Liệt kê được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày, từ văn nói đến văn viết. Nhưng nhiều em học sinh chưa hiểu phép liệt kê là gì? Dấu hiệu của phép liệt kê như thế nào? Phép liệt kê có tác dụng gì? Sử dụng phép liệt kê có điều lưu ý nào không?
Mục lục bài viết
1. Liệt kê là gì?
Liệt kê là sắp xếp các từ, cụm từ có cùng từ loại để diễn tả một hành động, sự vật, sự việc,..với mục đích nhằm diễn tả các khía cạnh hoặc tư tưởng, tình cảm được đầy đủ, rõ ràng, chi tiết hơn đối với người đọc, người nghe.
Đây là biện pháp tu từ, sử dụng để làm tăng hiệu quả biểu đạt, diễn đạt, không phải dài dòng, rườm rà, lặp đi lặp lại trong cách nói và cách viết.
Ví dụ: Trong vườn nhà em trồng rất nhiều loại hoa như: hoa cúc, hoa hồng, hoa lan, hoa cẩm chướng,..
Phép liệt kê: liệt kê các loại hoa trong vườn là hoa cúc, hoa hồng, hoa lan, hoa cẩm chướng.
Chương trình giáo dục cấp hai, các bạn học sinh sẽ phải học nhiều môn mới lạ như hóa học, sinh học, tin học, ….Những kiến thức cấp 2 này rất quan trọng, là nền tảng để học sinh tiếp thu kiến thức ở chương trình cao hơn.
Xem thêm: Biện pháp tu từ là gì? Tác dụng của các biện pháp tu từ?
2. Dấu hiệu nhận biết của phép liệt kê:
Phép liệt kê được thấy trong nhiều văn bản, thơ. Dấu hiệu nhận biết là có nhiều từ hay cụm từ giống nhau, liên tiếp nhau, cách nhau bằng dấu phẩy(,) hoặc chấm phẩy(;).
3. Các kiểu liệt kê:
– Xét theo cấu tạo chia làm 2 loại:
+ Kiểu liệt kê theo từng cặp.
+ Kiểu liệt kê không theo từng cặp.
– Xét theo ý nghĩa, chia làm 2 loại:
+ Kiểu liệt kê tăng tiến.
+ Kiểu liệt kê không tăng tiến.
3.1. Kiểu liệt kê theo từng cặp:
Mỗi cặp từ được liên kết với nhau bởi những từ: và, với, cùng,..những cặp từ này thì thường có vài điểm chung để phân biệt với các từ khác.
Ví dụ: Phòng khách nhà Minh có rất nhiều loại ghế như ghế nhựa với ghế gỗ, ghế sofa và ghế dài, ghế xoay với ghế đẩu.
3.2. Liệt kê không theo từng cặp:
Điều kiện của kiểu liệt kê này là cùng mô tả một điểm chung nào đó như sự vật, con người, thiên nhiên,.. đều được, giữa các từ được cách nhau bởi dấu phẩy , dấu chấm phẩy.
Ví dụ: Phòng khách nhà Minh có rất nhiều loại ghế như ghế nhựa, ghế gỗ, ghế sofa, ghế dài, ghế xoay, ghế đẩu.
3.3. Liệt kê tăng tiến:
Liệt kê tăng tiến là kiểu liệt kê theo một trình tự nhất định. Ta sẽ liệt kê từ thấp tới cao, từ nhỏ tới lớn.
Ví dụ: Trong lớp Thảo có Thảo là thấp nhất lớp, tiếp đến là bạn Linh và cao nhất là bạn Minh.
3.4. Liệt kê không tăng tiến:
Khác với liệt kê tăng tiến, liệt kê không tăng tiến không cần sắp xếp theo trình tự nhất định, không quan trọng vị trí các từ cần liệt kê mà người đọc vẫn hiểu ý nghĩa của toàn bộ câu.
Ví dụ: Nhà Thảo có 5 thành viên bao gồm: bố mẹ Thảo, em Thảo, bà Thảo và Thảo.
4. Tác dụng của phép liệt kê:
Phép liệt kê có tác dụng dùng để diễn đạt hiệu quả, ngắn gọn và dễ hiểu hơn. Làm rõ được khía cạnh và nhấn mạnh được ý của tác giả. Nó còn giúp chứng minh, giải thích cho một nhận định nào đó của người viết. Ngoài ra, giúp cho đoạn văn, đoạn thơ tăng thêm tính biểu cảm.
Ví dụ: Ở trên các tỉnh thành của Việt Nam chúng ta có rất nhiều đặc sản như: Bánh đậu xanh(Hải Dương), chả mực(Quảng Ninh), nem chua(Thanh Hoá), bún chả(Hà Nội), bánh đa cua(Hải Phòng),…
Ở câu trên, ta dùng phép liệt kê để gọi tên một tập hợp các từ có cấu tạo giống nhau. Cách gọi tên những đặc sản nổi tiếng trên làm cho câu văn hấp dẫn người đọc, người nghe.
5. Những lưu ý khi sử dụng phép liệt kê:
Phép liệt kê được coi là biện pháp tu từ dễ dùng nhất, nó xuất hiện ở mọi nơi từ trong văn học và cả ngoài đời. Tuy nhiên có một số lưu ý khi sử dụng phép liệt kê như sau:
– Tất cả các từ liệt kê phải có cùng một chủ đề hay có một nghĩa chung nhất định.
– Trong kiểu liệt kê tăng tiến lưu ý phải sắp xếp từ thấp tới cao.
– Giữa các từ cách nhau bởi dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc kết hợp các từ “và”, “với”.
– Liệt kê ngắn gọn, xúc tích, người đọc dễ hiểu tránh rườm rà.
– Cần phân tích và kiểm tra xem các từ có liện quan đến nhau về mặt ngữ nghĩa không. Nếu có thì đó là phép liệt kê còn đâu ngược lại không phải phép liệt kê.
– Phép liệt kê sẽ thường thấy trong văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn, ít có trong thơ.
6. Một số bài tập về phép liệt kê:
Bài 1: Đặt câu có sử dụng biện pháp liệt kê:
+ Trong công ty Thảo gồm các nhân viên, trưởng phòng là anh Ngọc, phó giám đốc là chị Phương và giám đốc là anh Dương.
+ Trong giờ ra chơi, dưới sân trường thật náo nhiệt và có các hoạt động như: các bạn nữ chơi nhảy dây, các bạn nam chơi đá bóng, một số bạn khác ngồi nói chuyện.
+ Mai thường rất thích đọc sách, đặc biệt sách ngữ văn, các tác phẩm Mai thường đọc là: Dế Mèn phiêu lưu ký, Chí Phèo, Tắt Đèn, Lão Hạc,..
Bài 2: Viết một đoạn văn có sử dụng biện pháp liệt kê:
– Mẹ em năm nay ngoài 40 tuổi. Tuy mẹ đã bước vào tuổi trung niên nhưng vẫn mang nét đẹp của người phụ nữ, một nét đẹp tần tảo, hy sinh vì các con. Mẹ em có mái tóc đen dài suôn mượt, dáng người mảnh khảnh, gương mặt xuất hiện một vài nếp nhăn và làn da hơi rám nắng. Vào những buổi tối, mẹ em thường dạy em học bài. Em yếu môn Tiếng Anh cho nên mẹ kèm em rất kỹ môn này. Mẹ dạy em cách luyện nói, luyện nghe, ngữ pháp,..mỗi một cách mẹ đều nói chậm để cho em dễ hiểu nhất. Ngoài ra, tất cả các công việc nội trợ trong nhà từ bếp núc, đi chợ, giặt quần áo, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa đều do tay mẹ em đảm nhiệm hết. Có thể nói, mẹ em là một người phụ nữ tuyệt vời,bà luôn mang cho em những cảm giác yên bình và an toàn. Em chỉ muốn nói em yêu mẹ rất nhiều!.
– Một năm có 4 mùa: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Nhưng em thích nhất là mùa xuân-một mùa ươm hoa kết trái. Mùa xuân se se lạnh cùng với những cơn mưa ngâu đầu mùa làm cho con người có cảm giác dễ chịu và thoải mái. Mùa đông qua đi, mùa xuân tới mang đến cho ta những mầm cây nhỏ xíu trồi lên mặt đất hanh khô, một chút nắng vàng tươi, những cánh én bay lượn trên bầu trời và những đóa hoa thi nhau khoe sắc nở rộ. Và đặc biệt ai cũng hân hoan, vui vẻ đón một năm mới đến, gạt bỏ những lo âu muộn phiền của năm cũ đã qua. Nhà nào nhà nấy cũng treo lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phơi trong gió. Ngoài đường, chợ người ta bán hoa đào, hoa mai ngập tràn. Tiếng nô đùa của trẻ em trong xóm cười ròn tan khi được bố mẹ dắt đi sắm sửa quần áo mới để chuẩn bị đón tết. Ngày xuân chính là dịp mà mọi người đoàn tụ về, không khí trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Cùng nhau quây quần ngồi bên nồi bánh chưng và kể cho nhau nghe những câu chuyện đã qua. Một khung cảnh thật bình yên cho mùa xuân đang tới.
Bài 3: Tìm và chỉ ra hiệu quả của biện pháp liệt kê trong đoạn văn sau:
“Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc,…Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp để cứu nước”.
(Trích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chủ tịch Hồ Chí Minh).
– Lời giải:
Phép liệt kê: “đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái dân tộc”, những từ liệt kê này nói lên sứ mệnh thiêng liêng của mỗi người đối với sứ mệnh của đất nước, không phân biệt con người cụ thể từ gái trai già trẻ và không phân biệt vũ khí phương tiện như súng, gươm, dao, gậy gộc. Quan trong ở đây là tinh thần yêu nước.
THAM KHẢO THÊM: