Lãi suất cho vay của ngân hàng VPBank. Tính lãi chậm trả do quá hạn thanh toán nợ như thế nào?
Lãi suất cho vay của ngân hàng VPBank. Tính lãi chậm trả do quá hạn thanh toán nợ như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 2013, em có vay tiền của Ngân Hàng VPBank bằng hình thức vay tín chấp với số tiền vay là 25.000.000 đồng. Trong quá trình vay thì em đã đóng cho bên ngân hàng được 3 kỳ với số tiền mỗi kỳ là 1.750.000 đồng. Sau đó, vì gia đình xảy ra nhiều việc và kinh tế lúc đó khó khăn, nên em đã ngưng đóng tiền cho phía Ngân hàng VPBank. Đến bây giờ, vào ngày 10/04/2017, em có nhận được thông báo đòi nợ của Văn phòng Luật Sư do được phía NH VPBank ủy quyền đòi với số tiền là 78.000.000 đồng và kèm điều kiện là bên em phải thanh toán trả số nợ đó trong 1 lần. Vậy hôm nay em xin hỏi Luật Sư là phía bên NH VPBank tính phí lãi trả chậm hay là phí phạt trả chậm như vậy có đúng không? Và bây giờ em cũng muốn trả số nợ của mình và cũng chấp nhận đóng phí phạt. Như vậy theo luật thì em phải trả tiền phạt với mức phí cao nhất được áp dụng theo điều luật nào? Chân thành cảm ơn Luật Sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về Hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài với khách hàng, cụ thể về Lãi suất cho vay như sau:
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
3. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.
4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
5. Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài ra, thời gian bạn vay vốn là năm 2013, quy định về lãi suất cho vay của Tổ chức tín dụng với khách hàng được quy định tại Điều 11 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN như sau:
1- Mức lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2- Mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định vầ thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng.
Ngân hàng VPBank là tổ chức tín dụng, nên hoạt động cho vay của Ngân hàng VPBank thuộc sự điều chỉnh của các văn bản trích dẫn nêu trên, và không thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 về cho vay tài sản. Lãi suất cho vay của Ngân hàng VPBank theo quy định của pháp luật với bạn là mức lãi suất theo thỏa thuận. Như vậy, khi bạn đã ký vào hợp đồng vay với Ngân hàng VPBank thì đồng thời bạn đã chấp thuận với lãi suất cho vay của Ngân hàng VPBank đưa ra. Bạn cần kiểm tra lại hợp đồng vay của bạn với Ngân hàng VPBank về các điều khoản liên quan đến lãi suất vay trong hạn, lãi suất vay quá hạn được thỏa thuận là bao nhiêu và đối chiếu với bảng kê tính toán của Ngân hàng VPBank ở thời điểm này xem họ tính toán đã đúng với lãi suất được ghi nhận trên hợp đồng chưa. Ngoài ra lãi suất cho vay quá hạn cũng được xác định là lãi suất theo thỏa thuận và không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn.
Như vậy, để xác định việc ngân hàng tính lãi suất cho vay là đúng hay sai, bạn cần đối chiếu với hợp đồng cho vay của bạn để biết được kết quả.