Hoạt động thủy lợi và những hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi? Lấp mương, công trình thủy lợi trái phép bị phạt như thế nào? Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép?
Hiện nay vấn đề đê điều đang được Nhà nước quan tâm và chú ý. Và tình trạng lấp mương thủy lợi trái phép vì lợi ích cá nhân đang diễn ra rất phổ biến. Vậy với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép bị phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hoạt động thủy lợi và những hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi:
- 2 2. Lấp mương, công trình thủy lợi trái phép bị phạt như thế nào?
- 3 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép:
- 4 4. Thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép:
- 5 5. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép:
1. Hoạt động thủy lợi và những hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi:
Hoạt động thủy lợi theo căn cứ tại Khoản 2 Điều 2 Luật thủy lợi năm 2017 là những hoạt động bao gồm điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.
Trong đó, công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi
Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi được quy định cụ thể trong Điều 8 Luật Thủy lợi năm 2017, bao gồm:
– Hành vi xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
– Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi
– Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi
– Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi
– Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa
– Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi
– Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi
– Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
– Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố
– Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
– Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật thủy lợi năm 2017
Như vậy căn cứ theo quy định trên, hành vi lấp mương, công trình thủy lợi là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Lấp mương, công trình thủy lợi trái phép bị phạt như thế nào?
Căn cứ tại Khoản 7 Điều 24 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép có thể lên tới từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi
– Xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
– Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
– Lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Như vậy, với hành vi vi phạm lấp mương, công trình thủy lợi trái phép ngoài bị xử phạt tiền, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (điểm a Khoản 9 Điều 24 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP).
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép:
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi là 01 năm.
– Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định như sau:
+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm
+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm
Với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi là hành vi vi phạm đang được thực hiện. Do vậy thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm
Theo đó, đối với hành vi tự ý san lấp công trình thủy lợi để xây dựng lối đi lại thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định là 01 năm.
4. Thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép:
– Người có thẩm quyền lập
+ Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định từ Điều 38 đến Điều 46 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP khi đang thi hành công vụ
+ Công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều
+ Công chức, viên chức thuộc cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ, nhiệm vụ
+ Người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân đang thi hành công vụ
– Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều được lập theo quy định tại Điều 58 của
– Và người có thẩm quyền lập biên bản quy định như trên có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
5. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép:
– Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều (điểm b Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều (điểm b Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Chi cục trưởng Chi cục chuyên ngành về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều; Trưởng đoàn thanh tra của Chi cục chuyên ngành về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, có quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi, đê điều (điểm b Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến 35.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 175.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 70.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều (điểm b Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai có quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều (điềm b Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến: 25.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều (điểm b Khoản 3 Điều 41 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến: 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều (điểm b Khoản 4 Điều 41 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 50.000.000 đối với lĩnh vực đê điều (điểm b Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều (điểm b Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP)
– Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải có quyền xử phạt:
+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi, đê điều.