Khảo sát địa hình là một thuật ngữ khá quen thuộc hiện nay. Việc khảo sát địa hình có ý nghĩa và đóng góp những vai trò quan trọng trong thực tiễn đời sống. Các công trình xây dựng trước khi tiến hành khởi công đều phải được đo đạc kỹ lưỡng. Từ đó để đề ra những phương án thiết kế, quy hoạch, tính khối lượng một cách chính xác.
Mục lục bài viết
1. Khảo sát địa hình là gì?
Ta hiểu về khảo sát địa hình như sau:
Khảo sát địa hình được biết đến chính là hoạt động nghiên cứu đánh giá điều kiện tự nhiên trên mặt đất tại địa điểm dự kiến xây dựng công trình phục vụ cho các công tác quy hoạch, thiết kế, tính khối lượng đào, đắp công trình. Ngoài ra đối với các công trình quan trọng, trong quá trình thi công và khai thác công trình cũng cần phải quan trắc chuyển vị lún, nghiêng để đánh giá mức độ ổn định và có biện pháp khắc phục kịp thời nếu vượt quá giới hạn cho phép.
Mục đích của việc khảo sát địa hình như sau:
Hiểu một cách đơn giản, khảo sát địa hình là việc xác định tọa độ, cao độ, địa vật mới tại khu vực cần khảo sát. Mục đích nhằm để:
– Lập dự án thiết kế, dự án đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, thủy lợi và giao thông.
– Xác định đúng vị trí từng hạng mục mà công trình dự kiến xây dựng hoặc công trình đã và đang tiến hành xây dựng.
– Đánh giá chính xác điều kiện cụ thể của từng địa hình và lấy đó làm cơ sở quy hoạch cho các dự án nhằm tối ưu kinh tế.
– Xác định đúng khối lượng đào đắp công trình để đưa ra phương án thiết kế, thi công phù hợp.
Mặt khác, với những công trình có tầm quan trọng, quy trình khảo sát địa hình sẽ cho biết được tình trạng sụt, lún địa hình và có biện pháp giải quyết kịp thời.
Nhiệm vụ của việc khảo sát địa hình như sau:
– Nhiệm vụ của việc khảo sát địa hình là xác định chính xác vị trí các hạng mục công trình.
– Nhiệm vụ của việc khảo sát địa hình là đánh giá được cụ thể điều kiện địa hình tuyến cần khảo sát trên cơ sở đó đề xuất biện pháp thi công công trình.
– Nhiệm vụ của việc khảo sát địa hình là xác định được tương đối chính xác khối lượng đào đắp công trình, phục vụ cho công tác thiết kế và thi công.
– Ngoài ra đối với các công trình quan trọng, trong quá trình thi công và khai thác công trình cũng cần phải quan trắc chuyển vị lún, nghiêng để đánh giá mức độ ổn định và có biện pháp khắc phục kịp thời nếu vượt quá giới hạn cho phép.
Khảo sát địa hình tiếng Anh là: Topographic survey
2. Quy trình khảo sát địa hình:
Như đã nói ở trên, khảo sát địa hình sẽ cho chúng ta biết được tình trạng cụ thể về mặt bằng, nơi chuẩn bị tiến hành xây dựng các công trình mới. Quy trình khảo sát địa hình bao gồm các bước sau đây:
– Bước 1: Công tác khống chế cao độ:
Xét từ những điểm cao độ quốc gia từ hệ Hòn Dấu tiến hành đo truyền cao độ công trình bằng phương pháp thủy chuẩn hạng 3. Tiếp tục đo di và khép về trong phạm vi 5km.
Từng vị trí cao độ quốc gia sẽ được đo truyền lên từng điểm khống chế tọa độ nằm trong khu vực. Thiết bị dùng để đo là máy thủy chuẩn điện tử Leica DNA03 với độ chính xác 0,9mm/km hoặc máy thủy chuẩn quang học Leica NA2 với độ chính xác 0/7mm/km.
Tuyến thủy chuẩn hạng 3 này sẽ được đo đi và đo về với sai số khép vòng cho phép ≤ 10√L (mm), trong đó L là chiều dài tuyến được tính bằng km.
Phương pháp tính toán bình sai chặt chẽ là PVV = min.
– Bước 2: Công tác khống chế mặt bằng:
Căn cứ cụ thể vào diện tích của từng khu vực khảo sát để đưa ra phương án đạt, đủ mốc cơ sở cấp 1 hoặc cấp 2 theo quy phạm đã đề ra. Tới gần khu vực tối thiểu, cần phải trích lực tối thiểu 02 điểm ở móc tọa độ của nhà nước để thực hiện đo nối tọa đồ về các mốc cơ sở mỗi cấp nằm trong vị trí khảo sát.
Thiết bị sử dụng trong quy trình khảo sát địa hình là GPS 2 tần số, độ chính xác khoảng 5 đến 10mm và thời gian đo trong 1 ca xấp xỉ khoảng 1 giờ.
Chú ý trong suốt quá trình đo cần bố trí chính xác các điểm mốc cơ sở cụ thể như: khoảng cách tối đa, thời gian đo, bố trí ca đo từ mốc nhà nước phải tuân thủ theo quy định cũng như tiêu chuẩn xây dựng tại Việt Nam.
– Bước 3: Xây dựng lưới khống chế toạ độ khu vực:
Các thiết bị đo bao gồm: Máy Toàn đạc điện tử Leica TC1800 với độ chính xác đo cạnh là 2mm + 2ppm và độ chính xác đo góc là 1”.
Phương pháp đo bao gồm: Đo cạnh 2 lần, đo góc 2 vòng thuận và đảo kính, cần đo đi và đo về. Sai số cho phép ≤ 12”, sai số khép cạnh tương đối phải đạt 1/10.000.
Cấu tạp mốc khống chế: Sử dụng cây sắt ф10 dài 1.2m và đóng sau xuống mặt đất. Trên bề mặt đổ 1 khối bê tông dày 20cm, kích thước 30x30cm và mốc cao bằng mặt đất.
Phương pháp tính bình sai chặt chẽ: PVV = min.
– Bước 4: Công tác ngoại nghiệp:
+ Đo vẽ địa hình chi tiết:
Thiết bị sử dụng là máy Toàn đạc điện tử Leica TC307 và Leica TC405. Các vị trí cần đo gồm: cột điện, hàng rào, cống, nhà, đường, cao độ hố ga, đáy cống nằm trước mặt công trình hay các điểm địa vật địa hình đã được vẽ theo ký hiệu trong bản đồ địa hình.
+ Đo mặt cắt dọc:
Mỗi điểm đo chi tiết trong quy trình khảo sát địa hình đều thể hiện được sự thay đổi của địa vật, địa hình của công trình. Các khoảng cách từng điểm đo buộc phải tuân thủ theo quy phạm, quy chuẩn nhất định. Trường hợp là địa hình đặc biệt hay có sự thay đổi không lường trước thì sẽ đo theo địa hình đó và cần thể hiện được khoảng cách, chiều dài công trình và các đặc điểm chính của công trình…
+ Đo mặt cắt ngang:
Khoảng cách giữa các điểm đo không vượt quá 2.3m. Nếu đo các địa hình đặc biệt thì khoảng cách này có thể ngắn hơn. Trường hợp địa hình đo bị thay đổi thì nên đo theo địa hình và phải thể hiện chính xác những điểm thay đổi của địa vật, địa hình công trình.
– Bước 5: Công tác nội nghiệp:
Số liệu đo được sẽ lấy từ máy Toàn đạc điện tử, số liệu đo GPS, số liệu đo sâu sang máy tính nhằm tính toán và lập bình đồ. Từ những số liệu đó chúng ta có thể đánh giá, phân tích, kiểm tra và xử lý số liệu nội nghiệp.
3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ khảo sát xây dựng:
Điều kiện của tổ chức khảo sát xây dựng cụ thể như sau:
– Điều kiện của tổ chức khảo sát xây dựng là cần có đủ năng lực khảo sát xây dựng.
– Mỗi nhiệm vụ khảo sát xây dựng phải có chủ nhiệm khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát xây dựng chỉ định. Chủ nhiệm khảo sát xây dựng phải có đủ năng lực hành nghề khảo sát xây dựng và chứng chỉ hành nghề phù hợp. Cá nhân tham gia từng công việc khảo sát xây dựng phải có chuyên môn phù hợp với công việc được giao.
– Máy, thiết bị phục vụ khảo sát xây dựng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm an toàn cho công tác khảo sát và bảo vệ môi trường.
– Phòng thí nghiệm phục vụ khảo sát xây dựng phải đủ tiêu chuẩn theo quy định và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng công nhận.
Điều kiện của cá nhân hành nghề độc lập cụ thể như sau:
Cá nhân hành nghề độc lập về lập thiết kế quy hoạch xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có đăng ký hoạt động các lĩnh vực phù hợp với nội dung hành nghề;
– Có chứng chỉ hành nghề và năng lực phù hợp với công việc thực hiện.
Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng được quy định như sau:
– Các lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng gồm: Khảo sát địa hình; Khảo sát địa chất công trình.
– Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng phù hợp với lĩnh vực khảo sát quy định cụ thể bên trên như sau:
+ Hạng I: Đã làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp I trở lên hoặc 03 công trình từ cấp II trở lên.
+ Hạng II: Đã làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 01 dự án từ nhóm B trở lên hoặc 02 dự án từ nhóm C trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp II trở lên hoặc 03 công trình từ cấp III trở lên.
+ Hạng III: Đã tham gia khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 02 dự án từ nhóm c hoặc 02 dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp III trở lên hoặc 03 công trình từ cấp IV trở lên.
– Phạm vi hoạt động khảo sát xây dựng:
+ Hạng I: Được làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng tất cả các nhóm dự án, các cấp công trình cùng lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
+ Hạng II: Được làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng dự án nhóm B, công trình cấp II trở xuống cùng lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
+ Hạng III: Được làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng dự án nhóm C, dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật, công trình cấp III trở xuống cùng lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Khảo sát được biết đến là việc khảo sát để nhằm mục đích thiết lập hoặc đánh dấu vị trí xây dựng, đường, vỉa hè… mà kĩ sư đã thiết kế. Các điểm đánh dấu này thường được đặt theo một hệ tọa độ phù hợp được chọn cho dự án. Việc khảo sát cần tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn và hoạt động khảo sát xây dựng.