Loại hình công ty TNHH: Cách thức tổ chức, ưu và nhược điểm. Đặc điểm của công ty TNHH so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Hiện nay, có rất nhiều công ty được hình thành với nhiều loại hình khác nhau. Trong đó, chủ yếu các chủ công ty lựa chọn công ty TNHH. Đây là loại hình khá linh hoạt và gần gũi với mọi người, người đứng ra thành lập công ty TNHH có thể là cá nhân, tổ chức, số lượng thành viên cũng không yêu cầu nhiều. Không chỉ dừng ở đây, loại hình công ty TNHH còn có nhiều ưu điểm khác trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được thành lập và tồn tại một cách độc lập với chủ thể sở hữu nó vì thế công ty TNHH có những mặt ưu điểm và hạn chế sau:
– Ưu điểm của công ty TNHH:
- Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ vì thế phù hợp với phương thức kinh doanh tại Việt Nam
- Công ty TNHH có tư cách pháp nhân nên thành viên trong công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn họ góp vào công ty. Điều này hạn chế tối đa rủi ro cho người góp vốn trong quá trình kinh doanh.
- Số lượng thành viên không nhiều (tối đa 50 người) vì thế việc quản lý cũng dễ dàng hơn, những người này thường là người quen biết nhau nên mức độ tin tưởng nhau cao hơn. Đồng thời sự phối hợp trong quá trình giải quyết công việc sẽ nhanh hơn, không quá phức tạp.
- Quy định về chuyển nhượng vốn chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được mọi phát sinh trong quá trình hoạt động, thay đổi nhân sự.
– Hạn chế của công ty TNHH:
- Công ty TNHH thường có uy tín không được cao do mức độ lan truyền không nhiều, việc kí kết hợp đồng cũng gặp khó khăn
- Công ty TNHH chịu sự điều chỉnh của pháp luật chặt chẽ hơn doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh nên độ linh hoạt không cao
- Công ty TNHH không được phát hành cổ phiếu nên việc huy động vốn bị hạn chế
Theo quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty TNHH tồn tại dưới hai loại hình: Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
1. Công ty TNHH một thành viên:
Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Trường hợp 1: Công ty TNHH một thành viên là cá nhân sở hữu.
- Công ty có cá nhân sở hữu thì có chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc.
- Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm chức danh giám đốc ,tổng giám đốc hoặc có thể thuê người làm thay.
- Quyền, nghĩa vụ của giám đốc hoặc tổng giám đốc được quy định theo điều lệ công ty,
hợp đồng lao động mà giám đốc ký với chủ tịch công ty.
– Chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên là cá nhân có các quyền sau:
- Quyết định các vấn đề liên quan đến điều lệ công ty.
- Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.
- Quyết định tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác.
- Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty.
- Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty.
- Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản.
- Quyền khác theo quy định của luật này và điều lệ công ty.
Trường hợp 2: Công ty TNHH một thành viên là tổ chức.
Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
– Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
– Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
- Nếu điều lệ công ty không quy định thì chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty là người đai diện theo pháp luật của công ty.
- Nếu điều lệ công ty không quy định khác thì chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc và kiểm soát viên hiện theo quy định của Luật này.
Chủ sở hữu công ty ủy quyền cho ít nhất hai người làm đại diện thì mô hình tổ chức quản lý công ty bao gồm:
– Hội đồng thành viên (Chủ tịch Hội đồng thành viên).
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
– Kiểm soát viên.
Trong đó:
- Hội đồng thành viên bao gồm tất cả những người đại diện theo ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Chủ tịch Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty chỉ định và hoạt động theo điều lệ công ty.
- Giám đốc (Tổng giám đốc) do hội đồng thành viên thuê hoặc bổ nhiệm không quá 5 năm, thực hiện hoạt động điều hành kinh doanh của công ty.
- Kiểm soát viên do chủ sở hữu bổ nhiệm 1 – 3 kiểm soát viên, nhiệm kỳ không quá 3 năm. Kiểm soát viên thực hiện chức năng giám sát hoạt động điều hành kinh doanh của hội đồng thành viên, giám đốc (Tổng giám đốc)
Chủ sở hữu công ty ủy quyền cho một người làm đại diện thì mô hình tổ chức quản lý công ty bao gồm:
– Chủ tịch công ty.
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
– Kiểm soát viên.
Trong đó:
- Người đại diện theo ủy quyền sẽ giữ chức danh chủ tịch công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty. Quyền và nghĩa vụ đó thực hiện theo điều lệ công ty và pháp luật có liên quan.
- Giám đốc (Tổng giám đốc) do chủ tịch công ty thuê hoặc bổ nhiệm, nhiệm kỳ không quá 5 năm. Quyền hạn và nhiệm vụ của giám đốc (Tổng giám đốc) được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
- Kiểm soát viên do chủ tịch công ty bổ nhiệm (1 – 3 người), nhiệm kỳ không quá 3 năm. Kiểm soát viên thực hiện chức năng giám sát hoạt động điều hành kinh doanh của chủ tịch công ty, giám đốc (Tổng giám đốc)
– Chủ sở hữu công ty là tổ chức sẽ thực hiện các quyền sau:
- Quyết định nội dung điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
- Quyết định chiến lược phát triển và
kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty. - Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty.
- Quyết định dự án đầu tư phát triển.
- Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ.
- Thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong
báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. - Quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
- Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác.
- Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác.
- Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty.
- Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty.
- Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty.
- Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản.
- Quyền khác theo quy định của luật này và điều lệ công ty.
– Ưu điểm của công ty TNHH một thành viên:
- Công ty TNHH 1 thành viên chỉ có duy nhất một chủ sở hữu, nên chủ sở hữu công ty có quyền quyết định toàn bộ trong quản lý và điều hành công ty, cơ cấu tổ chức đơn giản.
- Chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty dẫn đến rủi ro cho chủ sở hữu ít hơn Doanh nghiệp tư nhân.
- Có thể chuyển nhượng vốn sang cho các cá nhân hoặc tổ chức nên có khả năng huy động vốn.
– Nhược điểm của loại hình công ty TNHH 1 thành viên
- Vì chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong quá trình kinh doanh trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty nên có ít sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết, hợp tác.
- Khi huy động vốn bằng cách chuyển nhượng vốn sang cho cá nhân hoặc tổ chức khác thì phải làm hồ sơ chuyển đổi loại hình công ty từ 01 thành viên lên Công ty TNHH từ 02 thành viên hoặc Công ty Cổ phần.
- Không được phát hành cổ phiếu cũng như giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán vì thể khả năng huy động vốn không cao
2. Công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Công ty TNHH hai thành viên trở lên là công ty có số lượng thành viên trong công ty từ 02 thành viên trở lên và tối đa không được quá 50 thành viên. Thành viên trong công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức
- Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên có hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, tổng giám đốc.
- Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải có ban kiểm soát, nếu ít hơn 11 thành viên có thể thành lập ban kiểm soát phù hợp với mô hình công ty.
- Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn điều kiện do điều lệ công ty quy định.
- Chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, tổng giám đốc là người đại diện pháp luật theo quy định.
- Người đại diện pháp luật phải thường trú tại Việt Nam nếu vắng mặt quá 30 ngày phải ủy quyền cho người khác.
Công ty TNHH được tổ chức và hoạt động theo các mô hình sau:
– Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty).
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
– Ban Kiểm soát (chỉ bắt buộc đối với công ty từ 11 thành viên trở lên).
Trong đó:
- Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên, là cơ quan có quyết định cao nhất trong công ty. Hội đồng thành viên hoạt động không thường xuyên, thực hiện chức năng thông qua cuộc họp và ra quyết định các vấn đề quan trọng của công ty, trên cơ sở biểu quyết của các thành viên tại cuộc họp.
- Chủ tịch Hội đồng thành viên do hội đồng thành viên bầu, có thể kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc. Chủ tịch hội đồng thành viên thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
- Ban Kiểm soát hoạt động theo điều lệ công ty
– Ưu điểm của loại hình TNHH 2 thành viên trở lên
- Ít rủi ro cho thành viên trong công ty khi hoạt động vì thành viên chỉ chịu trách nhiệm khi có phát sinh trong phạm vi số vốn góp vào công ty
- Có thể chuyển nhượng vốn, bán lại phần vốn góp cho các cá nhân, tổ chức khác cho nên loại hình này có khả năng huy động vốn cao.
– Nhược điểm
- Vì thành viên chỉ chịu trách nhiệm đối với quá trình kinh doanh trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty nên có ít sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết.
- Không được phát hành cổ phiếu cũng như giao dịch trên sàn chứng khoán nên khả năng huy động vốn bị hạn chế