Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) được hiểu là khu vực đầu tư giữa các nước ASEAN, mà tại đó các quốc gia thành viên tiến hành các hoạt động tự do hóa, bảo hộ, xúc tiến và thuận lợi hóa đầu tư.
Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) được hiểu là khu vực đầu tư giữa các nước ASEAN, mà tại đó các quốc gia thành viên tiến hành các hoạt động tự do hóa, bảo hộ, xúc tiến và thuận lợi hóa đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài khối, tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển năng động của ASEAN.
Bắt nguồn từ những cố gắng ban đầu nhằm khuyến khích và bảo hộ các luồng di chuyển vốn trong ASEAN đã hình thành từ nửa cuối thập kỷ 80, khi mà các luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ ồ ạt vào các nước ASEAN, và bắt đầu hình thành ngày càng rõ nét xu thế chuyển vốn đầu tư từ các nước có trình độ phát triển công nghiệp cao sang những nước có trình độ phát triển thấp hơn trong khu vực. Năm 1987, các nước ASEAN đã đạt được Thỏa thuận về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư-tiền đề để tiến tới những hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực đầu tư của ASEAN.
Vào đầu nhũng năm 90, tình hình chính trị kinh tế quốc tế và khu vực Đông Nam Á có nhiều thay đổi quan trọng, tác động lớn tới các nước ASEAN. Về chính trị là sự chấm dứt chiến tranh lạnh và sự giảm bớt cam kết về an ninh và đi kèm theo đó là sự giúp đỡ về kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cho ASEAN. Về kinh tế, sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thương mại từ các nước đang phát triển khác mới nổi lên, đặc biệt là Trung Quốc cùng với sự xuất hiện và lớn mạnh của các tổ chức hợp tác khu vực như EU, NAFTA, MECOSUR đã làm cho hàng hóa của ASEAN khó len chân hơn vào thị trường quốc tế. Vì thế, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ tư tổ chức tại Singapore năm 1992, các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định đưa sự hợp tác và phát triển về kinh tế trong khối lên một bước tiến mới khác hẳn về chất với việc kí kết Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung làm cơ sở pháp lý cho quá trình tự do hóa thương mại trong khối, tiến tới thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Cũng tại cuộc họp thượng đỉnh này, các nước thành viên ASEAN đã ký kết Thỏa thuận khung về Khuyến khích hợp tác kinh tế với mục tiêu cùng tiến hành tự do hóa thương mại, khuyến khích buôn bán và các luồng đầu tư trong nội bộ ASEAN.
Trước bối cảnh khu vực và thế giới, đồng thời các nước ASEAN ngày càng phải chịu sức cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước đang phát triển khác trên thế giới cũng như trong khu vực, ngày 15/12/1995 tại Thái Lan, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 của ASEAN đã quyết định thành lập Khu vực đầu tư ASEAN (ASEAN Investment Area – gọi tắt là AIA), nhằm tăng cường thu hút vốn và khả năng cạnh tranh để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, làm cơ sở cho việc đàm phán và thỏa thuận những điều khoản chung và điều kiện chung cho việc kí kết một thỏa thuận chung về Khu vực đầu tư ASEAN.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Đến năm 1996, thêm một văn bản nữa của ASEAN đã được kí kết nhằm tạo đà cho những bước khởi sự của quá trình tự do hóa đầu tư nước ngoài là Công ước về Khu vực đầu tư ASEAN nhằm tăng cường niềm tin đầu tư vào khu vực ASEAN của các nhà đầu tư. Trong tuyên bố chung cuộc họp Thượng đỉnh không chính thức của ASEAN về tình hình tài chính ngày 15/12/1997, các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã khẳng định cam kết tiếp tục duy trì việc mở cửa thương mại và môi trường đầu tư trong ASEAN, kể cả việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện AFTA, AIA và Cơ chế hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO). Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng trong bối cảnh hiện nay cần phải nỗ lực hơn nữa để loại bỏ những rào cản thương mại và thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư nội bộ ASEAN.
Từ khi quyết định thành lập Khu vực đầu tư ASEAN được các nước thành viên nhất trí thông qua, Ủy ban soạn thảo hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN gồm đại diện của tất cả các nước thành viên đã được thành lập để tập trung soạn thảo Hiệp định này. Qua nhiều vòng đàm phán, Hiệp định đã được hoàn chỉnh và được các Bộ trưởng kinh tế ASEAN kí kết vào ngày 7/10/1998 tại Manila, Philippines. Một trong những mục tiêu của Hiệp định là xây dựng một Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) có môi trường đầu tư thông thoáng và rõ ràng hơn giữa các quốc gia thành viên, nhằm đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN từ các nguồn cả trong và ngoài ASEAN; cùng thúc đẩy ASEAN thành khu vực đầu tư hấp dẫn nhất; củng cố và tăng cường tính cạnh tranh của các lĩnh vực kinh tế của ASEAN; giảm dần hoặc loại bỏ những quy định và điều kiện đầu tư có thể cản trở các dòng đầu tư và sự hoạt động của các dự án đầu tư trong ASEAN; và đảm bảo rằng việc thực hiện những mục tiêu trên sẽ góp phần hướng tới tự do luân chuyển đầu tư vào năm 2020. Nội dung hiệp định đề cập tới các nghĩa vụ chung của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực đầu tư; Các chương trình và kế hoạch hành động; Mở cửa các ngành nghề và đối xử quốc gia; quy tắc đối xử tối huệ quốc và quyền từ chối đối xử tối huệ quốc; các biện pháp tự vệ khẩn cấp và biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán; giải quyết tranh chấp…