Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài, chính vì thế nên hoạt động hàng hải của đất nước ta rất phát triển và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Cùng bài viết tìm hiểu về lai dắt hàng hải là gì? Quy định về hoạt động lai dắt tàu biển?
Mục lục bài viết
1. Lai dắt tàu biển là gì?
Pháp luật hiện hành không đưa ra khái niệm cụ thể về lai dắt hàng hải, tuy nhiên, lai dắt tàu biển đã được định nghĩa là việc lai, kéo, đẩy hoặc túc trực bên cạnh tàu biển, các phương tiện nổi khác trên biển và trong vùng nước cảng biển bằng tàu lai. Lai dắt tàu biển bao gồm lai dắt trên biển và lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015. Cụ thể:
“1. Lai dắt tàu biển là việc lai, kéo, đẩy hoặc túc trực bên cạnh tàu biển, các phương tiện nổi khác trên biển và trong vùng nước cảng biển bằng tàu lai.
2. Lai dắt tàu biển bao gồm lai dắt trên biển và lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển.”
Pháp luật còn quy định đối với hợp đồng lai dắt tàu biển là hợp đồng được giao kết bằng văn bản giữa chủ tàu lai và bên thuê lai dắt. Giá dịch vụ lai dắt tàu biển sẽ do trực tiếp các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Lai dắt tàu biển là vô cùng cần thiết trong những trường hợp chẳng hạn như mắc cạn nhẹ trên một cồn cát ngầm, thiếu nhiên liệu, acqui hỏng, hoặc các vấn đề cơ khí khác, trong điều kiện thời tiết bình thường, không có nguy hiểm cho phương tiện và thuyền viên.
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển:
Pháp luật Việt Nam quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển như sau:
– Theo Điều 13 Nghị định 160/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển có nội dung như sau:
“1. Là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam phải được thành lập theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
2. Có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu lai dắt; tàu lai dắt phải là tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam.”
Theo Điều 14 Nghị định 160/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực có nội dung như sau:
1. Có người chuyên trách thực hiện kinh doanh, khai thác dịch vụ lai dắt tàu biển đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế.
2. Có người chuyên trách thực hiện công tác pháp chế đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật.
3. Thuyền viên làm việc trên tàu lai dắt phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khoẻ và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu lai dắt phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định, đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khoẻ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.”
Theo Điều 15 Nghị định 160/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với tổ chức nước ngoài sử dụng tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài để kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam có nội dung như sau:
1. Tổ chức nước ngoài chỉ được sử dụng tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài để kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam khi tàu lai dắt mang cờ quốc tịch Việt Nam không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Định kỳ hàng năm, Bộ Giao thông vận tải
2. Tàu lai dắt mang cờ quốc tịch nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.
3. Thuyền viên làm việc trên tàu lai dắt phải có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
4. Tổ chức nước ngoài phải có hợp đồng lai dắt với bên thuê lai dắt của Việt Nam.
5. Tổ chức nước ngoài phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoặc doanh nghiệp lai dắt Việt Nam được ủy quyền tại Việt Nam.”
Tuy nhiên, Nghị định 147/2018/NĐ-CP ra đời đã sửa đổi một số nội dung của Nghị định 160/2016/NĐ-CP, theo quy định của pháp luật hiện hành thì điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển bao gồm các điều kiện sau đây:
– Điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển:
+ Phải là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam phải được thành lập theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
+ Các chủ thể cần phải có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu lai dắt; tàu lai dắt phải là tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam.
– Điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực:
+ Có người chuyên trách thực hiện kinh doanh, khai thác dịch vụ lai dắt tàu biển đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế.
+ Có người chuyên trách thực hiện công tác pháp chế đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật.
– Điều kiện đối với tổ chức nước ngoài sử dụng tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài để kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam:
+ Tổ chức nước ngoài chỉ được sử dụng tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài để kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam khi tàu lai dắt mang cờ quốc tịch Việt Nam không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Định kỳ hàng năm, Bộ Giao thông vận tải thông báo về năng lực đội tàu lai dắt mang cờ quốc tịch Việt Nam.
+ Tàu lai dắt mang cờ quốc tịch nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.
+ Tổ chức nước ngoài phải có hợp đồng lai dắt với bên thuê lai dắt của Việt Nam.
+ Tổ chức nước ngoài phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoặc doanh nghiệp lai dắt Việt Nam được ủy quyền tại Việt Nam.
3. Một số quy định về tàu biển Việt Nam theo Luật hàng hải:
3.1. Quy định chung:
Quy định về tàu biển:
– Tàu biển quy định trong Bộ luật hàng hải Việt Nam không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi.
– Tàu biển Việt Nam có quyền và nghĩa vụ mang cờ quốc tịch Việt Nam.
– Chỉ có tàu biển Việt Nam mới được mang cờ quốc tịch Việt Nam.
Quy định đối với chủ tàu:
– Chủ tàu là người sở hữu tàu biển.
– Các chủ thể là người quản lý, người khai thác và người thuê tàu trần được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ tàu quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam theo hợp đồng ký kết với chủ tàu.
– Tổ chức được Nhà nước giao quản lý, khai thác tàu biển cũng được áp dụng các quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan như đối với chủ tàu.
3.2. Đăng ký tàu biển Việt Nam:
Theo Điều 17 Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định về đăng ký tàu biển Việt Nam và hình thức đăng ký tàu biển có nội dung như sau:
– Đăng ký tàu biển được hiểu là việc ghi, lưu trữ các thông tin về tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam theo quy định của Bộ luật hàng hải và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Đăng ký tàu biển Việt Nam bao gồm các hình thức sau đây:
+ Đăng ký tàu biển không thời hạn.
+ Đăng ký tàu biển có thời hạn.
+ Đăng ký thay đổi.
+ Đăng ký tàu biển tạm thời.
+ Đăng ký tàu biển đang đóng.
+ Đăng ký tàu biển loại nhỏ.
Theo Điều 19 Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định các loại tàu biển phải đăng ký bao gồm:
– Các loại tàu biển sau đây phải đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam:
+ Tàu biển có động cơ với tổng công suất máy chính từ 75 kilôwatt (KW) trở lên.
+ Tàu biển không có động cơ, nhưng có tổng dung tích từ 50 GT trở lên hoặc có trọng tải từ 100 tấn trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét (m) trở lên.
+ Tàu biển nhỏ hơn các loại tàu biển quy định tại điểm a và điểm b khoản này, nhưng hoạt động tuyến nước ngoài.
– Cần lưu ý việc đăng ký các loại tàu biển không thuộc trường hợp được quy định nêu cụ thể ở trên sẽ do Chính phủ quy định.
Theo Điều 20 Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định về điều kiện đăng ký tàu biển Việt Nam có nội dung như sau:
– Tàu biển khi đăng ký phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Tàu biển khi đăng ký phải có giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu biển.
+ Tàu biển khi đăng ký phải có giấy chứng nhận dung tích, giấy chứng nhận phân cấp tàu biển.
+ Tàu biển khi đăng ký phải có tên gọi riêng của tàu biển.
+ Tàu biển khi đăng ký phải có giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký hoặc xóa đăng ký, nếu tàu biển đó đã được đăng ký ở nước ngoài, trừ trường hợp đăng ký tạm thời.
+ Chủ tàu có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
+ Tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng lần đầu tiên đăng ký hoặc đăng ký lại tại Việt Nam phải có tuổi tàu phù hợp với từng loại tàu biển theo quy định của Chính phủ.
+ Tàu biển khi đăng ký thì đã nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
– Cũng cần lưu ý rằng, tàu biển nước ngoài được tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê tàu trần, thuê mua tàu khi đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, ngoài các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d, e và g khoản 1 Điều 20 Bộ luật hàng hải Việt Nam phải có hợp đồng thuê tàu trần hoặc hợp đồng thuê mua tàu.
Như vậy, việc đăng ký tàu biển Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các quy định cụ thể được nêu trên để đảm bảo cho hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như bảo đảm cho quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Nghị định 160/2016/NĐ-CP.
Nghị định 147/2018/NĐ-CP.