Đối tượng nghiên cứu của khoa học là phạm vi các vấn đề mà nó nghiên cứu làm sáng tỏ, qua đó phân biệt nó với các khoa học khác, nói cách khác, nó nghiên cứu những vấn đề gì mà mức độ nghiên cứu như thế nào? Trong khoa học pháp lý cũng vậy cũng có các phương pháp nghiên cứu pháp lý riêng.
Mục lục bài viết
1. Khoa học pháp lý là gì?
Khoa học pháp lý là tổng thể tri thức được tích lũy có hệ thống về nội dung, bản chất, phương pháp luận nghiên cứu bộ máy, khái niệm pháp lý, các nguyên lý, tính quy luật của các hiện tượng pháp luật, đời sống pháp luật của xã hội có giai cấp. Khoa học pháp lý nghiên cứu nội dung, bản chất của các chế định pháp luật, các khái niệm, các quy luật và thuộc tính quy luật của những hiện tượng pháp luật trong đời sống xã hội.
2. Các nhóm khoa học pháp lý:
Ở Việt Nam, hệ thống khoa học pháp lý bao gồm các nhóm cơ bản sau:
– Nhóm khoa học lý luận và lịch sử gồm: Lý luận nhà nước và pháp luật; Lịch sử nhà nước và pháp luật; Lịch sử tư tưởng về nhà nước và pháp luật…
– Nhóm khoa học pháp lý chuyên ngành gồm: Khoa học luật Hiến pháp; Khoa học luật hành chính; Khoa học luật hình sự…
– Nhóm khoa học luật quốc tế gồm: Công pháp quốc tế; Tư pháp quốc tế
– Nhóm khoa học pháp lý ứng dụng và thực nghiệm gồm: Khoa học điều tra hình sự; Tội phạm học; Kỹ thuật xây dựng pháp luật..
Lý luận nhà nước và pháp luật là một khoa học pháp lý độc lập trong hệ thống khoa học pháp lý. Nhưng nó có quan hệ mật thiết với các khoa học pháp lý khác và là khoa học pháp lý cơ sở đối với các khoa học pháp lý khác.
Nếu lý luận nhà nước và pháp luật nghiên cứu một cách toàn diện những vấn đề chung, cơ bản nhất của nhà nước và pháp luật dưới dạng những khái niệm, kết luận, quan điểm, nguyên tắc,… thì các khoa học pháp lý khác lại đi sâu nghiên cứu từng góc độ, từng khía cạnh, từng vấn đề cụ thể của nhà nước và pháp luật.
Như vậy, phạm vi các vấn đề mà lý luận nhà nước và pháp luật nghiên cứu rộng hơn, toàn diện hơn nhưng mức độ nghiên cứu thì nông hơn. Còn phạm vi nghiên cứu của mỗi khoa học pháp lý khác thì hẹp hơn, nhưng mức độ nghiên cứu thì đẩy đủ và sâu sắc hơn. Chính vì thế, những tri thức mà lý luận nhà nước và pháp luật tổng kết là cơ sở xuất phát điểm để các khoa học pháp lý khác sử dụng đi sâu tìm hiểu đối tượng nghiên cứu của mình.
Như vậy, có thể nói, lý luận nhà nước và pháp luật như là cái chung, các khoa học pháp lý khác như là cái riêng, cái cụ thể. Nhờ có lý luận nhà nước và pháp luật và các khoa học pháp lý bảo đảm được sự thống nhất với nhau để tạo thành hệ thống khoa học pháp lý. Về mối quan hệ này, dưới góc độ nhận thức, V.I. Lênin đã nhấn mạnh rằng, người nào tiếp cận những vấn đề riêng mà trước đó chưa giải quyết những vấn đề chung thì trong mỗi bước đi sẽ không thể tránh khỏi những vấn đề chung đó một cách vô thức.
Ngược lại, các khoa học pháp lý khác lại minh chứng, kiểm nghiệm, đánh giá tính khoa học, tính đúng đắn của các tri thức mà lý luận nhà nước và pháp luật đã xây dựng nên. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu một cách sâu sắc từng vấn đề cụ thể của nhà nước và pháp luật, các khoa học pháp lý khác cung cấp tư liệu cho lý luận nhà nước và pháp luật, bổ sung thêm, góp phần hoàn thiện hệ thống tri thức về nhà nước và pháp luật.
Tóm lại, lý luận nhà nước và pháp luật là khoa học nghiên cứu một cách khái quát, toàn diện về nhà nước, pháp luật với tính cách là hai hiện tượng của đời sống xã hội, song không đi sâu vào một vấn đề cụ thể của một nhà nước hay pháp luật cụ thể nào. Một số khoa học khác cũng nghiên cứu về nhà nước và pháp luật song lại đi sâu nghiên cứu từng góc độ, từng lĩnh vực của nhà nước, pháp luật, thậm chí, của từng nhà nước, pháp luật cụ thể. Các khoa học nói trên đều nằm trong hệ thống khoa học pháp lý và chúng luôn có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về nhà nước và pháp luật.
Khoa học pháp lý tên tiếng Anh là: “Legal science”.
3. Một số phương pháp nghiên cứu сủa khoa học pháp lý:
Khi tìm hiểu phương pháp nghiên cứu của khoa học trước hết phải tìm hiểu phương pháp luận của khoa học. Đó là những nguyên tắc, quan điểm có tính chất đường lối, xuyên suốt và chỉ đạo quá trình nghiên cứu.
Phương pháp phân tích
– Phương pháp phân tích được hiểu là là phải chia cái toàn thể ra thành nhiều bộ phận để đi sâu nhận thức từng bộ phận đó một cách sâu sắc, đầy đủ hơn. Nhà nước và pháp luật là những hiện tượng rất phức tạp và luôn đi liền với những vấn đề phức tạp như quyền lực chính trị, lợi ích trong những mối quan hệ chẳng chịt theo nhiều chiều nên cần được phân tích, mổ xẻ ở những góc độ, khía cạnh khác nhau.
– Thông qua phương pháp phân tích làm cho lý luận luôn đổi mới, không bị sáo mòn, sơ cứng, mỗi lần phân tích lại có thể khám phá ra những cái mới, những nét mới trong các vấn đề liên quan đến nhà nước và pháp luật.
Phương pháp tổng hợp
– Đối với phương pháp tổng hợp, đây là phương pháp ngược lại với phương pháp phân tích, nghĩa là phải liên kết, thống nhất các bộ phận của nhà nước hoặc pháp luật đã được phân tích nhằm có được cách nhìn nhận, cách đánh giá tổng quát về vấn đề cần nghiên cứu.
Phương pháp trừu tượng hóa
– Phương pháp trừu tượng hóa được hiểu là dựa trên cơ sở những cái riêng, cái có tính chất hiện tượng, ngẫu nhiên, bề ngoài của nhà nước hoặc pháp luật từ đó rút ra những kết luận mang tính chất cái chung, cái bản chất, cái tất yếu về đối tượng nghiên cứu. Bằng phương pháp trừu tượng hóa ta có thể vượt qua những hiện tượng có tính hình thức bề ngoài, ngẫu nhiên, thóang qua, bất ổn định, để đi đến được cái chung mang tính tất yếu, tìm ra được bản chất của vấn đề, hiện tượng, sự vật, xác định được ổn định, xu hướng vận động, phát triển (mang tính quy luật sự của hiện tượng.)
Phương pháp so sánh
– Ở phương pháp so sánh này có tác dụng tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa các vấn đề của nhà nước hoặc pháp luật cần nghiên cứu, từ đó lý giải nguyên nhân sự giống và khác nhau giữa chúng.
Khi tiến hành so sánh phải dựa vào các yếu tố sau:
+ Thứ nhất, xuất phát từ bản chất của hiện tượng, sự vật, vấn đề cần phải so sánh;
+ Thứ hai, xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử cụ thể mà những điều kiện đó tạo ra môi trường tồn tại cho sự vật, hiện tượng, vấn đề đang cần so sánh;
+ Thứ ba, các yếu tố truyền thống khác có ảnh hưởng tới cách tiếp cận và giải quyết vấn đề.
– Ngoài ra, có thể so sánh theo chiều dọc mang tính lịch sử (các hiện tượng pháp lý đều có quá trình lịch sử hình thành và phát triển của mình và đồng thời không tránh khỏi giác quan chính trị khi xem xét, đánh giá chúng). Vì thế, khi nghiên cứu những vấn đề về nhà nước và pháp luật cần chú ý đến tính lịch sử và tính chính trị của nó, nhất là những vấn đề liên quan đến các kiểu nhà nước và pháp luật khác nhau.
– Cũng có thể so sánh theo chiều ngang như giữa các nhà nước, các hệ thống pháp luật. Trong quá trình so sánh, phải luôn chú ý tới tính hệ thống, tính lôgic và sự thống nhất của các vấn đề, chỉ ra những cái chung, cái riêng, sự tương liên đồng và dị biệt giữa các hiện tượng, những sự quan, nối kết giữa các vấn đề.
Phương pháp xã hội học
– Phương pháp xã hội học hiểu là, nhà nước là một hình thức tổ chức của xã hội, sinh ra từ xã hội, tổn tại, phát triển ngay trong lòng xã hội, nó luôn gắn bó với xã hội. Do vậy, phải nghiên cứu các vấn đề xã hội. Có như vậy mới hiểu đây đủ hơn về nhà nước, về quản lý nhà nước đối với xã hội được tốt hơn. Nhà nước muốn đưa ra một chính sách nào đó thì phải tìm hiểu xem xã hội tiếp nhận nó như thế nào và hiệu quả thực tế của nó trong đời sống xã hội.
– Pháp luật là sự mô hình hóa các quy luật, nhu cầu khách quan của xã hội thành những quy tắc xử sự mang tính phổ biến, thành công lý. Cũng như nhà nước, pháp luật sinh ra từ nhu cầu khách quan của xã hội, là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, một giá trị của xã hội văn minh… Do vậy, muốn nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu điều chỉnh, tác dụng, hiệu quả của pháp luật buộc phải tìm hiểu trong đời sống xã hội (môi trường tác động của pháp luật).
– Phương pháp xã hội học được thực hiện thông qua các hoạt động như theo dõi, phỏng vấn, thăm dò dư luận xã hội… với các bước thu thập thông tin từ những sự kiện, đối tượng riêng rẽ để nắm được những thông tin, tư liệu thực tiễn; nghiên cứu những quan niệm, quan điểm về các vấn đề khác nhau của nhà nước, pháp luật; xử lý những thông tin, tài liệu đã thu được, từ đó kiểm nghiệm lại những luận điểm, quan điểm, khái niệm, kết luận của lý luận nhà nước và pháp luật. –
Phương pháp hệ thống
– Phương pháp hệ thống được hiểu là: do tính chất phức tạp và sự liên kết thành các hệ thống của nhà nước, pháp luật với các hiện tượng khác (hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật, hệ thống các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội…). Khi nghiên cứu các vấn đề về nhà nước và pháp luật phải đặt chúng trong hệ thống, trong sự liên hệ, thống nhất và tính thứ bậc với các hiện tượng, sự vật khác hoặc cùng loại để nhận thức, đánh giá, không phá vỡ tính hệ thống của chúng.
– Ngoài ra, còn rất nhiều những phương pháp nghiên cứu cụ thể khác như phương pháp thống kê, phương pháp dự báo khoa học, phương pháp thực nghiệm pháp lý… Các phương pháp nghiên cứu cần được sử dụng kết hợp với nhau thì mới có hiệu quả cao.