Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp có liên quan với bệnh vảy nến. Viêm khớp vảy nến gây đau khớp và có thể dẫn đến hạn chế khả năng vận động. Người bệnh cần tập thể dục để tăng sức mạnh và khả năng linh hoạt. Tuy nhiên, nếu không hiểu biết, tập luyện có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Cùng bài viết này tìm hiểu nhé:
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về bệnh viêm khớp vảy nến:
1.1. Bệnh viêm khớp vảy nến là gì?
Viêm khớp vảy nến là một bệnh hay gặp ở những người mắc vảy nến. Đây là một loại viêm khớp mãn tính (diễn ra liên tục), có thể trở nên nặng hơn theo thời gian, gây ra đau đớn, cứng và sưng các khớp. Theo thống kê nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ viêm khớp vảy nến chiếm 10 – 30% bệnh nhân bị vảy nến, khoảng 40% bệnh nhân viêm khớp vẩy nến có tiền sử gia đình bị bệnh vảy nến hoặc viêm khớp, khoảng 80% trường hợp có viêm khớp xuất hiện sau tổn thương vảy nến và 15% những người bị bệnh vảy nến phát triển thành viêm khớp vảy nến. Chỉ có 10% trường hợp viêm khớp xuất hiện trước khi có tổn thương da.
Bệnh viêm khớp vảy nến có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường xuất hiện ở người từ 30 – 50 tuổi, tỉ lệ xảy ra ở nam và nữ là giống nhau. Viêm khớp vảy nến có thể phá huỷ khớp dẫn đến hạn chế vận động hoặc mất chức năng vận động. Hiện chưa có cách chữa trị căn bệnh này triệt để. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị và luyện tập, thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục, có thể giúp cải thiện các triệu chứng, nâng cao chất lượng sống.
1.2. Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến:
Viêm khớp vảy nến là căn bệnh tự miễn, cho tới nay vẫn chưa phát hiện rõ nguyên nhân, nghiên cứu cho thấy ba yếu tố có mối liên quan chặt chẽ với quá trình sinh bệnh là: Di truyền, miễn dịch và môi trường.
– Đối với yếu tố di truyền: Khoảng 40% bệnh nhân viêm khớp vẩy nến có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến hoặc viêm khớp. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ cao mắc bệnh này xảy ra ở các cặp song sinh (70%) và cận huyết thống. Điều này Có liên quan với kháng nguyên HLA B27, HLA B38, HLA B39, HLA DR4, HLA Cw6, HLA Dw3… . Trong khi đó, yếu tố Gen cũng đóng vai trò ảnh hưởng khi có một số người mang một loại gen HLA-B27, tuy nhiên, loại gen này cũng có thể tìm thấy ở những người không bị viêm khớp vảy nến.
– Miễn dịch: Hiện nay chưa thể khẳng định rõ tại sao hệ thống miễn dịch lại hoạt động sai chức năng, tấn công các mô khỏe trong cơ thể. Quá trình viêm khớp với sự tham gia của các tế bào miễn dịch (Lympho T) và Cytokin (TNF α), các yếu tố tăng trưởng, gia tăng hoạt động của bổ thể, thế bào đơn nhân, đại thực bào. Cùng với việc tân sinh mạch ở cả da, có sự gia tăng tốc độ chu chuyển da, dẫn đến sừng hóa da và móng.
- Môi trường: Tiếp xúc hóa chất, chất phóng xạ, nhiễm virus, vi khuẩn,… nhiễm trùng (Streptococcus, HIV…) và chấn thương hoặc tai nạn được coi là yếu tố thúc đẩy bệnh vảy nến và cả viêm khớp vảy nến, đặc biệt đối với người vốn có nguyn cơ mắc phải do Gen của họ.
1.3. Dấu hiệu nhận biết viêm khớp vảy nến:
Các nhà nghiên cứu cho rằng, khoảng 85% bệnh nhân viêm khớp vảy nến có biểu hiện của bệnh vẩy nến phát triển trước khi có các biểu hiện viêm khớp và phát triển kéo dài nhiều năm. Những biểu hiện của bệnh vảy nến và viêm khớp mạn tính phát triển riêng biệt trên bệnh nhân viêm khớp vẩy nến như sau:
– Biểu hiện tại khớp: có thể viêm khớp nhẹ hoặc rất nặng, biểu hiện ở người viêm khớp vảy nến hay gặp là sưng, đau, cứng khớp, không đối xứng một vài khớp, điển hình nhất là xảy ra ở khớp ngón tay. Ngoài ra, biểu hiện cơ xương khớp khác gặp như: Viêm gân bám, viêm gân gót, dấu hiệu ngón tay hay ngón chân khúc dồi.
– Một số ít có viêm nhiều khớp đối xứng hoặc chủ yếu là đau (tỷ lệ hể viêm khớp ngoại biên đối xứng là 25%), bị hạn chế vận động ở cột sống và khớp cùng chậu tùy theo thể lâm sàng (tỷ lệ thể viêm khớp cột sống và khớp cùng chậu là 10%). Ngón tay, ngón chân bị sưng toàn bộ một hoặc vài ngón (thường bị ở chân hơn là ở tay).
– Những vết tổn thương da điển hình bao gồm những chấm, vết hoặc mảng vảy nến (viêm đỏ, phủ nhiều lớp da mỏng dễ bong, tróc vảy, màu trắng đục như nến). Những vết tổn thương này có thể nhỏ (đường kính vài mm) hoặc có thể lan rộng thành mảng. Vị trí có thể gặp ở trên mặt trước của chân, tay, da đầu, ngoài ra còn tìm thấy tổn thương da ở dưới vú, kẽ mông hoặc trong rốn.
– Những thay đổi trên móng hay gặp như mất màu móng, dày móng, rỗ như kim châm hoặc bong móng. Biểu hiện loạn dưỡng móng này xảy ra trong khoảng 80% các trường hợp.
– Ngoài ra, một số biểu hiện ngoài khớp ít gặp như viêm kết mạc, viêm mống mắt, hở van động mạch chủ, loét miệng, loét niệu đạo… Bệnh viêm khớp vảy nến diễn tiến từng đợt, các dạng triệu chứng lâm sàng cũng không cố định mà có thể xuất hiện các thể khác nhau hay trùng lặp trong các đợt.
2. Lời khuyên cho người viêm khớp vảy nến:
Nếu bạn cảm thấy bị đau và viêm khớp thì việc đầu tiên nên làm là đến gặp và nhận sự tư vấn của bác sĩ từ sớm. Được chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt để cuộc điều trị có thể bắt đầu nhanh chóng. Điều trị từ sớm sẽ giúp bạn kiểm soát được việc viêm khớp và da, quản lý cơn đau hiệu quả hơn và giảm tối đa nguy cơ gây hại đến khớp.
Nếu quý vị bị chẩn đoán mắc viêm khớp vảy nến, bạn có thể được giới thiệu đến điều trị với một bác sĩ chuyên khoa điều trị các bệnh về khớp, cơ và xương (bác sĩ chuyên khoa thấp khớp) hoặc với một bác sĩ chuyên trị các bệnh về da chẳng hạn như vảy nến (bác sĩ da liễu)
Để có thể kiểm soát được bệnh, quản lý cơn đau, bạn có thể làm một số việc sau đây:
– Tìm hiểu thêm về tình trạng của mình, càng có nhiều hiểu biết về căn bệnh viêm khớp vảy nến này sẽ giúp bạn có thể đưa ra được những quyết định trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cũng như phục hồi, chủ động kiểm soát bệnh.
– Tập thể dục: những bài tập vận động phù hợp sẽ giúp bạn duy trì sức mạnh cơ bắp và tính mềm dẻo của khớp, tăng cường sức chịu đựng và giúp quản lý, kiềm chế cơn đau của mình. Hãy gặp một chuyên viên vật lý trị liệu hoặc chuyên gia sinh lý trị liệu bằng thể dục để có lời khuyên cụ thể về chương trình tập thể dục phù hợp với nhu cầu của bạn.
– Hãy thử các kỹ thuật thư giãn: thư giãn cơ bắp, phân tâm, hình ảnh hướng dẫn và những kỹ thuật khác có thể giúp bạn quản lý cơn đau và những cảm xúc khó khăn như lo âu và có thể giúp quý vị ngủ được. Áp dụng một số liệu pháp bổ sung như massage hoặc thiền có thể hữu ích đối với tình trạng của bạn.
– Sử dụng dụng cụ trợ giúp và những thiết bị khác: nếu cảm thấy vận động khó khăn, bạn có thể sử dụng một số dụng cụ trợ giúp như dụng cụ hỗ trợ đi lại, dụng cụ nấu ăn chuyên dụng, thiết bị vi tính công thái học và đế xỏ giày cán dài có thể giảm đau và mệt mỏi.
– Nghỉ ngơi nhiều hơn: có thể giúp quý vị quản lý mệt mỏi và đặc biệt quan trọng khi khớp bị sưng.
– Chế độ ăn uống đủ chất: mặc dù người mắc bệnh này không cần tuân chủ chế độ ăn uống đặc biệt nào, nhưng điều quan trọng là có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng để duy trì sức khỏe tổng quát và chống tăng cân và những bệnh khác, chẳng hạn như tiểu đường và bệnh
tim.
– Phòng ngừa bệnh về tim mạch: nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh viêm khớp vảy nến có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn. Vì vậy hãy từ bỏ việc hút thuốc, uống rượu bia, có chế độ ăn uống lành mạnh.
– Phẫu thuật khớp: Những người mắc bệnh viém khớp vảy nến hiếm khi cần phẫu thuật. Tuy nhiên việc phẫu thuật có thể cần thiết và được thực hiện kịp thời nếu khớp quá đau hoặc có nguy cơ mất chức năng của khớp, hoặc nếu gân bị tổn thương và cần được chữa trị.
3. Một số bài tập luyện thể chất tốt cho người viêm khớp vảy nến:
Dưới đây là một số hình thức tập luyện thể chất tốt cho người có các triệu chứng liên quan đến viêm khớp vảy nến.
– Thái cực quyền:
Thái cực quyền là một hình thức tập luyện thể chất nhẹ nhàng, rất phù hợp với người mắc viêm khớp vảy nến và bệnh về khớp nói chung. Bộ môn này tập trung vào hơi thở, chuyển động nhẹ nhàng và thiền định. Những động tác nhẹ nhàng, tập vừa phải giúp cho sức khỏe cải thiện sức bền, các khớp được linh hoạt hơn, giảm đau và cứng khớp đồng thời cải thiện phạm vi chuyển động.
Ypga cũng là một hình thức tập luyện thể chất khá nhẹ nhàng, giúp cơ thể được kéo giãn, dẻo dai, cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt từ đó giúp người bị viêm khớp vảy nến giảm đau và cứng khớp. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tập yoga giúp tăng ngưỡng đau, những người thường xuyên tập yoga có khả năng chịu đau cao gấp đôi so với những người không tập yoga.
– Đi bộ:
Đi bộ phổ biễn và dễ dàng thực hiện nhất, đây là một hoạt động thể chất có tác động thấp giúp ích cho những người bị viêm khớp vảy nến. Đi bộ có thể giúp vải thiện khả năng vận động của khớp, tăng cường sức mạnh và đồng thời giúp tập luyện tim mạch một cách nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm khớp vảy nến có ảnh hưởng đến đầu gối, bàn chân hoặc mắt cá chân, việc đi bộ nhiều có thể gây căng thẳng cho các khớp, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc chèn giày bằng miếng lót chuyên dụng hoặc các dụng cụ hỗ trợ đi bộ khác để giảm căng thẳng cho các khớp bị ảnh hưởng.
– Bơi lội:
Bơi lội là hình thức vận động dưới nước kết hợp với áp lực nước giúp rèn luyện sức khỏe toàn thân. Bơi lội có thể cải thiện độ cứng khớp và làm thư giãn các cơ, tác động nước lên các khớp giúp người bệnh có thể tập luyện mà không gây căng thẳng cho các khớp. Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập thủy sinh như bơi, đi bộ dưới nước, tập aerobic dưới nước đều có tác dụng tốt với bệnh viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên nước hồ bơi có thể tác động xấu tới da, người viêm khớp vảy nến nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các bước chăm sóc da trước, trong và sau khi bơi lội.
– Đạp xe:
Đạp xe được coi là hoạt động ít tác động tới vùng khớp, ít gây căng thẳng và giảm nguy cơ chấn thương hoặc ảnh hưởng quá nhiều tới một cơ hay khớp cụ thể. Đạp xe mang lại nhiều lợi ích cho những người tập thể dục và cũng là lựa chọn tốt với người mắc bệnh viêm khớp vảy nến. Người tập luyện nên luân phiên thay đổi việc đạp xe và các bài tập aerobic ít tác động lên khớp khác như đi bộ và bơi lội.
– Bài tập nên tránh:
Người mắc bệnh viêm khớp vảy nến cần lưu ý một số bài tập có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm khớp vảy nến. Ví dụ, các bài tập như chạy, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, cầu lông … với cường độ cao. Nên ngừng thực hiện bất kỳ bài tập này để không khiến các triệu chứng bệnh viêm khớp vảy nến trở nên trầm trọng hơn và nên tham khảo ý kiến của huấn luyện viên (nếu bạn tập tại phòng tập) hoặc bác sĩ trị liệu.