Quá trình hình thành và phát triển chế độ hồi tỵ? Phân loại chế độ hồi tỵ ở Việt Nam thời phong kiến? Khái quát chung về chế độ hồi tỵ ở Việt Nam thời kỳ phong kiến?
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung:
Trong quá trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thiết chế tổ chức bộ máy hành chính cũng như chế độ, chính sách quản lý đội ngũ quan lại cũng từng bước được hình thành và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử. Bên cạnh đó, trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, trên phương diện văn hóa nói chung và văn hóa chính trị – pháp lý nói riêng, Việt Nam chịu sự ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiếp thu nhiều yếu tố từ Trung Quốc, trong đó, chế độ quan lại của nhà nước phong kiến là một trong những phương diện thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Trong lịch sử, Trung Quốc là quốc gia ban hành luật hồi tỵ sớm nhất và cũng là quốc gia thực hiện chế độ này chặt chẽ nhất. Các vương triều phong kiến Việt Nam xuất phát từ nhu cầu xây dựng và củng cố thiết chế trung ương tập quyền, ngăn chặn nạn tham nhũng, kéo bè kết phái, bảo đảm sự công bằng trong tuyển dụng quan lại cũng như trong hoạt động thực thi công vụ, đã ban hành và áp dụng các quy định về hồi tỵ, vận dụng một cách linh hoạt chế độ hồi tỵ của các vương triều Trung Hoa phù hợp với đặc điểm của nước Đại Việt.
Về cơ sở hình thành, luật hồi tỵ tại Việt Nam được xây dựng dựa trên chính cơ sở xã hội – văn hóa truyền thống của Việt Nam, là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài của văn hóa dân gian, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hệ tư tưởng Nho giáo, đồng thời xuất phát từ nền văn hoá nông nghiệp vốn dĩ phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, người nông dân có xu hướng chú trọng tới các mối quan hệ hoà đồng, hình thành lối tư duy cầu an, ưa ổn định, ngại thay đổi. Bên cạnh đó, một đặc điểm của xã hội Việt Nam đó là tồn tại tính cố kết chặt chẽ của cá nhân đối với gia đình, dòng tộc, quê hương, đây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp lâu đời, nhưng cũng dẫn đến mặt trái là con người có những mối quan tâm cục bộ, thu hẹp trong một nhóm nhỏ người, thiếu tính lưu động và tinh thần cộng đồng không cao.
Như vậy, nếu như trong một cơ quan chính quyền hay địa phương có một nhóm những người có quan hệ gia đình, họ hàng, đồng hương sẽ là môi trường lý tưởng để những người đó kéo bè kéo cánh, nâng đỡ, bao che cho nhau, câu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, trái pháp luật . Vì vậy, chế độ hồi tỵ được hình thành và áp dụng như một biện pháp kiểm soát từ trên xuống để các vị hoàng đế thời phong kiến có thể ngăn chặn tình trạng này.
Về nguyên nhân áp dụng chế độ tỵ, có thể thấy rằng, sở dĩ có việc “hồi tỵ” là do các vị vua phong kiến cho rằng, những người có quan hệ thân thuộc, gần gũi nhau thường nể nang nhau, làm việc không khách quan, thiên vị, nâng đỡ lẫn nhau, gặp khi người nhà, người thân của mình có chuyện” thì thường né tránh hoặc bao che cho nhau, gây ra nhiều tiêu cực, làm cho bộ máy nhà nước kém hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, do sự thân quen, gần gũi là điều kiện thuận lợi để dẫn đến sự cấu kết, đồng lõa với nhau trong việc thu vén quyền lợi, có thể dẫn đến kết bè kéo cánh với nhau để tham nhũng tài sản của của nhà nước.
Do đó, một cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước khi được bổ nhiệm giữ một chức vụ hay phụ trách một công việc nào đó tại quê hương bản quán hoặc ở một cơ quan nhưng có thân thuộc, đồng liệu cần phải tránh đi, đổi đi nơi khác, phụ trách công việc khác. Luật hồi tỵ là những quy định có cơ sở thực tiễn xã hội và văn hóa truyền thống trọng tình nghĩa, đề cao các mối quan hệ tông tộc; đồng thời xuất phát từ nhu cầu của các vị vua phong kiến trong việc xây dựng và củng cố thiết chế trung ương tập quyền, ngăn ngừa nạn tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ quan lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Triết lý hồi tỵ tại Việt Nam khởi nguồn từ sự nghiệp cải cách nền hành chính quốc gia toàn diện và sâu sắc của vua Lê Thánh Tông – một vị vua anh minh đứng đầu thể chế quân chủ phong kiến trị vì đất nước suốt 38 năm (1460 1497). Với quan điểm “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến hoạ loạn”, vua Lê Thánh Tông đã sáng suốt đặt trọng tâm của sự nghiệp cải cách hành chính vào lĩnh vực cải cách thể chế và cải cách đội ngũ quan lại.
Sau khi đã có kinh nghiệm cai trị đất nước trong 26 năm, vua Lê Thánh Tông đã đặt ra chế độ hồi tỵ phục vụ cho công tác bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến đương thời. Tại điều 2, chương Vi chế của bộ Quốc triều Hình luật có ghi: “Các quan chủ ti chấm thi cùng với người dự thi có thân thuộc cần Hồi tỵ“. Đến thời Nguyễn, thuật ngữ này cũng được nhắc nhiều lần trong các văn bản của vương triều. Trong Đại Nam hội điển sự lệ, quy định về Hồi tỵ có ghi:“Nếu các khảo quan có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi (Hồi tỵ). Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái“.
2. Quá trình hình thành và phát triển chế độ hồi tỵ:
Thời Lê sơ (1428–1527), trong nỗ lực cải cách bộ máy chính quyền và xây dựng một thiết chế trung ương tập quyền mạnh, vua Lê Thánh Tông (1442–1498) là vị vua đầu tiên ban hành, hiện thực hóa chính sách hồi tỵ trong một nỗ lực đổi mới thể chế chính trị và quan chế của nước ta. Ông không chỉ là nhân tài về mặt trí tuệ mà còn là một vị vua rất có bản lĩnh và quyết đoán nên mới có khả năng thực hiện hồi tỵ với bề tôi của mình. Lê Thánh Tông bắt đầu đưa ra quy định đầu tiên của chính sách hồi tỵ khi ông có kinh nghiệm làm vua 26 năm và tiếp tục bổ sung thêm quy định mới trong 11 năm sau đó.
Điều này chứng tỏ chính sách “hồi tỵ” không chỉ được tiếp thu, vận dụng từ Trung Hoa, mà đó còn là sáng tạo thực tiễn của vua Lê Thánh Tông. Đối tượng thực hiện hồi tỵ thời Lê sơ là các vị quan đứng đầu bộ máy chính quyền dân sự và quân sự địa phương, tương đương với ba cấp hành chính của nước ta hiện nay, song quan trọng nhất là cấp cơ sở vì các quan xã bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ gia đình, gia tộc, không thể giữ được sự công tâm, khách quan trong công việc. Điều này là điểm sáng tạo nổi bật nếu so với chế độ hồi tỵ tại Trung Quốc cơ bản chỉ áp dụng đối với quan chức từ cấp huyện, châu trở lên.
Sau thời vua Lê Thánh Tông, chính sách hồi tỵ không được thể chế hóa thành luật nên bị mai một dần. Đồng thời, trong một xã hội phong kiến khi mà luật pháp đều do vua ban xuống nên hiệu lực của nó phụ thuộc vào cá nhân người cai trị đất nước, các vị vua kế nghiệp Lê Thánh Tông không ai có thể sánh với ông về tài, đức nên không thể hoàn thiện thể chế, quan chế và phát huy tinh thần của triều trước. Thời Lê Trung Hưng (1533–1789), do ảnh hưởng của đời sống chính trị (những cuộc nội chiến liên miên khiến cho thiết chế trung ương tập quyền bị suy yếu, nạn mua quan bán tước, tham quan ô lại có xu hướng gia tăng) nên quy định về hồi tỵ bị hạn chế.
Nhưng đến triều Nguyễn (1802–1945), vua Minh Mạng là người thực hiện luật hồi tỵ một cách tích cực và triệt để nhất, ông cảm thấy nhức nhối trước thực trạng “các quan chức thông phán, kịch liệt phần nhiều là người địa phương, do đó, vì tình riêng làng nước, khó lòng khỏi sự tự túi sinh ra nhiều tệ hại”. Trong cuộc đời hơn 20 năm làm vua của mình, từ năm Canh Thìn (1820) đến cuối năm Canh Tý (đầu năm 1841), ông đã nhiều lần ra chỉ dụ về quy định hồi tỵ. Kế thừa tư tưởng của Lê Thánh Tông, luật hồi tỵ của triều Nguyễn đã mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới.
3. Phân loại chế độ hồi tỵ ở Việt Nam thời phong kiến:
Về cơ bản, chế độ hồi tỵ trong chế độ quan lại tại Việt Nam thời phong kiến cũng bao gồm hồi tỵ về thân thuộc, địa vực (nguyên quán, trú quán) và hồi tỵ trong khoa cử.
Trong đó, chế độ hồi tỵ trong khoa cử được áp dụng từ sớm nhất. Từ thời Lê sơ, khoa cử trở thành phương thức tuyển dụng quan lại chủ yếu của nhà nước phong kiến Đại Việt. “Quốc triều hình luật” điều 98 đưa ra quy định: “Các quan chủ ty chấm thi với người dự thi có thân thuộc, cần phải hồi tỵ mà không từ chối thì phạt 50 roi biếm một tư, nếu là các quan di phong, đằng lục 4 phạm phải thì đều phải phạt 80 trượng. Thi hương thì được giảm một bậc.
Các khảo quan khác (biết có sự không hồi tỵ này) mà cứ chấm quyền thi cùng là quan di phong, đăng lục đều được giảm một bậc. Nếu không nên hồi tỵ mà hồi tỵ thì cũng bị xử tội như thế”, từ đó góp phần đảm bảo sự công minh trong khoa cử. Sau này, Triều Nguyễn cũng tiếp tục áp dụng việc hồi tỵ với khoa cử, trong các kỳ thi Hương, thi Hội, quan lại không được về coi thi, chấm thi tại tỉnh là quê đẻ, quê mẹ, quê vợ, nơi học hoặc nơi dạy cũ. Trong “Đại Nam hội điển sự lệ” có quy định về hồi tỵ rằng: “Nếu các khảo quan có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo cáo lên cấp trên để tránh đi. Nếu có tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái” .
Hồi tỵ về thân thuộc cũng áp dụng rất nghiêm ngặt, không chỉ đối với những người có quan hệ thân thuộc trong gia đình mà còn đối với những người có quan hệ về hôn nhân. Dưới thời Lê Thánh Tông đã bắt đầu quy định về hồi tỵ với quan hệ hôn nhân. Năm Bính Ngọ niên hiệu Hồng Đức (1486), ông ra chỉ dụ cấm quan lại được lấy vợ là đàn bà, con gái tại nơi làm quan, nhằm “ngăn chặn từ xa” tình trạng các bà vợ “chỉ huy” các ông quan chồng để thao túng quyền hành. Chỉ dụ này của Lê Thánh Tông đã được thể chế hóa chính thức bằng quy định tại Điều 316 của Quốc triều Hình luật: “Các quan ty ở trấn ngoài mà lấy đàn bà con gái ở trong hạt mình, thì xử phạt 70 trượng, biếm ba tư và bãi chức”.
Điều 334 Quốc triều Hình luật còn quy định: “Các quan ty mà cùng với những người tù trưởng ở biên trấn kết làm thông gia, thì phải xử tội đồ hay lưu và phải ly dị, nếu lấy trước rồi thì xử đoản khác”. Luật hồi tỵ sau đó còn được vua Thiệu Trị (Nhà Nguyễn) quy định thêm: Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại của công để cầu cạnh...
Vào năm Mậu Thân (1488), Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cấm những người là chú, bác – cháu ruột, anh em ruột (đến năm Bính Thìn – 1496), quy định được mở rộng đến cả những người là anh em con cô con cậu, con dì con già và cả những người là thông gia với nhau cùng làm xã trưởng, nếu đã cùng làm xã trưởng rồi thì giữ lại một người “đứng đắn nhất“, có thể làm được việc, còn những người khác thì phải về làm dân. Triều Nguyễn (vua Minh Mạng) đưa ra quy định: Các loại dịch (nhân viên) ở nha môn các bộ ở Kinh đô và các tỉnh là cha con, anh em ruột, anh em
con chó con bác với nhau thì phải “tách ra“, đổi bổ đi nơi khác. Những người có quan hệ thống gia, thầy trò, người cùng quê quán... cũng không được cùng làm quan tại một địa phương, cùng làm việc tại một công sở. Ví dụ năm 1830, Phan Huy Chú được bổ nhiệm Hàn lâm viện tu soạn trong khi đã có người anh em đang làm Hàn lâm viện quản thủ kiêm Thượng thư Bộ Lễ. Ông đã dâng biểu đề từ quan.
Hoặc năm 1845, triều đình phê chuẩn cho Án sát tỉnh Quảng Ngãi là Đặng Kham cùng với viên Đốc học tỉnh ấy là Trần Văn Vy là thông gia nên đã cho hồi tỵ. Trần Văn Vy cho đổi đi làm Đốc học tỉnh Hà Tĩnh. Hồi tỵ về thân thuộc còn được mở rộng đối tượng, không chỉ những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân mà cả những người có mối quan hệ đặc biệt như thầy – trò, đồng liêu. Năm Tự Đức thứ nhất (1848), triều Nguyễn chuẩn định cho Nguyễn Trinh là tri huyện huyện Chân Lộc tỉnh Nghệ An, cùng với Án sát tỉnh ấy là Phạm Bá Thiều là tình thầy trò nên được cho Hồi tỵ. Nguyễn Trinh được đổi bổ làm tri huyện huyện Quảng Xương, tỉnh Quảng Trị .
Hồi tỵ về địa vực (nguyên quán, trú quán) từ thời vua Minh Mạng trở đi ngày càng chặt chẽ. Các quan lại không được làm quan ở quê hương, nơi trú quán (nơi đã sinh sống một thời gian lâu), hoặc ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Các loại mục, thông lại (nhân viên hành chính ở các phủ, huyện) cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình. Các loại mục, thông lại (nhân viên hành chính) ở các huyện, phủ là người cùng một làng, xã cũng phải “hồi tỵ“, phân tán, đổi bổ đi nơi khác.
Ngoài ra còn quy định những người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò, có cùng chung quán (cùng quê), ngụ quán (cùng nơi cư trú)... cũng không được làm quan cùng một chỗ. Theo thống kê của tác giả Emmanuel Poisson trong tác phẩm “Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam–một bộ máy hành chính trước thử thách (1820–1918)”, khi ông khảo sát nguồn gốc địa phương của các quan cấp tỉnh thì chỉ có 13% quan làm việc ở cấp tỉnh là người bản tỉnh hoặc trú quán ở tỉnh. Qua thống kê còn cho thấy, các quan càng lên cao càng làm việc xa quê hương .
Trong quá trình thực thi công vụ, một số lĩnh vực đặc biệt cũng phải thực hiện hồi tỵ. Trong lĩnh vực thanh tra, xét xử, Nhà Nguyễn đưa ra quy định Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân...) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay. Các quan từ tham biện (hay biện lý, quan làm nhiệm vụ tư vấn về một khía cạnh nào đó ở một bộ, hay ở tỉnh) trở lên khi về Kinh đô chầu được định nghị (dự bàn các việc của triều thần), song nếu các cuộc họp đó có bàn đến các việc liên quan đến địa phương mình nhậm trị hay việc của bộ mà mình phụ trách thì phải “lui ra“.
Tuy nhiên, một số cơ quan và ngành không áp dụng luật Hồi tỵ. Ví dụ, Ty Chiêm hậu là cơ quan chuyên trách về lịch, Ty Hiệu lễ sinh chuyên coi về lễ nghi, Khâm Thiên giám là cơ quan chuyên về thời tiết, không phải cơ quan hành chính nên không phải “hồi tỵ“; Thái y viện là cơ quan chuyên chăm sóc sức khỏe cho vua, cần “cha truyền con nối” để làm việc nên cũng không phải “hồi tỵ” .
Về thực hiện và giám sát luật hồi tỵ, vua Minh Mạng thực hiện việc này rất sát sao. Có lần, vào năm Đinh Dậu (1837), triều đình cử Nguyễn Song Thanh là Lang trung (quan đứng đầu một cơ quan dưới bộ) làm Quyền Bố chính tỉnh Định Tường, nhưng khi biết vị quan này thời trẻ đã từng học ở đây, quen biết nhiều nên đã cho đổi ông ta về nhậm chức ở tỉnh Bình Định và điều người khác thay thế .
Có thể thấy, trong chế độ quân chủ phong kiến, bên cạnh những chính sách đào tạo, đãi ngộ và sử dụng nhân tài, các nhà vua phong kiến đã ban hành và thực thi hết sức nghiêm ngặt luật lệ về tuyển dụng, bố trí và quản lý quan chức đương thời. Hồi tỵ là một chủ trương, đường lối, chính sách đắc lực và quan trọng đã giúp nhà nước phong kiến ngăn chặn được những hiện tượng những người có quan hệ họ hàng, thông gia, thầy trò, cùng quê... cùng làm việc tại một địa phương, một công sở, từ đó ngăn chặn đội ngũ quan lại câu kết, lạm dụng chức quyền, địa vị để kéo bè kéo cánh, đe dọa đến sự cai trị của thiết chế trung ương tập quyền; đồng thời chính sách hồi tỵ còn là chế độ phòng ngừa, giám sát và quản lý nghiêm ngặt các quan lại, giúp ngăn chặn tư tưởng cục bộ (cục bộ dòng họ, cục bộ địa phương), dẫn đến sự hình thành “lợi ích nhóm” của một số quan lại để đục khoét của cải của nhà nước, ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu.
Bên cạnh đó, việc thực thi nghiêm ngặt chế độ hồi tỵ còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quan lại, khắc phục tình trạng vì tình cảm mà nể nang, né tránh nhau, bao che khuyết điểm của nhau, ngăn ngừa hiện tượng ỷ thế của người nhà làm quan đứng đầu tại địa phương, công sở để làm càn..., giúp cho quan lại không bị vướng bận bởi các mối quan hệ xã hội phức tạp trong quá trình thực thi công vụ, từ đó có thể vô tư, toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ.