Lao động nữ mang thai có được nghỉ phép không hưởng lương không? Quy định về đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ không hưởng lương.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, cho luật sư giải đáp dùm câu hỏi sau: – Lao động nữ đang trong quá trình mang thai tháng thứ 6 xin nghỉ phép 01 tháng không hưởng lương. Như vậy bảo hiểm xã hội ai là người đóng. – Lao động nữ mang thai sau khi nghỉ phép 01 tháng không hưởng lương tiếp tục xin nghĩ phép tiếp có được không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;
2. Giải quyết vấn đề:
Lao động nữ đang trong quá trình mang thai tháng thứ 6 xin nghỉ phép 01 tháng không hưởng lương. Và thời gian 1 tháng không hưởng lương thì không được đóng bảo hiểm xã hội. Bởi:
Theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện để hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Hoặc lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà phải nghỉ việc trong thời gian mang thai để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Như vậy, lao động nữ nếu đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Về thời gian hưởng chế độ thai sản thì căn cứ khoản 1 Điều 34
“1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.”
Theo đó, thời gian để bạn được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước sinh tối đa là không quá 2 tháng.
Đồng thời, Căn cứ Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, trường hợp người lao động mang thai nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì đây được xem là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì sẽ không được tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
>>> Luật sư tư vấn về nghỉ không hưởng lương đối với lao động nữ mang thai: 1900.6568
Lao động nữ mang thai sau khi nghỉ phép 01 tháng không hưởng lương tiếp tục xin nghỉ phép tiếp thì phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Bởi, theo Điều 116 “
“2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.
Như vậy, theo quy định trên pháp luật không điều chỉnh cụ thể về thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian nghỉ không hưởng lương hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, lao động nữ hoàn toàn có thể thỏa thuận với người lao động về việc nghỉ không lương sau khi đã nghỉ một tháng. Nếu người sử dụng lao động đồng ý thì lao động nữ ấy sẽ tiếp tục được nghỉ không hưởng lương. Và việc nghỉ không lương không ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hưởng không lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Nếu người sử dụng lao động không đồng ý thì lao động nữ sẽ không được nghỉ và phải quay lại làm việc. Trừ trường hợp bạn phải nghỉ việc trong thời gian mang thai để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.