Các công ty, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, để làm tăng khả năng nhận diện thương hiệu hoặc muốn thu hút được khách hàng đều sử dụng logo như một công cụ hữu ích. Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Logo đã thông báo và logo đã đăng ký với bộ công thương là gì?
Mục lục bài viết
1. Logo đã thông báo với bộ công thương:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ta có thể hiểu rằng logo đã thông báo với Bộ Công thương là logo xác nhận thương nhân, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bán hàng đã hoàn thành trách nhiệm thông báo với Bộ Công thương.
Cụ thể là căn cứ Nghị định 85/2021/NĐ-CP về Thương mại điện tử thì có thể xác định được rằng chủ sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có trách nhiệm thông báo với Bộ Công thương về việc thiết lập website. Chủ thể có trách nhiệm là chủ sở hữu website thương mại điện tử bán hàng không nhất thiết là pháp nhân.
Thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng được thực hiện theo hình thức thông báo trực tuyến với Bộ Công thương trước khi chính thức bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đến người dung. Theo đó nội dung thông báo phải bao gồm các thông tin như là:Tên miền của website thương mại điện tử; Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website; Tên đăng ký của thương nhận, tổ chức hoặc của cá nhân sở hữu website; Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức …
Để tạo logo đã thông báo Bộ Công Thương thì có thể thực hiện theo trình tự sau:
– Thương nhân; tổ chức đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương.
– Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày điền đầy đủ thông tin khách hàng sẽ nhận được thông báo xác nhận đăng ký của Bộ Công thương.
– Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống; cá nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập; chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký theo quy định.
– Trong khoảng thời gian 07 ngày làm việc; Bộ công thương sẽ gửi thông tin phản hồi thông qua địa chỉ hòm thư điện tử đã đăng ký với nội dung
– Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ giấy hợp lệ; xác nhận hoàn tất quá trình đăng ký logo với Bộ công thương.
2. Logo đã đăng ký với Bộ Công thương:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Logo đã đăng ký với Bộ Công thương là logo xác nhận chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với Bộ Công thương. Cụ thể là theo nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử thì xác định được rằng thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử do mình thiết lập với Bộ Công thương. Theo đó, đã đăng ký thiết lập và được Bộ Công thương xác nhận đăng ký là một trong những điều kiện mà thương nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thiết lập website thương mại điện tử nhằm mục đích quản lý nhà nước.
Để đăng ký logo với Bộ Công Thương thì thực hiện theo trình tự như sau:
Sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.
Thương nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký bao gồm các giấy tờ, tài liệu như sau:
– Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
– Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Đề án cung cấp dịch vụ;
– Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
– Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung;
Sau đó thương nhân; tổ chức đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương.
Khi có bất kỳ sửa đổi bổ sung một trong các thông tin đăng ký trên, thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thông báo về sửa đổi, bổ sung đó với Bộ Công thương.
3. Ý nghĩa của việc thông báo và đăng ký logo với bộ công thương:
Cụm từ “ Đã thông báo với Bộ Công Thương” được dùng cho những website dạng xúc tiến thương mại, tự quảng cáo hay bán hàng hóa của chính doanh nghiệp mình chứ không phải là nơi dành cho tất cả mọi người bán hàng khác, nó được thể hiện dưới dạng là có con dấu màu xanh “Đã thông báo với Bộ Công Thương”
Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến xử lý thông báo website thương mại điện tử bán hàng và quy trình thực hiện thông báo với việc tiếp nhận, và các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, tổ chức, cá nhân sẽ xác nhận thông báo. Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức, cá nhân qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng, thể hiện thành biểu tượng đã thông báo, người sử dụng được dẫn về phần thông tin thông báo tương ứng của thương nhân, tổ chức, cá nhân tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không phải website nào cũng cần thông báo với Bộ Công Thương. Những website nào cần phải đăng ký với Bộ Công Thương gồm:
Một là, các sàn giao dịch thương mại điện tử, một trong những website cho phép tất cả các doanh nghiệp, công ty, cá nhân hay tổ chức nào đó có thể thực hiện các quy trình trên website nhưng đây là sàn giao dịch thương mại điện tử không bao gồm cả sàn giao dịch chứng khoán như là mua bán sản phẩm, thông báo dịch vụ, quảng cáo thương hiệu,….
Hai là, Các website khuyến mại, là một trong những website đã được thiết lập để có thể thực hiện được các dịch vụ khuyến mại của doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân nào đó. Đây là website cũng cần phải đăng ký với Bộ Công Thương để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Khi đã xác định được các website cần phải đăng ký với Bộ Công Thương thì ta cũng cần xác định được ý nghĩa của việc các website cần phải đăng ký với Bộ Công Thương. Theo tìm hiểu thì ta có thể thấy rằng việc các website cần phải đăng ký với Bộ Công Thương có ý nghĩa rất to lớn, bởi lẽ:
Thứ nhất, việc đăng ký với Bộ Công Thương là một trong những vấn đề cực kỳ cần thiết và quan trọng bởi nó sẽ giúp website đó hoạt động một cách minh bạch. Bên cạnh đó ta có thể dễ dàng nhận ra được rằng khi đăng ký với Bộ Công Thương sẽ cho thấy website đó đã tuân thủ đúng pháp luật cũng như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ Công Thương đưa ra cho sàn thương mại điện tử, tạo nên uy tín cho khách hàng hơn.
Thứ hai, một website được đăng ký với Bộ Công Thương sẽ giúp website đó tạo lòng tin đối với các khách hàng trên toàn quốc. Từ đó, website của bạn sẽ có tiềm năng truy cập cực kỳ lớn bởi tính xác thực của thông tin đã được cơ quan thẩm quyền chứng nhận và tất nhiên từ đó bạn không chỉ phát triển website trong nước mà cả ra quốc tế, đó là điều mà tất cả chúng ta đều muốn hướng tới, không chỉ là lợi nhuận mà còn là thương hiệu, vị trí. Các thông tin của công ty đã được xác thực, tránh trường hợp là các công ty ma hoặc địa chỉ không đúng bởi Bộ Công Thương, đồng thời giúp bạn tạo dựng lòng tin đối với những khách hàng tiềm năng khi họ truy cập vào Website của bạn.
Thứ ba, khi các trang web đăng ký với Bộ Công Thương sẽ phải nộp đầy đủ các loại giấy phép kinh doanh với thông tin đảm bảo chính xác do đó, việc đăng ký website với Bộ Công Thương sẽ khiến cho các khách hàng của website đó không lo lắng khi gặp phải các công ty lừa đảo, địa chỉ ảo. Hơn thế nữa Việc yêu cầu các thông tin bạn cung cấp trên Website là chính xác, không vi phạm sở hữu trí tuệ, hay các mặt hàng bị cấm kinh doanh khiến bạn trở nên có uy tín, hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Như vậy, từ những lập luận và phân tích cùng những căn cứ pháp lý đã nêu ra ở trên thì có thể thấy được rằng logo đã thông báo với Bộ công thương hay logo đã đăng ký với Bộ công thương đều là logo xác nhận thương nhân, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bán hàng. Tuy nhiên, logo đăng ký với Bộ công thương sẽ có thủ tục đăng ký đòi hỏi sự phức tạp và yêu cầu cao hơn so với thủ tục thông báo logo Bộ công thương của website thương mại điện tử bán hàng. Do vậy, cũng có thể hiểu tại sao luật quy định chủ thể có quyền và nghĩa vụ thực hiện thủ tục này không bao gồm cá nhân, nhằm mục đích quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại.