phải được niêm yết tại trụ sở của cơ quan ban hành và những địa điểm khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định.
3. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được gửi đến các cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp, các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan ở địa phương chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký ban hành. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ; văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội.
4. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 9. Giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
2. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
3. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; Hội đồng nhân dân giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan, tổ chức khác và nhân dân địa phương tham gia giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.
5. Việc giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân khi có vi phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật.