Bộ luật Hình sự năm 2015 là do sự kế thừa những quy phạm pháp luật hình sự của những văn bản pháp luật được nhà nước ta xây dựng và hoàn thiện trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến nay.
Mục lục bài viết
1. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến BLHS năm 1985:
Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3–9–1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “chúng ta trước đây đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta khi có Đảng lãnh đạo, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bản Hiến pháp năm 1946 ra đời có ý nghĩa quan trọng về nhiều phương diện và là nguồn có tính chất định hướng của luật hình sự Việt Nam giai đoạn 1945–1959. Ở giai đoạn này, nguồn trực tiếp của luật hình sự là các văn bản pháp luật được ban hành trong chế độ thuộc địa trước năm 1945. Điều 1 của Sắc lệnh số 47/SL ngày 10–10–1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quy định: “Cho đến khi ban hành những bộ pháp luật duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong sắc lệnh này” [40, tr. 1]. Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất cả nước vào năm 1976 là tiền đề để Nhà nước ban hành Hiến pháp 1959. Trên cơ sở này, nguồn luật hình sự giai đoạn 1959–1985 đã có bước phát triển mới với những đặc điểm mới khác với giai đoạn trước. Hệ thống nguồn của pháp luật hình sự thời điểm này không còn các văn bản quy phạm pháp luật ban hành ở chế độ cũ.
Trong giai đoạn 1959–1985, khoa học pháp lý XHCN Việt Nam đã hình thành và | bước đầu là nguồn có tính chất bổ sung của luật hình sự Việt Nam. Về quy định của BLHS về các tội mại dâm, từ giai đoạn năm 1945 đến năm 1954, Nhà nước ta chưa ban hành văn bản pháp luật nào quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội về mại dâm trong khoảng thời gian này.
Tới giai đoạn năm 1954 đến trước năm 1975, khi đó nhà nước ta bị chia làm hai miền Nam Bắc, những quy định của pháp luật Hình sự về mại dâm cũng được phân hóa rõ rệt. Ở miền Bắc, bắt đầu từ năm 1954 thì Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành rất nhiều chính sách để bài trừ tệ nạn mại dâm như Nghị quyết số 49–TVQH ngày 20/06/1961 về tập trung giáo dục, cải tạo những phần tử có hoạt động nguy hiểm cho xã hội; Thông tư 121/CP ngày 09/08/1961 của Hội đồng Chính phủ hướng dẫn cụ thể thi hành Nghị quyết số 49–TVQH ngày 20/06/1961 đã nêu rõ: “Những tên lưu manh trộm cắp đã tái phạm nhiều lần và không có nghề nghiệp, hoặc chỉ có nghề ngụy trang chuyên sống bằng trộm cắp, lừa đảo và những tên chủ chứa bạn gái điếm hiện đang hoạt động”. Quyết định 129/CP ngày 08/08/1968 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung các đối tượng bị coi là phần tử lưu manh chuyên nghiệp thuộc dạng tập trung cải tạo. Ở miền Nam, giai đoạn đầu chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn duy trì một số đạo luật của chế độ thuộc Pháp trước đây để giải quyết các vấn đề về mại dâm. Các nhà chứa và gái mại dâm được cấp phép là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho tệ nạn mại dâm bùng phát nhanh chóng. Ngày 17/10/1955, chính quyền Sài Gòn đã ban hành Dụ số 64 về bài trừ mại dâm và quy định các hành vi liên quan đến bán dâm, môi giới mại dâm và chứa mại dâm đều bị coi là tội phạm. Luật số 12/62 ngày 22/05/1962 còn bổ sung thêm hành vi mua dâm cũng là phạm tội, ở điều luật này còn đặc biệt bổ sung thêm các tình tiết mua dâm người dưới 16 tuổi và người mua dâm là người đảm nhiệm chức vụ bài trừ tệ nạn mại dâm hoặc có phận sự giữ gìn sức khỏe cho dân chúng là các tình tiết định khung. Ngoài ra, chính quyền Sài Gòn còn ban hành BLHS theo Sắc lệnh số 026/TT/SLU ngày 20/12/1972, tại Điều 357 đến Điều 364 quy định: “hành vi mua dâm, bán dâm không bị coi là tội phạm; các hành vi chứa mại dâm, tổ chức mại dâm, môi giới dẫn dắt gái mại dâm và các hành vi đồng phạm đều bị trừng trị” [42, tr. 128]. Bộ luật này còn tách biệt hành vi cưỡng bức mại dâm thành một tội độc lập hoàn toàn và có mức hình phạt nghiêm khắc nhất. Tại Điều 359 có quy định: “Kẻ nào giam giữ hoặc dùng bạo hành để cưỡng bách người khác mại dâm sẽ bị phạt tử hình. Những đồ vật trang trí trong nhà chứa sẽ bị tịch thâu, kể luân cả nhà chứa, nếu nhà này thuộc sở hữu của kẻ phạm pháp” [42, tr. 128]. Quy định độc lập các đối tượng của tội mại dâm và đưa họ đi tập trung cải tạo đã được chính quyền nhà nước lúc bấy giờ quan tâm thực hiện. Với điều kiện khó khăn về lĩnh vực lập pháp khoảng thời gian bấy giờ nhưng những biện pháp hành chính này vẫn mang ý nghĩa kịp thời và đúng đắn, qua đó góp phần bài trừ các tội về mại dâm trong đời sống xã hội.
Tới giai đoạn từ sau năm 1975 đến năm 1985, những quy định của pháp luật Hình sự về mại dâm của nhà nước ta đã được các nhà lập pháp chú trọng và xây dựng hoàn thiện bước đầu. Với việc phải tiếp nhận và giải quyết khoảng hàng trăm nghìn gái mại dâm và vô số các nhà chứa cũng như các tội phạm khác có liên quan tới lĩnh vực này của chế độ miền Nam Việt Nam cũ sau khi thống nhất đất nước, để đảm bảo an toàn trật tự xã hội thì Nhà nước đã ban hành rất nhiều các VBQPPL mới mang tính cấp thiết. Cụ thể:
– Vào ngày 15/03/1976, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Sắc luật số 03 – SL, trong đó có nội dung quy định về các tội mại dâm. Với nhiệm vụ tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh phòng ngừa tệ nạn xã hội nói chung và mại dâm nói riêng, đây là văn bản quy phạm pháp luật hình sự đầu tiên giải quyết được vấn đề này. Tại Điều 9 Sắc luật số 03 – SL về các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng và sức khỏe nhân dân có quy định: “– Cờ bạc, tổ chức mại dâm, buôn bán tàng trữ ma túy và các chất độc hại khác thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù tới 15 năm. Trong mọi trường hợp có thể bị phạt tiền đến 1000 đồng ngân hàng”.
– Vào tháng 4/1976, Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thông qua Thông tư số 03/TT/BTP hướng dẫn thi hành Sắc luật số 03 – SL ngày 15/03/1976. Thông tư số 03/TT/BTP còn quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với bị cáo là: “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, kẻ phạm tội có tính chất chuyên nghiệp còn bị quản chế hoặc cấm lưu trú tại tại một số địa phương từ 1 năm đến 5 năm sau khi đã mãn hạn tù”.
– Vào ngày 06/07/1977, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 54/TATC hướng dẫn việc thi hành thống nhất trong cả nước, ở đó quy định: “Các tòa án thuộc tỉnh, thành phố phía Bắc cũng có thể áp dụng thống nhất điều khoản này – Điều 9 – Sắc luật số 03 – SL vì đối với một số tội nói trên thì tòa án phía bắc cho đến nay chỉ căn cứ vào án lệ, vào đường lối chính sách trung để xử lý” nhằm mục đích áp dụng thống nhất pháp luật trên phạm vi cả nước.
Có thể thấy rằng, việc ban hành Sắc luật số 03 – SL ngày 15/03/1976 và Thông tư số 03/TT/BTP tháng 4/1976 đã quy định tệ nạn mại dâm dưới tên gọi cụ thể là tội tổ chức mại dâm. Khách thể bị loại tội phạm này xâm hại đã được xác định rõ, đó là trật tự công cộng, an toàn công cộng và sức khỏe của nhân dân. Hình phạt được quy định rõ ràng gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung có giá trị tất yếu phân hóa trách nhiệm hình sự với từng loại tội phạm riêng biệt. Tuy nhiên, những quy định mới được ban hành này còn đơn giản và vẫn còn rất chung chung, chỉ mới quy định thành một nhóm tội mà chưa có quy định thành từng tội phạm độc lập. Các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành cũng chưa quy định các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm này nên việc chưa đáp ứng được yêu cầu phân hóa trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm cụ thể là hệ quả tất yếu. Nhìn chung, giai đoạn năm 1945 đến trước năm 1985, tội phạm về mại dâm mới chỉ được quy định một cách sơ sài chưa cụ thể và xác thực để đảm bảo quá trình đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trên thực tế. Để góp phần bảo đảm chế độ XHCN, nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh với các tội phạm nói chung và các tội mại dâm nói riêng thì đòi hỏi Nhà nước ta cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh trong giai đoạn này, thống nhất các văn bản pháp luật trên cả nước để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
2. Giai đoạn từ Bộ luật Hình sự năm 1985 đến BLHS năm 1999:
Ở giai đoạn này, pháp luật hình sự nước ta có sự cải thiện rõ rệt về mặt lập pháp. Cụ thể là sự ra đời của BLHS năm 1985 và tiền đề để tiếp tục ra đời BLHS năm 1999. Mặc dù đã ban hành Sắc luật số 03 – SL ngày 15/03/1976 và Thông tư số 03/TT/BTP tháng 4/1976 nhưng phải nhận định rõ rằng đây chỉ là những văn bản tình thế, áp dụng trong quá trình khởi đầu hợp nhất chế độ hai miền và chưa thể giải quyết hoàn toàn triệt để những vấn đề thực tế đề ra. Do vậy, với mục đích nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội về mại dâm nói riêng thì sự ra đời của BLHS năm 1985 là cần thiết và hợp lý.
Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1980, thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng, đã quy định: “Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa“. Có thể thấy, BLHS năm 1985 đã được tiếp thu và cải tiến từ pháp luật hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là việc áp dụng kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tội phạm đã có và dự kiến tương lại phát triển của tội phạm trong tương lai gần. BLHS năm 1985 đã được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 9, nhất trí thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985 tại Hà Nội. Tại mục B: Các tội xâm phạm trật tự công cộng trong Chương 8: Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính có quy định các tội về mại dâm tại điều Điều 202: Tội chứa mãi dâm, tội môi giới mại dâm. Cụ thể:
“1– Người nào chứa mãi dâm, dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mãi dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2– Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Ở đây, các tội về mại dâm vẫn chưa được phân tách ra cụ thể và vẫn chưa phân tội mua dâm người dưới 18 tuổi thành một tội danh riêng biệt. Ngoài ra, tại Điều 218 bộ luật này về hình phạt bổ sung còn có quy định:
“1– Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 186 đến 191 và từ 195 đến 197, thì có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ hai năm đến năm năm.
2– Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 199 đến 203, thì có thể bị quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
3– Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 199 đến 203, thì bị phạt tiền từ một nghìn đồng (1.000) đến năm mươi nghìn đồng (50.000 đồng) và có thể bị tịch thu một phần tài sản.”
Nhìn chung, việc quy định hành vi của các tội mại dâm tại một điều luật riêng biệt nằm trong quy định về tội phạm độc lập và các tội phạm khác trong nhóm các tội xâm phạm trật tự công cộng đã thể hiện một bước tiến lớn trong việc nhìn nhận đánh giá của các nhà làm luật đối với tính chất và mức độ nguy hiểm do tội phạm này này gây ra trên thực tế. Tuy nhiên, các dấu hiệu đặc trưng của các tội về mại dâm đã được đề cập trong điều luật này đều mang tính chất chung chung, những đặc điểm riêng biệt về tội môi giới mại dâm, tội chứa mại dâm và tội mua dâm dưới 18 tuổi vẫn chưa được phân biệt độc lập, mà ở đây được quy định thành một điều trong luật hình sự.
Trong thực tế đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, để đảm bảo chất lượng công tác của cán bộ, nhà nước ta đã ban hành thêm những văn bản pháp luật nhằm xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật. Cụ thể:
– Chỉ thị số 14 – CT ngày 16/01/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng “Về các biện pháp giải quyết các vấn đề cứu tế xã hội và tệ nạn xã hội”. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan thực thi pháp luật cần phải đưa ra truy tố hoặc tập trung cải tạo đối với đối tượng chủ chứa mại dâm hoặc đối tượng chuyên môi giới mại dâm.
– Chỉ thị số 135 – HĐBT ngày 14/05/1989 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng “Về giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới” trong đó có nhiệm vụ yêu cầu là: “Đối với số gái mại dâm cần có biện pháp quản lý chặt chẽ ngay ở cơ sở. Ủy ban nhân dân các cấp phải phân loại có kế hoạch đưa đi chữa bệnh và tổ chức các trường, trại phục hồi nhân phẩm do ngành lao động quản lý, có sự tham gia của các cơ quan thanh niên, phụ nữ, y tế.”
– Nghị quyết số 05/CP ngày 29/01/1993 về “Ngăn chặn và phòng, chống tệ nạn mại dâm” do Chính phủ đưa ra nhằm triển khai những kế hoạch, phương pháp và cách thức đấu tranh loại tội phạm này trên thực tế. Đồng thời nêu rõ trách nhiệm của các cấp, ban ngành trong cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm, trong đó quy định: “xử phạt thật nghiêm người chứa chấp, dụ dỗ và dẫn dắt gái mại dâm dưới mọi hình thức ở mọi nơi như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, vũ trường, ... theo luật hình sự. Nếu là cơ sở tư nhân hoặc các hình thức khác ngoài quốc doanh phải thu hồi giấy phép kinh doanh và truy tố người chủ theo luật hình sự. Nếu là cơ sở quốc doanh thì người trực tiếp quản lý cơ sở cũng phải bị truy tố theo luật hình sự, cấp trên trực tiếp phụ trách sẽ bị kỷ luật hành chính.”
– Nghị định 53/CP về “Phòng chống các tệ nạn xã hội” ngày 28/06/1994 do Chính phủ đưa ra đã quy định các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi mua, bán, chứa chấp, môi giới mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè bê tha, ... Điều này nhằm cụ thể hóa xử phạt hành chính các hành vi vi phạm đã được nêu ở Nghị quyết số 05/CP ngày 29/01/1993 trong công tác đấu tranh chống tệ nạn xã hội nói chung và tội về mại dâm nói riêng. Nghị định này quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác quản lý giáo dục cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân do địa phương mình quản lý và trách nhiệm kiểm tra giám sát những cơ sở tư nhân kinh doanh có khả năng cao xảy ra các loại tội phạm này như khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, ...
– Nghị định số 49/CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự” ngày 15/08/1996 đã quy định về việc xử phạt hành chính với các hành vi mại dâm. Cụ thể, tại điều 23 về hành vi mại dâm có quy định:
“1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a. Bán dâm; Lạm dụng tình dục.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a. Mua dâm;
b. Cung cấp địa điểm cho hoạt động mại dâm.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a. Dẫn dắt hoạt động mại dâm;
b. Che dấu, bảo vệ cho các hành vi mua dâm, bán dâm;
c. Vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm.
4. Phạt tiền từ 000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:
a. Sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh;
b. Dùng các thủ đoạn khống chế, đe doạ người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản.
5. Đối với hành vi môi giới, chứa chấp mại dâm thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 18 NĐ 88/CP ngày 14 tháng 12 năm 1995.
6. Vi phạm các khoản 1, 2, 3, 4 điều này bị tịch thu toàn bộ tiền do vi phạm mà có.”
Có thể thấy rằng, trong khoảng thời gian này, về thực tế các tội mại dâm ngày vẫn gây ra những trở ngại nhất định cho quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan thực thi pháp luật. Việc ban hành BLHS năm 1985 cùng với những văn bản pháp luật hướng dẫn bổ sung đi kèm cho thấy rõ việc Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm trên thực tế, nâng cao hiệu quả bộ máy công quyền trong quá trình giải quyết công việc, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân, an sinh xã hội và trật tự an ninh trong nước.
Trước khi ban hành BLHS năm 1999, BLHS năm 1985 đã có trải qua tổng cộng bốn lần chỉnh sửa, bổ sung lớn vào các năm 1989, năm 1991, năm 1992 và năm 1997. Những chỉnh sửa bổ sung này với mục đích cải thiện hoàn thiện những điều luật cho việc áp dụng trên thực tế đồng thời cũng phù hợp với các văn bản pháp luật hình sự do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành trong khoảng thời gian này. Đối với quy định hình sự về các tội về mại dâm, BLHS 1985 sửa đổi năm 1997 đã có nhiều bước bổ sung và hoàn thiện đáng kể tại Điều 202 về tội chứa mãi dâm, tội môi giới mãi dâm:
“1. Người nào chưa mãi dâm, dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mãi dâm, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Cưỡng bức mãi dâm;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi,
b) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”
Ngoài ra, BLHS 1985 sửa đổi năm 1997 còn được bổ sung thêm điều 202a về “Tội mua dâm người chưa thành niên” và điều 202b về “Tội dâm ô đối với trẻ em” như sau:
“Điều 202a. Tội mua dâm người chưa thành niên 1– Người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm: a) Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, b) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.” và “Điều 202b. Tội dâm ô đối với trẻ em 1– Người nào có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba пăт.
2– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều trẻ em; c) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; d) Gây hậu quả nghiêm trọng: đ) Tái phạm nguy hiểm. 3– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm: a) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.”
Đây là những thay đổi rất quan trọng trong khoảng thời gian này về các tội mại dâm, bộ luật đã phân hóa riêng các các tội mại dâm thành các loại là tội chứa mãi dâm, tội môi giới mại dâm trong đó có bổ sung thêm tội mua dâm người chưa thành niên và tội dâm ô đối với trẻ em nhằm phân hóa trách nhiệm hình sự của loại tội phạm này. Tổng kết, qua các lần hoàn thiện cùng với các văn bản pháp luật ban hành trong khoảng thời gian này, pháp luật hình sự nước ta đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, riêng đối với tội về mại dâm đã tăng nặng và quy định cụ thể các khung hình phạt, phân chia cụ thể các trường hợp phạm tội để phân hóa trách nhiệm hình sự, bổ sung một số các tình tiết tăng nặng định khung. Những điều này đã góp phần không nhỏ cho công tác xét xử và cùng cố quá trình đấu tranh phòng chống các tội mại dâm, bảo vệ thuần phong mỹ tục, ổn định cuộc sống và đảm bảo an toàn trật tự xã hội.
3. Giai đoạn từ Bộ luật Hình sự năm 1999 đến Bộ luật Hình sự năm 2015 :
Tại kỳ họp thứ VI Quốc hội khóa X của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã phê duyệt và thông qua BLHS 1999 vào ngày 21/12/1999 có hiệu lực từ ngày 01/07/2000. Sự ra đời của BLHS 1999 đã góp phần nâng cao quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm minh người phạm tội, góp phần tăng cường tính pháp chế và củng cố trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân cũng như bảo vệ hòa bình và an ninh nhân loại trong xu hướng hợp tác quốc tế. Riêng về các tội mại dâm, trong BLHS năm 1999 đã phân chia các tội phạm này thành ba tội phạm riêng biệt với những hành vi và mức xử lý cụ thể trong chương XIX các tội xâm phạm đến ATCC, TTCC gồm: Điều 254 tội chứa mại dâm, Điều 255 tội môi giới mại dâm, Điều 256 tội mua dâm người chưa thành niên.
BLHS 1999 đã quy định các tội về mại dâm thành 3 loại tội danh phân biệt độc lập, được sắp xếp một cách khoa học cụ thể với điều khoản cấu thành tội phạm cơ bản và các điều khoản khác cấu thành tội phạm tăng năng định khung có mức độ tăng dần kèm theo tính chất và mức độ cùng với hình phạt bổ sung. So với trước đó, có thể nhận thấy rõ rằng, riêng về các các tội mại dâm, BLHS 1999 đã có nhiều cải thiện đáng kể cả về mặt kỹ thuật lập pháp và chính sách pháp luật. Với kỹ thuật lập pháp, bộ luật đã quy định tội môi giới mại dâm, tội chứa mại dâm và tội mua dâm người chưa thành niên là một tội danh độc lập, việc quy định này thể hiện được bản chất của các các tội mại dâm này, cả ba Điều 254, Điều 255, Điều 256 đều quy định các tội mại dâm với cấu thành tội phạm cơ bản và cấu thành tội phạm tăng nặng, kèm theo đó là những quy định về hình phạt bổ sung tách biệt; bộ luật còn phân hóa rõ trách nhiệm hình sự và áp dụng các hình phạt chính xác. Về chính sách pháp luật, BLHS 1999 đã bổ sung thêm các quy định về tình tiết tăng nặng quy định tại các khoản trong Điều 254, Điều 255 và Điều 256 của các tội về mại dâm. Ngoài ra, một số điều khoản có định khung tăng năng là mức phạt chung thân được giảm xuống có thời hạn thấp hơn, cụ thể tạo khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều 255 được giảm xuống với mức phạt cao nhất là tù chung thân thì giảm xuống còn 20 năm tù.
Ngày 14/03/2003, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 10/2003/PL–UBTVQH về Phòng chống mại dâm với nhiệm vụ góp phần đấu tranh triệt tiêu các tội phạm mại dâm, bảo vệ truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống, danh dự nhân phẩm của con người, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe giống nòi, xây dựng và phát triển tương lai. Trong pháp lệnh ngoài việc quy định biện pháp phòng chống mại dâm thì còn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và cơ quan trong hoạt động này. Cụ thể, tại khoản 6 điều 4 của pháp lệnh này có quy định môi giới mại dâm thuộc một trong các hành vi bị nghiêm cấm, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Chương III của Pháp lệnh.
Để cụ thể hóa việc thi hành Pháp lệnh số 10/2003/PL–UBTVQH về Phòng chống mại dâm trên thực tế, ngày 15/10/2003 Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 178/NĐ–CP và Nghị định 178/2004/NĐ–CP ngày 15/10/2004 nhằm quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.
Ngày 27/11/2015, trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII đã phê duyệt và thông qua BLHS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ XHCN, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Trên cơ sở trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội, BLHS 2015 đã có những thay đổi và bổ sung đáng kể về các quy định của các tội mại dâm. Về điều khoản, các tội về mại dâm được quy định tại mục 4 các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng thuộc Chương XXI: các tội xâm phạm ATCC, TTCC từ điều 327 tội chứa mại dâm, điều 328 tội môi giới mại dâm và điều 329 tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Cũng như ở BLHS 1999, BLHS 2015 cũng đều quy định các tội mại dâm với cấu thành tội phạm cơ bản và cấu thành tội phạm tăng nặng, kèm theo đó là những quy định về hình phạt bổ sung tách biệt; bộ luật còn phân hóa rõ trách nhiệm hình sự và áp dụng các hình phạt chính xác. Tuy nhiên, ở điều 329 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi của BLHS 2015 có thay đổi về tên tội danh so với BLHS năm 1999. Mức độ hình phạt ở ba loại tội mại dâm này cũng có sự thay đổi về thời gian chịu án phạt tù theo chiều hướng giảm xuống đối với một vài trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. Ngoài ra ở các tội môi giới mại dâm, tội chứa mại dâm và tội mua dâm người dưới 18 tuổi còn bổ sung các điều khoản mới, với tính chất mức độ mới phù hợp với loại tội phạm này trên thực tế.
Tóm lại, từ những phân tích trên ta có thể thấy rằng, tệ nạn mại dâm nói chung và các tội về mại dâm nói riêng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến ATCC, TTCC. Với tác động tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống xã hội, ngay khi giành được độc lập, nhà nước ta luôn chú trọng, quan tâm và bài trừ các tội về mại dâm, đó là: tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm và tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Thành quả của BLHS bây giờ là do những sự kế thừa những quy phạm pháp luật hình sự của những văn bản pháp luật được nhà nước ta xây dựng và hoàn thiện trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến nay. BLHS hiện hành đã, đang và sẽ góp phần to lớn trong việc bảo vệ trật tự xã hội, giữ gìn các giá trị đạo đức thuần phong mỹ tục, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyên truyền giáo dục phòng ngừa xử lý vi phạm tội của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoàn thành đúng nhiệm vụ của Đảng, nhà nước, cơ quan lập pháp đề ra.