Trong một số trường hợp người bị hại trong vụ án hình sự có quyền được yêu cầu khởi tố hoặc khi rút yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền phải đình chỉ vụ án. Cùng bài viết tìm hiểu khái niệm khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là gì? Đặc điểm và ý nghĩa?
Mục lục bài viết
1. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là gì?
Khái niệm khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại đã được một số tác giả đưa ra như sau:
Tại bài viết “Bàn về khía cạnh người bị hại trong quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, Tạp chí nghề Luật số 02/2014, tác giả Ngô Văn Vịnh định nghĩa: “khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là trường hợp đặc biệt của khởi tố vụ án hình sự, áp dụng đối với một số tội phạm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và một số quyền nhân thân của bị hại là các nhân hoặc tài sản, uy tín của bị hại là cơ quan, tổ chức, theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi xác định có dấu hiệu của tội phạm chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu bị hại”.
Tác giả Phạm Thái tại Tạp chí Luật học số 09/2016, trong bài viết “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại” định nghĩa: “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là trường hợp đặc biệt của khởi tố vụ án hình sự, phát sinh đối với một số tội phạm xâm hại sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền sở hữu công nghiệp của bị hại, do tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả do hành vi gây ra và vì lợi ích của bị hại nên cơ quan có thẩm quyền khi xác định hành vi có dấu hiệu của tội phạm không tự ý ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mà việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự chỉ khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.
Trong đa số các trường hợp, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời xử lý nghiêm minh người thực hiện tội phạm, và kịp thời sửa chữa, khắc phục hậu quả mà tội phạm gây ra. Như vậy, trong đa số các trường hợp, việc khởi tố vụ án hình sự là trách nhiệm, và là nghĩa vụ bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, mà không phụ thuộc vào sự đồng ý, cho phép, hay yêu cầu của bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào khác.
Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp, việc tiến hành xử lý người gây ra tội phạm có thể gây thêm những tổn thất về danh dự, uy tín cho bị hại; phá vỡ sự tha thứ, hòa giải giữa các bên. Chính vì vậy, việc giao cho bị hại (hoặc người đại diện của bị hại) quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là điều cần thiết. Tại Điều 155
Từ những phân tích trên, tác giả xin đưa ra khái niệm cho khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại như sau: “khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại là trường hợp đặc biệt của khởi tố vụ án hình sự, áp dụng cho một số tội phạm xâm phạm sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, cơ quan. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi xác định có dấu hiệu phạm tội, và có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại, làm cơ sở cho các giai đoạn tố tụng tiếp theo.
2. Đặc điểm của khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại:
Từ những phân tích trên, ta có thể rút ra những đặc điểm của khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại như sau:
Thứ nhất, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại là một quy định đặc biệt của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là quan hệ xã hội có tính đặc thù, là quan hệ xã hội giữa Nhà nước và người phạm tội. Phương pháp điều chỉnh của luật hình sự là mệnh lệnh – phục tùng. Theo đó, trong mối quan hệ này, Nhà nước là chủ thể có thẩm quyền quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm. Một trong những nguyên tắc chung của luật hình sự là nhanh chóng, kịp thời phát hiện để ngăn chặn, và xử lý tội phạm. Tuy nhiên, nguyên tắc này trong trường hợp có khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại có chỗ không đúng. Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại, Nhà nước đã trao quyền có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm hay không cho bị hại. Điều đó có thể dẫn đến hậu quả là tội phạm được bỏ qua, người thực hiện tội phạm không phải chịu trách nhiệm, không phải chịu những hình phạt, chế tài đối với tội phạm mà mình gây ra. Theo quan điểm của tác giả, hai điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau, đây là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích chung của toàn xã hội với | lợi ích chung của bị hại khi lợi ích của bị hại không mâu thuẫn với lợi ích chung của toàn xã hội. Cụ thể là:
Những trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại thì thiệt hại chỉ là quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác, hay của toàn xã hội.
Cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền lợi bị xâm phạm nhưng nếu khởi tố vụ án hình sự và truy cứu trách nhiệm hình sự của người thực hiện tội phạm thì không những không có lợi cho bị hại, mà thậm chí còn gây thiệt hại, tổn thất lớn hơn cho bị hại.
Trong một số trường hợp, việc không khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn đạt được mục đích giáo dục, răn đe của pháp luật thì vẫn hơn so với việc phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Thứ hai, quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại chỉ áp dụng cho 10 trường hợp phạm tội có tính chất nguy hiểm thấp đối với lợi ích chung của xã hội, chủ yếu gây thiệt hại đến những quyền riêng của cá nhân, tổ chức, cơ quan.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định 10 tội (
Thứ ba, ý chí của bị hại (hoặc người đại diện bị hại) đóng vai trò quyết định trong việc khởi tố vụ án hình sự nói riêng, và trong toàn bộ quá trình tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự của người gây ra tội phạm nói chung.
Như đã nói ở đặc điểm thứ nhất, đối với 10 trường hợp quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, việc người bị hại, hoặc đại diện người bị hại có yêu cầu là điều kiện bắt buộc để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu xác minh thấy có tội phạm xảy ra. Trong quá trình tố tụng nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người bị hại rút yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải dừng truy cứu trách nhiệm hình sự, đình chỉ giải quyết vụ án.
3. Ý nghĩa của việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại:
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam ngoài ý nghĩa chung của khởi tố vụ án hình sự, còn mang nhiều ý nghĩa riêng về mặt lý luận và thực tiễn:
Thứ nhất, quy định và thực hiện quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ mà Bộ luật tố tụng hình sự đặt ra là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người nâng cao ý thức tuân theo pháp luật, đấu trang phòng ngừa và chống tội phạm”. Đây cũng đồng thời là nhiệm vụ chung được đặt ra đối với hệ thống pháp luật hình sự.
Thứ hai, quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại góp phần đạt được mục tiêu đối với người phạm tội là giáo dục họ có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Thông qua hoà giải, sự tha thứ của bị hại để giáo dục người, pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm mà không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người, pháp nhân phạm tội. Qua đó góp phần thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, quy định và thực hiện quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là thể hiện tính dân chủ, sự tôn trọng và cảm thông trước sự thiệt hại, mất mát của bị hại.
Việc xử lý người phạm tội không phải trong mọi trường hợp đều là giải pháp tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, bởi vì có thể thiệt hại đã xảy ra rồi, trừng trị người phạm tội như thế nào cũng không khôi phục lại được các thiệt hại gây ra, đặc biệt là đối với các thiệt hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm. Không những vậy, nhiều trường hợp bị hại không muốn xử lý người phạm tội vì việc xử lý có thể còn làm cho bị hại phải gánh chịu hậu quả, tổn thương nặng nề hơn, như ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và tương lai của bị hại hoặc gia đình bị hại. Vì thế, việc trao cho bị hại quyền được tự do lựa chọn cách giải quyết là khởi tố vụ án hình sự hay không khởi tố vụ án hình sự là cần thiết, phù hợp với thực tiễn khách quan.
Quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại tạo ra thêm căn cứ pháp lý giải quyết vụ án hình sự, thay vì chỉ có một biện pháp duy nhất là khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trong trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự mang lại thêm những thiệt hại cho bị hại, mất thời gian, tốn kém chi phí giải quyết, bản thân bị hại cũng không muốn khởi tố vụ án hình sự để xử lý người phạm tội. Vì vậy, pháp luật tố tụng quy định trong những trường hợp nhất định chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại là giải pháp phù hợp.