Quy định về lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm? Quy định về phân phối lợi nhuận với doanh nghiệp bảo hiểm?
Bảo hiểm có những vai trò to lớn và có các tác động trực tiếp tới sự phát triển của xã hội. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội như hiện nay, việc tham gia vào các loại bảo hiểm được cá nhân và doanh nghiệp hết sức quan tâm. Không chỉ giúp hạn chế rủi ro, vai trò của bảo hiểm còn là một khoản tiết kiệm có lời và phù hợp đối với mọi đối tượng. Pháp luật nước ta đã ban hành một số các quy định cụ thể về vấn đề này. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về lợi nhuận và phân phối lợi nhuận với doanh nghiệp bảo hiểm trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm:
1.1. Khái quát về doanh nghiệp bảo hiểm:
Doanh nghiệp bảo hiểm được hiểu là những doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm và các quy đinh khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm. Trong đó:
– Kinh doanh bảo hiểm được hiểu là hoạt động phát sinh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó thì doanh nghiệp sẽ chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm để trả tiền bảo hiểm cho người được thụ hưởng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trên cơ sở đóng phí bảo hiểm.
– Hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm được hiểu là hoạt động mà doanh nghiệp bảo hiểm nhận khoản phí của doanh nghiệp khác để nhằm bồi thường các trách nhiệm khi nhận bảo hiểm nhằm mục đích phát sinh lợi nhuận.
Khi các tổ chức kinh doanh bảo hiểm muốn được hoạt động trên thực tế thì sẽ cần phải được Bộ Tài chính cấp phép thành lập và hoạt động bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Việc cấp phép hoạt động đối với các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển bảo hiểm, thị trường tài chính tại Việt Nam.
1.2. Quy định về lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm:
Lợi nhuận được hiểu cơ bản là khoản chênh lệch giữa doanh thu của doanh nghiệp và chi phí mà doanh nghiệp đó sử dụng để đầu tư vào hoạt động sản xuất để đạt được mức doanh thu ấy. Lợi nhuận có thể được coi là kết quả tài chính cuối cùng của các hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp đó. Lợi nhuận cũng chính là cơ sở, là nền tảng để đánh giá hiệu quả kinh tế từ hoạt động của các doanh nghiệp.
Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo Điều 73
“Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Lợi nhuận thực hiện trong năm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm, lợi nhuận hoạt động tài chính và lợi nhuận hoạt động khác.”
Với bất cứ một loại hình doanh nghiệp nào, lợi nhuận vẫn luôn là mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp. Lợi nhuận cũng chính là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp, không thu được lợi nhuận thì không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp khi không có lợi nhuận sẽ phá sản, sẽ bị đào thải khỏi thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay. Nói chung, lợi nhuận chính là thứ quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm thì lợi nhuận được định nghĩa là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Trên thực tế, khoản lợi nhuận này của doanh nghiệp bảo hiểm đã tác động đến mọi mặt của doanh nghiệp. Lợi nhuận đã trực tiếp ảnh hưởng tới tình hình tài chính và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Chỉ khi có lợi nhuận, các doanh nghiệp bảo hiểm mới có thể thanh toán các khoản nợ cũng như thực hiện mô hình kinh doanh của mình.
Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm cũng là cơ sở đảo bảo cho việc tái sản xuất của mỗi doanh nghiệp. Khi hoạt động kinh doanh sinh ra lãi, doanh nghiệp sẽ có được một khoản lợi nhuận sau thuế chưa được phân phối. Và các doanh nghiệp thường sẽ dùng số tiền ấy để bổ sung vào nguồn vốn tái đầu tư, từ đó doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô hoạt động của mình.
Lợi nhuận ổn định cũng giúp doanh nghiệp bảo hiểm giữ vững được vị thế của mình trên thị trường và giúp việc vay vốn bên ngoài của họ trở nên dễ dàng hơn. Lợi nhuận cũng chính là chỉ tiêu để đánh giá năng lực quản lý và điều hành của người đứng đầu doanh nghiệp.
Lợi nhuận cao không chỉ mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà các chủ thể là người lao động cũng được hưởng thêm nhiều ưu đãi. Họ không chỉ có cơ hội nhận được mức lương cao hơn, tiền thưởng nhiều hơn mà còn cảm thấy vững tin đối với doanh nghiệp của mình và trở nên nỗ lực hơn, cố gắng hơn trong công việc.
Bên cạnh đó, lợi nhuận còn có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế chung của một quốc gia. Khi các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng đều làm ăn phát đạt, thu về lợi nhuận cao thì nghiễm nhiên nền kinh tế của đất nước sẽ ngày càng lớn mạnh. Ngoài ra, chỉ khi các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng thu được lợi nhuận thì Nhà nước mới có thể tiến hành thu thuế. Đó là sự đóng góp cần thiết để tạo nên ngân sách quốc gia để đất nước thực hiện các công việc của mình.
2. Quy định về phân phối lợi nhuận với doanh nghiệp bảo hiểm:
Theo Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể về vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với nội dung cụ thể như sau:
“1. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:
a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;
b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;
c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
2. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:
a) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;
b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;
c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
3. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.
4. Mức vốn pháp định của chi nhánh nước ngoài:
a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 200 tỷ đồng Việt Nam;
b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 250 tỷ đồng Việt Nam;
c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 300 tỷ đồng Việt Nam.
5. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp tái bảo hiểm:
a) Kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;
b) Kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam;
c) Kinh doanh cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.100 tỷ đồng Việt Nam.
6. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:
a) Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam;
b) Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam.”
Tại Điều 77
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Điều 96 của Luật này và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
3. Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm.”
Thuế thu nhập doanh nghiệp được hiểu như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp được hiểu là loại thuế trực thu được đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng nộp thuế.
Những dối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tạo ra thu nhập.
Theo Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010 có quy định về Quỹ dự trữ bảo hiểm với nội dung cụ thể như sau:
Các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sẽ có trách nhiệm phải lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vốn điều lệ và bảo đảm khả năng thanh toán. Quỹ dự trữ bắt buộc sẽ được trích hàng năm theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế. Mức tối đa của quỹ dự trữ bắt buộc sẽ do Chính phủ quy định.
Phân phối lợi nhuận theo Điều 75 Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi như sau:
Sau khi các doanh nghiệp đã đáp ứng các quy định về vốn, khả năng thanh toán, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định, trích lập quỹ dự trữ bắt buộc được nêu cụ thể bên trên thì các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được phân phối lợi nhuận còn lại theo quy định pháp luật.