Hành vi đánh bạc luôn bị Nhà nước nghiêm cấm thực hiện dưới mọi hình thức vì gây nên mất ổn định trật tự xã hội. Vậy, khung hình phạt tội đánh bạc online theo Bộ luật hình sự được quy định như thế nào? Sử dụng phương tiện điện tử để đánh bạc có được xem là tình tiết tăng nặng không?
Mục lục bài viết
1. Quy định về tội đánh bạc online:
1.1. Đánh bạc online là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa định nghĩa cụ thể về hành vi đánh bạc online mà chỉ ghi nhận tổ chức đánh bạc qua mạng. Theo đó, tổ chức đánh bạc qua mạng là hành vi của cá nhân,tổ chức sử dụng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để tạo điều kiện thuận lợi, tổ chức đánh bạc trực tuyến (Theo Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018).
Ngoài ra, Tại Khoản 1 Điều 8 Luật Công nghệ cao 2008 đã nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm đó là lợi dụng sự phát triển của hoạt động công nghệ cao gây phương hại đến lợi ích của quốc gia, nền quốc phòng, an ninh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân khác.
Dựa vào những quy định đã nêu trên thì đánh bạc online có thể hiểu là việc các đối tượng lợi dụng công nghệ cao và bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi để tiến hành đánh bạc trá hình thông qua chơi game bài đổi thẻ cào, chơi game bắn cá đổi điểm thành tiền, mua bán đồ trong game thành tiền hoặc các hình thức đánh bạc xuất hiện khác.
1.2. Yếu tố cấu thành tội đánh bạc online:
Một hành vi được coi là đánh bạc qua mạng phải bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành dưới đây:
– Thứ nhất, về khách thể của tội phạm: hành vi vi phạm này xâm phạm trực tiếp đến trật tự an toàn công cộng. Pháp luật nước ta nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào vì hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
– Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm: hành vi đánh bạc qua mạng trái phép dưới bất kỳ hình thức nào. Trong đó, sử dụng tiền hay hiện vật trên thực tế đã đánh bạc trái phép. Các hình thức đánh bạc có thể là đánh bài tổ tôm xóc đĩa đánh ba cây cá độ bóng đá.
– Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm: cá nhân có hành vi vi phạm thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, biết trước được hậu quả bởi hành vi của mình gây nên nhưng cố tình thực hiện nhằm thu lại bất chính;
– Thứ tư, chủ thể của tội phạm: tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đã đạt độ tuổi do luật định
2. Khung hình phạt đối với tội đánh bạc online:
2.1. Mức phạt hành chính:
Cá nhân có hành vi vi phạm được ghi nhận tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, cụ thể:
– Người vi phạm có hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
– Trên thực tế, sử dụng máy, trò chơi điện tử trái phép để hỗ trợ thực hiện hành vi vi phạm;
– Lợi dụng những sự kiện hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác mà tiến hành cá cược trái phép.
Ngoài ra, người đánh bạc qua mạng còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi tức bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đồng thời, trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ còn quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử còn quy định các mức xử phạt đối với các hành vi sau:
+ Cá nhân có hành vi “lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia hoặc thực hiện việc mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo hoặc điểm thưởng” thì sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điều 106);
+ Đối tượng có bất kỳ hành vi lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội hoặc công nghệ thông tin mà cá thực hiện hành vi đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Tại Điều 101);
+ Vì lợi nhuận mà tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng để đánh bạc, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30 đến 40 triệu đồng;
Như vậy, hành vi đánh bạc online bị pháp luật nghiêm cấm hoàn toàn nên nếu có hành vi vi phạm tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân sẽ bị áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính tương ứng.
2.2. Mức phạt hình sự:
Với các hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu hình sự thì căn cứ theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì cá nhân có thể bị áp dụng mức phạt như sau:
– Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi có hành vi vi phạm dưới đây:
+ Thực hiện hành vi đánh bạc này mà cơ quan điều tra nhận thấy vụ việc có tính chất chuyên nghiệp;
+ Số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
+ Đánh bạc còn nhờ sự hỗ trợ từ mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Trước đây, cá nhân này đã từng phạm tội này nhưng giờ có sự tái phạm nguy hiểm.
– Không chỉ bị chấp hành hình phạt tù thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
3. Sử dụng phương tiện điện tử để phạm tội đánh bạc có được xem là tình tiết tăng nặng không?
Căn cứ theo Điều 52 Bộ Luật Hình sự 2015 và điểm b khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:
– Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi phạm tội mà có sự tổ chức, sắp xếp lên kế hoạch cụ thể;
– Người thực hiện hành vi này cố tình phạm tội trên 5 lần, bao gồm cả những lần chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất cả những điều này được coi là tình tiết tăng nặng do phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
– Có hành vi sử dụng quyền hạn được cơ quan có thẩm quyền giao phó để làm phương tiện thực hiện phạm tội;
– Người phạm tội thể hiện thái độ coi thường pháp luật, có những hành động, lời nói hung hãn, bất chấp mọi lý do để thực hiện hành vi vi phạm;
– Đối tượng vì mâu thuẫn nhất định mà nuôi lòng thù hận nên thúc đẩy những động lực mang tính chất xấu xa, đê hèn;
– Khi thực hiện hành vi trái pháp luật có sự cản trở từ yếu tố khách quan và chủ quan nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Hành vi này có sự tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Để xem xét vấn đề này thì cá nhân thì phải đảm bảo yếu tố: Trước khi thực hiện hành vi phạm tội người đó đã bị kết án về bất kể tội nào không phụ thuộc vào loại tội hay dấu hiệu lỗi; Người phạm tội đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý
– Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
– Với những người yếu thế như người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác mà làm những hành động trái quy định gây tổn hại quyền và lợi ích của họ;
– Khi nhận thấy quốc gia, dân tộc lâm vào tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
– Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
– Để hỗ trợ cho việc phạm tội, các đối tượng này không từ một thủ đoạn hay phương tiện để gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
– Có hành vi lôi kéo, xúi giục người đang trong độ tuổi vị thành niên cụ thể là dưới 18 tuổi phạm tội;
– Ngoài ra, còn thể hiện sự xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
Như vậy, chỉ tồn tại những tình tiết nêu trên thì mới được pháp luật coi là tình tiết tăng nặng. Còn trong trường hợp sử dụng phương tiện điện tử để phạm tội đánh bạc được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 321 Bộ Luật Hình sự 2015 nên không được coi là tình tiết tăng nặng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ Luật Hình sự 2015;
– Luật Công nghệ cao 2008;
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông.