Lấy lời khai là gì? Người giám hộ được hiểu như thế nào? Lấy lời khai người dưới 18 tuổi cần có người giám hộ không? Lấy lời khai người dưới 18 tuổi không có người giám hộ đương nhiên thì giải quyết như thế nào?
Hiện nay, việc lấy lời khai là biện pháp mà Kiểm sát viên, Điều tra viên thực hiện thường xuyên thông qua hình thức gặp, hỏi trực tiếp. Lời khai chính là lời chứng quan trọng của cơ quan chức năng dùng để điều tra, xác minh sự thật trong vụ án. Thực tế, việc lấy lời khai còn gặp nhiều khó khăn trong việc lấy lời khai của người dưới 18 tuổi, vậy lấy lời khai người dưới 18 tuổi cần có người giám hộ không?
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH Về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi
Mục lục bài viết
1. Lấy lời khai là gì?
Thông thường, lấy lời khai là việc thu thập thông tin, tìm ra sự thật khách quan của vụ án đây chính là biện pháp điều tra của điều tra viên, kiểm sát viên. Điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình điều tra có thể áp dụng biện pháp điều tra, lấy lời khai trong trường hợp sau: Lấy lời khai với người tố giác, báo tin về tội phạm;Lấy lời khai của người bị bắt; Lấy lời khai của người bị tạm giữ; Lấy lời khai của người bị triệu tập; Lấy lời khai của người làm chứng; Lấy lời khai của người bị hại; Lấy lời khai của đương sự; Lấy lời khai của người bị tố giác;….
2. Người giám hộ được hiểu như thế nào?
Người giám hộ được hiểu là cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, đối với người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho bản thân mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ thì các cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ trong trường hợp người này đồng ý.
Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015, Người được giám hộ bao gồm:
– Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc người chưa thành niên không xác định được cha, mẹ;
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Người mất năng lực hành vi dân sự;
Hiện nay, theo quy định pháp luật về vấn đề giám hộ thì có giám hộ đương nhiên và giám hộ cử, trong đó:
– Giám hộ đương nhiên được hiểu là hình thức giám hộ do pháp luật đã quy định, người giám hộ đương nhiên có thể là cá nhân;
– Giám hộ cử được hiểu là hình thức pháp luật quy định cử người giám hộ, người giám hộ cử có thể là cá nhân, tổ chức, cơ quan được pháp luật quy định hoặc được cử làm người giám hộ;
Tuy nhiên, quý bạn đọc cần lưu ý rằng, một người có thể giám hộ cho nhiều người, một người chỉ có thể được một người giám hộ, ngoại trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu:
– Trường hợp người thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ sẽ là người giám hộ;
– Trường hợp anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc không có anh ruột, chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; Trường hợp không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì sẽ là người giám hộ.
3. Lấy lời khai người dưới 18 tuổi cần có người giám hộ không?
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, việc lấy lời khai của người dưới 18 tuổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi đáp ứng điều kiện sau đây:
Căn cứ theo quy định tại Điều 421 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất như sau:
Thứ nhất, khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, hỏi cung bị can, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiến hành việc thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thứ hai, phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ trong trường hợp lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can.
Cần lưu ý rằng, việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.
Thứ ba, người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can, người bị bắt là người dưới 18 tuổi trong trường hợp được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc.
Thứ tư, thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi phải đáp ứng điều kiện không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ,ngoại trừ trường hợp đối với các vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Thứ năm, thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, ngoại trừ trường hợp sau đây:
i) Phạm tội có tổ chức;
ii) Ngăn chặn người khác phạm tội;
iii) Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;
iv) Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
v) Để truy tìm phương tiện, công cụ phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;
Thứ sáu, trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án thì Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên cho thấy việc lấy lời khai của người dưới 18 tuổi cần có người giám hộ hoặc người đại diện của họ tham gia và cần phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.
4. Lấy lời khai người dưới 18 tuổi không có người giám hộ đương nhiên thì giải quyết như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, Lấy lời khai người dưới 18 tuổi không có người giám hộ giải quyết như sau:
– Khi tiến hành các hoạt động tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức dưới đây phải tiến hành việc cử người giám hộ, người đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người bào chữa, Bào chữa viên nhân dân để tham gia tố tụng, cụ thể như sau:
+ Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cư trú cử người giám hộ trong trường hợp người dưới 18 tuổi không có người giám hộ đương nhiên;
+ Trong trường hợp người dưới không có nơi cư trú rõ ràng, không xác định được lý lịch hoặc có người đại diện nhưng họ cố ý vắng mặt hoặc từ chối tham gia tố tụng có thẩm quyền yêu cầu Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, cơ quan, tổ chức có liên quan nơi bắt giữ, nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có thẩm quyền điều tra cử người đại diện cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
+ Đề nghị hoặc yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức là thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân; Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.
+ Yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi trong trường hợp người dưới 18 tuổi là người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;
Như vậy, theo quy định nêu trên trong trường hợp lấy lời khai người dưới 18 tuổi không có người giám hộ đương nhiên thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ tiến hành việc yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cư trú cử người giám hộ phù hợp.