Kỷ luật của đảng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc gắn bó chặt chẽ các thành viên trở thành một khối thống nhất vì mục đích chung. Dưới đây là quy trình và thủ tục giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với Đảng viên.
Mục lục bài viết
1. Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với Đảng viên:
Căn cứ theo quy định tại Hướng dẫn 02-HD/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc thực hiện một số nội dung Quy định 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, có hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện và thủ tục giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với đảng viên. Theo đó, giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với đảng viên sẽ trải qua 03 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị. Bước chuẩn bị được thực hiện cụ thể như sau:
– Căn cứ vào đơn khiếu nại quyết định kỷ luật đảng, căn cứ vào kết quả làm việc với đảng viên khiếu nại, căn cứ vào quy định của pháp luật liên quan đến quá trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ theo dõi địa bàn sẽ để suất và báo cáo bằng văn bản với thường trực ủy ban, tóm tắt đầy đủ nội dung khiếu nại, lên kế hoạch và đưa ra dự kiến các thành viên giải quyết khiếu nại, thành lập đoàn kiểm tra;
– Thường trực ủy ban sẽ xem xét, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, ban hành kế hoạch giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng;
– Đoàn kiểm tra sẽ xây dựng lịch làm việc của đoàn, tổ chức cuộc họp để thông báo kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chuẩn bị văn bản và các loại giấy tờ tài liệu có liên quan phục vụ cho hoạt động giải quyết khiếu nại.
Bước 2: Tiến hành giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với đảng viên. Cụ thể như sau:
– Các thành viên ủy ban được phân công chỉ đạo và đại diện đoàn kiểm tra làm việc với các đối tượng khiếu nại, triển khai quyết định và thực hiện kế hoạch, thống nhất lịch làm việc, trong trường hợp cần thiết thì sẽ triển khai theo hình thức họp trực tuyến;
– Đoàn kiểm tra tiến hành hoạt động thẩm tra và xác minh, làm việc với các đối tượng như sau:
+ Đối tượng khiếu nại, tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại kỷ luật, các tổ chức đảng có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại;
+ Làm việc với cấp ủy trực tiếp quản lý của đối tượng khiếu nại để xác minh cụ thể về phẩm chất tư cách của đối tượng khiếu nại;
+ Làm việc với các tổ chức và cá nhân có liên quan để thu thập, bổ sung các loại tài liệu và giấy tờ.
– Các tổ chức đảng có liên quan sẽ tổ chức hội nghị;
– Đoàn kiểm tra làm việc với đối tượng khiếu nại, tiếp tục thẩm tra và xác minh đối với những nội dung chưa rõ.
Bước 3: Bước kết thúc. Cụ thể được thực hiện như sau:
– Ủy ban kiểm tra sẽ xem xét và đưa ra kết luận;
– Đơn vị theo dõi địa bàn có ý kiến bằng văn bản báo cáo ủy ban về kết quả và hoạt động của đoàn kiểm tra;
– Đoàn kiểm tra sẽ hoàn chỉnh báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, phối hợp với các cán bộ tổng hợp, hoàn chỉnh thông báo kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, báo cáo đề nghị cơ quan có thẩm quyền thay đổi hình thức kỷ luật đối với đối tượng khiếu nại, báo cáo thành viên ủy ban chỉ đạo đoàn kiểm tra trước khi trình lên thường trực ủy ban ký;
– Thành viên ủy ban xã chỉ đạo, đại diện đoàn kiểm tra công bố thông báo kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đến với đối tượng khiếu nại, các tổ chức đảng đã ra quyết định kỷ luật, các tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
– Đoàn kiểm tra tổ chức cuộc họp, rút kinh nghiệm, trưởng đoàn kiểm tra có văn bản nhận xét và đánh giá từng thành viên, gửi đến người đứng đầu của các đơn vị có cán bộ tham gia, lập hồ sơ và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
– Các đơn vị và cán bộ theo dõi địa bàn xã giám sát việc chấp hành kết luận, quyết định của ủy ban.
2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Quy định 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, có quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trách nhiệm giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng. Cụ thể như sau:
– Việc giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng được thực hiện theo quy định của pháp luật, được tiến hành từ ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên;
– Ban thường vụ cấp ủy và cấp ủy sẽ được xác định là cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật lần đầu của các tổ chức đảng, đối với các quyết định kỷ luật của Ủy ban kiểm tra cùng cấp;
– Ủy ban kiểm tra cấp trung ương theo quy định của pháp luật được xác định là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với các hình thức xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức. Ban bí thư theo quy định của pháp luật sẽ được xác định là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với các hình thức xử lý kỷ luật khai trừ do cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương trở xuống đưa ra quyết định;
– Đối với các hình thức xử lý kỷ luật do ban chấp hành trung ương, do Bộ chính trị, Ban bí thư, Ủy ban kiểm tra trung ương đưa ra quyết định, thì theo quy định của pháp luật, Ban chấp hành trung ương sẽ được xác định là cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng.
Như vậy có thể nói, cần phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết thiếu lại kỉ luật đảng theo như phân tích nêu trên.
3. Thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại:
Theo Điều 26 của Quy định 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, có quy định về thời gian khiếu nại, thời gian giải quyết khiếu nại và thời gian chuyển đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết. Cụ thể như sau:
– Tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật không đồng ý với quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật có quyền khiếu nại lên các tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền giải quyết (nêu tại Điều 22 của Quy định 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng). Thời hạn khiếu nại trong vòng 30 ngày, tính từ ngày nhận quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (căn cứ biên bản công bố) đến ngày đảng viên bị kỷ luật gửi đơn khiếu nại trực tiếp hoặc theo dấu bưu điện chuyển đến.
– Khi nhận được khiếu nại kỷ luật đảng, cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra phải thông báo cho tổ chức đảng hoặc đảng viên khiếu nại biết; hướng dẫn người khiếu nại thực hiện đúng quy định của Đảng. Chậm nhất 90 ngày đối với cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận và tương đương trở xuống; 180 ngày đối với cấp Trung ương, kể từ ngày nhận được khiếu nại (gửi trực tiếp hoặc theo dấu bưu điện chuyển đến) phải xem xét, giải quyết, trả lời cho tổ chức đảng, đảng viên khiếu nại biết. Trường hợp hết thời hạn mà chưa giải quyết xong thì được gia hạn nhưng không quá 30 ngày, đồng thời phải có văn bản thông báo cho người khiếu nại biết;
– Tổ chức đảng khi nhận được khiếu nại, tuy nhiên nhận thấy khiếu nại đó không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chậm nhất trong khoảng thời gian là 05 ngày, tổ chức đảng cần phải chuyển cho tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết, đồng thời báo cho người khiếu nại biết;
– Trong trường hợp bất khả kháng, người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời gian quy định, thì khoảng thời gian xảy ra sự kiện đó sẽ không được tính vào thời gian khiếu nại.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Quy định 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng;
– Hướng dẫn 02-HD/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc thực hiện một số nội dung Quy định 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng;
– Hướng dẫn 01-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thực hiện một số Điều trong Quy định 30-QĐ/TW thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.