Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2019/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Theo đó trường hợp không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè sẽ bị xử phạt?
- 2 2. Mức xử phạt đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè nhưng không đăng ký:
- 3 3. Hồ sơ, thủ tục đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực:
- 4 4. Ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử phạt cơ sở không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè không?
1. Không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè sẽ bị xử phạt?
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản năm 2017 quy định điều kiện của cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Về địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản: đảm bảo tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
– Đảm bảo đủ cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng đối tượng nuôi và hình thức nuôi.
(1) Đối với việc cơ sở nuôi trồng thủy sản trong ao (hầm/đầm):
+ Địa điểm bờ ao (đầm/hầm), bể làm bằng vật liệu không được gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi, không rò rỉ nước.
+ Đối với nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết và tách biệt với khu vực nuôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
+ Phải đảm bảo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp đối với trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu.
+ Phải đảm bảo có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải riêng biệt; có nơi chứa bùn thải phù hợp; có biển báo chỉ dẫn từng khu đối với trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh.
(2) Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, đăng quầng:
+ Với khung lồng, phao, lưới, đăng quầng: đảm bảo vật liệu phải không được gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại đến thủy sản. Đảm bảo không được để thủy sản nuôi sống thoát ra ngoài môi trường.
+ Đảm bảo có thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy.
+ Đối với nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
+ Phải đảm bảo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp trong trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu.
+ Đảm bảo nước thải, chất thải sinh hoạt không làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu sinh hoạt, vệ sinh phải bảo đảm.
(3) Phải làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh, không gây độc đối với thủy sản nuôi, không gây ô nhiễm môi trường đối với các trang thiết bị sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
– Cần đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
– Cần phải đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động.
– Đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phải thực hiện đăng ký.
Như vậy, theo quy định trên thì điều kiện của một cơ sở nuôi trồng thủy sản là phải thực hiện đăng ký khi nuôi trồng thủy sản lồng bè.
2. Mức xử phạt đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè nhưng không đăng ký:
Như mục 1 đã phân tích, cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè nhưng không đăng ký là hành vi vi phạm. Do đó, chế tài xử phạt sẽ được áp dụng như sau:
– Đối với hành vi không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè hoặc không đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực: mức xử phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
(căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định mức phạt trên là áp dụng đối với cá nhân, còn tổ chức mức phạt sẽ gấp 02 lần mức tiền đối với cá nhân, tức mức phạt đối với tổ chức sẽ từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
3. Hồ sơ, thủ tục đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè bao gồm:
– Đơn đăng ký (theo mẫu số 26.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP).
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
– Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh.
Căn cứ khoản 1 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và xử lý:
– Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh xem xét, cấp Giấy xác nhận (mẫu số 28.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP). Thời gian giải quyết là 05 ngày làm việc.
4. Ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử phạt cơ sở không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 54 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như sau:
(1) Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:
– Được xử phạt đối với những hành vi hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 19; khoản 1 Điều 27; khoản 1 Điều 28; khoản 1 Điều 30; khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 36; khoản 1 Điều 37; khoản 1 và khoản 2 Điều 38; khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 40 và điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
(2) Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:
– Được xử phạt đối với những hành vi hành chính quy định tại khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 7; các khoản 1, 2 và các điểm a, b khoản 3 Điều 8; Điều 12; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 21; khoản 1 và khoản 2 Điều 23; Điều 25; Điều 27; Điều 28; khoản 1 Điều 29; Điều 30; Điều 33; Điều 35; Điều 36; Điều 37; Điều 38; Điều 39; Điều 40; các điểm a, b, c, d và đ khoản 1, các điểm a, b khoản 2, khoản 3 Điều 41; Điều 43 và Điều 44 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
(3) Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
– Được xử phạt đối với những hành vi hành chính quy định tại Điều 6; Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 12; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 20; Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 25; Điều 26; Điều 27; Điều 28; Điều 29; Điều 30; Điều 31; Điều 32; Điều 33; Điều 34; Điều 35; Điều 36; Điều 37; Điều 38; Điều 39; Điều 40; Điều 41; Điều 42; Điều 43 và Điều 44 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
Như vậy, theo quy định trên, thẩm quyền xử phạt cơ sở không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 2 Điều 46 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
– Được phạt tiền đến 50 triệu đồng.
– Có quyển được đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
– Có quyền được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định.
– Được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Theo khoản 3 Điều 46 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
– Được phạt tiền đến 1 tỷ đồng.
– Được quyền đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
– Được quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
– Được quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Thủy sản năm 2017.
Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản.