LGBT là từ viết tắt của các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (Chuyển giới), thể hiện sự đa dạng về giới dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới, thể hiện giới và thiên hướng tính dục.
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về nhóm người LGBT:
Thuật ngữ LGBT bắt đầu được sử dụng từ những năm 1990°, tên viết tắt này được dùng để thay thế thuật ngữ Gay do sự xuất hiện, hoạt động vì quyền của những người đồng tính, song tính, liên giới tính. Những người hoạt động vì quyền của nhóm người LGBT tin rằng cụm từ Gay không đại diện chính xác và bao gồm những người mà họ nói đến và bảo vệ. LGBT thể hiện sự đa dạng về giới dựa trên xu hướng tính dục (sexual orientation), bản dạng giới (gender identity), thể hiện giới (gender expression) và thiên hướng tính dục (sexual attraction). Thuật ngữ LGBT là từ viết tắt của các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (Chuyển giới).
Trước đây, xã hội từng coi những thuộc nhóm người LGBT là “lệch lạc tình dục”, “bệnh hoạn” và cần chữa trị. Năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) đã đưa LGBT khỏi danh sách các bệnh tâm thần” và xếp vào nhóm “rối loạn định hướng tình dục”. Năm 1983, APA chia những người LGBT thành 2 nhóm: nhóm hài lòng với chính mình và nhóm không hài lòng với chính mình và các nhà khoa học cho rằng có thể chữa trị cho nhóm không hài lòng với chính mình để họ trở nên yêu người khác giới”. Năm 1990, APA đã đưa ra những bằng chứng khoa học khẳng định những liệu pháp chữa trị là không có tác dụng và có hại hơn là có lợi. Cũng năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần của loài người. Vì không phải là bệnh nên y học không thể chữa trị và không phải chữa trị cho họ mà nên hỗ trợ tâm lý để giúp họ sống tự tin và yêu đời. Từ đó có thể khẳng định rằng nhóm người LGBT được sinh ra và tồn tại một cách tự nhiên trong xã hội, giống như nam giới và nữ giới, họ không bị bệnh và tình trạng này không có nguyên nhân từ những suy nghĩ hay lối sống bệnh hoạn lệch lạc về tình dục. Như vậy, nhóm người LGBT trong phạm vi nghiên cứu của luận văn bao gồm: người đồng tính nữ (Lesbian), người đồng tính nam (Gay), người song tính (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender).
2. Một số khái niệm về nhóm người LGBT:
Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều cách hiểu và nhận diện về nhóm người LGBT. Một số quan điểm cho rằng những người thuộc nhóm LGBT là những người có bệnh tâm thần, trái với tự nhiên; tuy nhiên, cũng có những ý kiến bảo vệ người LGBT và cho rằng đó là một điều hoàn toàn tự nhiên và phản ánh sự đa dạng của xã hội... Trên góc độ khoa học để nghiên cứu và tìm hiểu về nhóm người LGBT, trước hết cần tìm hiểu về những khái niệm sau:
2.1. Giới tính:
Giới tính là khái niệm đề cập tới những đặc điểm về mặt sinh học của nam giới và nữ giới‘?. Khi nói về giới tính là nói về sự khác biệt giữa người đàn ông và người đàn bà về mặt sinh học, được phân biệt qua cấu trúc bộ phận sinh dục, chức năng sinh sản và hooc môn sinh dục của nam hay nữ. Nói đến nam giới hay nữ giới là nói đến giới tính của người đó. Giới tính là tự nhiên, bẩm sinh và đồng nhất (mọi người nam khắp nơi trên thế giới đều có chức năng/cơ quan sinh sản giống nhau; đối với mọi người nữ cũng vậy), không thể thay đổi được (giữa nam và nữ), do các yếu tố sinh học quyết định. Chúng ta sinh ra là đàn ông hay đàn bà: chúng ta không thể lựa chọn và không thể thay đổi được điều đó.
Sự khác nhau này có ngay từ lúc một con người được sinh ra (trừ trường hợp dị thường).
Cấu trúc của cơ quan sinh dục sẽ quyết định chức năng sinh sản ở nam hoặc nữ. Ngược lại, chức năng sinh sản của nam hoặc nữ gắn liền và bị chi phối bởi cấu trúc của cơ quan sinh dục nam hoặc nữ và không thể thay đổi. Sự khác biệt giới tính về chức năng sinh sản rõ ràng nhất là: ở phụ nữ có kinh nguyệt, mang thai, có tuyến sữa, có thể cho con bú...; ở nam giới là việc tạo ra tinh trùng và giúp phụ nữ thụ thai. Ngoài những khác biệt rõ ràng kể trên, về cơ bản, những khác biệt giới tính khác được xem xét ở góc độ tổng thể chứ không phải ở cá biệt. Ví dụ, xét chung về mặt thể chất, nam giới cao lớn và khỏe hơn phụ nữ, nhưng cá biệt cũng có phụ nữ cao lớn và khỏe hơn một số nam giới.
2.2. Giới:
Giới theo nghĩa khái quát, là khái niệm đề cập đến mối quan hệ giữa nam giới và phụ nữ, các đặc tính được xã hội gắn cho từng người tùy theo họ là nam hay nữ. Nói cách khác thì giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Giới là là một khái niệm mang tính xã hội học chỉ sự khác biệt về mặt xã hội giữa nam giới và phụ nữ như vai trò, thái độ, hành vi ứng xử và các giá trị. Vai trò giới được biết đến thông qua quá trình học tập và khác nhau theo từng nền văn hóa và thời gian, do vậy giới có thể thay đổi được. Giới chịu sự chi phối, ảnh hưởng của văn hóa, nếp sống và được hình thành trong cuộc sống do việc dạy dỗ, học tập, tiếp nhận kiến thức từ xã hội xung quanh của con người từ lúc còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Từ những sự tác động ngoại cảnh dần tạo ra những chuẩn mực nhất định mà xã hội mong muốn, kỳ vọng về một giới nào đó.
Ví dụ: Phụ nữ cũng có thể mạnh mẽ và quyết đoán, trở thành lãnh đạo, phi công, thợ máy... Ngược lại nam giới có thể dịu dàng và kiên nhẫn, có thể làm đầu bếp, nhân viên đánh máy, thư ký v.v. Những đặc điểm có thể hoán đổi đó là những khái niệm, nếp nghĩ và tiêu chuẩn mang tính chất xã hội. Chúng thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác trong một bối cảnh cụ thể của một xã hội, do các yếu tố xã hội, lịch sử, tôn giáo, kinh tế quyết định. Vì vậy, mặc dù pháp luật nhiều quốc gia đã qui định mọi người bình đẳng trước pháp luật, song trên thực tế, địa vị của người phụ nữ phương Tây khác với địa vị của người phụ nữ phương Đông, địa vị xã hội của phụ nữ Việt Nam khác với địa vị xã hội của phụ nữ Hồi giáo, vị thế xã hội của phụ nữ nông thôn khác với vị thế xã hội của phụ nữ vùng thành thị do còn bị chi phối bởi các định kiến giới, các quan niệm truyền thống của văn hóa xã hội, của dân tộc.
Như vậy các đặc điểm của giới là những yếu tố được xác định về mặt xã hội, văn hóa, được hình thành thông qua giáo dục, học tập, có tính đa dạng, có thể thay đổi theo thời gian, không gian, các điều kiện kinh tế xã hội; còn giới tính là những yếu tố mang tính sinh học, tự nhiên, bẩm sinh, mang đồng nhất và bất biến.
2.3. Người đồng tính:
Để hiểu về người đồng tính và người song tính cần dựa trên khái niệm xu hướng tính dục (một trong bốn yếu tố tạo nên tính dục).
Tính dục là tổng thể con người, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của con trai hoặc con gái, đàn ông hoặc đàn bà và biến động suốt đời. Tính dục phản ánh tính cách con người, không phải chỉ là bản chất sinh dục“. Vì là một biểu đạt tổng thể của nhân cách, tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hoá của đời sống. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và mối quan hệ giữa người với người và tác động trở lại với xã hội. Tính dục là khía cạnh văn hoá, xã hội và nhân văn của tình dục.
Xu hướng tính dục là một trong những yếu tố cấu thành nên tính dục. Những yếu tố còn lại là giới sinh học (cấu trúc gene, ngoại hình, nội tiết), bản sắc giới và vai trò của giới.
Theo định nghĩa của APA: Xu hướng tính dục là một sự hấp dẫn có tính bền vững về cảm xúc hoặc về mặt tình dục của một người về phía những người khác giới, cùng giới hoặc cả hai giới“. Nói đến xu hướng tính dục người ta cũng nói đến bản dạng tình dục là cảm nhận của một người tự xác định về xu hướng tính dục của mình. Xu hướng tính dục cơ bản có thể kể đến là xu hướng tính dục di tính, đồng tính và song tính. Theo đó, người dị tính là người chịu sự hấp dẫn (có tính bền vững) về tình cảm, sự lãng mạn, trìu mến và hấp dẫn về tình dục đối với người khác giới tính sinh học với mình. Người đồng tính là người chịu sự hấp dẫn (có tính bền vững) về tình cảm, sự lãng mạn, trìu mến và hấp dẫn về tình dục đối với người cùng giới tính sinh học với mình. Người song tính là người chịu sự hấp dẫn (có tính bền vững) về tình cảm, sự lãng mạn, trìu mến và hấp dẫn về tình dục đối với cả người cùng và khác giới tính sinh học với mình.
Vậy người đồng tính (Homosexual): là một người nam hoặc nữ, có sự hấp dẫn về cảm xúc, tình cảm hoặc tình dục với người cùng giới tính với mình. Người đồng tính nam thường được gọi là “gay”, người đồng tính nữ thường được gọi là “les” hay “lesbian”. Người đồng tính có cơ thể hoàn thiện về mặt sinh học, có ý thức rõ ràng về giới tính của mình phù hợp với giới tính sinh học hiện có của cơ thể, nhưng họ có xu hướng tính dục hướng tới người có cùng giới tính với mình. Họ chỉ cảm thấy bị hấp dẫn, có cảm xúc, tình cảm với người có cùng giới tính với mình“.
2.4. Người song tính (Bisexual):
Là một người nam hoặc nữ, có sự hấp dẫn về cảm xúc, tình cảm hoặc tình dục với cả hai giới nam và nữ nhưng không nhất thiết cùng một lúc hoặc ngang bằng nhau. Song tính không phải là một giai đoạn nhất thời hay đang chần chừ mà là một xu hướng tính dục tự nhiên của con người.*.
Cần phân biệt khái niệm người song tính với người lưỡng tính. Người lưỡng tính (Intersexual) là một hiện tượng về giới tính, thường trong cơ thể có cả buồng trứng và tinh hoàn. Đây thường là những trường hợp rất hiếm trong cuộc sống. Trong khi đó, người song tính là người đã phát triển hoàn thiện cơ quan sinh dục trong cơ thể là nam giới hoặc nữ giới.
2.5. Người chuyển giới (Transgender):
Khác với người đồng tính hay song tính, để hiểu về người chuyển giới cần phải hiểu về thuật ngữ bản dạng giới. Bản dạng giới là việc một người tự cảm nhận mình mang một giới tính nào đó (có thể giống hoặc khác với giới tính sinh học khi được sinh ra). Bản dạng giới là khái niệm chỉ việc một người nhận biết mình là ai, cảm nhận mình là ai, thể hiện nhận thức chủ quan của một người về giới tính của chính mình. Bản dạng giới của một người có thể đồng nhất hoặc không đồng nhất với giới tính sinh học tự nhiên mà họ đang mang trên cơ thể mình từ khi sinh ra. Khi một người cảm nhận, mong muốn mình mang giới tính khác với giới tính sinh học khi sinh ra thì đó là người chuyển giới”.
Tương tự như xu hướng tính dục, bản dạng giới cũng là một trong bốn yếu tố của tính dục. Các xu hướng về bản dạng giới là điều hoàn toàn tự nhiên trong xã hội. Do vậy, nếu một người có nhận thức, mong muốn có giới tính khác với giới tính khi sinh ra thì cũng là điều bình thường. Người chuyển giới có thể lựa chọn việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoặc không phẫu thuật đều vẫn được coi là người chuyển giới. Đối với những người thực hiện phẫu thuật có 2 dạng là: người chuyển giới từ nam sang nữ (male to female) và người chuyển giới từ nữ sang nam (female to male). Sau khi đã phẫu thuật, người chuyển giới được gọi với một khái niệm đầy đủ hơn là “người chuyển đổi giới tính” (transsexual). Đối với những người không thực hiện phẫu thuật, dưới góc độ xu hướng tính dục, có thể phân chia thành người chuyển giới đồng tính (ví dụ người chuyển giới từ nam sang nữ và chỉ yêu nữ giới), người chuyển giới song tính (ví dụ người chuyển giới từ nam sang nữ và có thể yêu cả nam giới và nữ giới) và người chuyển giới di tính (ví dụ người chuyển giới từ nữ sang nam và chỉ yêu nữ giới)”.
Người đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là người có bệnh lý tâm thần hay rối loạn nhân cách, và vẫn phù hợp với sự phát triển bình thường của xã hội. Một điều quan trọng cần lưu ý là tình dục đồng giới không phải là hành vi có thể tập nhiễm. Nghĩa là tình dục đồng giới không phải hình thành do ảnh hưởng của môi trường xã hội, tập theo hành vi của người khác. Vì vậy, không thể ép buộc, điều trị hoặc áp dụng liệu pháp tâm lý để xóa bỏ được xu hướng tính dục đồng giới, cũng như không thể làm một người có xu hướng tính dục khác giới thành một người có xu hướng tính dục đồng giới. Việc cố gắng điều trị nhằm làm thay đổi xu hướng tình dục không những không có tác dụng mà còn có những tác hại rất lớn.
3. Đặc điểm chung của nhóm người LGBT:
Trước hết cần khẳng định rằng, về mặt thể chất, những người thuộc nhóm LGBT có cấu trúc cơ quan sinh dục hoàn toàn bình thường, hoàn chỉnh, không có sự sai lệch nào. Họ là những người hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất. Họ cũng có khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội, lao động, nghề nghiệp...và đạt kết quả cao như tất cả những người khác trong cộng đồng.
Điều làm cho họ có sự khác biệt với những người khác là ở xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Sự khác biệt về xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ được bộc lộ qua các hành vi bên ngoài còn gọi là thể hiện giới và các hành vi bên trong chính nội tâm, suy nghĩ của họ cách họ cảm nhận về giới tính của bản thân.
Nhóm người LGBT có những nhu cầu cơ bản giống như tất cả mọi người trong xã hội như: ăn, mặc, ở, đi lại... Đối với những người đồng tính và song tính không có biểu hiện về hình dáng bên ngoài khác biệt gì so với người dị tính. Duy chỉ có người chuyển giới là có thể dễ dàng nhận biết hơn thông qua hình dáng bên ngoài khi họ đã có sự can thiệp để chuyển đổi giới tính hoặc khi họ thể hiện giới tính mong muốn của mình qua cách ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói...
Tuy nhiên họ có những điểm khác biệt về những hành vi bên trong cụ thể:
Về nhận thức: Nhóm người LGBT có nhận thức về bản dạng giới và xu hướng tính dục khác biệt. Trong đó, người đồng tính nhận thức được bản dạng giới của mình trùng với giới tính sinh học nhưng họ cảm thấy cuốn hút và hấp dẫn bởi những người có cùng chung giới tính với họ. Người song tính nhận thức rằng mình bị cuốn hút và hấp dẫn đối với cả những người có cùng giới tính và khác giới tính với bản thân họ. Trong khi đó, người chuyển giới là người có xu hướng cảm nhận thấy rằng giới tính thật sự của họ khác với giới tính sinh học mà họ đang mang. Điều này dẫn đến việc họ không hài lòng với cơ thể sinh học hiện tại của mình và thường có xu hướng sử dụng những biện pháp khoa học để can thiệp và biến đổi cơ thể sinh học của mình thành cơ thể mang giới tính mà họ cảm thấy đó mới chính là giới tính của họ.
Về mặt tâm lý cảm xúc: Những người LGBT thường sống khép kín, chủ yếu che giấu bản thân, che giấu xu hướng tính dục của mình và luôn có tâm lý lo sợ bị người khác phát hiện. Đặc điểm tâm lý đặc thù là họ luôn cảm thấy bị tổn thương, tủi thân, đau khổ khi bị xã hội và người xung quanh kỳ thị hay có những nhận định không thiện cảm về mình. Cảm thấy bị bất công và bị đối xử không công bằng trong xã hội và cảm thấy mình thật cô độc và thiệt thòi khi thuộc vào thiểu số. Một số người thuộc nhóm người LGBT còn cảm thấy căm ghét bản thân khi nhận ra xu hướng tính dục của bản thân. Tuy nhiên, nếu nhận được sự đồng cảm, quan tâm từ phía gia đình và xã hội thì nhóm người LGBT này sẽ dũng cảm thể hiện giới tính thật của mình (come out). Bởi vì tất cả họ cũng chỉ có chung một nguyện vọng là có thể được sống là chính mình và được xã hội công nhận.
Những người thuộc nhóm LGBT không phải là bệnh: Hiện nay, khi chưa có một kết luận khoa học nào kết luận nguyên nhân hình thành một xu hướng tính dục, có rất nhiều ý kiến cho rằng xu hướng tình dục đồng giới là phi tự nhiên hoặc là một rối loạn. Trong một thời gian dài, người ta đã tranh luận gay gắt với nhau về vấn đề liên quan đến liệu quan hệ đồng tính có được coi là lệch lạc, mang tính chất bệnh lý trong quá trình phát triển tình dục bình thường hay là một phái sinh bình thường của tiềm năng đáp ứng tình dục của con người. Tuy nhiên, nếu xem xét về tiêu chí cơ bản của một tình trạng bệnh lý tâm thần đó là thường xuyên gây ra cảm giác bức bối hoặc thường xuyên gắn liền với mất mát về hiệu quả và chức năng tương tác xã hội thì quan hệ tình dục đồng tính không thể xem như là một rối loạn tâm lý bởi những người thuộc nhóm LGBT có thể nói là thỏa mãn với xu hướng tính dục của mình và không bị ảnh hưởng về hiệu quả hay hoạt động xã hội. Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (APA) nêu các dẫn chứng, nghiên cứu để đưa đến kết luận tính chất hiển nhiên về sự tồn tại của khuynh hướng tình dục đó nhằm loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi các bệnh về rồi loạn tâm thần và hướng dẫn xã hội giúp đỡ những người thuộc nhóm LGBT hòa nhập với cộng đồng xã hội để có cách nhìn cảm thông hơn với những người này. APA đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các triệu chứng và bệnh rối loạn tâm thần vào năm 1973”. Tương tự đối với người chuyển giới, APA cũng chỉ ra rằng một tình trạng tâm lý chỉ bị coi là rối loạn tâm lý khi nó gây ra những sự đau khổ, bất lực rõ rệt. Nhiều người chuyển giới không trải qua những trải nghiệm đau khổ hay bất lực này. Vì vậy, bản thân việc nhận ra mình là một người thuộc nhóm người LGBT không phải là một bệnh rối loạn tâm thần.
Nhóm người LGBT chiếm tỉ lệ nhỏ trong xã hội và là nhóm dễ bị tổn thương. Theo báo cáo từ WHO thì có khoảng 3% dân số có thiên hướng tình dục đồng tính. Với tỷ lệ này và sự khác biệt trong nhận thức về bản dạng giới và xu hướng tính dục, nhóm người LGBT có thể được xem là nhóm người yếu thế trong xã hội. Họ bị coi như là những thành phần “đi ngược lại với tự nhiên” và thường rơi vào tình trạng bị bạo hành, phân biệt đối xử, kỳ thị từ những người khác trong xã hội. Do đó, những người thuộc nhóm LGBT thường có xu hướng tham gia vào các nhóm đồng đẳng để tìm sự cảm thông, thấu hiểu, ở đây họ thể hiện con người thật của mình và cùng nhau lên tiếng bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bản thân họ.
Nhóm LGBT chịu ảnh hưởng bởi quy định của pháp luật: Tùy vào quan điểm pháp luật của từng nước mà sự ảnh hưởng này là tích cực hay tiêu cực. Đối với những quốc gia thừa nhận và bảo hộ quyền HN&GĐ của nhóm LGBT thì cuộc sống của họ gần như không có sự khác biệt so với những người khác. Nhà nước có chính sách riêng đối với họ nhằm xóa đi khoảng cách vì sự khác biệt của họ đối với cộng đồng, họ thoải mái thể hiện mình, họ không phải lo lắng vì những hạn chế về pháp lý có thể xảy ra. Ở Việt Nam, các hạn chế trong các quy định về quyền HN&GĐ đã khiến nhóm người
LGBT không thể thực hiện các quyền theo đúng như mong muốn, con người của mình. Một cặp đồng tính không được pháp luật công nhận mối quan hệ kết hôn nếu như họ có cùng chung giới tính. Những hạn chế này cũng khiến cho những người thuộc nhóm người LGBT còn hạn chế chưa “come out” thể hiện bản thân mình; đồng thời đối với những người đã “come out” gần như sống ngoài những quy định của pháp luật về HN&GĐ nếu như muốn sống đúng với bản thân mình. Điều này một phần cũng khiến cho những người thuộc nhóm LGBT khó hòa nhập hơn với xã hội.