Khiếu nại thủ tục bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân? Bầu cử đại biểu nhân dân, quy trình và thủ tục thực hiện.
Khiếu nại thủ tục bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân? Bầu cử đại biểu nhân dân, quy trình và thủ tục thực hiện.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Mình muốn hỏi việc liên quan đến bầu cử. Ở cụm mình vì đông dân cử chỉ nên phải chia làm hai hòm phiếu họ tự luân chuyển ứng cử từ hòm này sang hòm khác, mình có làm đơn hỏi là luật bầu cử không có điều khoản nào nói đến điều này. Họ lại nói họ có quyền làm việc đó không cần thông báo cho ứng cử biết. Mình thấy quá vô lý nên lại làm đơn tới UBND huyện và UBND Thị Trấn mời mình lên UBND theo chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện trong buổi giải quyết khiếu nại đó họ cứ nói là họ đúng mà không hề trả lời đến câu hỏi cuả mình và chủ tịch UBND thị trấn kết luận luôn. Mình hỏi thì chủ tich UBND thị trấn nói tôi là chủ tọa không cho đồng chí phát biểu nữa và tuyên bố kết thúc hội nghị mà không cho thông qua biên bản và lấy chữ ký của các thành viên tới dự. Vậy mình hỏi quý công ty là việc làm của chủ tich UBND thị trấn đúng hay sai mà mình có nên viết đơn để hỏi UBND huyện nữa không? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu hội đồng nhân dân 2015
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ Điều 21 Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu hội đồng nhân dân 2015 thì các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương gồm:
– Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử).
– Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (sau đây gọi chung là Ban bầu cử).
– Tổ bầu cử.
Đối với hoạt đồng bố trí, chuẩn bị hòm
Việc chuẩn bị hòm phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Hòm phiếu được đóng mới hoặc sử dụng hòm phiếu bầu cử hiện có. Hòm phiếu phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU”. Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) và băng niêm phong hòm phiếu.
Trong trường hợp phải sử dụng đến hòm phiếu phụ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử chịu trách nhiệm kiểm tra số lượng phiếu bầu khi phát ra cho thành viên Tổ bầu cử để mang theo cùng với hòm phiếu phụ đến các cử tri là người ốm đau, già yếu, khuyết tật; người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng; người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ (nếu có) thực hiện việc bỏ phiếu do không đến được phòng bỏ phiếu. Sau khi những cử tri này bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử phải mang ngay hòm phiếu phụ về khu vực bỏ phiếu.
Như thế, trong trường hợp này, nếu Tổ bầu cử sử dụng đến hòm phiếu phụ thì phải căn cứ vào các điều kiện trên (điều kiện đối với cử tri như cử tri già yếu, khuyết tật…không đi lại được). Nếu không căn cứ vào điều kiện trên thì hành vi của tổ bầu cử là không đúng theo quy định pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Với trường hợp không đúng trình tự, thủ tục, bạn có thể thực hiện việc khiếu nại tới Ban bầu cử. Ban bầu cử sẽ xem xét, xác minh và giải quyết khiếu nại cho bạn trong trường hợp này. Nếu như bạn vẫn không chấp nhận kết quả khiếu nại đó, bạn có thể khiếu nại lần hai đến Ủy ban bầu cử cấp huyện. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại cho bạn theo Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu hội đồng nhân dân 2015 và Luật khiếu nại 2011. Người có thẩm quyền sẽ ra quyết định khiếu nại sau khi tổ chức đối thoại theo Điều 31 Luật khiếu nại 2011 đối với trường hợp khiếu nại lần đầu và Điều 40 Luật khiếu nại 2011 đối với quyết định khiếu nại lần hai.
Trường hợp này bạn đã thực hiện khiếu nại tới Ban bầu cử và không được giải quyết thỏa đáng thì bạn có quyền khiếu nại tới Ủy ban bầu cử cấp huyện.