Giấy khai sinh là gì? Đi làm giấy khai sinh cho con cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Làm lại giấy khai sinh cho con sau khi ly hôn được không?
Đăng ký kết hôn xác lập mối quan hệ hôn nhân giữa hai chủ thể về mặt pháp luật. Hôn nhân hình thành nên nhiều mối quan hệ pháp lý mới: Vợ chồng, cha mẹ và con cái,…Ngược lại, ly hôn lại là hành vi chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Kéo theo đó là các vấn đề liên quan đến tài sản và con cái. Một câu hỏi thường được đặt ra là sau khi ly hôn, có làm lại giấy khai sinh cho con được hay không?
Căn cứ pháp lý: Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch
Mục lục bài viết
1. Giấy khai sinh là gì?
– Giấy khai sinh là loại giấy tờ có hiệu lực về mặt pháp lý, mà ở đó cơ quan Nhà nước công nhận sự hiện diện của một cá thể, công nhận quyền công dân của người được làm giấy khai sinh. Hay hiểu một cách đơn giản, giấy khai sinh là việc công khai sự ra đời của một cá thể, và nhà nước công nhận quyền công dân của cá thể đó.
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân, đóng vai trò rất quan trọng vì đó là căn cứ để thực hiện các quyền lợi khác của công dân như: đăng ký hộ khẩu, làm thẻ bảo hiểm y tế, làm chứng minh nhân dân.
– Ở Việt Nam, sau khi một cá nhân ra đời, cha mẹ hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật sẽ ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm giấy khai sinh cho họ. Sau khi được làm giấy khai sinh, cá nhân sẽ được xem là một công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được hưởng đầy đủ mọi quyền và nghĩa vụ của một người dân theo quy định của pháp luật. Vì vậy, làm giấy khai sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành và phát triển của mỗi cá nhân.
2. Đi làm giấy khai sinh cho con cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Theo quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020, bố mẹ, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ cần chuẩn bị các loại giấy tờ cụ thể như sau:
– Về giấy tờ để xuất trình bao gồm các loại sau:
+ Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh.
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn (trong giai đoạn chuyển tiếp).
+ Trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cần xuất trình thêm: Giấy chứng nhận kết hôn nếu cha, mẹ đã đăng ký kết hôn; trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam thì xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh, văn bản xác nhận của
– Về giấy tờ để nộp lên cơ quan chức năng có thẩm quyền bao gồm các loại sau:
+ Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
+ Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.
+ Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.
+ Trường hợp có yếu tố nước ngoài thì có thêm: Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ – con (nếu có); Nếu cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài thì phải nộp
Khi đảm bảo những giấy tờ có liên quan, cha, mẹ hoặc người đại diện có thể làm giấy khai sinh cho con (em) của mình.
3. Làm lại giấy khai sinh cho con sau khi ly hôn có được không?
Tình huống: “Chị Đặng Thị H và chồng là anh Đỗ Văn V ly hôn nhau được 2 tháng. Anh chị có hai cháu. Trong giai đoạn xử lý vấn đề ly hôn, cả hai người đều mong muốn được quyền nuôi cả hai cháu. Và mâu thuẫn thực tế của hai người là rất lớn. Kết quả của vấn đề ly hôn giữa hai người là anh V và chị H, mỗi người có quyền và trách nhiệm nuôi dưỡng một con (Cháu Đỗ Minh C 12 tuổi ở với bố và bé Đỗ Minh A 7 tuổi ở với mẹ). Sau khi ly hôn, do bức xúc chồng, không muốn đứa con mình có quyền trực tiếp nuôi dưỡng mang họ bố, nên chị Đặng Thị H đã ra Ủy ban nhân dân xã L, nơi chị từng đăng ký khai sinh cho con để xin đổi lại họ cho con. Tuy nhiên, cán bộ Nhà nước có thẩm quyền tại đó không tiếp nhận yêu cầu của chị H với lý do không thể làm lại giấy khai sinh cho bé sau khi bố mẹ ly hôn. Chị H vô cùng bức xúc. Chị cho rằng, khi thông tin tên họ bị sai, người dân hoàn toàn có thể yêu cầu cán bộ hộ tịch đính chính lại. Vậy tại sao chị không thể làm lại giấy khai sinh cho con gái mình?”
Thông thường, ly hôn thường xuất phát từ nguyên nhân chính là do hai vợ chồng bất đồng quan điểm sống, không tìm được tiếng nói chung trong đời sống hôn nhân, không cảm thấy hạnh phúc,… Chính vì vậy, sau khi ly hôn, họ thường có thái độ tiêu cực với đối phương. Họ không muốn con mình mang tên do đối phương đặt, mang họ của đối phương…Đây được xem là lý do chính khiến nhiều người bố, người mẹ có mong muốn làm lại giấy khai sinh cho con sau khi ly hôn.
Hiện nay, mong muốn làm lại giấy khai sinh cho con ngày càng nhiều. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Thông tin trên giấy khai sinh bị sai, mong muốn thay đổi tên họ cho con…Chính vì vậy, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về giải quyết việc làm lại giấy khai sinh cho con.
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ- CP, chỉ được làm lại giấy khai sinh trong các trường hợp sau đây:
– Trường hợp thứ nhất: Giấy khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1 tháng 6 năm 2016 nhưng sổ hộ tịch và cả bản chính giấy tờ hộ tịch đều mất.
– Trường hợp thứ hai: Người yêu cầu đăng ký giấy khai sinh lại có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
– Trường hợp thứ ba: Việc đăng ký giấy khai sinh chỉ được thực hiện nếu người đăng ký còn sống tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, để thay đổi thông tin trên Giấy khai sinh của con, cha mẹ có thể thực hiện thủ tục thay đổi hộ tịch hoặc cải chính hộ tịch nếu đáp ứng các điều kiện:
– Thay đổi họ, tên đệm, tên người dưới 18 tuổi: Có sự đồng ý của cha mẹ người đó, thể hiện trong Tờ khai, cần sự đồng ý của người đó (nếu từ 09 tuổi trở lên).
– Cải chính hộ tịch (chỉnh sửa thông tin trong Sổ hộ tịch hoặc giấy tờ hộ tịch – bản chính): Có đủ căn cứ về việc có sai sót do lỗi của công chức hộ tịch hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Như vậy, pháp luật quy định hết sức chặt chẽ về vấn đề làm lại giấy khai sinh cho công dân. Chỉ khi đảm bảo các yêu cầu theo quy định của pháp luật, cá nhân mới có thể đính chính hoặc làm lại giấy khai sinh. Hay nói cách khác, công dân sẽ không thể đăng ký làm lại giấy khai sinh nếu không thuộc các trường hợp như đã nêu ở trên. Sau khi ly hôn, bố hoặc mẹ có thể làm lại giấy khai sinh cho con nếu đảm bảo nằm trong các trường hợp theo quy định của luật. Ngược lại nếu không đáp ứng một trong các điều kiện trên, giấy khai sinh cho con sẽ không thể làm lại.
Quay trở lại tình huống, chị Đặng Thị H không thể vì lý do mâu thuẫn, bức xúc với chồng cũ mà yêu cầu làm lại giấy khai sinh cho con được. Điều này không đúng theo quy định của pháp luật.
Giấy khai sinh là sự chứng nhận sự tồn tại, công nhận quyền công dân của một cá thể. Nó chỉ có thể được thay đổi, hoặc làm lại nếu đảm bảo các quy định theo pháp luật. Vậy nên, sau khi ly hôn, nếu chỉ vì lý do bất đồng với người cũ, cá nhân sẽ không thể làm lại giấy khai sinh cho con.