Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định về vấn đề khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Để giúp quý khách hàng có thể hiểu hơn về vấn đề này, sau đây LUẬT DƯƠNG GIA xin trình bày nội dung về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau:
1. Các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại.
Về nguyên tắc, khởi tố vụ án hình sự là quyền chủ động của cơ quan có thẩm quyền, không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại hoặc của người đai diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ý chí của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ được pháp luật quy định như điều kiện bắt buộc để khởi tố vụ án.
Tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự (Bộ luật hình sự) chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần thể chất.”
Như vậy, pháp luật quy định 11 trường hợp về các tội: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái bị kích động mạnh; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; hiếp dâm; cưỡng dâm; làm nhục người khác; vu khống; xâm phạm quyền tác giả; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đai diện hợp pháp của họ.
Việc quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ xuất phát từ tính chất của vụ án và lợi ích của chính người bị hại. Cơ quan có thẩm quyền nếu tự mình khởi tố vụ án hình sự có thể gây thêm những tổn thất về tinh thần cho người bị hại, làm lộ bí mật đời tư của họ, phá vỡ sự hòa giải trong nhân dân. Do đó, trong những trường hợp này, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp có quyền tự lựa chọn: yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, tha thứ hoặc thỏa thuận với người phạm tội.
Việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp chỉ áp dụng đối với những trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 của 11 điều luật về các tội nêu trên. Ngoài những trường hợp đó, yêu vầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của họ không còn là điều kiện khởi tố vụ án hình sự.
2. Về chủ thể quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Chủ thể của quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là người bị hại. Trong trường hợp người bị hại chưa thành niên, có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Về nội dung và hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về nội dung yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Theo tôi, nội dung yêu cầu khởi tố là yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Nếu chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc chỉ yêu cầu cải chính, xin lỗi thì không phải yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thể hiện dưới hình thức đơn hoặc trình bày trực tiếp. Đơn yêu cầu khởi tố có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu. Trường hợp yêu cầu khởi tố được trình bày trực tiếp thì cơ quan điều tra , viện kiểm sát lập biên bản ghi rõ yêu cầu khởi tố có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu. Biên bản do viện kiểm sát lập được chuyển ngay cho cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án. Yêu cầu khởi tố là điều kiện bắt buộc, do đó trong những trường hợp phạm tội nêu trên, khởi tố khi không có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của họ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm phát hiện thấy vi phạm đó trong khi chuẩn bị xét sử thì có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Yêu cầu khởi tố do chứa đựng thông tin như tố giác tội phạm nên có thể đồng thời là cơ sở xác định căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, yêu cầu khởi tố là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ duy nhất khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu tội phạm. Nếu chỉ có yêu cầu khởi tố mà không có dấu hiệu tội phạm thì không được khởi tố vụ án hình sự. Ngược lại, xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc các trường hợp nêu trên nhưng không có yêu cầu khởi tố thì cũng không được khởi tố vụ án hình sư.
4. Về hậu quả pháp lý của việc yêu cầu khởi tố vụ án.
Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Nếu tòa án tuyên bố bị cáo không có tội thì người bị hại phải trả án phí./.