Thông tin cá nhân được sử dụng với vai trò quan trọng giúp cung cấp thông tin cơ bản liên quan đến một chủ thể nhất định. Vậy, lấy CMND, CCCD người khác vay tiền có vi phạm không? Người nào tự ý lấy thông tin của người khác có bị xử phạt vi phạm hành chính?
Mục lục bài viết
1. Lấy cắp thông tin CCCD,CMND của người khác đi vay tiền có vi phạm không?
Ngày nay, cá nhân có nhu cầu huy động nguồn vốn nhanh chóng, thuận tiện thì hình thức vay tiền bằng căn cước công dân là một lựa chọn tối ưu. Theo đó, bên cho vay chỉ yêu cầu cá nhân cung cấp số căn cước công dân là có thể thực hiện hồ sơ đăng ký vay tiền. Chính vì những ưu điểm bởi hình thức này đem lại, một số đối tượng lợi dụng thông tin Căn cước công dân của người khác để đi vay tiền. Để trả lời được câu hỏi liệu lấy các thông tin căn cước công dân của người khác đi vay tiền có vi phạm không thì bạn đọc cần xem xét kỹ những nội dung phân tích dưới đây:
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân thì dữ liệu cá nhân là thông tin được thể hiện dưới dạng ký hiệu, chữ viết hoặc chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc các dạng tương tự cấu tạo trên môi trường điện tử. Các thông tin này thường được tạo nên để gắn liền với một con người cụ thể và giúp xác định, phân biệt đối với các cá nhân với nhau.
Hiện nay, dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Thông tin về căn cước công dân nằm trong nhóm dữ liệu cá nhân cơ bản được xếp cùng nhóm với các thông tin liên quan đến họ tên, ngày tháng, năm sinh, giới tính hoặc nơi sinh nơi đăng ký khai sinh nơi thường trú tạm trú và các vấn đề liên quan đến hình ảnh cá nhân số điện thoại…
– Một số thông tin năm trong nhóm dữ liệu nhạy cảm là: hồ sơ y tế, sơ thực thể hiện nghĩa vụ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội hoặc số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác..
Ngoài ra, tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã ghi nhận quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:
– Các thông tin, hình ảnh liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật tôn trọng bảo vệ, thì ai cũng không được xâm phạm đến quyền này của công dân;
– Bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào thực hiện việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư bí mật cá nhân phải có sự cho phép của người đó thì mới được thực hiện. Quá trình thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình thì phải được các thành viên trong gia đình này chấp thuận trừ trường hợp có quy định khác;
– Thư tín điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của các cá nhân phải đảm bảo sự an toàn và bí mật.
– Quá trình bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác có thể được thu thập tuy nhiên phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và đúng trường hợp luật cho phép;
– Khi các bên tham gia ký kết hợp đồng thì tuyệt đối không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư bí mật cá nhân bí mật gia đình của nhau do cá nhân cung cấp thông tin để phục vụ cho quá trình xác lập thực hiện hợp đồng trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, với quy định nêu trên thông tin cá nhân cụ thể là thông tin về căn cước công dân được coi là bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ; bất kỳ ai khi sử dụng thông tin liên quan đến bí mật cá nhân phải có sự đồng ý của người đó. Do đó, hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác để vay tiền là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử phạt hành chính và thực hiện việc bồi thường thiệt hại nếu gây ảnh hưởng thiệt hại đến người bị lấy cắp thông tin.
2. Mức xử phạt đối với cá nhân thực hiện lấy cắp thông tin CMND, CCCD:
2.1. Xử phạt hành chính:
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 84 Điểm c Khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Thông tin của một cá nhân khi được cung cấp cho một bên khác mà bị sử dụng không đúng mục đích ban đầu đã thỏa thuận hoặc được sử dụng khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt nêu trên;
– Một cá nhân có hành vi cung cấp hoặc chia sẻ phát tán thông tin cá nhân đã thu thập tiếp cận kiểm soát từ một người khác cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân này;
– Thông tin của một cá nhân khi bị đối tượng xấu thu thập sử dụng phát tán kinh doanh trái pháp luật.
2.2. Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Như đã biết việc được tự ý lấy thông tin của người khác cụ thể lấy căn cước công dân để sử dụng vì mục đích vay tiền gây phương hại cho người bị lấy cắp thông tin thì người vi phạm có thể bị áp dụng các quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người nào thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp của người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường trừ trường hợp bộ luật này vào luật khác có quy định.
Cùng với đó, tại Khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự cũng quy định: những thiệt hại mà cá nhân vi phạm gây ra phải được bồi thường nhanh chóng toàn bộ và kịp thời.
Như vậy, hành vi lấy thông tin cá nhân để vay tiền gây thiệt hại cho người bị lấy thông tin sẽ phải bồi thường thiệt hại đối với những người đang bị ảnh hưởng và quyền lợi. Bồi thường sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại xảy ra. Hiện nay mức bồi thường hoặc những phương thức bồi thường và các thông tin liên quan đến vấn đề này có thể do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu Tòa án hỗ trợ giải quyết.
3. Khi bị đòi nợ nhưng không phải là người đi vay thì có phải trả nợ không?
Bạn đọc cần nắm rõ rằng; nghĩa vụ trả nợ của cá nhân chỉ diễn ra khi trên thực tế đã ký hợp đồng vay tài sản và dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp này, hợp đồng vay tài sản có sử dụng căn cước công dân của người bị lộ các thông tin tuy nhiên họ không hề biết giao dịch này đang được diễn ra và không có sự thỏa thuận sự đồng ý nên không phát sinh trách nhiệm dân sự ở đây. Ngay tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định:
– Hợp đồng vay tài sản phải được hình thành dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên;
– Khi đến thời hạn thỏa thuận về việc trả nợ thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại, phải đảm bảo đúng theo số lượng, chất lượng và chỉ phải thực hiện trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
Như vậy, với quy định này quan hệ vay tiền chỉ được hình thành khi có sự thỏa thuận giữa các bên đó là bên cho vay và bên vay. Việc vay mượn này không dựa trên tính tự nguyện của người chủ sở hữu thông tin căn cước công dân nên cá nhân bị lấy cắp thông tin để đi vay tiền sẽ không phải chịu trách nhiệm trả nợ.
Đáng lưu ý: trong trường hợp này người bị lấy cắp thông tin phải có căn cứ rõ ràng chứng minh bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền, mình việc mình bị lấy các thông tin từ một cá nhân khác.
4. Cần làm gì khi có đối tượng đến đòi khoản nợ mà mình không vay?
Hiện nay, với sự đổi mới tích hợp thông tin cá nhân nên vấn đề bảo mật về thông tin căn cước công dân là vô cùng quan trọng. Tình trạng bị lộ thông tin về số căn cước công dân để vay vốn hoặc thực hiện vi vi phạm pháp luật khác gây ra những rắc rối vô cùng lớn.
Cá nhân rơi vào tình trạng bị lấy cắp thông tin để đi vay tiền và bị cá nhân hoặc tổ chức khác tiến hành đòi nợ thì người bị lộ thông tin có thể yêu cầu bên cho vay xuất trình các chứng cứ chứng từ liên quan đến việc vay mượn như thời gian vay, số tiền, lãi suất, hợp đồng ký kết…để xác minh thông tin. Sau khi có đầy đủ các thông tin chứng từ liên quan đến vấn đề này sẽ tiến hành trình báo sự việc lên Cơ quan công an theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020 của Bộ Công an và Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, Cá nhân có thể lựa chọn trình báo sự việc lên Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an điều tra cấp huyện, Công an điều tra cấp tỉnh (Đáng lưu ý: cần thực hiện theo đúng trình tự từ các cấp đi lên).
Hiện nay, Công an xã, phường, thị trấn dữ nhiệm vụ trong việc phân loại, xử lý ban đầu về tin báo về tội phạm; Bên cạnh đó, Công an điều tra cấp huyện sẽ tiến hành nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự những tội phạm của Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện; Công an cấp tỉnh sẽ tiến hành điều tra những tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và những vụ việc có yếu tố nước ngoài…
– Cuối cùng, để phòng việc không vay tiền nhưng vẫn phải trả nợ các cá nhân cần hết sức cảnh giác trên những chiêu trò lừa đảo, cần có sự đề phòng và tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân cho những người lạ hoặc người không thật sự quen biết. Đối với trường hợp giấy tờ nhân thân bị rơi, bị mất thì phải tiến hành thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc đang bị thất lạc các giấy tờ tùy thân của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Bảo vệ dữ liệu cá nhân;
– Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;