Để thực hiện được các công việc, trách nhiệm của mình một cách hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo và tổ chức một cách rất quy củ, chặt chẽ. Vậy nếu cán bộ, công chức, viên chức không chấp hành chỉ đạo của cấp trên có bị xử lý kỷ luật không?
Mục lục bài viết
1. Các hành vi bị xử lý kỷ luật:
Căn cứ tại Điều 6
– Vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ,
– Vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể.
Theo đó, mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:
– Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
– Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
– Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
– Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
2. Không chấp hành chỉ đạo của cấp trên bị xử lý như thế nào?
2.1. Đối với cán bộ, công chức:
Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP), cán bộ, công chức nào lần đầu có hành vi (i) không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; hay (ii) né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng mà gây ra hậu quả ít nghiêm trọng, cán bộ đó sẽ bị xử lý theo hình thức kỷ luật khiển trách.
Tuy nhiên, cũng với hành vi không chấp hành chỉ đạo của cấp trên, nếu cán bộ, công chức sau khi bị kỷ luật vẫn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Đối với công chức, trong trường hợp sau khi bị xử lý cảnh cáo bởi hành vi không chấp hành quyết định của cấp trên nhưng vẫn tái phạm hoặc có hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, thì các công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương, còn nếu là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì sẽ bị áp dụng hình thức giáng chức theo Điều 10, Điều 11 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Mặt khác, theo Điều 12 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cũng với hành vi không nghe theo chỉ đạo của cấp trên, nếu một công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hay một cán bộ sau khi bị xử lý cảnh cáo mà vẫn tái phạm hoặc hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức buộc thôi việc và người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì cán bộ, công chức đó sẽ bị áp dụng hình thức cách chức.
Cuối cùng, căn cứ tại Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, Hình thức kỷ luật cao nhất đối với công chức đó là hình thức buộc thôi việc và được áp dụng đối với cán bộ có hành vi không nghe theo chỉ đạo của cấp trên nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
– Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Còn theo Điều 14 Nghị định 112/2020/NĐ-CP đối với riêng đối tượng là cán bộ, hình thức kỷ luật cao nhất cho đối tượng này là bãi nhiệm và chỉ được áp dụng khi cán bộ có hành vi vi phạm theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan thì bị bãi nhiệm.
Như vậy, đối với cán bộ, công chức có hành vi không chấp hành chỉ đạo từ cấp trên, các đối tượng này sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật sau đây và tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà áp dụng hình thức phù hợp:
– Đối với cán bộ, gồm: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức.
– Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý áp dụng 4 hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.
– Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý áp dụng 5 hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
2.2. Đối với viên chức:
Theo Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với viên chức có hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng; không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm lần đầu và gây hậu quả ít nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu sau khi bị khiển trách mà vẫn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, viên chức sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cao hơn, đó là cảnh cáo theo quy định tại Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp là viên chức quản lý nhưng lại tái phạm hành vi không chấp hành chỉ đạo cấp trên sau khi bị cảnh cáo hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì viên chức này sẽ bị cách chức theo Điều 18 Nghị định 112/2020/NĐ-CP
Cuối cùng, theo Điều 18 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, hình thức kỷ luật nặng nhất đối với viên chức không chấp hành chỉ đạo của cấp trên đó là bị buộc thôi việc và trường hợp này xảy ra khi:
– Viên chức quản lý đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức hoặc viên chức không giữ chức vụ quản lý đã bị cảnh cáo những vẫn tái phạm;
– Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Như vậy, đối với viên chức, nếu không chấp hành chỉ đạo của cấp trên, có khả năng sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật theo mức độ từ nhẹ tới nặng sau đây:
– Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý: khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc.
– Đối với viên chức quản lý: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
3. Cán bộ, công chức, viên chức làm theo chỉ đạo của cấp trên công chức liệu có bị xử lý kỷ luật hay không?
Theo Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức làm theo chỉ đạo của cấp trên sẽ được miễn trách nhiệm kỷ luật theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức. Trong thi hành công vụ, cán bộ, công chức có nghĩa vụ chấp hành quyết định của cấp trên. Tuy nhiên, trong trường hợp có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, người thi hành đã kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định nhưng người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải tự mình chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)
– Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
– Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
THAM KHẢO THÊM: