Kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là hoạt động trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Hiện nay dù đã có một số định nghĩa về khái niệm kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự, tuy nhiên các quan điểm vẫn chưa được đầy đủ và còn có cách hiểu khác nhau về khái niệm này.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm kháng nghị là gì?
Theo Từ điển Tiếng việt của Viện ngôn ngữ học, kháng nghị “được hiểu là sự bày tỏ ý kiến phản đối bằng văn bản chính thức”. Xét theo nghĩa phổ thông, kháng nghị có thể được hiểu là sự phản đối ý kiến sai lầm, bày tỏ ý kiến chống đối. Từ “nghị” mang nghĩa là thảo luận, thương lượng, suy xét. Như vậy hoạt động kháng nghị phải được tiến hành thông qua sự bàn bạc, thảo luận của một tập thể. Từ “nghị” còn mang tính quyền lực cao, thể hiện qua việc được sử dụng trong nhiều khái niệm mang tính quyền lực nhà nước như Nghị định, Nghị quyết, Nghị viện,... Có thể hiểu kháng nghị là quyền của chủ thể mang quyền lực theo quy định của pháp luật tố tụng nhằm phản đối bản án, quyết định của Tòa án.
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là việc “người có thẩm quyền yêu cầu Tòa án xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm” .Cách sử dụng cụm từ “người có thẩm quyền” để nói về chủ thể của kháng nghị phúc thẩm là chưa chính xác. Bởi quyền kháng nghị thuộc về cơ quan VKS chứ không phải cá nhân nào, việc gọi chủ thể như vậy sẽ gây nhầm lẫn sang chủ thể của quyền kháng cáo. Hơn nữa khái niệm chưa đề cập đến các vấn đề như hình thức, thủ tục, thời hạn và mục đích của kháng nghị phúc thẩm.
Theo Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là “hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiện việc phản đối toàn bộ hoặc một phần nội dung bản án hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án với mục đích bảo đảm cho toàn bộ việc xét xử được chính xác, công bằng đồng thời sửa chữa những sai lầm trong bản án, quyết định của Tòa án”. Khái niệm này tuy có khái quát hơn, đã làm rõ được mục đích của kháng nghị nhưng vẫn chưa nêu rõ chủ thể có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc, chưa đề cập hình thức của kháng nghị và chủ thể nào có quyền xem xét, giải quyết kháng nghị.
Tác giả Lê Thành Dương cho rằng: “Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân để kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cung cấp và cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời” . Quan điểm trên cơ bản đã làm rõ chủ thể và đối tượng của kháng nghị phúc thẩm, tuy nhiên thời hạn và thủ tục của việc kháng nghị lại chưa được đề cập đến.
Tác giả Đinh Văn Quế cho rằng: “Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là một văn bản do Viện kiểm sát ban hành yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm cùng cấp hoặc cấp dưới trực tiếp đã xét xử, nhưng xét thấy không đúng pháp luật” . Khái niệm này đã đưa ra những vấn đề liên quan đến kháng nghị như chủ thể và hình thức của kháng nghị. Tuy nhiên đối tượng của kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm chưa được đề cập đến. Bên cạnh đó, bản chất của kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là sửa chữa những sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa được tác giả đi sâu làm rõ.
Giáo trình Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội định nghĩa: “Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là một trong những hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, được thực hiện đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nhưng có sự sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ hoặc áp dụng pháp luật”. Nhận định trên tiếp cận khái niệm kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dưới góc độ là chức năng thực hành quyền công tố của VKS. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014, kháng nghị vừa thuộc chức năng thực hành quyền năng công tố, vừa thuộc chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Vì vậy, khái niệm kháng nghị trên vẫn chưa được đánh giá toàn diện.
Có thể thấy các quan điểm nêu trên đã định nghĩa tương đối chính xác và đề cập đến các vấn đề liên quan đến kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, để có được khái niệm về kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoàn chỉnh, thống nhất, cần làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là quyền năng tố tụng Nhà nước trao cho VKS. VKS ban hành kháng nghị khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có những vi phạm, sai lầm nghiêm trọng. Hoạt động kháng nghị của VKS vừa thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, vừa thực hiện chức năng thuộc kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Trong tố tụng hình sự, những kháng nghị về nội dung của bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm pháp luật trong đánh giá chứng cứ, kết luận tội phạm, định tội danh hoặc áp dụng không đúng quy định pháp luật,... là những kháng nghị thuộc chức năng thực hành quyền công tố. Còn những kháng nghị khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình xét xử là kháng nghị thuộc chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Thực hiện tốt quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm chính là góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát và làm tốt chức năng thực hành quyền công tố của ngành Kiểm sát.
Thứ hai, Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được ban hành trên những căn cứ, theo thủ tục, thời hạn do pháp luật quy định. Kháng nghị chỉ hợp pháp khi VKS ban hành đúng căn cứ, tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục, hình thức và trong thời hạn mà BLTTHS quy định.
Thứ ba, cũng như kháng cáo, đối tượng của kháng nghị phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Theo tác giả Dương Thanh Biểu: “.vụ án chỉ được tiến hành xét xử phúc thẩm khi có kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, đối tượng của kháng nghị phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, qua kiểm sát phát hiện bản án hoặc quyết định sơ thẩm có sai lầm, thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ hoặc áp dụng pháp luật, VKS sẽ ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định đó để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm.
Thứ tư, thông qua kháng nghị của VKS, Tòa án cấp trên trực tiếp có cơ sở để xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm, nhằm sửa chữa và khắc phục những sai lầm, vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát được thực hiện trong thời hạn, theo thủ tục luật định yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
2. Đặc điểm của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
2.1. Đặc điểm của kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm:
Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm có một số đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, kháng cáo là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại và đương sự.
Thứ hai, kháng cáo là quyền của những người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa án, thực hiện quyền kháng cáo để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đối với phán quyết của Tòa án mà theo họ là không hợp lý, thiếu căn cứ và không hợp pháp.
2.2. Đặc điểm của kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là một trong những quyền năng pháp lý quan trọng, thông qua đó Viện kiểm sát đồng thời thực hiện hai chức năng là quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân có một số đặc điểm cơ bản, đó là:
Thứ nhất, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là quyền năng pháp lý đặc biệt mà Nhà nước chỉ giao cho ngành kiểm sát.
Thứ hai, Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là công cụ đặc biệt và là một trong những biểu hiện rõ nhất về quyền năng của Viện kiểm sát trong việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.
3. Ý nghĩa của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự có ý nghĩa pháp lý, chính trị và xã hội quan trọng.
3.1. Ý nghĩa pháp lý:
Trong Tố tụng hình sự Việt Nam, Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử, trong đó: Xét xử sơ thẩm là cấp xét xử thứ nhất và xét xử phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai. Tuy nhiên không phải bất cứ vụ án nào đã được xét xử sơ thẩm đều phải trải qua giai đoạn xét xử phúc thẩm bởi xét xử phúc thẩm là thủ tục phát sinh có điều kiện. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án khác có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ mới được Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
Về mặt lý luận, xét xử phúc thẩm không những là một cấp xét xử mà còn là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị nhằm khắc phục sai lầm của Tòa án cấp dưới, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng:
“Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Nhằm mục đích bảo đảm cho việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt người phạm tội, tránh được những sai lầm do xét xử sơ thẩm gây nên vì vậy luật tố tụng hình sự quy định giai đoạn xét xử phúc thẩm nhằm sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm và những vi phạm mà Tòa án cấp sơ thẩm đã vấp phải.”
Kháng cáo, kháng nghị tạo ra một trong những điều kiện làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án cấp trên trực tiếp đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới trực tiếp. Thông qua việc xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp trên trực tiếp không chỉ kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà còn phát hiện, khắc phục kịp thời các thiếu sót, sai lầm về xét xử của Tòa án cấp dưới, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách thống nhất, chính xác và nghiêm minh.
Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm còn có ý nghĩa bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định“Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” (khoản 6 Điều 103 Hiến pháp năm 2013) và nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” (Điều 27 BLTTHS năm 2015). Nguyên tắc này thể hiện sự thận trọng của toà án trong việc xét xử và tôn trọng quyền của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được chống lại bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án. Theo quy định của BLTTHS năm 2015, nguyên tắc này không bị hạn chế mà được thực hiện đối với tất cả các vụ án.
Chế độ xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm là khi một bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ thì buộc Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa để xem xét, giải quyết.
Nguyên tắc này tạo điều kiện cho VKS, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có điều kiện thể hiện thái độ không nhất trí của mình đối với việc xét xử của toà án bằng quyền kháng cáo, kháng nghị. Việc bảo đảm quyền kháng cáo, kháng nghị có ý nghĩa quan trọng: Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; Bảo đảm tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định đã bị kháng cáo, kháng nghị phải được xem xét theo trình tự phúc thẩm; Bảo đảm các bản án không có căn cứ pháp luật và không đúng pháp luật sẽ không được đưa ra thi hành trong thực tế; Thực hiện việc giám sát của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới; Bảo đảm cơ chế để Tòa án thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3.2. Ý nghĩa chính trị:
Mỗi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án đều thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; thể hiện quyền lực và thái độ của Nhà nước đối với hành vi phạm tội, người phạm tội. Đồng thời, bản án, quyết định của Tòa án là sự thể hiện của hoạt động áp dụng các quy định cụ thể của pháp luật. Do đó để bảo đảm cho phán quyết của Tòa án được đưa ra thi hành có căn cứ thì hoạt động kháng cáo, kháng nghị có ý nghĩa rất lớn.
Kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là một trong những hoạt động quan trọng để đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất, đảm bảo việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc quy định và thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm trong tố tụng hình sự đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền đối với việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo dân chủ, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Kháng cáo, kháng nghị là cơ sở để vụ án được xét xử qua hai cấp, nhằm giải quyết vụ án một cách chính xác và đúng đắn, nâng cao chất lượng xét xử của tòa án và qua đó lợi ích của Nhà nước, của các chủ thể tham gia tố tụng được bảo vệ. Quy định việc các chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị với bản án, quyết định của Tòa án thể hiện thái độ thận trọng của Nhà nước trong việc đưa ra các phán xét về số phận pháp lý, sinh mạng chính trị, quyền lợi của người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự và những người có liên quan, là sự thể hiện rõ ràng nhất bản chất của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Thông qua việc xét xử các vụ án do công dân thực hiện quyền kháng cáo, Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị, Tòa án cấp phúc góp phần đảm bảo nhận thức và áp dụng thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử, “tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật và củng cố niềm tin vào công lý, công bằng xã hội cho nhân dân, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.
3.3. Ý nghĩa xã hội:
Kháng cáo, kháng nghị đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả các quyền con người trong lĩnh vực tư pháp, tạo điều kiện để các chủ thể tham gia tố tụng có thể trực tiếp bảo vệ quyền lợi của mình. Quyền kháng cáo, kháng nghị trong tố tụng hình sự ngày càng được hoàn thiện và trở thành một trong những hình thức, phương tiện bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người trong tố tụng hình sự. Đối với người tham gia tố tụng, kháng cáo kháng nghị có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận.
Kháng nghị của VKS “là lá chắn quan trọng của tố tụng hình sự, là cơ chế để đảm bảo quyền con người không bị tước đoạt một cách tùy tiện và trái pháp luật khi xét xử”. Đồng thời thông qua quyền kháng cáo, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia tố tụng, việc xét xử ở hai cấp cũng giúp họ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong vụ án để có thái độ hợp tác tích cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình.
Đối với Tòa án: Tòa án với nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp của nhà nước trong phạm vi hoạt động của mình phải xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cần có thái độ thận trọng trong việc phán xét quyền lợi của bị cáo và các đương sự khác. Bởi Bản án, quyết định của Tòa án khi được ban hành không chỉ ảnh hưởng đến những người liên quan mà còn được xã hội quan tâm. Vì vậy, Tòa án cần thận trọng trong trước khi ra phán quyết để đảm bảo cho bản án, quyết định của mình có chất lượng, hợp tình hợp lý.
Hoạt động xét xử phản ánh trực tiếp và sâu sắc bản chất của Nhà nước, bởi vậy đòi hỏi xét xử phải chính xác, công minh, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân”. Đây cũng là một hình thức thực hiện pháp luật có hiệu quả chức năng giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên đối với
Đối với Viện kiểm sát: Kháng nghị phúc thẩm hình sự là một hoạt động quan trọng và là quyền năng pháp lý Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân, do vậy thực hiện tốt công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của ngành Kiểm sát.Hoạt động kháng nghị phúc thẩm của VKS có ý nghĩa bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất, đảm bảo việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với pháp luật, góp phần bảo đảm quá trình giải quyết vụ án hình sự nghiêm minh, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và của Nhà nước, nhất là quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự.