Tham nhũng luôn là một vấn nạn ở bất kì một quốc gia nào trên thế giới. Tham nhũng gây ra những thiệt hại nặng nề đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp,... Trong nhóm tội phạm tham nhũng, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng.
Mục lục bài viết
- 1 1. Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là gì?
- 2 2. Dấu hiệu phạm tội của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ:
- 3 3. Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong Bộ Luật Hình sự:
- 4 4. Khung hình phạt tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
1. Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là gì?
– Lợi dụng được hiểu là dùng thủ đoạn hoặc dựa vào điều kiện thuận lợi để đoạt lấy lợi ích cho mình mà lợi ích này là lợi ích không chính đáng.
– Chức vụ là sự đảm nhiệm một vai trò, địa vị nào đó trong một tổ chức một tập thể
– Quyền hạn được hiểu là quyền lực pháp lý của nhà nước được trao cho các cá nhân, tổ chức trong giới hạn nhất định.
– Công vụ được hiểu là công việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của người có chức vụ, quyền hạn do cơ quan, tổ chức của người đó phân công theo đúng quy định của pháp luật
Từ những khái niệm trên, có thể hiểu lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công việc là hành vi làm trái nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được một lợi ích nhất định
Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tiếng Anh là “Abuse of power or position in performance of official duties”
2. Dấu hiệu phạm tội của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ:
Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ được coi phạm tội khi thỏa mãn tất cả các dấu hiệu tội phạm dưới đây:
– Là hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, khi hành vi này gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín và lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.
– Chủ thể của hành vi là người có năng lực trách nhiệm hình sự: đã đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình, không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự.
– Lỗi của người phạm tội này là lỗi cố ý trực tiếp, họ nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra
– Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định trong BLHS. Khi được quy định tại Điều 356 BLHS 2015 và hành vi thỏa mãn theo mô tả của điều này được coi là hành vi phạm tội.
– Tính chịu hình phạt: tại Điều 356 quy định về các hình phạt chính và hình phạt bổ sung của tội này.
Từ đó, có thể hiểu: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ là lợi dụng chức vụ quyền hạn trái với công vụ gây ra thiệt hại cho lợi ích nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
3. Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong Bộ Luật Hình sự:
3.1. Về Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn:
“Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
3.2. Khách thể của tội phạm:
Khách thể mà tội này xâm phạm là hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước. Cụ thể, hành vi phạm tội của tội này đã xâm phạm đến tính đúng đặn trong công tác quản lý nhà nước , khiến cho uy tín, hình ảnh của các cơ quan, tổ chức này bị giảm sút, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền, gây thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vì còn gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, cho quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Đối tương tác động của tội lợi dung chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chính là hoạt động thực hiện công vu, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn
3.3. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự: đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn theo tội lợi dụng chức vụ , quyền hạn trong khi thi hành công vụ được hiểu là:
– Người được giao thực hiện công vị nhất định
– Người có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ được giao.
Ngoài ra, người không có chức vụ, quyền hạn có thể phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với vai trò người tổ chức, người xui giục hoặc người giúp sức
3.4. Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi lợi dụng chức cụ, quyền hạn làm trái công vụ, đó là hành vi làm trái công vụ bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Làm trái công vụ là làm trái với chức năng, nhiệm vụ được giao, vi phạm nguyên tắc, hình thức hoạt động của cơ quan, tổ chức. Hành vi làm trái công vụ có thể là không làm một việc nhất định, làm không đầy đủ về nội dung, tính cất công việc mà nhiệm vụ yêu cầu, làm ngược lại với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc mục đích công tác của cơ quan, tổ chức.
Hậu quả của tội phạm này đó chính là gây thiệu hại về tài sản dưới 10.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác về lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, với trường hợp người lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng chưa gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại về tài sản dưới 10.000.000 đồng và chưa gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Thiệt hại về phi vật chất có thể biểu hiện ở thiệt hại về an ninh chính trị, tư tưởng, mất lòng tin của nhân dân và chính quyền, cơ quan, tổ chức.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội đó chính là người phạm tội người đã thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, và hành vi đó dẫn đến thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3.5. Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của tội lợi dung chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ là lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Động cơ của tội phạm này là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Đông cơ cá nhân khác có thể là những động cơ về lợi ích tinh thần, phi vật chất như địa vị, quyền lực, uy tín cá nhân, vì thành tích, vì thù hằn cá nhân,…
4. Khung hình phạt tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
– Khung hình phạt cơ bản đó là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
– Khung hình phạt tăng nặng đó là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với hành vi phạm tội:
+ Có tổ chức: đó là trường hợp có từ hai người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm, có sự bàn bạc trước về kế hoạch thực hiện tội phạm, có sự cấu kết chặt chẽ và sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Với tội lợi dụng chức cụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, người có chức vụ quyền hạn, nhất thiết phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm, trường hợp có đồng phạm, thì họ là người thực hành, còn những người không có chức vụ, quyền hạn có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức.
+ Phạm tội từ 02 lần trở lên. Ở đây, mỗi lần đều có đủ yếu tổ cấu thành tội phạm nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp trong các lần phạm tội chỉ có 01 lần phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ khi thi hành công vụ, các lần khác là vi phạm kỉ luật hoặc đã vị xét xử hoặc đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự thì không thuộc trường hợp phạm tội 02 lần trở lên.
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng
– Khung hình phạt tăng nặng khi gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên đó là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
– Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;