Làm thế nào để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị? Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được thực hiện như thế nào?
Làm thế nào để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị? Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được thực hiện như thế nào?
Ngày nay, giới và bình đẳng giới đã trở thành một vấn đề mang tính thời đại. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến việc bảo đảm bình đẳng giới bởi vì bình đẳng giới là một tiêu chí để đánh giá tiến bộ xã hội. Bảo đảm bình đẳng giới là một trong những mục tiêu cơ bản của việc bảo đảm bảo đảm công bằng xã hội. Chính vì vậy, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được coi là một giải pháp quan trọng có vị trí trung tâm trong chiến lược bảo đảm bình đẳng giới của các quốc gia cũng như của cả cộng đồng quốc tế.
Dưới góc độ pháp lý: Biện pháp đảm bảo bình đẳng giới là tổng hợp những cách thức được ghi nhận bằng pháp luật, theo đó các chủ thể có thẩm quyền phải thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới.
Hiện nay, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều có sự chênh lệch giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội…đặc biệt có sự chênh lệch lớn và dễ nhận thấy nhất đó là trong lĩnh vực chính trị. Vì vậy, chúng ta cần đề ra chiến lược về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực này.
Tại khoản 5 Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Theo quy định này, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
– Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
– Bảo đảm tỷ lệ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan Nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Để bảo đảm tỷ lệ trên, chúng ta cần đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Cần quán triệt sâu sắc quan điểm bình đẳng giới trong cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo, coi đây là trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Xây dựng năng lực truyền thông cho đội ngũ phóng viên báo chí, trong đó tập trung đi sâu vào năng lực truyền thông về nhạy cảm giới, quyền tham gia chính trị của phụ nữ, nguyên tắc không phân biệt đối xử với phụ nữ. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần chú ý đến những chương trình, chiến dịch truyền thông mang tính dài hạn, đồng thời chú trọng nêu gương tốt, xây dựng các gương phụ nữ điển hình trong công việc, là người lãnh đạo giỏi có đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và quốc gia.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Thứ ba, xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học nữ, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ trong các cấp, các ngành theo từng lĩnh vực, từng địa phương; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nữ. Thực hiện luân chuyển cán bộ nữ theo quy hoạch, kết hợp luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ nữ vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp để bảo đảm cơ cấu ngay từ trong quy hoạch.
Thứ tư, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới như: quy định ưu tiên đối với nữ trong tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Quy định tỷ lệ nữ được bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước,… Mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu thực hiện tốt việc nâng cao năng lực cho nữ cán bộ lãnh đạo, nữ cán bộ quản lý và nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực.