Khi xem xét đến lịch sử pháp luật ly hôn có yếu tố nước ngoài ta cần xem xét đến quá trình hoàn thiện của Luật hôn nhân và gia đình, lấy đó làm cơ sở để phân kỳ lịch sử phát triển của pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam.
Mỗi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này đều trải qua một quá trình vận động và phát triển, từ đơn giản đến phức tạp, pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật điều chỉnh về quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ở mỗi thời kỳ, ở mỗi giai đoạn với chính sách khác nhau thì pháp luật điều chỉnh cùng một quan hệ cũng không giống nhau. Chính vì thế, để thấy được những ưu và nhược điểm cũng như sự kế thừa của pháp luật Việt Nam trong việc điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài qua các giai đoạn, ta sẽ lần lượt tìm hiểu những quy định điều chỉnh quan hệ này qua các thời kỳ.
Ly hôn là một phần của quan hệ hôn nhân và gia đình nên khi xem xét đến sự phát triển của ly hôn có yếu tố nước ngoài ta cần xem xét đến quá trình hoàn thiện của Luật hôn nhân và gia đình, lấy đó làm cơ sở để phân kỳ lịch sử phát triển của pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó ta có thể chia thành hai giai đoạn lớn: Giai đoạn trước thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn từ thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế đến nay.
Mục lục bài viết
1. Giai đoạn trước thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế:
a) Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945:
Trước 1945, Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, quan hệ ly hôn thời kỳ này được điều chỉnh bởi các quy phạm được quy định trong một số bộ luật dân sự, tiêu biểu nhất là hai bộ luật Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ.
Tại bộ Quốc Triều hình luật Điều 308 có ghi: “Phàm chồng đã bỏ lỡng vợ năm tháng mà không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng), thì mất vợ. Nếu vợ đã có con, thì cho bạn một năm. Vì việc quan phải đi xa, thì không theo Luật này. Nếu đã bỏ vợ, mà lại ngăn cản người khác lấy vợ mình thì phải tội biếm”.
Trong Bộ luật Gia Long Điều 108 bên cạnh các trường hợp được dự kiến tương tự như luật thời Lê thì bộ luật còn cho phép người vợ được chấm dứt quan hệ hôn nhân để kết hôn với người khác trong trường hợp người chồng mất tích do loạn lạc. Việc ly hôn thuận tình cũng được cho phép trong trường hợp vợ chồng không hợp tính tình.
Dưới thời Pháp thuộc, đất nước ta bị chia làm ba kỳ là: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Sau khi xâm lược Việt Nam và đặt ách đô hộ ở Nam Kỳ, thực dân Pháp đã ban hành Bộ dân luật giản yếu Nam kỳ áp dụng ở Nam kỳ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Bộ dân luật Bắc kỳ được ban hành vào ngày 30/3/1931 theo Nghị định của Thống sứ Bắc kỳ để thi hành trên toàn cõi Bắc kỳ từ ngày 01/07/1931 thay cho Bộ luật Gia Long. Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật được ban hành năm 1939 thi hành trên toàn Trung kỳ. Nhìn chung, về thực chất vẫn là phiên bản của Bộ luật Bắc kỳ có sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với các tỉnh Trung kỳ và triều đình Huế. Về quan hệ hôn nhân và gia đình, các bộ luật này đã quy định về quyền và nghĩa vụ giữa vợ, chồng, chế độ tài sản của vợ chồng, vấn đề nuôi con nuôi; quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con theo mô hình phương Tây. Đối với quan hệ ly hôn thời kỳ này do được xây dựng dựa theo khuôn mẫu Pháp đồng thời vẫn bảo vệ quyền và lợi ích của người chồng (Dân Luật giản yếu thiên thứ VI, Bộ luật dân sự Bắc kỳ Điều 116 đến 150; Bộ luật dân sự Trung kỳ Điều 115 đến 147). Ly hôn sẽ được giải quyết theo những trường hợp mà luật dự kiến. Tuy nhiên, dù chịu ảnh hưởng của luật Pháp cùng thời kỳ nhưng luật Việt Nam lại thừa nhận khả năng ly hôn do sự thuận tình của vợ và chồng, điều mà pháp luật của Pháp cùng thời kỳ không thừa nhận. Ngoài ra, Dân luật giản yếu còn ghi nhận quyền xin ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng mất tích, như trong Bộ luật Gia Long. Bên cạnh đó, quyền xin ly hôn được thừa nhận cho cả vợ và chồng, nhưng người vợ không có quyền xin ly hôn vì lý do người chồng ngoại tình, trong khi người chồng lại có quyền xin ly hôn với lý do người vợ ngoại tình.
Trong thời kỳ này đã có những quy định điều chỉnh quan hệ ly hôn nhưng đối với quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài thì chưa được đề cập một cách cụ thể, dù trong thời gian này không ít quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được xác lập, đặc biệt là giữa người Việt Nam với người Pháp.
Tóm lại, dựa vào những phân tích trên về quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài trong cổ luật Việt Nam trước 1945, ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, trong thời kỳ phong kiến xuất phát từ chính sách đối ngoại phong kiến lúc bấy giờ và với chính sách kinh tế lạc hậu “ức thương”, “bế quan tỏa cảng” nên các bộ luật này không điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Ở Việt Nam, nếu nhìn rộng ra sẽ thấy trong thời kỳ này các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không được luật quy định hoặc có quy định thì đó là các quy định cấm đoán hoặc phải chịu hình phạt nếu có quan hệ hôn nhân và gia đình với người nước ngoài. Điển hình như tại Điều 71 (22) Chương Cấm vệ, Quốc Triều hình luật quy định: “Nếu kết vợ chồng với người nước ngoài phải lưu đi châu xa, đôi vợ chồng ấy phải ly dị và bắt trở về nước”.
Thứ hai, trong thời kỳ Pháp thuộc, nước ta đã có quan hệ rộng rãi hơn với các nước như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây nhưng “quan hệ ngoại giao của nước ta vẫn còn bó hẹp, quan hệ ngoại thương cũng rất hạn chế, chưa có ngoại thương song phương”. Pháp luật trong thời kỳ này tuy có một số quy định đề cập đến vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhưng về thực chất chủ yếu nhằm điều chỉnh vấn đề quốc tịch.
Nhìn chung, quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài trong thời kỳ vẫn chưa được điều chỉnh hay nói chính xác hơn là chưa cho phép điều chỉnh.
b) Giai đoạn từ 1945-1959:
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, chính thức khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Là một nước dân chủ non trẻ vừa lột xác từ một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, phải đối mặt với nạn thù trong giặc ngoài, do đó Nhà nước ta ít ban hành văn bản pháp luật riêng lẻ để điều chỉnh quan hệ dân sự, trong đó có quan hệ hôn nhân gia đình.
Cho đến tháng 5 năm 1950, các vấn đề liên quan tới dân sự trong đó có quan hệ hôn nhân và gia đình đều chịu sự điều chỉnh của các quy định được ghi nhận trong ba Bộ luật dân sự: Dân pháp điển Bắc kỳ (1931), Dân pháp điển Trung kỳ (1936) và Pháp quy giản yếu (1883). Cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các bộ luật này là Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945. Sắc lệnh này quy định tạm giữ các luật lệ hiện hành ở Việt Nam để thi hành cho đến khi ban hành những bộ luật mới cho toàn cõi Việt Nam, trừ những quy định đi ngược lại độc lập dân tộc và quyền lợi của nhân dân.
Trong giai đoạn này, có một văn bản pháp luật có giá trị cao nhất đầu tiên đề cập gián tiếp đến quan hệ hôn nhân, đó là Hiến Pháp 1946. Bản Hiến pháp này được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua ngày 09/11/1946. Tại Điều 9 Hiến pháp quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Đây là một quy định rất tiến bộ thể hiện bản chất tốt đẹp của một xã hội văn minh.
Văn bản pháp lý riêng biệt đầu tiên đề cập đến lĩnh vực hôn nhân là Sắc lệnh 159SL được ban hành ngày 17/11/1950, quy định về vấn đề ly hôn. Trong Sắc lệnh này các duyên cớ ly hôn, thủ tục ly hôn và hiệu luật của việc ly hôn được quy định tuy không nhiều nhưng tương đối cụ thể. Trong giai đoạn này các vấn đề liên quan đến kết hôn sẽ tuân theo quy định của Sắc lệnh 97-SL ngày 22/05/1950, các vấn đề ly hôn sẽ tuân theo quy định của Sắc lệnh 159-SL ngày 17/11/1950. Sắc lệnh 159-SL chủ yếu điều chỉnh các quan hệ ly hôn trong nước, quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài chưa được pháp luật điều chỉnh. Khi quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài phát sinh thì thường rơi vào trường hợp tạm đình chỉ và phải chờ sự hướng dẫn từ Tòa án tối cao.
Nhìn chung, pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn còn hết sức đơn giản, chưa tập hợp thành hệ thống, chưa điều chỉnh đầy đủ các quan hệ. Ngoài các văn bản hướng dẫn đường lối xét xử của Tòa án tối cao đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài thì pháp luật chưa có quy định quy phạm điều chỉnh, Nhà nước ta chủ trương chưa ban hành văn bản pháp luật riêng để điều chỉnh trực tiếp quan hệ hôn nhân và gia đình mà chỉ điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình trong nước theo Hiến pháp 1946.
Thứ hai, trong thời gian này quan hệ hợp tác giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với các nước, chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa, bắt đầu kiến lập và dần dần được củng cố. Bên cạnh sự giúp đỡ về chính trị, kinh tế, khoa học kĩ thuật, các nước còn tiếp nhận đào tạo nhiều công dân Việt Nam thuộc các ngành nghề khác nhau. Thời kỳ này Việt Nam đã bắt đầu gửi sang Liên Xô và các nước Đông Âu nhiều công dân để học tập, nghiên cứu, đồng thời Việt Nam cũng tiếp nhận chuyên gia, cán bộ của các nước đến công tác, giúp đỡ và huấn luyện cho cán bộ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các quan hệ xã hội có yếu tố nước ngoài phát sinh, đòi hỏi pháp luật điều chỉnh, tuy vậy vấn đề điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài chưa phải là một yêu cầu bức xúc. Nhưng chính điều này đã tạo tiền đề cho việc xây dựng các quy phạm điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài trong những giai đoạn tiếp theo.
c) Giai đoạn từ 1959-1986:
Trong giai đoạn này, bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 31/12/1959 tiếp tục khẳng định và ghi nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Xuất phát từ tình hình thực tế của quan hệ hôn nhân và gia đình trong thời kỳ mới, Luật hôn nhân và gia đình đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 29/12/1959 và được Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 02-SL công bố ngày 13/01/1960 về quan hệ hôn nhân và gia đình, Luật đã điều chỉnh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con. Đối với quan hệ ly hôn Luật hôn nhân và gia đình 1959 đã dành một chương (Chương V, từ Điều 25 đến Điều 33) để quy định về điều kiện ly hôn, thủ tục ly hôn, cấp dưỡng và quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Tuy nhiên, quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài vẫn chưa được điều chỉnh.
Thời gian này, đất nước bị chia làm hai miền nên quan hệ ly hôn chịu sự điều chỉnh của hai văn bản khác nhau. Ở miền Bắc, quan hệ ly hôn chịu sự điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình 1959 và ly hôn được xem là một quyền tự do của công dân. Ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ban hành Luật gia đình ngày 02/01/1959, luật này cấm đoán việc ly hôn.
Tóm lại, trong thời kỳ này pháp luật về ly hôn đã có những bước tiến quan trọng. Trước tiên, quan hệ ly hôn đã được quy định trong một văn bản có giá trị pháp lý tương đối cao – Luật hôn nhân gia đình 1959. Thứ hai, những quy định điều chỉnh quan hệ ly hôn chi tiết hơn so với giai đoạn trước, bên cạnh đề cập đến các điều kiện ly hôn, thủ tục ly hôn thì có thêm quy định về hạn chế ly hôn, căn cứ chia tài sản sau khi ly hôn, quyền trực tiếp nuôi con, cấp dưỡng. Tuy nhiên, do tình hình đất nước, các quy phạm điều chỉnh quan hệ ly hôn chưa được đầy đủ, vẫn chưa có quy phạm điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài dù trên thực tế vẫn có phát sinh quan hệ này. Khi quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nẩy sinh, nếu trường hợp nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với quốc gia đó thì tuân theo Hiệp định, ngược lại thì sẽ theo sự hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.
2. Giai đoạn đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế:
a) Giai đoạn từ 1986 – 2000:
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, dưới sự lãnh đạo của Đảng nước ta bước sang một thời kỳ mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước những thay đổi to lớn của đất nước Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật kịp thời điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh.
Ngày 29/12/1986 Luật hôn nhân và gia đình đã được Quốc hội thông qua, Luật quy định nhiều vấn đề mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của đất nước. Tương tự như Luật hôn nhân và gia đình 1959, Luật hôn nhân và gia đình 1986 cũng đã dành riêng một chương để điều chỉnh quan hệ ly hôn. Điểm đáng chú ý là lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật hôn nhân và gia đình. Nhà nước đã dành một chương (Chương IX) trong Luật hôn nhân và gia đình 1986 quy định về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Trong Chương này, quan hệ ly hôn đã được quy định tại Điều 53. Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể được áp dụng sau bảy năm kể từ ngày Luật hôn nhân và gia đình 1986 ra đời.
Để thi hành Điều 53 Luật hôn nhân và gia đình, theo đề nghị của Chính Phủ, ngày 02/12/1993 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài (Pháp lệnh năm 1993). Trong pháp lệnh đã quy định về pháp luật áp dụng trong trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (Điều 12); và thẩm quyền xét xử vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (Điều 13).
Ngày 09 tháng 10 năm 1993 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 517/NCPL của Tòa án nhân dân tối cao về việc ly hôn với một bên đang ở nước ngoài, Công văn này đã góp phần tích cực trong việc điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó còn có sự ra đời của một số văn bản pháp luật có liên quan như:
– Pháp lệnh công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
– Pháp lệnh thi hành án dân sự được Ủy ban thường vụ Quốc Hội thông qua ngày 21/4/1993.
– Bộ luật dân sự Việt Nam 1995 – Luật quốc tịch Việt Nam 1998. – Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Chính Phủ về đăng ký hộ tịch.
Tóm lại, qua nghiên cứu pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam trong giai đoạn từ 1986-2000, ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
Các văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài được ban hành ngày càng nhiều, đồng thời các quy phạm được quy định trong những văn bản pháp lý có giá trị tương đối cao như Luật hôn nhân và gia đình 1986, Pháp lệnh 1993. Thêm vào đó, việc dành một chương riêng trong
Tuy các văn bản điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều nhưng các quy định này vẫn còn rất chung chung, chỉ điều chỉnh một trong ba quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài (quan hệ ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài) còn hai quan hệ khác (quan hệ ly hôn của công dân Việt Nam với nhau diễn ra ở nước ngoài và quan hệ ly hôn của công dân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam) thì chưa được điều chỉnh. Bên cạnh đó, Nhà nước ta cũng đã tiến hành ký kết nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước như Ba Lan, Lào, Nga, Mông Cổ, Belarut góp phần giải quyết quan hệ được hiệu quả hơn.
b) Giai đoạn từ năm 2000 đến nay:
Trước thực tế khách quan của các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng ngày càng đa dạng và phức tạp,
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã dành một Chương Chương XI) quy định quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Chương này gồm bảy điều từ Điều 100 đến Điều 106 trong đó có Điều 104 quy định về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, điều này đã xác định rõ nguyên tắc, cách giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền trong quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Sự ra đời của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã đáp ứng được nhu cầu thực tế trong việc giải quyết quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Nó có phạm vi rộng hơn so với Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Pháp lệnh năm 1993 bằng việc điều chỉnh quan hệ ly hôn giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trong thời gian này, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành có quy định điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu có yếu tố nước ngoài được ban hành ngày càng nhiều như:
– Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
– Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (NĐ68/CP) đã được Chính Phủ thông qua, trong đó quan hệ ly hôn cũng được điều chỉnh (Điều 20).
– Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình hướng dẫn giải quyết đối với các trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã đi ra nước ngoài; đối với trường hợp các bên đều là công dân Việt Nam kết hôn ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài, nay họ về Việt Nam xin ly hôn; và trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài.
Ngoài ra, với sự ra đời của nhiều văn bản pháp luật liên quan đã góp phần giải quyết quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài được hiệu quả hơn như: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005;
Nhìn chung, so với các giai đoạn trước đây thì văn bản điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn này không ngừng tăng về số lượng lẫn chất lượng, phạm vi điều chỉnh rộng hơn. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật có liên quan được ban hành đã góp phần hỗ trợ tích cực cho việc giải quyết quan hệ được chính xác và hiệu quả hơn.
Tóm lại, pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài đã được hình thành và không ngừng phát triển qua các giai đoạn lịch sử. Sự phát triển của pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài đã phản ánh xu thế khách quan trong quan hệ đối ngoại của Nhà nước ta trong lĩnh vực này. Các quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh bằng những văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao, đó là Luật hôn nhân và gia đình 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Ngoài ra, quan hệ này còn được điều chỉnh theo các Hiệp định song phương mà Nhà nước ta ký kết với các nước. Các Hiệp định này đã đánh dấu những bước phát triển mới trong quan hệ quốc tế giữa nước ta và các nước liên quan trong nhiều lĩnh vực góp phần mở rộng quan hệ pháp lý quốc tế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của công dân, tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong việc hợp tác giải quyết nhiều vấn đề pháp lý phức tạp và đa dạng, trong đó có quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.