Layout là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong ngành thiết kế, đặc biệt là thiết kế đồ họa. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày ta cũng thường xuyên gặp hoặc sử dụng từ Layout như layout make, layout dự tiệc,... Để hiểu và sử dụng chính xác thuật ngữ này, cùng tham khảo bài viết sau đây nhé:
Mục lục bài viết
1. Layout là gì?
Layout là một thuật ngữ được sử dụng trong ngành thiết kế, đặc biệt là thiết kế đồ họa. Layout trong thiết kế đồ họa được hiểu đơn giản là cách sắp xếp và bố trí các yếu tố đồ họa trong bản thiết kế nhằm mục đích đồng nhất, tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh và hấp dẫn. Việc này bao gồm việc sắp xếp bố cục, trình bày các chi tiết như văn bản, hình ảnh, biểu đồ, biểu tượng và nhiều yếu tố khác, tùy thuộc vào loại thiết kế đang thực hiện, bằng việc điều chỉnh tỷ lệ, khoảng cách và xác định vị trí cho các bộ phận xuất hiện trong thiết kế sao cho hợp lý và đẹp mắt nhất. Việc sử dụng Layout sẽ giúp cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin và tạo nên ấn tượng mạnh mẽ.
2. Template là gì?
Template chính là một file thiết kễ sẵn, gồm các mẫu layout khác nhau đã được dàn trang, sắp xếp theo bố cục phù hợp với nội dung cụ thể. Template được tạo ra bởi những người thiết kế chuyên nghiệp hay các designers. Người sử dụng template thường là những người không có chuyên môn về thiết kế nhưng vẫn muốn nội dung của mình được trình bày đẹp mắt. Khi cần sử dụng template, bạn chỉ cần tải các mẫu có sẵn này về và thêm vào các nội dung, các thông tin và có thể chỉnh sửa lại bố cục theo mục đích hay sở thích, phù hợp với lượng nội dung và chủ đề của bạn.
Với những bản template có sẵn thuận tiện như vậy, bạn có thể sử dụng chúng vào nhiều lĩnh vực hay nhiều đối tượng khác nhau. Ngay cả khi bạn không phải một người thiết kế chuyên nghiệp thì vẫn có thể trình bày nội dung của mình một cách thu hút bởi nguồn tư liệu có sẵn như Template.
Một số dạng Template có sẵn mà bạn có thể tham khảo và sử dụng như Template CV để xin việc, các slide trình chiếu trong phần mềm Powerpoint, Template thiết kế website …
3. Vai trò của Layout trong thiết kế đồ họa?
Tăng giá trị thẩm mỹ:
Tạo một layout cũng giống như việc sắp xếp các đồ đạc trong nhà, trong phòng. Đồ đạc được kê theo bố cục chính (các đồ vật lớn) và bố cục phụ (các đồ vật nhỏ) sẽ gọn gàng và đẹp mắt. Một hệ thống layout sẽ đảm bảo từng chi tiết trong thiết kế của bạn được gọn gàng, hợp lý và đẹp mắt. giúp cho từng bộ phận góp mặt trong thiết kế của bạn theo một cách gọn gàng và hấp dẫn hơn hẳn. Theo đó, môt thiết kế có layout cụ thể sẽ thu hút người nhìn và có tính thẩm mỹ hơn là một thiết kế không có layout cụ thể. Hơn thế nữa, với những mẫu layout mới lạ hiện nay, bạn có thể dễ dàng tạo điểm nhấn trong mắt người xem, gây ấn tượng với họ để họ nhớ sản phẩm của mình lâu và nhiều lần hơn.
Liên kết các thành phần trong thiết kế với nhau:
Một thiết kế được sắp xếp các chi tiết không hợp lý, rời rạc và thiếu tính liên kết, kết quả khiến cho người xem không hiểu được bao quát nội dung. Điều này không chỉ lãng phí công sức, thời gian mà còn cả sự sáng tạo của bạn. Với những ấn phẩm có layout hợp lý, bố cục rõ ràng tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần sẽ giúp cho người xem có thể nắm bắt được nội dung bao quát của toàn bộ sản phẩm. Vì vậy, một ấn phẩm có layout hợp lý sẽ liên kết các thành phần trong thiết kế với nhau, người đọc có thể tìm được điểm quan trọng cần chú ý trong trang và từ đó họ có được thông tin cần thiết được dẫn dắt từ điểm đó.
Tăng sức hút đối với độc giả:
Một ấn phẩm có layout được sắp xếp bố cục đẹp mắt sẽ dễ dàng thu hút người xem hơn. Các nội dung hiển thị hợp lý, có tính liên kết giúp họ dễ nắm bắt thông tin và hấp dẫn thêm nhiều người xem thiết kế của bạn. Hiểu được ý đồ nhà thiết kế, người xem càng cuốn hút vào các sản phẩm của bạn. Cùng với đó, các Layout được trình bày khoa học cũng thể hiện tư duy thiết kế sáng tạo của những Designer.
Việc này có thể hiểu đơn giản giống như khi bạn thiết kế website cho doanh nghiệp, layout thân thiện và rõ ràng sẽ khiến khách hàng bị thu hút và có cảm hứng xem thêm nhiều hơn các sản phẩm hay nội dung bạn trình bày. Bởi vậy, designer là người nắm rõ nhất những nguyên tắc để áp dụng vào thiết kế layout sao cho nhấn mạnh được sự liên kết của toàn bộ ấn phẩm.
4. Các quy tắc thường gặp trong thiết kế layout:
Quy tắc một phần ba:
Tương tự như trong ngành nhiếp ảnh, các bạn đam mê nhiếp ảnh chắc chắn sẽ không thấy lạ với quy tắc này. Quy tắc một phần ba cũng là một trong những hệ thống layout quan trọng giúp thiết kế của mình trông đẹp mắt và có bố cục thu hút hơn. Theo đó, bạn có thể sử dụng quy tắc này trong thiết kế nhiều lĩnh vực. Đây một quy tắc quan trọng, được coi là một tiêu chuẩn cơ bản nếu bạn muốn tạo một thiết kế ấn tượng, giúp cho sản phẩm của bạn đạt được hiệu quả cao nhất với người xem.
Thực hiện theo quy tắc một phần ba, bạn cần chia toàn bộ thiết kế của mình thành 9 phần (3 cột và 3 hàng) cân đối. Khi đó, bạn sẽ thấy các điểm giao nhau, đây sẽ là nơi bạn nên đặt các chủ thể chính và bên cạnh là các yếu tố hỗ trợ khác. Với quy tắc này, bạn có thể dễ dàng nhìn bao quát được thiết kế và xác định được các phần quan trọng.
Quy tắc số lẻ:
Một layout có số các yếu tố là số lẻ (khoảng 3-5 vật thể) thường sẽ đạt được hiệu quả thiết kế dễ dàng hơn. Điểm tập trung ở giữa sẽ được bổ trợ bởi 2 vật thể phía ngoài, khiến cho bố cục của bạn sẽ được cân bằng lại một cách đơn giản và tự nhiên nhất. Quy tắc này thường được các nhà thiết kế áp dụng trong việc thiết kế logo.
Quy tắc về sự cân bằng:
Một thiết kế thiếu cân bằng sẽ làm cho người xem cảm thấy đôi chút khó chịu và có xu hướng không muốn theo dõi thêm những trang tiếp theo của bạn. Để thiết kế trở nên hoàn hảo hơn, các nhà thiết kế luôn phải thay đổi các yếu tố khác nhau trong thiết kế để hướng tới sự hài hòa và cân bằng trong tác phẩm của mình.
Ngoài ra, một phần quan trọng để tạo sự cân bằng của thiết kế chính là khoảng trắng (white-space). Khoảng trắng sẽ giúp cho các chi tiết khác có khoảng trống để “thở”, bạn hãy thử tạo những khoảng trắng thích hợp nếu cảm thấy thiết kế của mình chưa ưng ý, các phần đang chưa liên kết với nhau, nó sẽ tạo sự cân bằng cần thiết cho thiết kế của bạn. Việc thiếu khoảng trắng sẽ khiến cho một thiết kế trở nên vô cùng “nhức mắt” và tạo ấn tượng xấu cho khách hàng.
Quy tắc nhấn mạnh:
Đối với quy tắc nhấn mạnh thì việc tạo khoảng trắng thích hợp cũng vô cùng cần thiết. Thiết kế của bạn nếu chỉ có sự cân bằng một cách tổng thể đơn điệu mà không có điểm nhấn cũng khó có thể thu hút người xem một cách hiệu quả nhất. Để truyền tải thông điệp tới người xem một cách hiệu quả, người xem cần nhận ra rằng đâu là điểm chính, vật thể chính mà họ cần phải tập trung. Hệ thống layout của bạn cần có đầy đủ cả yếu tố chính và yếu tố phụ, kết hợp hài hòa với nhau và tạo điểm nhấn vào chi tiết hoặc nội dung quan trọng nhất.
Quy tắc hệ thống lưới (The Grid):
Hệ thống lưới là một phần vô cùng quan trọng trong thiết kế đồ họa. Với quy tắc này, bạn có thể đẩy nhanh quá trình thiết kế với việc dễ dàng xác định được vị trí nào phù hợp với nội dung cần đặt, từ đó tiết kiệm thời gian và tối ưu công việc một cách hiệu quả hơn. Các designer cũng ưa thích sử dụng hệ thống layout theo quy tắc này bởi Grid làm cho các sản phẩm thiết kế trở nên gọn gàng, đẹp mắt và có tính ứng dụng cao hơn.
Hệ thống lưới không chỉ mang lại nhiều ưu điểm cho các sản phẩm thiết kế, mà còn cả quá trình tạo ra thiết kế. Chẳng hạn khi bạn muốn thiết kế nhiều tấm poster chung của một sự kiện, hãy bám sát hệ thống lưới của mình để sắp xếp các yếu tố ngày tháng, thời gian, hình ảnh, màu sắc,… từ đó bạn có thể tạo ra sự nhất quán trong các poster của mình. Và chúng còn tiết kiệm được rất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa sau này.
5. Concept Art – Phân biệt Layout và Concept Art:
Layput là thuật ngữ được sử dụng trong ngành thiết kế đồ họa, còn Concept Art là thuật ngữ được sử dụng trong ngành công nghiệp giải trí. Concept Art là một loại hình nghệ thuật mới, được sử dụng để phát triển hình ảnh cho các dự án giải trí như trò chơi điện tử, phim ảnh, phim hoạt hình, board game… Hiểu đơn giản Concept Art là một dạng minh họa ý tưởng hay yêu cầu của những bản vẽ về hình dáng, tính cách hay tâm trạng nhân vật,… trong một sự án giải trí. Với Concept Art, người xem có được những nội dung về thông tin, ý tưởng chung của bản thiết kế, tuy nhiên nó cũng chỉ dừng ở mức này. Các nhà thiết kế, nhà sáng tạo sẽ dựa vào Concept Art để hình thành những ý tưởng thiết kế ban đầu, sau đó sẽ thực hiện được những quá trình tiếp theo, chi tiết và cụ thể hơn.
Ví dụ, Concept Art của một trò chơi điện tử sẽ tập trung vào việc thiết kế nhân vật, môi trường, đạo cụ, vũ khí, các khía cạnh và yếu tố khác của dự án.
Về bản chất, quá trình thực hiện của hai thiết kế Concept Art và Layout là hoàn toàn khác nhau:
– Concept Art sẽ tập trung nhiều vào việc thiết kế nhân vật, đạo cụ, vũ khí, môi trường hay các khía cạnh của dự án dưới dạng hình ảnh trực quan, giúp nhà sản xuất hoàn thành bộ phim hay trò chơi điện tử của mình. Concept Art sẽ giúp truyền tải được ý tưởng của biên kịch thành những bản vẽ theo các cấp độ khác nhau từ cơ bản sơ khai đến hoàn chỉnh tinh vi và là cơ sở để thực hiện những công việc tiếp theo.
– Layout là hệ thống của toàn bộ thiết kế, trình bày chi tiết và nội dung cần truyền tải đến người xem theo một bố cục được sắp xếp hợp lý và cân bằng. Layout được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, thường là sắp xếp các chi tiết thành phần trên một trang có hình ảnh, văn bản và cả phong cách.