Giai đoạn dựng nước và giữ nước đầu tiên trong lịch Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của nhà nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên ở Việt Nam. Văn Lang là một nước độc lập, tự chủ, có lãnh thổ, luật pháp riêng, xã hội phát triển thịnh vượng cùng đời sống văn hóa trù phú. Vậy Kinh đô của nhà nước Văn Lang được đặt tại đâu?
Mục lục bài viết
1. Kinh đô của nhà nước Văn Lang được đặt tại đâu?
A. Cổ Loa (Hà Nội).
B. Mê Linh (vùng đất từ Ba Vì đến Tam Đảo, nay thuộc Hà Tây, Vĩnh Phúc).
C. Phong Châu (Bạch Hạc – Phú Thọ ngày nay).
D. Đông Anh (Hà Nội).
Đáp án đúng là: C
Nhà nước Văn Lang ra đời vào khoảng thế kỉ VII TCN, kinh đô đặt tại Phong Châu (Phú Thọ).
2. Những dấu tích của kinh đô nhà nước Văn Lang:
Trên địa bàn thành phố Việt Trì còn ghi dấu rất đậm nét dấu tích văn hoá thời kỳ tiền Hùng Vương, đó là nền văn hoá Phùng Nguyên gồm có 7 địa điểm như: Đồi Giàm xã Trưng Vương; Gò Ghệ, gò Dạ (lớp dưới) , Gò Mồng, Gò Thờ, Gò Sạnh thuộc xã Thanh Đình; Gò Đồng Sấu thuộc xã Thuỵ Vân.
Các địa điểm di tích khảo cổ thuộc nền văn hoá Gò Mun trên địa bàn thành phố Việt Trì là 9 địa điểm, đó là: Gò Mã Lao (lớp dưới), phường Minh Nông; Gò Ghệ, gò Dạ (lớp trên) thuộc xã Thanh Đình; Bãi Dưới, gò Con Cá, gò Gai, gò Tro Trên, gò Tro Dưới, gò Thế thuộc địa bàn xã Thuỵ Vân. Dấu tích của văn hoá Đồng Đậu được phát hiện 1 dịa điểm ở Gò Mã Lao (lớp giữa) thuộc phường Minh Nông.
Đặc biệt, trên địa bàn thành phố Việt Trì đã phát hiện 7 di tích khảo cổ thuộc nền văn hoá Đông Sơn tương ứng với thời kỳ phát triển cực thịnh của thời kỳ Hùng Vương dựng nước có niên đại từ thế kỷ VII (Tr CN) đến thế kỷ I, II (SCN). Đó là các di tích: Di chỉ Gò Tôm thuộc xóm Phú Thịnh phường Minh Phương; Gò Mã Lao (lớp trên); di chỉ Gò Hào thôn Quất Thượng xã Trưng Vương; di chỉ thuộc thôn Nỗ Lực xã Thuỵ Vân; di chỉ Thậm Thình, phường Vân Phú; xã Hy Cương (phát hiện trống đồng Đông Sơn); Gò De xã Thanh Đình.
Đặc biệt là 2 di chỉ khảo cổ học nổi tiếng tại Làng Cả thuộc phường Thọ Sơn và Gò De xã Thanh Đình là hai trong nhiều di chỉ khảo cổ nổi tiếng của văn hoá Đông Sơn chứng minh về dấu vết của kinh đô Văn Lang trên địa bàn Việt trì ngày nay.
Tại di chỉ Làng Cả (chỉ cách chùa Hoa Long phường Bến Gót khoảng 2 km- Ngôi chùa được nhắc đến trong bản Ngọc phả Hùng Vương hiện đang lưu giữ tại khu DTDBQG Đền Hùng). Đây là di chỉ khảo cổ thuộc văn hoá Đông Sơn có niên đại cách ngày nay khoảng năm 2300 năm không những tiêu biểu trên địa bàn Phú Thọ mà còn là di chỉ tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn trên phạm vi cả nước. Tại đây, hiện vật khảo cổ được phát hiện rất phong phú: Hiện vật bằng đồng thau chiếm 85,8 %. Đồ tuỳ táng gồm có rìu, giáo, dao găm, đồ trang sức, trống đồng minh khí. Các đồ dùng sinh hoạt như thạp, thố, âu… Trong đó đặc biệt chú ý bộ khoá thắt lưng bằng đồng đúc hình các con Rùa và hai chiếc Nha chương. Tại di chỉ Gò De đã phát hiện các ngôi mộ cổ thời Hùng Vương, trong đó có chôn theo các đồ tuỳ táng thể hiện sự phân chia giai cấp khá rõ nét.
Đặc biệt đã phát hiện nha chương bằng đồng được đúc và gia công rất đẹp chôn theo người chết. Đó là các hiện vật tiêu biểu thể hiện quyền uy của người đứng đầu Bộ Lạc có niên đại cách ngày nay từ 2000 năm đến 2500 năm phản ánh dấu vết của một vùng dân cư đông đúc là cơ sở để khẳng định về xã hội thời Hùng Vương bước đầu đã có sự phân chia giai cấp, người giàu, kẻ nghèo- Người thống trị và kẻ bị trị trong xã hội hình thành mô hình nhà nước mang tính sơ khai và như vậy thì việc hình thành một kinh đô để làm nơi vua ở và cai quản, thống trị một quốc gia mới hình thành như quốc gia Văn Lang là có tư liệu khoa học lịch sử đáng tin cậy.
Như vậy, có thể thấy rằng địa bàn thành phố Việt Trì ngày nay là địa bàn sinh tụ từ rất sớm của cư dân người Việt cổ sinh sống qua các giai đoạn văn hoá nối tiếp nhau từ thời kỳ tiền Hùng Vương- văn hoá Phùng Nguyên- văn hoá Đồng Đậu- văn hoá Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn- Đỉnh cao của nền văn minh sông Hồng gắn với thời kỳ phát triển rực rỡ của thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang (Tổng số 23 địa điểm di tích khảo cổ). Điều đó là căn cứ khoa học vật chất rất quan trọng chứng minh cho nhận định địa bàn thành phố Việt Trì hôm nay chính là địa bàn định đô (trung tâm) của nước Văn Lang xưa.
Các hiện vật khảo cổ được phát hiện tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn thành phố Việt Trì đã cho ta nhận định khoa học là: Quy mô kiến trúc đô thị thời Hùng Vương mặc dù còn rất khiêm tốn. Nó chưa phải là kinh đô như thời kỳ Phong kiến độc lập tự chủ, có thành quách hoành tráng, nhưng quy mô đô thị đã được định hình thông qua các hiện vật khảo cổ vô cùng phong phú, đa dạng phản ánh sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp và các nghề thủ công khác và đặc biệt là đã có sự phân chia giai cấp bị trị và thống trị, người giàu, kẻ nghèo (thị dân) thông qua các hiện vật tuỳ táng không bằng nhau được phát hiện tại di chỉ Làng Cả. Đó là những chứng cứ khoa học để khẳng định địa bàn thành phố Việt Trì chắc chắn nằm trong phạm vi địa bàn kinh đô (hay ít ra là trung tâm) của quốc gia Văn Lang với người đứng đầu có vai trò thủ lĩnh đó là Vua Hùng.
3. Bài tập tự luyện kèm đáp án:
Câu 1: Vào khoảng thế kỉ VII TCN, nhà nước cổ đại nào đã ra đời trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay?
A. Văn Lang.
B. Âu Lạc.
C. Chăm-pa.
D. Phù Nam.
Đáp án: A
Lời giải: Vào khoảng thế kỉ VII TCN, do nhu cầu làm thủy lợi và chống ngoại xâm đã thúc đẩy sự ra đời của nước Văn Lang, địa bàn chủ yếu ở lưu vực các con sông thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay.
Câu 2: Dưới thời Văn Lang, đứng đầu mỗi Bộ là
A. Quan lang.
B. Lạc tướng.
C. Lạc hầu.
D. Bồ chính.
Đáp án: B
Lời giải: Hùng Vương chia cả nước làm 15 bộ (đứng đầu mỗi bộ là Lạc tướng), hình 12.2. Sơ đồ tổ chức Nhà nước Văn Lang (SGK Lịch sử 6 – trang 58).
Câu 3: Nội dung nào dưới đây mô tả đúng trang phục thường ngày của nam giới thời Văn Lang?
A. Đóng khố ngắn, để mình trần, đi chân đất.
B. Mặc áo the, đội khăn xếp, đi guốc mộc.
C. Đóng khố dài, mặc áo vải thổ cẩm, đi giày lá.
D. Để mình trần, quần ống bó, đi guốc mộc.
Đáp án: A
Lời giải: Về trang phục, ngày thường nam giới thời Văn Lang thường: đóng khố ngắn, mình trần, đi chân đất (SGK Lịch sử 6 – trang 59).
Câu 4: Thức ăn hàng ngày của cư dân Văn Lang bao gồm
A. Bánh mì, rau quả, thịt, cá.
B. Cơm nếp, cơm tẻ, rau, cà, thịt, cá.
C. Rau khoai, đậu, ngô, khoai, sắn.
D. Khoai, đậu, tôm, cá, ngô.
Đáp án: B
Lời giải: Đồ ăn chính hằng ngày là cơm nếp, cơm tẻ, cà, thịt, cá, ốc,…(SGK Lịch sử 6 – trang 58).
Câu 5: Hoạt động sản xuất chính của cư dân Văn Lang là gì?
A. Săn bắt thú rừng.
B. Trồng lúa nước.
C. Đúc đồng.
D. Làm đồ gốm.
Đáp án: B
Lời giải: Nghề chính của cư dân văn Lang là trồng lúa nước (SGK Lịch sử 6 – trang 58).
Câu 6: Sau khi lên ngôi, vua Hùng chia cả nước làm
A. 15 bộ.
B. 15 châu/ quận.
C. 13 đạo thừa tuyên.
D. 15 chiềng, chạ.
Đáp án: A
Lời giải: Sau khi lên ngôi, Hùng Vương chia cả nước làm 15 bộ, dưới bộ là các chiềng, chạ (SGK Lịch sử 6 – trang 58).
Câu 7: Nhà nước Văn Lang
A. Chia thành cấm quân và quân địa phương.
B. Có vũ khí tiên tiến, hiện đại (nỏ Liên Châu).
C. Xây dựng được thành Cổ Loa kiên cố.
D. Chưa có luật pháp và quân đội.
Đáp án: D
Lời giải: Nhà nước Văn Lang chưa có luật pháp và quân đội (SGK Lịch sử 6 – trang 58).
Câu 8: Nội dung nào dưới đây không phải cơ sở ra đời của nhà nước Văn Lang?
A. Xã hội có sự phân hóa giàu nghèo.
B. Nhu cầu trị thủy làm nông nghiệp.
C. Nhu cầu chống ngoại xâm.
D. Nhu cầu đoàn kết làm thủ công nghiệp.
Đáp án: D
Lời giải: Sự tan rã của công xã nguyên thủy (kinh tế phát triển, xã hội phân hóa giàu – nghèo) cùng với nhu cầu làm thủy lợi và chống ngoại xâm đã thúc đẩy sự ra đời của nước Văn Lang (SGK Lịch sử 6 – trang 57).
Câu 9: Đâu không phải phong tục của người Văn Lang?
A. Gói bánh chưng.
B. Nhuộm răng đen.
C. Xăm mình.
D. Thờ thần Siva.
Đáp án: D
Lời giải:
– Cư dân Văn Lang có tục gói bánh chưng, làm bánh giày, ăn trầu, nhuộm răng đen, xăm mình,…(SGK Lịch sử 6 – trang 60).
– Siva là một trong những vị thần quan trọng của đạo Hin-đu. Người Việt cổ thời Văn Lang không tiếp thu Hin-đu giáo của Ấn Độ => không có tục thờ thần Siva.
Câu 10: Phương tiện đi lại chủ yếu của cư dân Văn Lang là
A. Thuyền.
B. Ngựa.
C. Trâu.
D. Voi.
Đáp án: A
Lời giải: Phương tiện đi lại chủ yếu của cư dân Văn Lang trên sông là thuyền
THAM KHẢO THÊM: