Khởi kiện vụ án lao động là quyền của người lao động được pháp luật tôn trọng và ghi nhận. Thông qua việc khởi kiện vụ án lao động, người lao động có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Khởi kiện vụ án lao động là gì? Thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp lao động?
Mục lục bài viết
1. Khởi kiện vụ án lao động là gì?
Khởi kiện vụ án lao động là Hành vi của người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp lao động hoặc bảo vệ quyền lợi cho tập thể lao động đang giả thiết bị xâm hại.
Khởi viện vụ án lao động tiếng Anh là ” Sue labor case “
2. Tranh chấp lao động là gì?
Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động. Nói cách khác, tranh chấp lao động là những mâu thuẫn bất đồng không thể tự dàn xếp được giữa cá nhân hoặc tập thể người lao động và người sử dụng lao động liên quan đến quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
Tranh chấp lao động tiếng Anh là ” Labor conflict “
3. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động:
Quan hệ lao động là quan hệ mang bản chất dân sự. Bản chất dân sự thể hiện ở chỗ quan hệ lao động phát sinh, thay đổi, chấm dứt trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận giữa các chủ thể. Đây là quan hệ mua bán “hàng hóa” sức lao động nên người lao động khi giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận các điều khoản cụ thể về quyền, nghĩa vụ như công việc, mức lương, địa điểm làm việc… và về phía người sử dụng lao động cũng có quyền thỏa thuận các quyền, nghĩa vụ như quyền điều hành,luân chuyển người lao động, ban hành nội quy lao động, xử lý kỉ luật người lao động…
Trong quá trình tồn tại và phát triển của quan hệ lao động thì tranh chấp xảy ra giữa các bên về quyền, lợi là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường thì người sử dụng lao động thường hướng đến lợi nhuận tối đa, cố gắng cắt giảm chi phí từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Từ đó đặt ra yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động một cách có hiệu quả để duy trì hài hòa quan hệ lao động, cân bằng lợi ích giữa các bên, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định nền kinh tế.
4. Thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp lao động:
Các tranh chấp lao động thường gặp
– Tranh chấp về hành vi đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động;
– Tranh chấp về tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp;
– Tranh chấp về kỷ luật lao động;
– Tranh chấp về bồi hoàn kinh phí đào tạo;
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;..v..v..
Điều kiện để khởi kiện vụ án tranh chấp lao động
Bộ luật Lao động 2012 quy định khi xảy tranh chấp lao động thì phải đưa việc tranh chấp ra hòa giải.
Trong trường hợp các bên hòa giải không thành (có biên bản ), hoặc hòa giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện hòa giải thành, hoặc hết thời gian quy định mà các bên không được đưa ra hòa giải, thì các bên mới có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Chủ thể có quyền khởi kiện
– Người lao động
– Người học nghề
– Người thử việc
– Người sử dụng lao động
Những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012:
” Điều 32. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.
3. Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm:
a) Tranh chấp về học nghề, tập nghề;
b) Tranh chấp về cho thuê lại lao động;
c) Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn;
d) Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
4. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.
5. Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”
Trình tự thực hiện khởi kiện vụ án tranh chấp lao động
Thẩm quyền: Tòa án nhân dân cấp quận/huyện theo quy định
Trình tự thực hiện
Bước 1: Nộp đơn (hồ sơ khởi kiện) tại TAND có thẩm quyền
Bước 2: Tiếp nhận đơn và hồ sơ khởi kiện, sau đó ra thông báo nộp tạm ứng án phí
Bước 3: Đương sự nộp biên lai nộp tạm ứng án phí cho Tòa án, thẩm phán phụ trách ra quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý tới các đương sự và Viện kiểm sát.
Bước 4: Các bên đương sự có văn bản trình bày ý kiến đối với nội dung khởi kiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Cách thực hiện: Nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
Hồ sơ: Số lượng: 01 bộ hồ sơ
Thành phần:
– Đơn khởi kiện
– Chứng minh nhân dân/Sổ hộ khẩu của người khởi kiện
– Hợp đồng lao động
–
– Quyết định, biên bản hòa giải của hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp quận, huyện của Hội đồng hòa giải cấp cơ sở hoặc của hội đồng trọng tài lao động thành phố đối với những trường hợp tranh chấp lao động tập thể;
– Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có)
– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao)
– Biên lai nộp lệ phí hoặc tiền tạm ứng án phí (sau đó)
– Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ về tư cách pháp lý như: giấy phép đầu tư, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy phép đăng ký kinh doanh, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, giấy ủy quyền nếu người đại diện theo pháp luật không tham gia vụ kiện. Biên bản các cuộc họp xét kỷ luật nếu có
Lưu ý: Các tài liệu nêu trên là văn bản, tài liệu tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Việt Nam do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc. Các văn bản tài liệu khác nếu nộp bản sao thì phải được xác nhận sao y bản chính.
Đối tượng thực hiện: Cá nhân/Tổ chức
Lệ phí, án phí toàn án
1 Án phí Lao động bao gồm án lao động sơ thẩm, án phí lao động phúc thẩm.
2. Mức án phí lao động sơ thẩm đối với các vụ án lao động không có giá ngạch là 300.000 đồng.
3. Mức án phí lao động sơ thẩm đối với các vụ án lao động có giá ngạch được quy định như sau:
Giá trị tranh chấp lao động / Mức án phí
– Từ 4.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
– Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 3% của trị giá tranh chấp, nhưng không dưới 200.000 đồng.
– Từ trên 400.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 12.000.000 đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.
– Từ trên 2.000.000.000 đồng: 44.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng.
Kết quả thực hiện:
– Thông báo thụ lý vụ án
– Quyết định đưa vụ án ra xét xử
Thời hạn thực hiện:
– Thời hạn chuẩn bị xét xử từ 2 đến 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án
– Thời hạn mở phiên tòa từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
5. Mẫu đơn khởi kiện vụ án lao động:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Tòa án nhân dân …
– Họ và tên người khởi kiện:
(Nếu người khởi kiện là cá nhân thi ghi rõ họ tên và năm sinh. Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thi ghi rõ tên cơ quan, tổ chức – người đại diện hợp pháp).
– Địa chỉ:
– Họ và tên người bị kiện:
(Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi rõ họ tên và năm sinh. Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi rõ tên cơ quan, tổ chức-người đại diện hợp pháp).
– Địa chỉ:
– Họ và tên người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
– Địa chỉ:
– Khởi kiện về việc:
– Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau với người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nêu cụ thể nội dung)
– Họ và tên người làm chứng:
– Địa chỉ
– Những tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện gồm:
(Ghi rõ và đánh số thứ tự)
Hà Nội, ngày……tháng……năm 200…
NGƯỜI KHỞI KIỆN
(Ký và ghi rõ họ tên)
(Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp phải ký và đóng dấu)
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật lao động 2019.