Có 3 giai đoạn phát triển của quy định về phòng vệ chính đáng: từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước lần pháp điển hoá luật hình sự lần thứ nhất năm 1985, từ năm 1985 đến năm 1999 và từ năm 1999 đến trước năm 2015.
Mục lục bài viết
- 1 1. Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về phòng vệ chính đáng từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước lần pháp điển hoá luật hình sự lần thứ nhất năm 1985:
- 2 2. Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về phòng vệ chính đáng từ năm 1985 đến năm 1999:
- 3 3. Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về phòng vệ chính đáng từ năm 1999 đến trước năm 2015:
1. Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về phòng vệ chính đáng từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước lần pháp điển hoá luật hình sự lần thứ nhất năm 1985:
Quyền phòng vệ chính đáng đã có từ khi con người có pháp luật, bởi đây là một quyền con người được tự bảo vệ bản thân. Sau khi giành chiến thắng ở Cách mạng tháng 8 năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được khai sinh ngày 02/09/1945, đưa đất nước ta bước vào một thời kỳ lịch sử mới. Tuy nhiên, vì tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của một quốc gia non trẻ như vậy vô cùng phức tạp, nạn đói triền miên, thù trong giặc ngoài, đất nước bị chia cắt khiến cho công tác ban hành pháp luật không thể thực hiện. Mặc dù vậy, đến ngày 09/11/1946, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, mở ra thời kỳ lập hiến, lập pháp cho đất nước. Trong đó chưa ghi nhận các quy định về phòng vệ chính đáng, nhưng cơ sở của quyền này là quyền con người đã được ghi nhận và thực thi trên đất nước Việt Nam.
Nhằm ổn định tình hình và cũng là giải pháp tình thế tạm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 47/SL cho phép áp dụng các văn bản của Đế quốc phong kiến, nhưng không được trái với tinh thần và nguyên tắc độc lập của đất nước và chính thể. Theo đó, ở Bắc Kỳ áp dụng Hình luật An Nam, Trung Kỳ áp dụng Hoàng Việt hình luật, Nam Kỳ áp dụng Hình luật pháp tu chính. Tất nhiên, những quy định của những văn bản pháp luật này không giống nhau, do đó việc áp dụng pháp luật hình sự ở 3 miền cũng không được thống nhất.
Đến năm 1955, các văn bản pháp luật cũ lần lượt bị loại bỏ hoàn toàn bởi Thông tư số 19/VHH–HS yêu cầu các Toà án không áp dụng pháp luật thực dân và phong kiến nữa, khi đó Toà án xét xử theo án lệ, theo đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật chính thức nên việc áp dụng rất khó khăn, mỗi nơi một khác và gây nhiều sự bất bình, bất công cũng như các tệ nạn tham nhũng, hối lộ trong xã hội. Đứng trước những khó khăn đó, lập pháp hình sự Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới phát triển mạnh mẽ, có những bước tiến rất lớn. Trong đó, Toà án nhân dân tối cao ban hành Bản tổng kết số 452/SL ngày 10/06/1970 bước đầu đã đề cập đến quyền tự do thân thể, trong đó cho phép người thi hành công vụ dùng vũ khí và việc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Với việc miền nam được giải phóng ngày 30/04/1975, đất nước được thống nhất, thù trong giặc ngoài đã được giải quyết, kinh tế đang hồi phục và nhận thức của người dân đã tăng lên rất nhiều, yêu cầu về một văn bản pháp luật hình sự để dễ áp dụng đang rất cấp bách. Sau đó, xuất hiện nhiều văn bản đã đề cập tới chế định phòng vệ chính đáng một cách cụ thể và kỹ càng hơn. Ví dụ: Bản tổng kết 452–HS2 ngày 10/06/1970 của Tòa án nhân dân Tối cao về việc thực hiện xét xử các tội giết người, đặc biệt là chỉ thị 07–TANDTC/CT về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ ngày 22/12/1983, cụ thể như sau:
“Vậy hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi xâm hại lợi ích của Nhà nước, của tập thể hoặc lợi ích chính đáng của công dân phải có tính nguy hiểm cho xã hội với mức độ đáng kể, mặc dù không nhất thiết phải là một hành vi phạm tội.
Ví dụ: Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, trong điều kiện bình thường, dùng dao chém người khác, người không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự (người mắc bệnh tâm thần, trẻ em dưới 14 tuổi) có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội hay cho người khác như đốt nhà hoặc dùng dao chém người khác.
Nếu hành vi xâm hại chỉ có tính chất nhỏ nhặt, tức là tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, không phải là phạm tội (như trộm cắp vặt, xô đẩy, đấm đá nhẹ...) thì việc phòng vệ bằng cách gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của người xâm hại không được coi là phòng vệ chính đáng, mà là hành vi phạm tội theo các tội danh khác nhau, tùy từng trường hợp cụ thể (gọi tắt là theo quy định chung của pháp luật).
Việc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội khi bị người khác bắt, giữ (tức là thực hiện hành vi có ích cho xã hội) đã chống trả lại, gây thiệt hại cho người bắt giữ không được coi là phòng vệ chính đáng, mà phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định chung của pháp luật. Ví dụ: Hành vi của kẻ gây rối trật tự đánh lại nhân viên công an hoặc đội viên thanh niên cờ đỏ đang dùng vũ lực để bắt giữ thì bị coi là tội chống người thi hành công vụ.
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là đã bắt đầu, nếu nó đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của người xâm hại không được coi là phòng vệ chính đáng.
Ví dụ: B gặp A đang đi ngoài phố, B bảo A: “Nếu đến giờ X, ngày Y… mà A không đem tiền hoặc đồ vật đến nộp ở địa điểm Z…, thì sẽ bị giết”, A bực mình rút ngay súng bắn chết B. C cãi nhau với D và bị D đánh; khi D bỏ đi, C lấy súng bắn đuổi theo làm cho D chết. Hành vi phòng vệ “quá sớm” của A và hành vi phòng vệ “quá muộn” của C không được coi là phòng vệ chính đáng, mà cấu thành tội giết người thông thường với tình tiết giảm nhẹ do nạn nhân có lỗi.
c) Hành vi phòng vệ chính đáng được thực hiện không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà có thể bằng cách tích cực, chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại và do đó chỉ có thể là cố ý.
Ví dụ: A cầm gậy đánh B, B tránh được rồi đâm A ngã gục.
Vì vậy, nếu một người dù có khả năng bỏ chạy hoặc kêu cứu mà vẫn gây thiệt hại cho người xâm hại để phòng vệ, thì hành động của họ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Nếu trong khi phòng vệ mà gây thiệt hại, không phải là cho người xâm hại, mà cho người thứ ba, thì hành vi gây thiệt hại không được coi là phòng vệ chính đáng, mà tùy theo tình tiết của sự việc cấu thành tội giết người, tội cố ý gây thương tích nặng, gây tổn hại cho sức khỏe người khác..., theo quy định chung của pháp luật và có thể có tình tiết giảm nhẹ nhất định. Ví dụ: vì bị A đánh, B vừa tránh vừa chém lại A, nhưng không may lại chém nhầm phải C là người vừa vào để can ngăn.
Hành vi vô ý gây thiệt hại cho người xâm hại không phải là phòng vệ chính đáng, mà có thể là hành vi phạm tội thông thường vô ý. Ví dụ: Khi giằng co để không cho người say rượu đánh mình, người cầm súng đã vô ý để súng nổ làm chết người say rượu.
Hành vi phòng vệ bằng cách cố ý gây thương tích, nhưng dẫn đến hậu quả chết người ngoài sự mong muốn của người gây thương tích), cũng được coi là có tính chất phòng vệ.
d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Giữa hai thiệt hại đó có thể không có sự phù hợp về lượng hoặc về chất, chỉ miễn là không có sự chênh lệch quá đáng sau khi cân nhắc tính chất quan trọng của lợi ích được bảo vệ bằng phòng vệ chính đáng, sức mạnh của sự xâm hại, khả năng và hoàn cảnh thực tế của người phòng vệ.
Ví dụ: một nhóm người xông vào đánh B, B bất ngờ bị đánh đau và bỏ chạy, chạy được mấy chục mét vẫn thấy có một số người đuổi theo, B đứng lại, mở dao nhíp có sẵn trong người để đe “đứa nào vào đây, tao đâm”; một trong số những người đuổi theo xông vào để tiếp tục đánh, B dùng dao nhíp dâm bừa một nhát vào ngực người đó làm người đó chết.
Trong ví dụ này, B ở vào tình thế bị một nhóm người tấn công trước, bất ngờ nên phải bỏ chạy. Sự tấn công tuy là bằng chân tay không, nhưng là do đông người gây ra, lại gây ra trong đêm tối, B phòng vệ bằng dao có sẵn trong người, đã răn đe trước, nhưng vẫn bị đối phương ỷ thế đông người tiếp tục tấn công. Hành vi phòng vệ của B… bằng cách dùng dao đâm một trong số những người tấn công, dẫn đến chết người, được coi là tương xứng, là chính đáng, là hợp pháp.
Nếu hành vi phòng vệ không tương xứng, không phù hợp, có chênh lệch quá đáng so với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, nghĩa là người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây thiệt hại quá đáng cho người xâm hại, mà tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó, thì người phòng vệ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ví dụ: H tổ viên bảo vệ nhà trường, nghe tin có bọn càn quấy đến trường gây sự đánh mình, đáng lẽ trong hoàn cảnh nhà trường có động người, H có thể cùng mấy người ra đối phó, nhưng H đã một mình vác súng ra cổng trường; hoặc đáng lẽ trong trường hợp có súng để đối phó, H phải răn đe khi bị tấn công, nhưng H đã sử dụng bắn chết ngay một người xông vào tấn công mình”.
Như vậy, từ trước năm 1985, chế định phòng vệ chính đáng đã được đề cập nhưng chưa thực sự rõ ràng, tới năm 1983 mới thực sự được quy định và đặt ra các điều kiện cụ thể. Những quy định của chỉ thị 07 năm 1983 thực sự đã tương đồng với quy định hiện tại và phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế.
2. Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về phòng vệ chính đáng từ năm 1985 đến năm 1999:
Ngày 27/6/1985 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua BLHS đầu tiên năm 1985. Trong BLHS 1985 đã chính thức ghi nhận chế định phòng vệ chính đáng ở Điều 13:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của chính mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách tương xứng người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2. Nếu hành vi chống trả rõ ràng là quá đáng, tức là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
BLHS năm 1985 được thi hành trong cả nước bắt đầu từ ngày 01/01/1986. Phần chung của BLHS rất quan trọng vì đó là những chính sách, quan điểm cơ bản về hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/ HĐTP– TANDTC/QĐ này 05/01/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS. Trong đó có hướng dẫn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng, cụ thể như
Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
c) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại. d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ (Ví dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh...); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v... Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.
Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.
Trong khoảng 15 năm tồn tại, BLHS năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung 5 lần vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997 và 1999, với sự thay đổi đó đã ban hành ra BLHS năm 1999. So với BLHS năm 1985, BLHS 1999 có những thay đổi cơ bản. Đặc biệt, các thay đổi trong các quy định thuộc Phần chung, trong đó chế định phòng vệ chính đáng được sửa đổi thành Điều 15 BLHS năm 1999 như sau:
Khoản 1 Điều 15 Bộ luật này quy định:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, bảo vệ lợi ích chỉnh đáng của mình hoặc của người khác, mà chong trả lại một cách cẩn thiết (BLHS việt nam 1985 quy định... sự chống trả một cách tương ứng) người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên, Phòng vệ chỉnh đảng không phải là tội phạm.
Chế định này được xây dựng nhằm khuyến khích mọi công dân đấu tranh chống những hành vi xâm hại các quan hệ xã hội, ngăn chặn hoặc hạn chế những thiệt hại do sự xâm hại đỏ đe dọa gây ra.
3. Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về phòng vệ chính đáng từ năm 1999 đến trước năm 2015:
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các lợi ích của cá nhân, Nhà nước, tổ chức và của xã hội, việc phòng chống tội phạm từ người dân cũng như những bất cập, chưa phù hợp của các quy định pháp luật, các nhà làm luật đã quy định chế định phòng vệ chính đáng tại điều 15 BLHS 1999. Đến năm 2009, Quốc hội thông qua và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999, tuy nhiên các quy định về phòng vệ chính đáng không được sửa đổi và giữ nguyên tới lần pháp điển hoá thứ 3 năm 2015. Nội dung BLHS 1999 như sau:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết (BLHS việt nam 1985 quy định... sự chống trả một cách tương ứng) người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Mặc dù chế định phòng vệ chính đáng có vai trò quan trọng và có ý nghĩa tích cực trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ con người, nhưng chế định này cũng đã bị nhiều người lợi dụng hoặc sử dụng một cách thái quá vì những mục đích cá nhân gây nên những hậu quả tổn hại tới lợi ích Nhà nước, của tổ chức và của các cá nhân trong xã hội. Việc áp dụng chế định phòng vệ chính đáng theo BLHS năm 1985 đã cho thấy nhiều bất cập, mặc dù về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về pháp luật hình sự thời điểm bấy giờ, nhưng tới năm 1999, sự phát triển của xã hội đã yêu cầu phải có một sự thay đổi cơ bản trong quy định pháp luật về phòng vệ chính đáng. Chế định phòng vệ chính đáng trong BLHS năm 1999 được xây dựng dựa trên sự kế thừa tinh thần của BLHS năm 1985, tuy nhiên có những thay đổi phù hợp để tạo sự mạch lạc, chặt chẽ hơn cho chế định rất quan trọng này. Theo đó, trong BLHS năm 1999, cụm từ “của tập thể” được thay thế bằng cụm từ “của tổ chức”, cụm từ “tương xứng” thay bằng cụm từ “cần thiết”. Thực tế cho thấy, những thay đổi này của BLHS 1999 đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác thi hành pháp luật của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong việc giải quyết các vụ án có dấu hiệu phòng vệ chính đáng.
Có thể nói, chế định phòng vệ chính đáng được quy định trong BLHS năm 1999 đã có một cách nhìn mới hơn, hiện đại hơn so với BLHS 1985. Đặc biệt, việc thay đổi cụm từ “sự chống trả một cách tương xứng” bằng cụm từ “sự chống trả một cách cần thiết” đã tạo một cơ sở giải quyết các vụ án dễ dàng hơn. Như đã phân tích, sự chống trả cần thiết sẽ có phạm vi rộng hơn, đồng thời hợp lý hơn so với một sự chống trả tương xứng. Nhờ có sự thay đổi này, việc xác định một hành vi có phải phòng vệ chính đáng hay không đã phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan xét xử. Thực tế, xác định một hành vi phòng vệ cần thiết khó hơn xác định một hành vi phòng vệ tương xứng, bởi hành vi cần thiết và vượt quá sự cần thiết rất khó xác định ranh giới. Mặc dù trong các văn bản xung quanh BLHS năm 1985 như Chỉ thị 07/TANDTC ngày 22/12/1983 và Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 đều có giải thích rõ rằng hành vi chống trả tương xứng không phải là sự ngang bằng về mặt cơ học, tức là người tấn công sử dụng công cụ, phương tiện gì thì người phòng vệ cũng sử dụng công cụ, phương tiện đó hoặc người tấn công gây thiệt hại đến mức độ nào thì người phòng vệ cũng chỉ được gây thiệt hại đến mức độ đó. Sự tương xứng ở đây là về tính chất và mức độ giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công, có đánh giá hành vi tấn công cũng như hoàn cảnh cụ thể, các mối tương quan khác khi xảy ra sự việc và đánh giá sự tương xứng đó với quan điểm biện chứng, nhìn nhận sự việc trong mối quan hệ tổng hoà với các mối quan hệ khác và trong trạng thái vận động. Việc thay đổi từ “tương xứng” sang “cần thiết” tạo những căn cứ mới để xác định hành vi là phòng vệ chính đáng và những căn cứ này đã phù hợp hơn khi xét về bản chất của phòng vệ chính đáng. Về cơ bản, các nhà khoa học và nhà luật học đã tóm gọn những căn cứ xác định hành vi phòng vệ chính đáng ở thời kỳ này như sau:
– Dựa vào bản chất các mối quan hệ xã hội bị xâm hại hoặc đe doạ bị xâm hại, hành vi xâm hại đến mối quan hệ xã hội quan trọng bao nhiêu thì cường độ của hành vi phòng vệ phải mạnh mẽ bấy nhiêu thì mới có thể chống trả được;
– Dựa vào mức độ nghiêm trọng của hành vi tấn công từ phương pháp, công cụ, phương tiện, cường độ tấn công. Phương pháp tấn công càng tinh vi, công cụ phương tiện tấn công càng nguy hiểm, cường độ tấn công càng lớn thì sự chống trả càng phải quyết liệt thì mới có khả năng, cơ hội bảo vệ lợi ích hợp pháp bị xâm hại;
– Dựa vào quy mô, số lượng người tham gia tấn công và tương quan lực lượng;
– Dựa vào ý chí quyết tâm của người tấn công, người tấn công nếu quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng thì hành vi chống trả phải kiên trì và quyết liệt;
– Dựa vào không gian, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khác khi xảy ra sự việc.
Ngoài ra, khi đánh giá sự cần thiết giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công, cần có sự đánh giá các căn cứ nêu trên đồng thời phải chú ý xem xét thái độ tâm lý của người phòng vệ. Trong những tình huống bị tấn công, thông thường trong điều kiện cấp bách như vậy, người thực hiện hành vi phòng vệ khó có được sự bình tĩnh, tỉnh táo để lựa chọn cách thức, công cụ cũng như mức độ gây thiệt hại phù hợp cho người tấn công.
Qua sự thay đổi về ngôn từ, đã dẫn đến sự thay đổi về bản chất của hành vi phòng vệ chính đáng. Mặc dù các quy định của pháp luật hình sự năm 1999 về phòng vệ chính đáng là sự kế thừa của BLHS năm 1985, nhưng nội hàm của phòng vệ chính đáng trong BLHS năm 1999 đã thay đổi nhiều, phù hợp hơn, dễ áp dụng hơn cho các cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Ngoài ra, chế định phòng vệ chính đáng trong BLHS năm 1999 còn thay đổi cụm từ “tập thể” thành cụm từ “tổ chức”. Đây là một sự thay đổi mang tính chất phù hợp với sự phát triển của xã hội. BLHS năm 1985 được soạn thảo và thông qua khi đất nước vẫn đang trong thời kỳ áp dụng nền kinh tế bao cấp. Thời bao cấp là tên gọi được sử dụng tại Việt Nam để chỉ một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được Nhà nước bao cấp, diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế của thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo đó thì kinh tế tư nhân dần bị xóa bỏ, nhường chỗ cho kinh tế do nhà nước chỉ huy. Do đó, thời điểm này “tập thể” là khái niệm được đề cao nhất, mọi người đều hướng tới lợi ích chung của tập thể. Cho tới khi Việt Nam tiến hành chương trình cải cách toàn diện từ kinh tế cho tới các khía cạnh khác của xã hội từ năm 1986, nền kinh tế Việt Nam mới được phát triển theo hướng kinh tế thị trường, tầm quan trọng của tập thể mới bị giảm xuống và thay thế bằng các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trong năm lần sửa đổi, BLHS vẫn không sửa đổi cụm từ “tập thể” trong chế định Phòng vệ chính đáng. Thực tế cho thấy, việc thay đổi một chi tiết nhỏ như vậy trong một điều luật, mà không làm ảnh hưởng nhiều tới nội dung điều luật là không cần thiết, thậm chí gây khó khăn khi áp dụng. Chỉ đến khi ban hành BLHS 1999, khi rất nhiều điều khoản đều được soạn thảo và hệ thống lại, cụm từ “tập thể” mới bị loại bỏ hoàn toàn. Đây là một sự thay đổi hợp lý, bởi khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp đang phát triển mạnh, cần phải có cơ chế bảo vệ cụ thể và rõ ràng.