Kỹ năng soạn thảo bản án hình sự sơ thẩm? Các yêu cầu khi soạn thảo bản án hình sự sơ thẩm? Bản án hình sự sơ thẩm phải được viết đúng theo mẫu và đúng ngữ pháp?
Mục lục bài viết
1. Các yêu cầu khi soạn thảo bản án hình sự sơ thẩm:
Theo yêu cầu hiện nay, Bản án khi tuyên đọc là công khai và không chỉ giới hạn tại phiên tòa xét xử mà Bản án còn được đăng tải để mọi người dân đều có thể cập nhật nghiên cứu và cũng là một nguồn tài liệu quan trọng không chỉ trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân mà còn có tác dụng răn đe đối với những người có những ý định vi phạm hoặc coi thường các quy định của pháp luật.
Để đạt được mục đích đó, đòi hỏi các Bản án của Tòa án nói chung và Bản án hình sự sơ thẩm nói riêng cần phải được thể hiện một cách trung thực, rõ ràng các diễn biến của phiên tòa công khai, thông qua hoạt động thẩm vấn tại phiên tòa, những ý kiến tranh luận và kết quả tranh luận của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đối với Cáo trạng và bản luận tội của Viện kiểm sát. Các chứng cứ được sử dụng của Hội đồng xét xử để buộc tội hoặc phản bác ý kiến của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa thậm chí Hội đồng xét xử còn có quyền phản bác cả ý kiến của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa cần phải được phân tích đánh giá một cách chính xác và đầy đủ để khẳng định việc tuyên bố bị cáo phạm tội của Hội đồng xét xử là chặt chẽ, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Trong vấn đề quyết định hình phạt, cũng cần có những đánh giá nhận xét chính xác tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tầm quan trọng của các khách thể mà hành vi phạm tội đã xâm phạm, vai trò của từng bị cáo trong các vụ án đồng phạm có nhiều người tham gia, nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để tuyến mức án phù hợp và có tính thuyết phục.
Có như vậy, thì tất cả mọi người dân tham dự phiên tòa đều nhận thức được tính trung thực, công khai minh bạch của Hội đồng xét xử cũng như những người dân không dự phiên tòa khi đọc được Bản án hình sự của Tòa án có thể nắm bắt được nội dung của vụ án cũng như hiểu được chính sách hình sự của Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay và nhận thấy việc xét xử và quyết định hình phạt của Tòa án là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo được niềm tin của nhân dân đối với pháp luật của Nhà nước hiện nay.
Việc soạn thảo bản án hình sự sơ thẩm đảm bảo được các yêu cầu là một nội dung rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự, nhất là hiện nay, việc công bố bản án là một yêu cầu bắt buộc. Đặc biệt là Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán
Soạn thảo bản án hình sự sơ thẩm là công việc thường xuyên của Thẩm phán và những người được giao soạn thảo bản án. Bản án hình sự sơ thầm là sản phẩm thể hiện kết quả toàn bộ hoạt động tố tụng của Tòa án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án. Vì vậy, chất lượng bản án phụ thuộc vào trình độ, bản lĩnh và kỹ năng nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội đồng xét xử. Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác cải cách tư pháp giai đoạn hiện nay đòi hỏi mỗi Thẩm phán và những người giao soạn thảo bản án phải nắm chắc quy định của pháp luật, hồ sơ vụ án, thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để có những bản án hình sự thực sự công minh, khách quan, đúng quy định, thấu tình đạt lý.
Vì vậy, khi soạn thảo bản án cần lưu ý đến các yêu cầu chung đối với bản án như sau:
Thứ nhất, là một văn bản tố tụng nên bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án phải có hình thức, bố cục và các nội dung cần thể hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng và Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán
Thứ hai, các thông tin thể hiện trong bản án hình sự sơ thẩm phải bảo đảm tính chính xác; các lập luận, kết luận và các quyết định của Hội đồng xét xử về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, logic có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật, nhằm bảo đảm tính thuyết phục và khả thi của bản án. Bản án còn phải được viết một cách ngắn gọn, đủ ý, rõ ràng, dễ hiểu, trang trọng, lịch sự về mặt văn phong với lập luận chặt chẽ, logic về nội dung trên cơ sở có đủ lượng thông tin thực tế, thông tin quy phạm và những thông tin đó phải được xử lý và bảo đảm chính xác.
Thứ ba, bản án hình sự sơ thẩm phải được soạn thảo theo văn phong hành chính pháp lý có đặc tính trang trọng, nghiêm túc, khách quan, trung tính, dễ hiểu và ngắn gọn, kết hợp với việc sử dụng chính xác các thuật ngữ và từ ngữ pháp lý được thể hiện trong các văn bản pháp luật. Bản án là văn bản tố tụng pháp lý, là một phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ viết của Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quan hệ tố tụng tư pháp với cá nhân, cơ quan, tổ chức, bản án phải có tính phổ thông đại chúng, theo đó ngôn ngữ trong bản án phải bằng tiếng Việt và phải được sử dụng theo đúng quy tắc ngữ pháp tiếng Việt phù hợp với trình độ dân trí nói chung để mọi đối tượng có liên quan đến việc thi hành bản án đều có thể nhận biết được nội dung bản án đầy đủ; bảo đảm tối đa tính phổ cập nhưng phải bảo đảm tính nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học của bản án.
Tuyệt đối không sử dụng ngôn ngữ văn nói trong bản án, theo đó tránh sử dụng những từ ngữ có tính dân dã, không thể hiện tính trang trọng, lịch sự trong các bản án. Nếu không bảo đảm các yêu cầu nêu trên, bản án mà Tòa án đã tuyên sẽ có thể bị kháng cáo, kháng nghị dẫn đến hệ quả là sẽ bị Tòa án có thẩm quyền sửa hoặc hủy theo căn cứ quy định tại các luật tố tụng.
2. Bản án hình sự sơ thẩm phải được viết đúng theo mẫu:
Theo văn bản hướng dẫn
Thứ nhất, Phần mở đầu của bản án hình sự sơ thẩm: Phần này, Tòa án phải tuân thủ các thể thức, cách thức trình bày theo đúng biểu mẫu Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Thứ hai, Phần nội dung vụ án: Theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự thì bản án phải ghi đầy đủ những nội dung sau: Số, ngày, tháng, năm của bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố, tên Viện kiểm sát truy tố, hành vi của bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự và mức hình phạt, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo; ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập.
Sau quá trình nghiên cứu hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, Thẩm phán phải tự mình tổng hợp diễn biến của vụ án, xác định được các hành vi, các sự kiện xảy ra của vụ án. Phải tóm tắt được những vấn đề cơ bản của vụ án và đối chiếu với kết quả điều tra, kết quả truy tố tại bản cáo trạng xem có vấn đề gì, tình tiết nào phù hợp hoặc không phù hợp, không để chi phối bởi bản cáo trạng. Những hành vi tuy được thể hiện trong hồ sơ hoặc trong bản cáo trạng nhưng Viện kiểm sát không truy tố thì không nhất thiết phải ghi.
Thứ ba, phần nhận định của Hội đồng xét xử: Theo quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 260
Phần nhận định này phải thống nhất với phần quyết định, không được nhận định một hướng, xử lý theo hướng khác, phải có tính logic, chặt chẽ giữa các phần với nhau. Hội đồng xét xử phân tích, đánh giá từng vấn đề, cụ thể: phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng; phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định không có tội; đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; đánh giá về vật chứng, xử lý vật chứng; đánh giá về vấn đề bồi thường thiệt hại (nếu có); đánh giá về những vấn đề khác (nếu có) như: việc khởi tố vụ án hay yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm hoặc hành vi phạm tội mới (nếu có). Kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội, phòng ngừa tội phạm; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản pháp luật (nếu có). Xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp bảo đảm nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc thấy không còn cần thiết (nếu có).
Thứ tư, phần quyết định của bản án: Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong phần này ghi đầy đủ các nội dung về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về án phí và quyền kháng cáo. Trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì ghi rõ quyết định đó.
3. Bản án hình sự sơ thẩm phải được viết đúng ngữ pháp:
Xét đặc điểm và tính chất của bản án có nhiều điểm tương đồng với văn bản hành chính và văn bản quy phạm pháp luật (là văn bản của Nhà nước, có tính chất mệnh lệnh, có giá trị thi hành…), trong khi chưa có văn bản chính thức của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc sử dụng từ ngữ trong bản án, trước mắt có thể vận dụng theo các nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chi tiết và thể thức kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và
Bản án là một văn bản, vì vậy, yêu cầu đầu tiên đối với câu văn trong bản án là phải đúng cấu trúc ngữ pháp, bảo đảm câu văn phải hoàn chỉnh với đầy đủ các thành phần cấu trúc cơ bản của câu hoàn thiện, tức là phải viết đủ chủ ngữ và vị ngữ và các loại dấu câu trong tiếng Việt.
Viết đúng ngữ pháp còn đòi hỏi người viết phải dùng các từ ngữ, thuật ngữ (văn phong) rõ ràng, dễ hiểu không có ai hiểu khác, tránh tình trạng mỗi người hiểu một khác hoặc dùng từ mà ai muốn hiểu thế nào cũng được.
Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu và phổ thông. Không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục. Từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế và phải được phiên âm sang tiếng Việt hoặc có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thông dụng, phổ biến. Văn bản phải sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Trong văn bản có thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích.
Từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần xuất hiện đầu tiên trong văn bản. Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu, trường hợp dùng từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích theo nghĩa được sử dụng trong văn bản. Không sử dụng từ nghi vấn, các biện pháp tu từ trong văn bản. Từ ngữ chỉ nội dung giống nhau phải được sử dụng thống nhất trong toàn bộ văn bản. Chữ viết hoa trong văn bản được sử dụng đúng quy tắc ngữ pháp tiếng Việt.