Thụ lý vụ án được hiểu như thế nào? Không đóng tạm ứng án phí Tòa án có thụ lý giải quyết không? Điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự? Thủ tục thụ lý vụ án dân sự được pháp luật quy định như thế nào?
Tòa án là nơi có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật cho các cá nhân, tổ chức khi quyền, lợi ích của họ bị xâm phạm. Pháp luật hiện nay quy định khi việc nộp tiền tạm ứng án phí là một trong những điều kiện bắt buộc để thực hiện thụ lý vụ án, tuy nhiên hiện nay nhiều bạn đọc chưa thực sự hiểu rõ về việc đóng tạm ứng án phí có bắt buộc hay không. Vậy, không đóng tạm ứng án phí thì Tòa án có thụ lý giải quyết không? Các trường hợp nào được miễn tạm ứng án phí?
Cơ sở pháp lý:
–
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Thụ lý vụ án được hiểu như thế nào?
Thụ lý vụ án được hiểu là giai đoạn bắt đầu tiếp nhận vụ việc để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và giải quyết.
Trong lĩnh vực dân sự thụ lý vụ án là việc tòa án dân sự thụ lý đơn yêu cầu của đương sự về việc đề nghị Tòa án xem xét giải quyết từ đó đảm bảo quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, pháp nhân, tổ chức,…
Trong lĩnh vực hình sự, thụ lý được hiểu là hoạt động của Tòa án tiếp nhận thụ lý vụ án khi Viện Kiểm sát ra quyết định truy tố bị can, sau đó Viện Kiểm sát tiến hành chuyển hồ sơ bị can sang Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết.
2. Không đóng tạm ứng án phí Tòa án có thụ lý giải quyết không?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH quy định các trường hợp miễn nộp tiền tạm ứng án phí như sau:
(i) Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt
(ii) Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
(iii) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
(iv) Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
(v) Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí như sau:
– Nguyên đơn hoặc bị đơn nếu có có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự thì phải tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.
Trong trường hợp người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm thì phải tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Hiện nay, vấn đề tranh chấp đất đai ngày càng phổ biến theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thẩm phán có trách nhiệm dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Do đó, Ngoại trừ các trường được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải tiến hành đóng tạm ứng án phí đầy đủ thì Thẩm phán chỉ tiến hành thụ lý vụ án.
3. Điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự:
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 ra đời đã quy định chi tiết và rõ ràng về các điều kiện để vụ án dân sự được thụ lý, bao gồm:
Một là, Về chủ thể. Phải cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, pháp nhân phải được thành lập và tổ chức theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo Điều 74 Luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Hai là, Nội dung khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người khởi kiện để đơn khởi kiện được Tòa án thụ lý thì cần xác định rõ thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ, theo cấp và theo vụ việc.
Ba là, Nội dung vụ án phải đảm bảo rằng chưa được giải quyết bởi bất kỳ cơ quan, phát quyết nào của Tòa án
Bốn là, Đảm bảo yếu tố về thời hiệu khởi kiện. Cụ thể:
– Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 BLDS 2015);
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 588 BLDS 2015);
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó (Điều 623 BLDS năm 2015);
Cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện (Điều 155 BLDS 2015): Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và trường hợp khác do luật quy định.
Năm là, đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết phải đáp ứng đủ các nội dung cơ bản theo luật; đính kèm các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là chính đáng.
Sáu là, phải tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí nhằm đảm bảo cho khởi kiện có căn cứ pháp luật và bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước; bù đắp một phần chi phí của Nhà nước cho công tác xét xử của tòa án.
4. Thủ tục thụ lý vụ án dân sự được pháp luật quy định như thế nào?
Tòa án tiến hành nhận đơn khởi kiện và xử lý đơn khởi kiện. Căn cứ theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì Tòa án thông qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn. Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
– Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.
– Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn khi Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến. Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án có trách nhiệm phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Kể từ ngày được phân công trong thời hạn 05 ngày làm việc, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau:
(i) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
(ii) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
(iii) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
(iv) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán nêu trên phải được Thẩm phán ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án trong trường hợp đơn khởi kiện được gửi trực tuyến.