Vi phạm quy định giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến trong hoạt động giao thông đường bộ hiện nay. Trong đó lỗi không bật đèn xi nhan khi chuyển làn là hành vi vi phạm khá phổ biến do thói quen cũng như sơ xuất của người tham gia gia thông. Vậy khi bị xử phạt vi phạm lỗi không bật đèn xi nhan thì có bị tước giấy phép lái xe không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Khi nào người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải bật đèn xi nhan?
- 1.1 1.1. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi sử dụng làn đường:
- 1.2 1.2. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi muốn vượt xe:
- 1.3 1.3. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi muốn chuyển hướng di chuyển của xe:
- 1.4 1.4. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi muốn lùi xe:
- 1.5 1.5. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi muốn dừng xe hay đỗ xe trên đường bộ:
- 2 2. Lỗi không bật đèn xi nhan có bị tước giấy phép lái xe không?
- 2.1 2.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
- 2.2 2.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
- 2.3 2.3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
1. Khi nào người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải bật đèn xi nhan?
Căn cứ theo các quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì khi tham gia giao thông đường bộ, xe máy, xe ô tô và những loại xe tương tự phải bật đèn xi nhan trong các trường hợp sau:
1.1. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi sử dụng làn đường:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì khi điều khiển xe lưu thông trên đường có nhiều làn đường cho các xe đi cùng chiều thì người lái xe phải điều khiển cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn ở những nơi cho phép theo quy định của biển chỉ dẫn. Theo đó, để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác thì khi chuyển làn đường, người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan để thông báo tín hiệu chuyển làn.
1.2. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi muốn vượt xe:
Theo quy định tại Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì quy tắc xi nhan trong trường hợp này được quy định như sau:
– Người điều khiển phương tiện giao thông chỉ được bật xi nhan để vượt xe khi không có chướng ngại vật phía trước;
– Trong đoạn đường định vượt không có xe đi ngược chiều;
– Quan sát thấy xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và tránh về bên phải;
– Nguyên tắc xi nhan vượt xe là vượt về phía bên trái, trừ các trường hợp được vượt phải sau:
+ Xe phía trước mình đang rẽ trái hoặc ra tín hiệu rẽ trái;
+ Xe ưu tiên làm nhiệm vụ.
1.3. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi muốn chuyển hướng di chuyển của xe:
Trường hợp này được áp dụng theo quy định tại Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo quy định này thì người điều khiển xe tham gia giao thông muốn chuyển hướng phải giảm tốc độ và bật xi nhan thông báo tín hiệu theo hướng rẽ.
1.4. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi muốn lùi xe:
Theo quy định tại Điều 16 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì khi người điều khiển phương tiện giao thông muốn lùi xe khi đang điều khiển xe chạy thẳng trên tuyến đường thì phải quan sát phía sau (có thể quan sát thông qua gương chiếu hậu, camera sau) và bật xi nhan tín hiệu lùi xe. Lưu ý, chỉ khi xét thấy không có nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác thì mới được thực hiện lùi xe.
1.5. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi nhan khi muốn dừng xe hay đỗ xe trên đường bộ:
Căn cứ theo quy định Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì khi muốn dừng xe hay đỗ xe trên đường thì xe phải bật xi nhan để ra tín hiệu cho các phương tiện tham gia giao thông khác biết.
2. Lỗi không bật đèn xi nhan có bị tước giấy phép lái xe không?
Trong những trường hợp mà pháp luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải bật đèn tín hiệu xi nhan đã phân tích ở mục 1 của bài viết này mà người tham gia giao thông không thực hiện theo đúng quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền:
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dừng xe thực hiện hành vi chuyển làn đường mà không có tín hiệu báo trước, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện các hành vi vi phạm sau đây:
+ Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ;
+ Lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
– Phạt tiền từ 4.00.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc;
Thứ hai, áp dụng hình phạt bổ sung: Bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền thì người điều khiển xe ô tô và các phương tiện khác tương tự xe ô tô còn bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Theo quy định này thì người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
2.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi vi phạm được quy định như sau:
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy điều khiển phương tiện giao thông và thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
+ Lùi xe mô tô ba bánh không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;
+Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy điều khiển phương tiện giao thông và thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
+ Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên nhưng vẫn sử dụng;
+ Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ.
Bên cạnh đó, khi phạm lỗi không bật đèn xi nhan thì người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Trong trường hợp gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng theo quy định tại điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định này.
2.3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi không bật xi nhan sẽ bị xử phạt với mức xử phạt cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
+ Lùi xe không có tín hiệu báo trước;
+ Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
+ Không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc;
+ Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm bằng tiền thì người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
Như vậy lỗi không xi nhan khi bị phát hiện ngoài bị phạt tiền thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng. Bên cạnh đó, nếu không bật xi nhan mà gây tai nạn giao thông tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Nghị định số 123/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.