Lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng từ Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành BLHS năm 2015.
Mục lục bài viết
- 1 1. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945:
- 2 2. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành BLHS năm 1985:
- 3 3. Giai đoạn từ sau khi ban hành BLHS năm 1985 đến trước khi ban hành BLHS năm 1999:
- 4 4. Giai đoạn từ sau khi ban hành BLHS năm 1999 đến trước khi ban hành BLHS năm 2015:
1. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945:
Lịch sử PLHS Việt Nam đã kéo dài rất lâu, từ thời đại phong kiến cho đến tận sau này, mỗi thời kỳ với mỗi hoàn cảnh lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa khác nhau lại cho ra sản phẩm là những văn bản QPPL hình sự khác nhau. Tuy nhiên phải đến triều đại nhà Lê, vấn đề xây dựng PLHS mới được quan tâm. Dưới thời vua Lê Thánh Tông đã xây dựng được một số quy định nghiêm cấm nạn hối lộ – đây là những hành vi liên quan đến chức vụ đầu tiên được quy định trong PLHS. Cũng chính dưới triều đại này đã cho ra đời Bộ luật Hồng Đức vào năm 1483 – được coi là di sản pháp lý lớn nhất và quan trọng nhất không chỉ của PLHS mà của toàn bộ pháp luật Việt Nam thời trung cổ. Trong bộ luật này đã chính thức quy định về các hành vi liên quan đến chức vụ mặc dù vẫn chưa ghi nhận thuật ngữ pháp lý “tội phạm về chức vụ” để đảm bảo hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước phong kiến. Những tội phạm này chủ yếu là những tội phạm tham nhũng như: tội nhận hối lộ quy định tại điều 138; Tội đưa hối lộ quy định tại điều 140; một số hành vi khác liên quan đến chức vụ quy định tại Điều 137 …. Tuy nhiên hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng lại chưa được quy định trong bộ luật này nói riêng và trong cả giai đoạn này nói chung.
2. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành BLHS năm 1985:
Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng tám năm 1945, nhà nước ta bước sang một giai đoạn mới: lật đổ chế độ thực dân nửa phong kiến, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cũng theo đó mà hệ thống các văn bản QPPL, đặc biệt là PLHS đã có sự thay đổi lớn. Thời điểm này, chủ trương của Nhà nước ta là bãi bỏ một phần lớn các đạo luật hình sự cũ và ban hành các văn bản PLHS mới (cũng như các văn bản pháp luật có tính chất hình sự) trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Trên con đường hình thành nền tảng đầu tiên của hệ thống PLHS, các nhà làm luật đã ban hành một số sắc lệnh nhằm bảo vệ các quan hệ xã hội trong công cuộc xây dựng – tổ chức bộ máy Nhà nước mà sắc lệnh trực tiếp liên quan đến tội phạm về chức vụ là Sắc lệnh số 233 ngày 17/11/1946 quy định tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ hoặc phủ lạm, biển thủ công quỹ. Tiếp theo đó, có thêm nhiều hành vi phạm tội về chức vụ được quy định như: Sắc lệnh số 200 ngày 07/8/1948 quy định về tội đào nhiệm. Sắc lệnh này được ban hành có mục đích nâng cao kỷ luật công chức và đảm bảo cho các CQNN trong điều kiện khó khăn hoạt động được bình thường. Tuy nhiên tại hai sắc lệnh này vẫn chưa quy định về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phải đến Sắc lệnh số 267 ngày 15/6/1956 được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách, kế hoạch của nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc công dân và nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công chức mới bắt đầu quy định về tội phạm gắn liền với trách nhiệm của người có chức vụ tại điều 10 của sắc lệnh:
Kẻ nào vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà trong công tác mình phụ trách đã để lãng phí, để hư hỏng máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu, để lộ bí mật nhà nước, để xảy ra tai nạn, v. v… làm thiệt hại một cách nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, của hợp tác xã, của nhân dân, làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch của nhà nước, sẽ bị phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù.
Đây là tiền thân và nền tảng cho việc xây dựng nên quy phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng về sau.
Thông qua thực tiễn xét xử giai đoạn này, Tòa án nhận ra rằng ngày càng có nhiều những hiện tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành nghiêm chỉnh kỷ
Ngày 21/10/1970, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa số 149-LCT được ban hành ngày 21 tháng 10. Tại pháp lệnh này cũng quy định về hành vi Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tại Điều 14 như sau:
Điều 14. Tội thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa.
1. Kẻ nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa, vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà không chấp hành hoặc chấp hành không đúng các nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ, để mất mát, hư hỏng, lãng phí, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
Các văn bản PLHS tiếp theo là sắc luật số 03 ngày 15/3/1976 và Pháp lệnh trừng trị các tội hối lộ ban hành ngày 20/5/1981 chỉ bổ sung thêm một số tội phạm về chức vụ (như: tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn; tội đưa hối lộ; tội nhận hối lộ; tội môi giới hối lộ, …) chứ không quy định về hành vi Thiếu trách nhiệm.
3. Giai đoạn từ sau khi ban hành BLHS năm 1985 đến trước khi ban hành BLHS năm 1999:
Trên quá trình phát triển đất nước, nhận thức được rằng sức mạnh của bộ máy nhà nước phụ thuộc nhiều ở hoạt động của các CQNN mà các cán bộ, công chức là những người trực tiếp thực hiện các hoạt động của CQNN. Do đó nếu những người cán bộ, công chức đó không nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư mà có thái độ quan liêu, hách dịch, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sẽ gây thiệt hại không nhỏ đến lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của tập thể và của công dân, làm giảm uy tín của người cán bộ và CQNN, từ đó làm cho hiệu quả hoạt động của CQNN bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhận thức được nhu cầu của thực tiễn, đồng thời kế thừa kinh nghiệm lập pháp hình sự và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống các tội phạm về chức vụ những năm trước đây, BLHS đầu tiên của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành vào ngày 27/6/1985 đã dành một chương quy định về tội phạm chức vụ. Trong đó, hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 220 BLHS 1985 là:
Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định ở các Điều 139, 193 và 237, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Quy định này tiếp tục được hướng dẫn cụ thể tại Điều 1, Chương 7
Đồng thời tại điều khoản này cũng đã giải thích rõ hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như sau: là một tội phạm chung do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện một cách vô ý, không thuộc trường hợp quy định ở các điều luật khác và gây hậu quả nghiêm trọng, thường là không thuộc về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản. Thí dụ: do lơ là, cẩu thả trong công việc, một người huy động nhân công gây lãng phí lớn về sức lao động; do nghiên cứu hồ sơ, trúng cử không cẩn thẩn, một số kiểm sát viên truy cứu TNHS người không có tội, một thẩm phán ra quyết định trái pháp luật (nếu hành vi của kiểm sát viên, thẩm phán là do cố ý thì bị xử lý theo Điều 231 hoặc Điều 232).
Khi sửa đổi BLHS 1985 vào ngày 12/8/1981, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được sửa đổi tại khoản 15 Điều 1 như sau:
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định ở các điều 139, 193 và 237, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm (Điều 1).
Tiếp tục tại lần sửa đổi BLHS 1985 vào năm 1992, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được sửa đổi theo Khoản 12 Điều 2 như sau:
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định ở các điều 139, 193 và 237, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
Có thể nhận thấy qua mỗi lần sửa đổi, nhà làm luật có xu hướng sửa đổi quy định về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo hướng tăng nặng khung hình phạt: từ tội phạm ít nghiêm trọng thành tội phạm nghiêm trọng; đã không còn hình phạt cải tạo không giam giữ nữa mà chỉ còn lại hình phạt tù mới mức thấp nhất là 06 tháng đến mức cao nhất là 12 năm. Điều này cho thấy quyết tâm của Nhà nước ta trong việc xử lý, trừng trị các hành vi của người có chức vụ vì thiếu trách nhiệm mà gây những hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, nhân dân.
4. Giai đoạn từ sau khi ban hành BLHS năm 1999 đến trước khi ban hành BLHS năm 2015:
Qua 4 lần sửa đổi BLHS năm 1985 vào các ngày 28-12-1989, ngày 12-8- 1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997, BLHS năm 1985 đã được thay thế bởi BLHS năm 1999 – được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2000. So với BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 có nhiều quy định mới về tội phạm và hình phạt. Đặc biệt tại quy định về Tội phạm chức vụ cũng có nhiều thay đổi tiến bộ.
BLHS năm 1999 đã dành riêng 01 chương với 02 mục, 15 điều quy định tội phạm về chức vụ, trong đó Mục A với 07 điều luật quy định các tội phạm về tham nhũng và mục B cùng với 07 điều luật quy định về tội phạm khác chức vụ. Điểm tiến bộ trước tiên có thể nhận thấy đó là: lần đầu tiên khái niệm về tội phạm chức vụ và người có chức vụ được quy định cụ thể trong BLHS tại Điều 277. Tại Bộ luật này tiếp tục ghi nhận Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 285 cụ thể:
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
So với quy định tại BLHS 1985 sửa đổi, bổ sung thì quy định tại BLHS 1999 hầu như vẫn giữ nguyên các dấu hiệu pháp lý của tội phạm, chủ yếu thay đổi về TNHS đối với tội này cụ thể: (i) đã quy định lại hình phạt cải tạo không giam giữ; (ii) bổ sung thêm trường hợp phạm tội gây hậu quả “rất nghiêm trọng”; (iii) quy định thêm hình phạt bổ sung “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”.
Tuy nhiên tại quy định trên vẫn chưa giải thích cụ thể thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Thực tiễn xét xử trong giai đoạn này cho thấy, các chủ thể THTT đã tham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sở hữu, theo đó thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra nếu:
– Làm chết một người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội … . Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.
Các hướng dẫn trên, có thể áp dụng đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 285 BLHS. Đến khi BLHS năm 2015 ra đời, quy định về nhóm các tội phạm về chức vụ nói chung và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nói riêng đã có điểm thay đổi nổi bật đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta.