Thực trạng lấn chiếm lề đường, lấn chiếm vỉa hè ở nước ta hiện nay. Quy định về việc xử lý đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm vỉa hè. Ý nghĩa của những quy định về việc xử lý đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm vỉa hè mà Nhà nước đưa ra.
Hiện nay, hành lấn chiếm lề đường, lấn chiếm vỉa hè diễn ra ngày càng phổ biến. Hành vi này gây ra những tác động không tốt đến đời sống người dân cũng như trật tự an toàn xã hội. Để hạn chế hành vi này diễn ra, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về việc xử phạt đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm vỉa hè. Bài viết dưới đây sẽ phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Thực trạng lấn chiếm lề đường, lấn chiếm vỉa hè ở nước ta hiện nay:
– Vỉa hè hay lối đi bộ là phần đường đi bộ dọc bên cạnh một con đường. Thông thường, vỉa hè sẽ nhô cao hơn so với phần đường đi tùy theo mức độ và thường được ngăn cách với phần đường bằng lề đường.
– Lòng đường là phần đường đi lại dành cho các phương tiện tham gia giao thông.
Vỉa hè và lòng đường là nơi dành cho người đi bộ di chuyển. Nó vừa đảm bảo an toàn cho người đi bộ, vừa tránh tình trạng chen lấn, gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, công dụng vốn có của nó ngày càng bị sử dụng trái với mục đích ban đầu. Các hàng nước, cơ sở kinh doanh ăn uống lần lượt ra đời, xâm lấn diện tích vỉa hè. Thậm chí, tại nhiều nơi, vỉa hè không còn diện tích cho người đi bộ di chuyển, người ta phải di chuyển xuống lòng đường. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, tính mạng của người tham gia giao thông, cũng như cảnh quan đô thị, đường phố Việt Nam. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động buôn bán này diễn ra ngày càng phổ biến. Cách mấy mét lại có một hàng nước. Các hàng nước, cơ sở kinh doanh buôn bán, này không chỉ bán nước mang về thông thường, mà còn được kê bàn ghế. Điều này chiếm rất nhiều diện tích, khiến người đi bộ không còn chỗ để di chuyển.
– Hành vi lấn chiếm lòng đường, lấn chiếm vỉa hè mang đến những tác hại cụ thể sau đây:
+ Nó làm mất đi diện tích di chuyển cho người đi bộ. Công dụng chính của vỉa hè là làm lối đi riêng cho người đi bộ. Đặc biệt trong bối cảnh giao thông với số lượng phương tiện di chuyển ngày càng nhiều hiện nay, lối đi của người đi bộ bị hạn chế. Vậy nên, khi vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ sẽ không có lối đi. Hay nói cách khác, việc xâm lấn lòng đường, vỉa hè là xâm hại trực tiếp đến lợi ích của người đi bộ.
+ Lấn chiếm lòng đường, lấn chiếm vỉa hè gây ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng mà Nhà nước Việt Nam hướng tới, nó tạo nên cảnh quan đô thị cho các địa phương. Vậy nên, việc lấn chiếm lòng đường, lề đường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan đô thị.
+ Công tác quản lý trật tự công cộng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Thông thường, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhằm phục vụ cho việc kinh doanh, buôn bán. việc buôn bán này không được đăng ký kinh doanh. Do đó, công tác quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh của người dân của cơ quan chức năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
2. Quy định về việc xử lý đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm vỉa hè:
Điều 12
– Thứ nhất, đối với các hành vi buôn bán các loại hàng rong, hàng hóa nhỏ lẻ khác ngay trên lòng đường đô thị hoặc trên phần vỉa hè của các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, tổ chức có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
– Thứ hai, đối với hành vi sử dụng trái phép phần lòng đường đô thị, hè phố nhằm các mục đích sau đây: đặt, xây bục bệ; họp chợ; bày, bán hàng hóa; kinh doanh dịch vụ ăn uống; sửa chữa các phương tiện, máy móc, thiết bị; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; rửa xe; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ một số hành vi vi phạm khác theo quy định; Dựng lều quán, rạp, cổng ra vào, các loại tường rào, dựng các công trình khác một cách trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Chiếm dụng phần lòng đường đô thị hoặc chiếm dụng hè phố có tổng diện tích chiếm dụng dưới 05 m2 hoặc chiếm dụng những phần đường dành cho xe chạy hoặc chiếm dụng phần lề đường của đường ngoài đô thị có diện tích dưới 20 m2 để làm nơi trông xe, giữ xe, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng.
– Thứ ba, đối với hành vi chiếm dụng từ 05 m2 đến dưới 10 m2 đối với diện tích lòng đường đô thị, hè phố hoặc chiếm dụng từ 20 m2 trở lên đối với lề đường của đường ngoài đô thị, phần đường xe chạy để làm nơi trông, giữ xe; Bày, buôn bán các loại vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị hoặc tiến hành sản xuất, gia công hàng hóa trên diện tích lòng đường đô thị, hè phố, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; tổ chức bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng .
– Thứ tư, mức phạt tiền đối với cá nhân từ 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng, đối với tổ chức từ 12.000.000 đồng – 16.000.000 đồng khi sử dụng diện tích từ 10m2 đến dưới 20m2 để làm nơi trông, giữ xe trên phần lòng đường đô thị hoặc hè phố.
– Thứ năm, khi có hành vi chiếm dụng diện tích từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe tại lòng đường đô thị hoặc hè phố, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng, đối với tổ chức thì từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng.
3. Ý nghĩa của biện pháp xử phạt đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm vỉa hè mà Nhà nước đưa ra:
Nhà nước đã đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ và rõ ràng về việc xử phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm lòng đường. Những quy định về mức xử phạt mà Nhà nước đưa ra có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể như sau:
– Việc Nhà nước đưa ra những quy định về biện pháp xử lý giúp vỉa hè được sử dụng đúng với mục đích ban đầu của nó, là phục vụ cho người đi bộ.
– Hiện nay, có rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông do người đi bộ phải đi xuống lòng đường do không có lối đi; các phương tiện bị va quẹt do sự xâm lấn lòng đường,.. Những vấn đề này ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Do đó, những biện pháp xử lý mà Nhà nước đưa ra mang tính răn đe cao, hạn chế hành vi vi phạm tiếp diễn. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
– Biện pháp xử lý thể hiện sức mạnh quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nó thể hiện tính quyền lực Nhà nước. Cá nhân vi phạm sau khi được điều chỉnh bởi các chế tài xử phạt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tự nhìn nhận lại hành vi của mình, điều chỉnh hành vi, từ đó định hướng hành động một cách tốt hơn.
– Đường sá tạo nên mỹ quan đô thị ở từng địa phương. Do đó, việc hạn chế hành vi xâm lấn vỉa hè, lòng đường giúp mỹ quan đô thị được đảm bảo; tạo nên nét đẹp cho Việt Nam trong mắt người dân cũng như bạn bè quốc tế.
Có khẳng định rằng, Nhà nước đưa ra những quy định cụ thể về việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm vỉa hè và mức phạt đối với nó. Những biện pháp xử phạt này mang tính chất răn đe, để cá nhân, tổ chức không còn vi phạm. Vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ, nó tạo nên mỹ quan cho giao thông Việt Nam. Việc lấn chiếm để phục vụ cho lợi ích cá nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc di chuyển của người dân, gây rối loạn trật tự công cộng. Hơn hết, nếu không đưa ra những biện pháp kịp thời, nghiêm khắc, sẽ khiến những đối tượng xấu chuộc lợi từ tài sản công cộng này.
Thực tế, những nguyên tắc, quy định về việc cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vào mục đích kinh doanh buôn bán (phục vụ tư lợi cá nhân) cũng như các hình thức xử phạt cần được đẩy mạnh thực hiện. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra giám sát, đưa ra những biện pháp giải quyết kịp thời để ngăn chặn các hành vi này và xử lý vi phạm thích đáng. Có như vậy, vỉa hè mới được sử dụng với mục đích vốn có của nó; cảnh quan an toàn giao thông mới được đảm bảo. Hơn hết, đó là ý thức tôn trọng tài sản công trong mỗi người dân được duy trì và thực hiện nghiêm chỉnh.