Mỗi cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ đối với con của mình. Vậy làm người yêu có thai chối bỏ trách nhiệm bị xử lý thế nào? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Làm người yêu có thai chối bỏ trách nhiệm bị xử lý thế nào?
Hiện nay, vấn đề yêu đương, phát sinh quan hệ trong thời gian tìm hiểu, qua lại giữa nam và nữ diễn ra ngày càng phổ biến. Trong nhịp phát triển của cuộc sống hiện đại, suy nghĩ của con người về vấn đề tình yêu và tình dục ngày càng thoáng. Điều này sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề. Một trong số đó là việc có con khi chưa đăng ký kết hôn. Có thể nhận định rằng, việc có con mà chưa đăng ký kết hôn nảy sinh rất nhiều vấn đề, mâu thuẫn. Một trong số đó là tranh chấp, giành quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn. Hoặc vấn đề chối bỏ trách nhiệm khi bạn gái mang thai.
Vậy làm người yêu có thai chối bỏ trách nhiệm bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc xác định cha, mẹ được quy định cụ thể như sau:
+ Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng;
+ Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân;
+ Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng;
+ Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
– Ngoài ra, theo quy định tại Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình 2014, con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.
Theo nội dung phân tích nêu trên, khi bạn gái có thai mà bạn trai chối bỏ trách nhiệm, khi đứa trẻ được sinh ra, bạn gái có quyền đi xét nghiệm ADN, xác định quan hệ cha con, và yêu cầu bạn nam phải chịu trách nhiệm với đứa con. Nếu khi xét nghiệm ADN, đứa con là con ruột của bạn trai, thì đối tượng này phải thực hiện nghĩa vụ làm cha, chăm sóc, nuôi dưỡng con theo quy định của pháp luật.
2. Giành quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn:
Như đã phân tích ở trên, khi không đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ sẽ không phát sinh nghĩa vụ vợ chồng với nhau về mặt pháp luật. Tài sản riêng, hai bên không có sự chung đụng. Tuy nhiên, về mặt con chung, hai bên vẫn có nghĩa vụ và trách nhiệm. Cụ thể, bố và mẹ có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng con. Hay nói cách khác, về con chung, kể cả chưa kết hôn, bố và mẹ đều phải có trách nhiệm ngang nhau.
– Không đăng ký kết hôn, nên hai bên sẽ không có sự ràng buộc với nhau về mặt pháp lý. Nên khi không có tình cảm với nhau, hai bên hoàn toàn tự do chấm dứt quan hệ tình cảm. Quan hệ yêu đương của hai người chấm dứt, song về vấn đề con chung, hai bên vẫn có nghĩa vụ, trách nhiệm ngang nhau. Nếu hai bên tranh chấp, giành quyền nuôi con thì có thể giải quyết như sau:
+ Thứ nhất, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về vấn đề nuôi con. Nếu một trong hai người thấy đối phương có khả năng nuôi dưỡng con tốt hơn thì để họ nuôi. Hoặc hai bên có thể thỏa thuận với nhau về nuôi dưỡng, trợ cấp, chăm nom con thì việc nuôi dưỡng con sẽ dừng lại ở sự thỏa thuận giữa hai bên. Và pháp luật hoàn toàn tôn trọng sự thỏa thuận đó. Thực tế, đây là cách thức tốt nhất trong việc xác định quyền nuôi dưỡng trực tiếp con cái khi bố và mẹ không đăng ký kết hôn.
+ Thứ hai, nếu hai bên không thể thỏa thuận với nhau về việc trực tiếp nuôi dưỡng con, thì sẽ khởi kiện ra tòa, nhờ tòa phân xử việc giành quyền nuôi con. Cũng giống việc giải quyết việc tranh chấp con khi ly hôn, giành quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn cũng được giải quyết theo phương hướng tương tự. Nếu con trên 7 tuổi, Tòa án sẽ ưu tiên lựa chọn của con. Con sẽ bày tỏ quan điểm, mong muốn của bản thân rằng thích ở với bố hay với mẹ, lý do. Cùng với đó, bố và mẹ sẽ phải chứng minh điều kiện kinh tế và khả năng nuôi dưỡng cháu về mặt đạo đức, tinh thần (Đảm bảo cho con một môi trường sống văn minh, lành mạnh). Tòa sẽ căn cứ về điều kiện kinh tế, vật chất và nền tảng đạo đức, tinh thần để xác định xem bố hay mẹ có khả năng giành quyền nuôi con trực tiếp. Tòa sẽ một phần dựa vào sự lựa chọn đó của con để xác định xem con do ai trực tiếp nuôi dưỡng. Trong trường hợp con dưới 36 tháng tuổi (dưới 3 tuổi), pháp luật ưu tiên để mẹ nuôi dưỡng con. Bởi lẽ, trong giai đoạn này, con vẫn còn quá bé, cần nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp từ người mẹ.Chỉ khi người mẹ không có khả năng về kinh tế, hoặc có chứng cứ chứng minh người mẹ có vấn đề về nhân cách, đạo đức thì Tòa mới để con dưới 36 tháng tuổi cho bố nuôi dưỡng.
Trong bối cảnh nền kinh tế xã hội ngày càng có những thay đổi theo chiều hướng hiện đại ngày này, thì các vấn đề phát sinh liên quan đến thay đổi quan điểm sống, kéo theo các hệ quả về con cái (có con khi chưa đăng ký kết hôn) ngày càng nhiều. Lúc này, dù không xác lập quan hệ vợ chồng, thì giữa các cá nhân liên quan với nhau vẫn có sự ràng buộc về vấn đề con cái. Theo đó, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ với con cái. Đồng thời, nếu không thuộc các trường hợp bị hạn chế về quyền trực tiếp nuôi con, thì các cá nhân đều có quyền chăm sóc, yêu thương và nuôi dưỡng con trẻ (trực tiếp hoặc gián tiếp).
3. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái:
Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con cái như sau:
+ Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
+ Cha mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
+ Cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
– Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Đồng thời, con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
– Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.
– Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.
– Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật hôn nhân và gia đình 2014.