Sự hình thành, ra đời của công đoạn ở nước ta gắn liền với sự hình thành và phát triển của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức thống nhất, trong đó được chia thành các cấp, khái niệm “liên đoàn lao động” gắn với một cấp trong cơ cấu tổ chức của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Liên đoàn lao động là gì?
Theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, Công đoàn Việt Nam đã có những tên gọi khác nhau và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là tên gọi được dùng từ năm 1988 cho đến nay.
Theo Điều lệ Công đoàn (khóa XII) Công đoàn là tổ chức thống nhất, có các cấp sau:
– Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng Liên đoàn).
– Cấp tỉnh, ngành trung ương gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.
– Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm: Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện); Công đoàn ngành địa phương; Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp); Công đoàn tổng công ty; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.
– Cấp cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở).
Liên đoàn lao động là thuật ngữ gắn liền với cấp tỉnh, được giải thích là tổ chức công đoàn theo địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn.
– Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố tổ chức theo đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với quy định của pháp luật.
– Đối tượng tập hợp của liên đoàn lao động tỉnh, thành phố là đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn việc tập hợp đoàn viên, người lao động trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động có công ty con, chi nhánh doanh nghiệp, phân hiệu trường… ở địa bàn tỉnh, thành phố khác.
– Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập và chỉ đạo trực tiếp các liên đoàn lao động cấp huyện, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn tổng công ty (thuộc tỉnh, thành phố) và công đoàn cơ sở trong các đơn vị sử dụng lao động trực thuộc bộ, ban, ngành trung ương không có công đoàn ngành trung ương hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.
Liên đoàn lao động trong Tiếng anh là “Labor federation”.
2. Chức năng cơ quan Liên đoàn lao động tỉnh:
Chức năng cơ bản của liên đoàn lao động tỉnh là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn.
Chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là chức năng cơ bản, trọng tâm hàng đầu của tổ chức công đoàn trong cơ chế thị trường hiện nay. Sở dĩ xác định như vậy bởi lẽ lợi ích, trước hết là lợi ích vật chất là mục tiêu và động lực trực tiếp cho mọi hành vi của con người. C.Mác, người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học và cũng là người sáng lập ra Hội liên hiệp những người lao động quốc tế đã từng nói: “Tất cả những gì con người đấu tranh để giành lấy đều dính liền với lợi ích của họ.” Chính vì vậy, người lao động gia nhập công đoàn trước hết và chủ yếu là để được chăm lo về đời sống, để được bảo vệ các quyền lợi và lợi ích chính đáng của họ sau mới đến các vấn đề khác.
Xác định chức năng bảo vệ là chức năng cơ bản, trọng tâm hàng đầu trong cơ chế thị trường hiện nay không có nghĩa là công đoàn đứng về phía người lao động đối lập hoàn toàn với lợi ích của người sử dụng lao động của xã hội. Bởi vì xét cho cùng quyền lợi của người lao động cùng chỉ đạt được một cách ổn định, bền vững khi quan hệ lao động diễn ra hài hòa, trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau tức là quyền lợi người sử dụng lao động xã hội cũng phải được đảm bảo. Nói cách khác chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người lao động của công đoàn cần được đặt trong mối quan hệ hợp tác và tôn trọng với người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, liên đoàn lao động tỉnh còn có chức năng quản lý kinh tế xã hội, quản lí nhà nước thể hiện ở việc liên đoàn lao động tỉnh tham gia với nhà nước thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội, cơ chế quản lý, chủ trương, chính sách liên quan đến quyền nghĩa vụ và lợi ích của người lao động trên địa bàn.
Chức năng khác của liên đoàn lao động tỉnh là chức năng giáo dục- truyền thống mạnh mẽ của công đoàn đã từng đem lại không ít thành tựu cho nhiều hoạt động của công đoàn trên thực tế. Hiện nay chức năng giáo dục của công đoàn làm cho người lao động nhận thức được đầy đủ trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức phấn đấu, bồi dưỡng kiến thức, năng lực nghề nghiệp, kiến thức pháp luật để từ đó củng cố kỷ
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Liên đoàn lao động tỉnh:
– Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn và nghị quyết đại hội công đoàn tỉnh, thành phố; triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
– Đại diện, chăm lo và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trên địa bàn.
+ Tham gia với cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước tỉnh, thành phố về các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của người lao động trên địa bàn; tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội.
+ Nghiên cứu tham gia xây dựng pháp luật, các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động; tham gia cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.
– Chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động; hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
– Chỉ đạo liên đoàn lao động cấp huyện, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn tổng công ty trực thuộc và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
– Phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành trung ương và công đoàn cấp trên khác đóng trên địa bàn các hoạt động theo ngành, nghề; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
– Vận động đoàn viên và người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, rèn luyện tác phong và kỹ năng nghề nghiệp; quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, các cơ sở văn hóa công nhân, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm và các trung tâm tư vấn – hỗ trợ người lao động của công đoàn theo quy định của Nhà nước và tổ chức Công đoàn.
– Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ được phân cấp quản lý; phối hợp với cấp ủy cấp huyện và tương đương trong việc sắp xếp, bố trí, đề bạt cán bộ theo phân cấp.
– Hướng dẫn, chỉ đạo đại hội, hội nghị công đoàn cấp dưới; phát triển đoàn viên, quản lý đoàn viên; đánh giá, xếp loại tổ chức công đoàn hằng năm theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
– Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
– Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn theo quy định của pháp luật Nhà nước.
Như vậy, với việc thực hiện chức năng thông qua nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Liên đoàn lao động tỉnh thực sự trở thành cơ quan đặc biệt quan trọng trong cơ chế thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trên địa bàn tỉnh mình.