Đi sai làn đường là lỗi mà người tham gia giao thông thường xuyên mắc phải, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều băn khoăn xoay quanh quy định này. Nhiều người thắc mắc rằng: Trong trường hợp không có biển báo phân làn đường thì có được phạt lỗi sai làn hay không?
Mục lục bài viết
1. Không có biển báo phân làn đường có được phạt lỗi sai làn?
1.1. Lỗi sai làn đường được hiểu như thế nào?
Làn đường là khái niệm để chỉ một phần đường dành cho xe chạy, làn đường được phân thành nhiều phần khác nhau theo chiều dọc của đường và có một bề rộng đủ để đảm bảo cho xe chạy an toàn trong quá trình lưu thông trên phần đường đó. Một đường xe chạy thì sẽ bao gồm một hoặc nhiều làn đường khác nhau, mỗi lần đường sẽ được phân biệt bởi vạch kẻ đường hoặc các giải phân cách được đặt giữa những làn đường đó, vạch kẻ đường phải đảm bảo sự rõ nét và dễ nhìn thấy cho các phương tiện lưu thông trên đường. Khác với làn đường thì vạch kẻ đường là một khái niệm để chỉ một dạng báo hiệu mang chức năng hỗ trợ và hướng dẫn quá trình điều tiết giao thông nhằm nâng cao mức độ và khả năng an toàn khi xe lưu thông trên đường. Cách kẻ đường là yếu tố để phân biệt các làn đường với nhau bởi mỗi làn đường xe được ngăn cách bởi một vạch kẻ đường. Đối với biển báo phân làn đường thì nếu như người điều khiển phương tiện khi lưu thông trên đường đi vào làn đường dành cho các phương tiện khác, ví dụ như phương tiện là ô tô lại đi vào làn đường dành cho mô tô hoặc xe máy… thì người điều khiển phương tiện đi vào làn đường dành cho phương tiện khác đó được xem là vi phạm quy định của pháp luật với lỗi “sai làn đường”. Khi đó thì sẽ phải chịu mức xử phạt về lỗi sai làn đường theo đúng quy định của pháp luật cụ thể là tại
Như vậy thì có thể đưa ra khái niệm, lỗi sai làn đường được xem là hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể khi tham gia giao thông, đã điều khiển các phương tiện đi không đúng làn đường quy định dành cho phương tiện đó trên đoạn đường được phân chia thành nhiều lần khác nhau, bởi mỗi phương tiện thì chỉ được lưu thông trên một làn đường nhất định, hay nói cách khác thì thông qua vạch kẻ được sẽ phân đường thành nhiều làn khác nhau và mỗi làm chỉ dành cho một hoặc một số loại phương tiện nhất định. Nhìn chung thì lỗi sai làn đường thường mắc phải trên đoạn đường cắm biển “Làn đường dành riêng cho từng loại xe” – phương tiện mang biển R.412 (a, b, c, d, e, f, g, h).
1.2. Không có biển báo phân làn đường có được phạt lỗi sai làn hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 và Điều 13 của văn bản hợp nhất Luật Giao thông đường bộ năm 2019, thì các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ cần phải tuân thủ nguyên tắc chung theo quy định của pháp luật, đó là người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo đúng chiều đi của mình và đi đúng làn đường đã quy định dành cho các phương tiện của mình, người chủ điều khiển phương tiện giao thông phải đi đúng phần đường và phải chấp hành nghiêm chỉnh hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ. Ngoài ra thì việc sử dụng làn đường cũng cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định, cụ thể như sau:
– Trên phần đường mà xuất hiện nhiều làn đường cho phương tiện giao thông đi cùng chiều được phân biệt bằng các vạch kẻ phân làn đường khác nhau, người điều khiển phương tiện phải cho phương tiện giao thông đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn;
– Trên phần đường chỉ có một chiều có vạch kẻ phân làn đường khác nhau, phương tiện giao thông thuộc loại thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái;
– Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải, nhường đường cho các phương tiện tham gia giao thông với tốc độ cao hơn đi vào làn đường bên trái.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về sử dụng làn đường được phân biệt bằng các vạch kẻ đường khác nhau và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép. Do đó, khi không có biển báo phân chia làn đường thì người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân theo vạch kẻ đường đã được vạch sẵn. Việc không có biển báo phân chia làn đường không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm cho hành vi đi sai làn hoặc lấn làn. Vì vậy, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có cơ sở để xử phạt đối với lỗi đi sai làn đường, ngay cả khi không có biển báo phân chia làn đường. Điều này không vi phạm điều cấm của pháp luật.
2. Mức phạt đối với lỗi đi sai làn đường theo quy định của pháp luật:
Tiêu chí | Mức phạt đối với lỗi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) | Mức phạt đối với lỗi đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông |
Xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô | Phạt tiền từ 04 triệu đồng đến 06 triệu đồng. Áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (theo quy định tại điểm đ, khoản 5 Điều 5, điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi tại điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ). | Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng. Áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (theo quy định tại điểm a, khoản 7 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ). |
Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) | Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ). | Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (theo quy định tại điểm b khoản 7, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ). |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng | Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng (theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 7, điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ). | Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 7, điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ). |
Xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện | Phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng (theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ). |
3. Hướng xử lý khi cảnh sát giao thông xử phạt lỗi sai làn không đúng quy định:
Hiện nay rất nhiều trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông sai quy định của pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vậy thì trong trường hợp đó các chủ thể cần phải có những biện pháp và những hướng xử lý để bảo vệ quyền lợi cho mình. Căn cứ theo quy định của pháp luật về khiếu nại có thể thấy rằng, khi các cơ quan nhà nước và các chủ thể có thẩm quyền đưa ra những quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật thì người dân có quyền khiếu nại theo trình tự và thủ tục sau đây:
– Nếu như trong trường hợp có căn cứ cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông là trái quy định của pháp luật và xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể vi phạm thì người điều khiển phương tiện có thể khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định đó hoặc cơ quan trực tiếp quản lý người đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật, thậm chí là có thể khởi kiện vụ án hành chính theo thủ tục tố tụng hành chính phù hợp với quy định của pháp luật;
– Nếu như trong trường hợp mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định khiếu nại lần đầu thì có thể tiếp tục khiếu nại lần hai đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền là thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc có thể khởi kiện vụ án hành chính theo thủ tục tố tụng hành chính phù hợp với quy định của pháp luật.
– Còn trong trường hợp mà người khiếu nại cũng không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì khi đó có thể trực tiếp nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó thì trong trường hợp cảnh sát giao thông xử phạt đỗ sai làn không đúng quy định của pháp luật thì các chủ thể có thể khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Trong trường hợp lựa chọn con đường khiếu nại, thì cần lưu ý rằng trong khoảng thời hạn 90 ngày được tính kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông, thì các chủ thể có nhu cầu khiếu nại cần phải gửi đơn khiếu nại trực tiếp đến đồng chí cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử văn minh hoặc cơ quan cảnh sát giao thông nơi mà đồng chí cảnh sát giao thông đó làm việc. Nếu Như không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì chủ thể khiếu nại có thể tiếp tục khiếu nại lần hai đến Đội trưởng của phòng cảnh sát giao thông nơi mà đồng chí cảnh sát giao thông đó làm nhiệm vụ. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu nó không quá 30 ngày được tính kể từ ngày thụ lý còn thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là không quá 45 ngày được tính kể từ ngày thụ lý. Đây được đánh giá là phương thức hữu hiện hạn chế sự lạm quyền của các bên có thẩm quyền và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân một cách tốt nhất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.