Nhiều người hiện nay bức xúc rằng, mặc dù đã thanh toán tiền đầy đủ nhưng vẫn bị chủ nhà khóa cửa không cho vào sinh sống và kinh doanh, việc này đã làm tổn thất nghiêm trọng về kinh tế. Câu hỏi đặt ra, làm gì khi chủ nhà tự ý khoá cửa không cho người thuê vào?
Mục lục bài viết
1. Một số nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ nhà và người thuê:
Nhìn chung thì trong quá trình thuê và thực hiện hợp đồng thuê, hai bên chủ nhà và người thuê vì nhiều lý do khác nhau, sẽ không thể tránh khỏi những mâu thuẫn và xung đột, bất đồng trong quan điểm. Thông thường những tranh chấp hợp đồng thuê phát sinh liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ và nội dung của hợp đồng. Khi bất đồng xảy ra, chủ nhà thường có những cách xử lý khác nhau trong đó có hành vi, thay đổi khóa cửa, giữ đồ đạc của người thuê ở trong phòng… không cho họ vào phòng để buộc họ phải làm theo quan điểm của mình. Ở một góc độ khách quan nhất thì có thể kể đến những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, do sự chủ quan và đặt niềm tin quá cao của một bên vào bên còn lại, bên thuê chủ quan không đọc kĩ hợp đồng, vì thế tạo ra những kẽ hở khiến cho bên kia lợi dụng phát sinh những mâu thuẫn và tranh chấp, hoặc nội dung hợp đồng mơ hồ dẫn đến trái ngược trong suy nghĩ và cách hiểu.
Thứ hai, do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hoặc cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng của một bên, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi nhuận kinh doanh của bên kia, hoặc cho hoàn cảnh thay đổi cơ bản không lường trước được khi giao kết hợp đồng.
Thứ ba, do sự biến động của các yếu tố bên ngoài như giá cả hoặc cung cầu dẫn đến thay đổi nhu cầu nguyện vọng về chỗ ở hoặc điều kiện sinh hoạt của cá nhân, trong khi điều kiện chỗ ở ban đầu không thể đáp ứng, hoặc do sự kiện bất khả kháng như thiên tai, bão lũ… khiến cho hợp đồng sau khi ký kết không thể thực hiện được.
2. Làm gì khi chủ nhà tự ý khoá cửa không cho người thuê vào?
Theo quy định của pháp luật dân sự, cụ thể là Điều 472 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành, thì hợp đồng thuê tài sản mà cụ thể trong trường hợp này là thuê nhà, là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các bên, theo đó bên cho thuê giao nhà cho bên thuê theo như thời hạn đã thỏa thuận. Tuy nhiên, quy định của pháp luật như vậy không có nghĩa là bên cho thuê có quyền lấy lại nhà bất cứ lúc nào và cản trở quá trình thuê nhà của bên đi thuê. Khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải thông báo trước cho bên còn lại một khoảng thời gian hợp lý hoặc theo như thỏa thuận thời gian thông báo của các bên được giao kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không quy định về khoảng thời gian như thế nào được coi là hợp lý. Và trên thực tế, khi giải quyết tranh chấp, tòa án sẽ căn cứ các đặc điểm của tài sản như thời gian và mục đích thuê … để đánh giá và quyết định khoảng thời gian phải báo trước bao lâu là hợp lý, từ đó để xác định lỗi vi phạm của mỗi bên khi vi phạm xảy ra.
Vì thế cho nên, trong trường hợp hai bên xuất hiện quan hệ hợp đồng, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực, mà chủ nhà có hành vi đổi khóa cửa để giữ đồ đạc của bạn ở trong nhà, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau thậm chí có thể từ chính người đi thuê, nhưng hành vi của chủ nhà vẫn bị coi là hành vi trái pháp luật. Bởi thông thường những đồ đạc trong nhà hầu hết đều là những tài sản quan trọng như máy tính, quần áo, đồ đạc nấu ăn, giấy tờ tùy nhân, tiền của … Hành vi của chủ nhà có dấu hiệu và cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), theo đó, công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người hoặc một nhóm người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện có tính chất công khai, lợi dụng tình trạng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản. Điều này là phù hợp với tình huống của chủ nhà, vì họ khóa cửa khi người thuê đi vắng, thì khi đó, chủ nhà không cần và không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn gì để đối phó với chủ sở hữu tài sản, họ cũng không phải đối phó với bất kì sự phản ứng nào của chủ tài sản vì lý do người thuê không có nhà, không có điều kiện để ngăn cản, do đang ở xa.
Hậu quả của hành vi này là thiệt hại do hành vi gây ra cho xã hội nói chung và cá nhân người thuê nhà nói riêng, được coi là khách thể của người phạm tội. Hậu sự của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản, cụ thể là những giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại xảy ra là thước đo để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Vì thế, chủ nhà sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác theo quy định của pháp luật hình sự nói trên. Do đó trong trường hợp này bạn sẽ phải trình báo lên cơ quan công an có thẩm quyền để họ xử lý theo đúng trình tự và thủ tục pháp luật.
Ngoài ra, việc khóa cửa không cho người thuê vào phòng lấy đồ đạc của chủ nhà mà gây ra thiệt hại khi hợp đồng thuê nhà vẫn đang có hiệu lực được coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thuê được đôi bên giao kết ban đầu. Vì thế bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện chủ nhà ra tòa án nhân dân cấp quận huyện để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên nếu trong trường hợp, mâu thuẫn phát sinh do bên thuê khó khăn về mặt kinh tế mà không có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ thanh toán hàng tháng tiền thuê, thì thiết nghĩ nên ngồi lại và cần nói chuyện, thỏa thuận với chủ nhà trước cũng như trả lại số tiền còn thiếu để giải quyết vấn đề của mình một cách nhanh chóng và đỡ tốn kém về chi phí nhất có thể. Nếu đã thỏa thuận nhưng bên chủ nhà vẫn nhất quyết không đồng ý thì bạn có thể khởi kiện chủ nhà ra Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu Tòa giải quyết và trình báo với cơ quan công an để yêu cầu giải quyết những hành vi vi phạm của chủ nhà như đã nói ở trên.
3. Hướng dẫn viết đơn tố cáo về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản:
Trong trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn, thì phải bao gồm những nội dung cơ bản sau:
– Ngày, tháng, năm làm đơn tố cáo;
– Thông tin cơ bản của người bị tố cáo như họ và tên, địa chỉ, phương thức liên hệ …;
– Hành vi vi phạm của người bị tố cáo;
– Nội dung có liên quan và ký tên của người tố cáo. Trong đó phải trình bày rõ nội tình câu chuyện, hành vi vi phạm diễn ra như thế nào, căn cứ pháp lý ở cơ sở nào, có bằng chứng chứng minh gì được lưu giữ lại hay không, ngoài ra thì thiệt hại xảy ra có lớn không để tăng sức thuyết phục cho người tố cáo…
4. Phòng ngừa tranh chấp phát sinh trong hợp đồng thuê giữa chủ nhà và người thuê:
Để tránh những tranh chấp và bất đồng không đáng có như trên xảy ra, thì cần lưu ý những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cần tìm hiểu rõ về các đối tượng và chủ thể giao kết hợp đồng, nhận xét về mức độ uy tín cũng như tính cách của họ thông qua quá trình giao tiếp và quan điểm của những hộ xung quanh. Xem xét về năng lực chủ thể khi giao kết hợp đồng đôi bên.
Thứ hai, cần tìm hiểu kĩ hơn về thông tin của căn hộ có nhu cầu thuê, đặc biệt là khi có ý định gắn bó lâu dài về nhiều khía cạnh. như màu sắc, diện tích, tiện nghi… thậm chí là tâm linh và phong thủy.
Thứ ba, cần xác thực thông tin trong quá trong giao kết hợp đồng với chủ nhà. Xem xét xem những thông tin mà chủ nhà đưa ra thông qua quá trình trao đổi với bạn có đúng sự thật hay không, hai trong đó vẫn xen lẫn sự sai trái và dối trá cũng như thiếu trung thực từ phía chủ nhà, khi đó tốt nhất thì bạn nên bỏ qua và đi tìm một địa chỉ mới. Thứ tư, trong quá trình soạn thảo và ký kết hợp đồng, cũng cần phải để ý vì đây là một giai đoạn hết sức quan trọng. Cần kiểm tra kỹ lưỡng mọi thông tin và điều khoản trong hợp đồng xem đúng với mong muốn và ý chí của các bên hay chưa rồi mới đồng ý ký. Ngoài ra thì cần phải chuẩn bị một hợp đồng dự thảo từ trước hạn chế những thuật ngữ mập mờ và khó hiểu, để tránh những tranh chấp phát sinh sau này xảy ra không đáng có.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Bộ luật Dân sự năm 2015.