Liên minh chiến lược là gì? Phân biệt liên doanh và liên minh chiến lược?

Liên minh chiến lược có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức và quy mô, từ hình thức hợp đồng cho đến các hình thức cổ phần hay thành lập công ty liên doanh. Phân biệt liên doanh và liên minh chiến lược?

Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn đã, đang và sẽ đặt các doanh nghiệp trước những thử thách mới, hứa hẹn sự cạnh tranh gay gắt hơn, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước tình hình đó, việc tham gia các liên minh đang là xu hướng hợp tác mang tầm chiến lược trong thế kỷ mới, là con đường nhanh nhất và với chi phí thấp nhất đã được rất nhiều doanh nghiệp và các công ty đa quốc gia sử dụng. Các nhà kinh tế cũng nhận định rằng liên minh chiến lược trong kinh doanh quốc tế sẽ trở thành xu hướng tất yếu.

1. Liên minh chiến lược là gì?

Có thể nói một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành các liên minh chiến lược trong kinh doanh đó là sức ép cạnh tranh từ những khuynh hướng toàn cầu. Không có doanh nghiệp nào có thể tự đứng vững trên thương trường mà không thực hiện liên minh với nhau, đó có thể là liên minh với những bạn hàng hoặc thậm chí là liên minh với chính đối thủ cạnh tranh.

Có thể có những định nghĩa khác nhau về liên minh chiến lược trong kinh doanh nhưng xét về nội dung bản chất của khái niệm thì tất cả đều nhất trí với quan điểm cho rằng: liên minh chiến lược là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp liên kết với nhau để phát triển, sản xuất hoặc bán sản phẩm/ cung ứng dịch vụ... trong khoảng một khoảng thời gian nhất định nhằm mang lại lợi ích chung cho mỗi bên trong khi vẫn là những doanh nghiệp độc lập chứ không nhằm mục đích sáp nhập, hợp nhất hay thôn tính lẫn nhau. Sự liên minh này có thể được tiến hành giữa các doanh nghiệp trong cùng một quốc gia hoặc giữa các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia khác nhau.

Theo đó, các thành viên tham gia liên minh không nhất thiết phải là các đối tác của nhau như quan hệ nhà cung ứng với khách hàng mà thậm chí có thể là các đối thủ cạnh tranh với nhau. Yếu tố quan trọng phải kể đến đó là các bên có chung mục đích, cùng liên kết với nhau trong một hoặc một số hoạt động nhất định thì có thể xây dựng một liên minh chiến lược. Mục đích chung ấy có thể là nhằm phát triển thị trường, sản phẩm, khách hàng hay lợi nhuận…

Có thể khẳng định rằng mỗi liên minh đều có những mục tiêu nhất định phù hợp và liên quan trực tiếp đến động lực chiến lược của các bên. Mỗi liên minh đều có quyền tiếp cận các nguồn lực cũng như những cam kết của đối tác. Ngoài ra, sự liên minh còn mang đến những cơ hội học tập mang tính tổ chức. Một liên minh chiến lược là một thoả thuận mang lại lợi ích thực sự cho các bên, nhờ đó mà những nguồn lực, nguồn tri thức và khả năng được chia sẻ với mục tiêu nâng cao vị thế cạnh tranh của các bên.

Liên minh chiến lược trong kinh doanh quốc tế xuất hiện vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX và đã góp phần mang lại những thành công cho nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới. Đến nay, liên minh chiến lược đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Thực tế đã có nhiều liên minh chiến lược khá thành công như liên doanh giữa General Motors và Toyota; liên minh giữa các hãng hàng không trên thế giới Star Alliance; hay liên doanh giữa GeneralElectric và SNECMA…. Vào cuối thập niên 90, đã có hơn 450 liên minh được thành lập giữa các công ty dược và công nghệ sinh học. Kể từ năm 1985 trở lại đây, tốc độ thành lập liên minh giữa các công ty của Mỹ và các công ty khác trên thế giới phải đạt tới con số trung bình hàng năm là 27 %.

Các liên minh chiến lược có thể linh hoạt và một số gánh nặng mà liên doanh có thể bao gồm. Hai công ty không cần hợp nhất vốn và có thể giữ độc lập với nhau. Tuy nhiên, một liên minh chiến lược có thể mang lại những rủi ro riêng. Mặc dù thỏa thuận thường rõ ràng cho cả hai công ty, nhưng có thể có sự khác biệt trong cách các công ty tiến hành kinh doanh. Sự khác biệt có thể tạo ra xung đột. Hơn nữa, nếu liên minh yêu cầu các bên chia sẻ thông tin độc quyền, thì giữa hai đồng minh phải có sự tin tưởng.Trong một liên minh chiến lược lâu dài, một bên có thể trở nên phụ thuộc vào bên kia.

Một công ty có thể tham gia vào một liên minh chiến lược để mở rộng sang thị trường mới, cải tiến dòng sản phẩm của mình hoặc phát triển lợi thế so với đối thủ cạnh tranh. Thỏa thuận này cho phép hai doanh nghiệp làm việc hướng tới một mục tiêu chung có lợi cho cả hai. Mối quan hệ có thể ngắn hạn hoặc dài hạn và thỏa thuận có thể chính thức hoặc không chính thức.

2. Phân biệt liên doanh và liên minh chiến lược:

Các liên minh chiến lược có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức và quy mô, từ hình thức hợp đồng cho đến các hình thức cổ phần hay thành lập công ty liên doanh...Nhưng dù ở hình thức nào thì liên minh chiến lược cũng được xem là sự liên kết sức mạnh và nguồn lực trong một giai đoạn nhất định hoặc trong khoảng thời gian không xác định nhằm đạt được mục tiêu chung của các doanh nghiệp.

Căn cứ theo yếu tố vốn, liên minh chiến lược được chia thanh 03 loại: : liên minh không góp vốn, liên minh có góp vốn và liên doanh. Như vậy, liên doanh là một trong 03 hình thức liên minh chiến lược.

Có thể hiểu một cách khái quát về liên doanh là việc hai hay nhiều doanh nghiệp cùng góp một phần vốn, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để thành lập một doanh nghiệp mới độc lập với tất cả các bên về mặt pháp lý.

Thông thường khi nói đến công ty liên doanh, chúng ta hay nghĩ đến liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước với công ty nước ngoài. Tuy nhiên, “liên doanh” theo quan điểm của các nhà kinh tế, các nhà làm luật trên thế giới thì không nói đến quốc tịch của các bên liên doanh, do đó có thể hiểu rằng việc liên doanh có thể tiến hành giữa các doanh nghiệp trong cùng một nước hoặc giữa một hay nhiều doanh nghiệp trong một nước với một hay nhiều doanh nghiệp nước ngoài, miễn là có mục đích thành lập một doanh nghiệp mới. Bên cạnh đặc trưng về cùng sở hữu vốn, cùng phân phối lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn trong vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh, cùng chia sẻ rủi ro và mạo hiểm trong quá trình hoạt động, các bên tham gia liên doanh còn cùng tham gia quản lý, phối hợp xây dựng bộ máy quản lý hoạt động của liên doanh, đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ, đồng thời tạo ra môi trường hoạt động nội bộ thích hợp.

Các nhà phân tích phương Tây thừa nhận rằng đối với những doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không dễ dàng gì để ứng phó được trước những thử thách của môi trường cạnh tranh đang ngày càng khó khăn và gay gắt. Do vậy, các liên doanh đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn để kết nối các doanh nghiệp trong cùng một quốc gia hay liên kết các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới; hứa hẹn một sự chuyển biến tích cực về hình thức cạnh tranh mới hơn và hoàn thiện hơn.

Có thể nói sợi dây ràng buộc các thành viên tham gia liên minh có thể là vốn hoặc phi vốn. Nếu là vốn thì liên minh đó có thể là liên minh góp vốn hoặc liên doanh. Sự khác nhau cơ bản ở đây là có hay không phát sinh một chủ thể, một pháp nhân mới kinh doanh độc lập. Nếu như vốn không phải là yếu tố ràng buộc các bên thì các thành viên tham gia liên minh có thể được vận hành thông qua các thoả thuận hay hợp đồng hợp tác.

Bởi được xem là một hình thức của liên minh chiến lược, liên doanh sẽ có quy mô nhỏ hơn, mục đích hình thành cụ thể và hình thức tồn tại cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên, thực tế thì việc phân biệt không quá có nhiều ý nghĩa, bởi việc liên kết giữa các chủ thể kinh tế, cụ thể là các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho họ được mở rộng thị trường, thâm nhập thị trường nước ngoài những vẫn có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước mà hình thức liên minh nào mới có ý nghĩa trong việc xác định pháp luật áp dụng.

Các liên minh chiến lược có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau với những quy mô khác nhau nhưng đều mang lại những lợi ích nhất định cho các bên tham gia. Để sự liên minh mang lại những kết quả như mong đợi, các bên cần lưu ý một số vấn đề có thể coi là những điều kiện cần thiết cho một liên minh chiến lược thành công.

Có thể nói các liên minh chiến lược đã xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi Việt Nam thực hiện mở cửa nền kinh tế đất nước, trong đó hình thức liên doanh nước ngoài là hình thức khá phổ biến. Tuy nhiên, kết quả là những liên doanh ấy thường không kéo dài và dần trở thành những công ty 100 % vốn nước ngoài…Thời gian đó, khái niệm về liên minh chiến lược chưa được đề cập đến nhiều nên có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh… Nhưng trong vài năm gần đây, khi các doanh nghiệp hợp tác với nhau thì cụm từ “liên minh chiến lược” đã được chú ý đến nhiều hơn.

Các liên minh chiến lược có thể ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau, từ hình thức hợp đồng hợp tác đến hình thức góp vốn cổ phần hay hình thức liên doanh thông qua hình thành một pháp nhân mới…Các liên minh này có thể là liên minh chiến lược giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành hoặc giữa các doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau…

    5 / 5 ( 1 bình chọn )