Kỷ luật lao động là những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của NLĐ dựa trên ý chí của NSDLĐ và pháp luật hiện hành, NLĐ có nghĩa vụ phải tuân thủ, nếu có vi phạm xảy ra NLĐ phải chịu trách nhiệm trước NSDLĐ về hành vi vi phạm của mình.
Mục lục bài viết
1. Kỷ luật lao động là gì:
Con người khi tham gia vào quá trình lao động tập thể để đạt được hiệu quả cao trong công việc đòi hỏi mỗi cá nhân phải tuân theo một trật tự nề nếp nhất định nhằm thực hiện kế hoạch chung tạo ra năng suất và chất lượng cao nhất. Việc phải tuân theo một trật tự nề nếp nhất định đó chính là sự biểu hiện của “kỷ luật lao động”. Có thể nói, kỷ luật lao động chính là yếu tố khách quan, là phương tiện để thống nhất hành động của con người trong cộng đồng và càng không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp. Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xã hội nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà trình độ phân công, tổ chức lao động ngày càng cao thì đòi hỏi mỗi cá nhân khi tham gia quá trình lao động cần tuân thủ “kỷ luật lao động” một cách triệt để và nghiêm túc nhất.
Lênin từng nói: “Tổ chức lao động xã hội của chủ nghĩa cộng sản mà bước đầu là chủ nghĩa xã hội, thì dựa vào và sẽ ngày càng dựa vào một kỷ luật tự giác và tự nguyện của chính ngay những người lao động”. Câu nói này của Lênin đã nhấn mạnh hơn hết vai trò hết sức quan trọng của kỷ luật lao động và việc thực hiện kỷ luật lao động với tinh thần tự giác và kỷ luật. Để thực hiện tốt được điều này chúng ta cần hiểu rõ thế nào là kỷ luật lao động, trước tiên kỷ luật là gì?
Theo từ điển tiếng Việt thì khái niệm kỷ luật là:
+ “Kỷ luật là tổng thể những điều quy định có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong một tổ chức, để đảm bảo tính chặt chẽ của tổ chức đó”. Mỗi cá nhân khi tham gia vào mối quan hệ trong một tổ chức nhất định cần tuân thủ các quy định chung có tính chất bắt buộc nhằm đảm bảo tính thống nhất và trật tự trong hoạt động của các tổ chức đó.
+ “Kỷ luật là hình thức phạt đối với người vi phạm kỷ luật”. Khi cá nhân trở thành thành viên trong một tổ chức thì buộc phải tuân theo các quy định có tính chất bắt buộc của tổ chức đó. Khi hoạt động, hành vi của các thành viên vi phạm quy định đã được đặt ra phải chịu những hình phạt nhất định tùy theo mức độ vi phạm theo quy định của các tổ chức đó.
Trong xã hội nói chung, kỷ luật là những quy định về hành vi của con người theo những chuẩn mực do pháp luật, đạo đức quy định tùy theo từng thời kỳ lịch sử trên cơ sở lợi ích của toàn xã hội hay của một giai cấp nhất định. Kỷ luật mang tính tiến bộ khi nó bảo đảm sự phát triển của cả cộng đồng và cá nhân, cũng như bảo đảm quyền tự do của cá nhân trong phạm vi hợp lý và thống nhất với lợi ích của cộng đồng. Do mang tính tất yếu, khách quan nên trong mỗi gia đình, cơ quan, tổ chức, trường học, bệnh viện,… nơi nào cũng có sự tồn tại của kỷ luật, tùy theo các mối quan hệ xã hội khác nhau mà hình thành nên các dạng kỷ luật khác nhau. Trong trường học có kỷ luật của trường học, quân đội có kỷ luật quân đội, còn trong lao động có kỷ luật lao động. Vậy kỷ luật lao động là gì?
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam:
Kỷ luật lao động được hiểu là chế độ làm việc đã được quy định và được sự chấp hành nghiêm túc, đúng đắn của mỗi cấp, mỗi nhóm người, mỗi người trong quá trình lao động, tạo ra sự hài hòa của tất cả các yếu tố sản xuất, liên kết mọi người vào một quá trình thống nhất.
Như vậy, theo nghĩa thông thường và đơn giản nhất, kỷ luật lao động là những quy tắc quy định hành vi cá nhân của người lao động mà đơn vị sử dụng lao động xây dựng dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành, chuẩn mực đạo đức xã hội và yêu cầu đặc thù của hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra một khuôn khổ, trật tự làm việc nhất định buộc mọi người phải tuân theo trên tinh thần hợp tác và nếu có sự vi phạm thì sẽ phải gánh chịu hình thức kỷ luật tương ứng.
Với tư cách là nội dung của quan hệ pháp luật lao động, kỷ luật lao động là mối liên hệ tương ứng giữa quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể, trong đó quyền thiết lập và duy trì kỷ luật lao động thuộc về NSDLĐ, còn nghĩa vụ thực hiện kỷ luật lao động thuộc về phía NLĐ. Trong quá trình lao động, NSDLĐ có quyền ban hành ra những nguyên tắc, hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm kỷ luật lao động của NLĐ. Trên cơ sở đó, NLĐ có trách nhiệm phải tuân thủ những quy định này. Trường hợp NLĐ không chấp hành các quy định đó thì sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của mình.
Dưới góc độ pháp lý, với tư cách là một chế định của
Điều 119
Như vậy, từ quá trình phân tích trên chúng ta có thể đưa ra khái niệm về kỷ luật lao động như sau: Kỷ luật lao động là những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của người lao động dựa trên ý chí của người sử dụng lao động và pháp luật hiện hành, người lao động có nghĩa vụ phải tuân thủ, nếu có vi phạm xảy ra người lao động phải chịu trách nhiệm trước người sử dụng lao động về hành vi vi phạm của mình.
2. Ý nghĩa của kỷ luật lao động:
Kỷ luật lao động có ý nghĩa rất to lớn trong sản xuất, phát triển kinh tế. Bất kỳ một nền kinh tế nào cũng không thể thiếu được kỷ luật lao động. Tại những quốc gia phát triển, người lao động có tính kỷ luật cao chính là chìa khóa của thành công. Còn ở Việt Nam, kỷ luật lao động cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới phát triển kinh tế, đưa đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa. Nhất là khi nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu, người lao động chủ yếu xuất thân từ nông thôn nên tác phong lao động công nghiệp chưa cao, tùy tiện trong công việc, … Thực hiện tốt kỷ luật lao động sẽ mang lại cho nước ta những lợi ích cả ở tầm vĩ mô trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội và ở tầm vi mô là lợi ích đối với người sử dụng lao động và người lao động. Cụ thể:
– Ý nghĩa của kỷ luật lao động đối với Nhà nước: Mục đích của kỷ luật lao động là nhằm đảm bảo hành vi của người lao động được đúng đắn, phù hợp với quy định của doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng và duy trì kỷ luật lao động không chỉ mang lại sự phát triển ổn định cho doanh nghiệp, mà quan trọng hơn nó còn mang lại sự phát triển ổn định cho đất nước trên nhiều phương diện khác nhau. Trên phương diện kinh tế, kỷ luật lao động được chấp hành tốt sẽ giúp thời gian lao động hữu ích tăng lên kéo theo đó là sự phát triển của các doanh nghiệp. Bởi lẽ, nguồn lực quan trọng hàng đầu cho sự phát triển kinh tế – người lao động được sử dụng, phân bổ một cách hợp lý, khoa học phục vụ tốt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, người lao động với trình độ, chuyên môn và tính kỷ luật cao sẽ đảm bảo cho quá trình vận hành các máy móc, thiết bị của doanh nghiệp được liên tục, ổn định, giảm nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động, … qua đó góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tránh lãng phí nguyên, nhiên vật liệu và làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đối với những ngành, lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia, đến cuộc sống của mọi người dân trong cả nước như: nhiệt điện, thủy điện, cầu, đường, hàng không, hầm lò, … vấn đề kỷ luật lao động càng có ý nghĩa quan trọng. Sự chấp hành nghiêm kỷ luật lao động sẽ đảm bảo cho các ngành trọng yếu này được phát triển ổn định, làm cơ sở cho sự phát triển chung của các ngành khác trong xã hội, thúc đẩy nền kinh tế đất nước không ngừng tăng trưởng. Ngoài ra, việc tuân thủ kỷ luật lao động còn là một trong các yếu tố thu hút đầu tư của nước ngoài vào trong nước góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi khi người lao động trong nước có tính kỷ luật cao sẽ phản ánh phần nào tính hiệu quả trong cuộc việc, người lao động Việt Nam được đánh giá là chăm chỉ, cần cù tuy nhiên không năng suất trong lao động sản xuất; Trái lại, với người lao động tại các nước như Thái Lan hay Ấn Độ với trách nhiệm cao trong kỷ luật lao động, hiệu quả làm việc tốt nên đã thu hút rất nhiều công ty nước ngoài đến để đầu tư và xây dựng nhà máy sản xuất, do đó, người lao động tại Thái Lan, Ấn Độ có nhiều cơ hội việc làm, môi trường làm việc mở, từ đó góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia và tăng trưởng nền kinh tế tốt hơn. Bên cạnh đó, tận dụng được nguồn lực khoa học, kỹ thuật tiên tiến của các nước trên thế giới vào trong sản xuất, làm xuất hiện nhiều ngành nghề đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao. Việc xuất hiện của các ngành nghề sử dụng công nghệ cao làm cho cơ cấu nền kinh tế của nước ta có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tạo dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật dần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển. Trên phương diện xã hội, kỷ luật lao động gián tiếp góp phần quan trọng giúp cho đời sống của mọi người dân nói chung và người lao động nói riêng được cải thiện cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Bởi khi, các doanh nghiệp duy trì cho mình được một nề nếp làm việc khoa học, hiệu quả thì theo lẽ tự nhiên các doanh nghiệp đó sẽ phát triển ổn định, nền kinh tế của đất nước cũng theo đó mà tăng trưởng đi lên, ngân sách nhà nước tăng và có nhiều điều kiện hơn để thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội như: xây dựng trường học, bệnh viện, cầu đường, khu vui chơi giải trí, … phục vụ dân sinh. Không những thế, việc thi hành tốt kỷ luật lao động còn có vai trò không nhỏ trong việc duy trì hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, hạn chế xảy ra tình trạng tranh chấp, kiện tụng, qua đó phần nào ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
– Ý nghĩa của kỷ luật lao động đối với người sử dụng lao động: Kỷ luật lao động là phương thức để người sử dụng lao động thiết lập kỷ cương, nề nếp làm việc trong doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Thông qua kỷ luật lao động, hành vi của người lao động sẽ bị điều chỉnh bởi những quy tắc nhất định, nội dung của các quy tắc này thường chứa đựng những quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chế độ an toàn, vệ sinh lao động… Do vậy, kỷ luật lao động được đặt ra sẽ có vai trò hữu hiệu trong việc ngăn chặn hành vi tùy tiện, vô tổ chức, không tôn trọng mệnh lệnh, điều hành của cấp trên trong quá trình làm việc của người lao động, hướng người lao động vào khuôn khổ trật tự mà người sử dụng lao động mong muốn để có thể đạt được hiệu quả công việc một cách tối ưu. Mỗi một hành vi mà người lao động thực hiện đều không được phép trái với quy định của kỷ luật lao động hay nói cách khác, mỗi cá nhân người lao động sẽ phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chế độ kỷ luật lao động do người sử dụng lao động ban hành, bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có thể bị xử phạt tùy thuộc mức độ nghiêm trọng và lỗi đã thực hiện. Bên cạnh đó, kỷ luật lao động cũng là cách thức quan trọng để người sử dụng lao động thực hiện quyền quản lý của mình trong việc tổ chức, điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ có quyền tự chủ trong việc đề ra các mệnh lệnh, yêu cầu buộc người lao động phải tuân theo nhằm đạt được những lợi ích mà họ mong muốn và tất nhiên, các yêu cầu, mệnh lệnh này không được trái với quy định của pháp luật, không được xâm phạm tới các quyền lợi cơ bản của con người. Mặc dù, các quy định về kỷ luật lao động trong nội quy lao động không phải là các quy phạm pháp luật nhưng chúng lại có giá trị pháp lý buộc người lao động phải tuân theo. Do vậy, nếu như người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động, người sử dụng lao động sẽ có quyền xử lý kỷ luật đối với họ. Quyền xử lý kỷ luật lao động là một trong các quyền quản lý quan trọng của người sử dụng lao động được pháp luật ghi nhận nhằm đảm bảo duy trì trật tự, nề nếp trong doanh nghiệp, hỗ trợ người sử dụng lao động điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
– Ý nghĩa của kỷ luật lao động đối với người lao động: Chấp hành tốt kỷ luật lao động không chỉ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp mà còn bảo vệ lợi ích của chính bản thân người lao động. Thực tế đã chứng minh, khi người lao động chấp hành tốt kỷ luật lao động, hiệu quả, năng suất lao động trong quá trình sản xuất sẽ tăng lên, mục tiêu công việc đặt ra sẽ được hoàn thành tốt, cơ hội thăng tiến của người lao động cũng dần rộng mở hơn. Khi người lao động đặt mình vào môi trường làm việc có kỷ luật, người lao động sẽ kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình, sẵn sàng từ chối những cám dỗ xung quanh hoặc một số thú vui thường ngày để tập trung vào công việc. Mặt khác, đối với những công việc có mức độ nguy hiểm cao, chủ động tuân thủ kỷ luật lao động nhất là trong việc phải sử dụng các thiết bị bảo hộ như mũ, găng tay, quần áo, … sẽ giúp người lao động đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng trong quá trình làm việc. Ngoài ra, kỷ luật lao động và các hình thức kỷ luật kèm theo là động lực thúc đẩy người lao động hoàn thiện chính bản thân mình, củng cố thái độ, tinh thần tự giác làm việc. Không những thế, kỷ luật lao động giúp người lao động trở thành những nhân sự, công nhân có tác phong chuyên nghiệp, có trách nhiệm phấn đấu hoàn thành công việc trong mọi trường hợp, không biện minh cho những yếu kém của bản thân dẫn tới kết quả lao động kém hiệu quả. Khi không hoàn thành tốt nghĩa vụ lao động của mình, người lao động sẽ bị áp dụng các chế tài nhất định được quy định trong nội quy lao động. Do vậy, có thể nói kỷ luật lao động là một biện pháp quan trọng để giáo dục và rèn luyện người lao động, giúp họ nâng cao tinh thần, ý thức tự giác, trách nhiệm đối với công việc, dần thay đổi những thói hư tật xấu, sự vô kỷ luật trong quá trình lao động. Với những vai trò quan trọng như trên, cần thiết đề cao hơn nữa việc tuân thủ kỷ luật lao động, đồng thời, việc xử lý kỷ luật lao động cũng được tiến hành một cách hợp tình, hợp lý trên cơ sở các nội dung quy chế kỷ luật của doanh nghiệp và pháp luật. Nếu áp dụng và thi hành kỷ luật không tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trái lại, thi hành kỷ luật lao động một cách đúng đắn, kịp thời, phù hợp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Bởi người lao động cảm thấy đang làm việc trong môi trường bình đẳng, được bảo vệ bởi các quy định rõ ràng, an tâm trong khi làm việc, tin tưởng vào người sử dụng lao động công minh và lao động ngày càng tích cực hơn.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay cả trong một gia đình hoặc một tổ chức nhỏ cũng đều phải có những quy tắc hay nguyên tắc nhất định để có thể hòa hợp và tồn tại ổn định, vậy thì chắc chắn một doanh nghiệp cũng không thể hoạt động trơn tru nếu như không có kỷ luật.