Ký quỹ không còn là một thuật ngữ xa lạ. Việc ký quỹ thường xảy ra trong các giao dịch của ngân hàng hoặc các giao dịch về bất động sản. Biện pháp ký quỹ là một việc thường được dùng trong việc đảm bảo quyền lợi của bên cung cấp dịch vụ tài sản cho một bên mua.
Mục lục bài viết
1. Ký quỹ là gì?
Ký quỹ được hiểu là một loại tiền gửi không có kỳ hạn hoặc có kỳ hạn của một công ty hay một tổ chức tại ngân hàng có dịch vụ gửi tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật. Số tiền gửi này chính là một sự đảm bảo về mặt tài chính của công ty hay doanh nghiệp đối với tổ chức ngân hàng cùng các bên liên quan.
Pháp luật Việt Nam quy định, ký quỹ được gửi có thể là kim khí quý hoặc một khoản tiền, giấy tờ quan trọng hoặc đá quý được đưa vào trong một tài khoản được bảo lãnh và phong tỏa trong ngân hàng cho các công ty tiến hành việc đầu tư hay các dự án kinh doanh. Các loại tài sản này được kiểm soát và có thể kịp thời thu hồi.
Trong trường hợp khi các doanh nghiệp thực hiện không đúng hoặc không thực hiện thì các doanh nghiệp này cần phải chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất và chịu trách nhiệm trước luật pháp. Việc đưa ra hình thức này có vai trò vô cùng quan trọng để giúp công ty hay các doanh nghiệp chứng minh được khả năng tài chính của mình, nhất là đối với những tổ chức như kinh doanh bảo hiểm hay tư vấn du học hay một số loại hình tổ chức kinh doanh khác.
Hiểu một cách đơn giản thì ký quỹ hoặc tiền gửi ký quỹ là một hình thức gửi tiền ngân hàng có kỳ hạn hoặc không có kỳ hạn của doanh nghiệp, tổ chức tại Ngân hàng có cung cấp dịch vụ gửi tiền ký quỹ. Ký quỹ hoặc tiền gửi ký quỹ được xem là một hình thức đảm bảo tài chính của tổ chức, doanh nghiệp đối với ngân hàng.
Nói cách khác nhằm mục đích để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự được đầy đủ và đúng thời hạn, bên có nghĩa vụ cần gửi một khoản tiền, kim quý, đá quý, giấy tờ có giá trị vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng.
Theo điều 330
“Điều 330. Ký quỹ
1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.
3. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, theo quy định được nêu cụ thể bên trên, ta nhận thấy việc ký quỹ là một hình thức để bảo đảm quyền lợi của bên có quyền, và đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, hình thức bảo đảm bằng ký quý trên thực tế không thường xuất hiện ở các giao dịch dân sự thông thường mà chủ yếu xuất hiện trong các dự án đầu tư kinh doanh
2. Đặc điểm của ký quỹ:
Đặc điểm chung của hình thức ký quỹ bao gồm:
– Đặc điểm thứ nhất đó là khoản tiền ký quỹ thường là VNĐ hoặc ngoại tệ phổ biến trên thị trường cụ thể như USD, EUR, GBP.
– Số dư tối thiểu sẽ tùy thuộc vào từng loại hình ký quỹ.
– Lãi suất áp dụng cho tiền gửi kỹ quỹ sẽ được tính theo có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn.
– Một đặc điểm nữa đó là quá trình ký quỹ luôn luôn có sự tham gia của ba bên liên quan bao gồm:
+ Thứ nhất là bên ký quỹ: là doanh nghiệp, tổ chức có tài sản ký quỹ.
+ Thứ hai là bên ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nhận tài sản ký quỹ.
+ Thứ ba là bên có quyền được thanh toán, bồi thường thiệt hại từ. Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khi có sự cố xảy ra, thường là đối tác kinh doanh của bên ký quỹ.
Như vậy, kỹ quý bao gồm các đặc điểm cụ thể được nêu trên. Việc ký quỹ cần phải đáp ứng các đặc điểm này để đảm bảo quá trình ký quỹ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, đúng quy định pháp luật.
3. Các loại hình thức ký quỹ:
Hiện nay, tùy vào ngành nghề, tính chất sẽ có một số hình thức ký quỹ khác nhau.
3.1. Ký quỹ bảo lãnh:
Ký quỹ bảo lãnh được hiểu là một hình thức ký quỹ để thực thi hợp đồng và phổ biến nhất trong lĩnh vực xây dựng với hai đối tượng chính là chủ thầu và nhà đầu tư trong đó ngân hàng là đơn vị trung gian.
Nội dung ký quỹ bảo lãnh để thực thi hợp đồng vẫn là các điều khoản và thỏa thuận thanh toán cho bên nhà thầu.
Ta có thể hiểu đơn giản ký quỹ bảo lãnh là đảm bảo thanh toán cho chứng thư do ngân hàng phát hành. Theo đó, ngân hàng sẽ thanh toán cho bên thụ hưởng khoản đền bù được ghi trong giấy bảo lãnh nếu đối tác không thực hiện được trách nhiệm của mình theo hợp đồng.
Ngân hàng không bảo lãnh việc đối tác có thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, ngân hàng chỉ đảm bảo thanh toán số tiền trong phạm vi được ghi ở giấy bảo lãnh.
Nói chung lại, ký quỹ bảo lãnh được hiểu là sự đảm bảo cho bên thụ hưởng khi các hoạt động trong hợp đồng không được thực hiện.
3.2. Ký quỹ L/C:
Ký quỹ L/C được hiểu là hình thức giao dịch giữa người mua (bên tổ chức, doanh nghiệp nhập khẩu) và người bán (xuất khẩu) thông qua Ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Ký quỹ L/C được ngân hàng lập ra và có giá trị như một lá đơn theo yêu cầu chung của các bên. Nội dung L/C là các thỏa thuận và cam kết thanh toán hàng cho cho bên xuất khẩu.
3.3. Ký quỹ vào mục kinh doanh đa ngành nghề:
Việc ký quỹ với hình thức ký quỹ vào mục kinh doanh đa ngành nghề nhằm mục đích đảm bảo việc kinh doanh tránh trường hợp phá sản trong quá trình kinh doanh.
Nguyên nhân ra đời của hình thức ký quỹ vào mục kinh doanh đa ngành nghề là vì trong suốt quá trình kinh doanh, chủ đầu tư cần phải đảm bảo duy trì được số tiền tối thiểu.
3.4. Ký quỹ thực hiện nghiệp vụ forward tại ngân hàng muốn gửi:
Trên thực tế, các ngân hàng hiện nay đều có dịch vụ hối đoái có kỳ hạn. Đây là nghiệp vụ giao dịch hối đoái kỳ hạn giữa hai bên mua và bán.
Theo đó, hai bên mua, bán sẽ cam kết với nhau bằng một lượng ngoại tệ theo tỷ giá kỳ hạn kỳ hạn xác định vào ngày giao dịch và việc thanh toán sẽ được thực hiện vào một thời điểm xác định trong tương lai.
3.5. Ký quỹ để được phép hoạt động một số ngành nghề:
Nhằm mục đích để được phép hoạt động một số ngành nghề như hoạt động xuất khẩu lao động, bán hàng đa cấp, giới thiệu việc làm, kinh doanh lữ hành,…khách hàng có thể mở tài khoản ký quỹ tại các ngân hàng. Căn cứ vào từng ngành nghề mà mức gửi ký quỹ sẽ được quy định khác nhau.
Hiện nay, việc ký quỹ là việc vô cùng cần thiết để giúp ngân hàng hoặc đơn vị doanh nghiệp có thể đảm bảo quyền lợi, tài sản của mình không bị thất thoát trong quá trình đưa cho bên đơn vị khác sử dụng. Các đơn vị công ty thực hiện việc ký quỹ sẽ làm cho các đơn vị hợp tác có thêm trách nhiệm và hoàn thành mục tiêu đúng với kỳ hạn và đảo đảm các phát sinh khi xảy ra sẽ được giải quyết một cách tốt hơn.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong ký quỹ:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có quyền, nghĩa vụ sau đây:
– Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ được hưởng phí dịch vụ.
– Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có quyền yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký quỹ.
– Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có nghĩa vụ phải thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ.
– Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ phải hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ.
– Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và dựa trên thực tiễn, bên ký quỹ có quyền, nghĩa vụ sau đây:
– Bên ký quỹ sẽ thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền.
– Bên ký quỹ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định; được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.
– Bên ký quỹ có quyền rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý.
– Bên ký quỹ có trách nhiệm nộp đủ tiền ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.
– Bên ký quỹ có các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.
Bên có quyền trong ký quỹ có quyền, nghĩa vụ sau đây:
– Bên có quyền trong ký quỹ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ.
– Bên có quyền trong ký quỹ có nghĩa vụ thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ trong việc thực hiện quyền của mình.
– Bên có quyền trong ký quỹ có quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã đưa ra quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong ký quỹ nhằm mục đích bảo bệ quyền lợi của các chủ thể trong quá trình ký quỹ và góp phần quan trọng vào việc giải quyết các tranh chấp xảy ra trong thực tiễn.