Liên minh châu Âu (EU) là một tổ chức liên chính phủ của các nước châu Âu. Từ 6 thành viên ban đầu (Bỉ, Tây Đức, Pháp, Ý, Luxembourg và Hà Lan), hiện nay EU đã có 27 quốc gia thành viên, chiếm phần lớn diện tích của lục địa.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về Liên minh châu Âu:
Liên minh châu Âu là một tổ chức liên chính phủ của các nước châu Âu. Từ 6 thành viên ban đầu (Bỉ, Tây Đức, Pháp, Ý, Luxembourg và Hà Lan), hiện nay EU đã có 27 quốc gia thành viên, chiếm phần lớn diện tích của lục địa.
EU ra đời trong tro tàn của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (từ năm 1939 đến năm 1945), có nguồn gốc từ Cộng đồng Than Thép châu Âu (The European
Coal and Steel Community – ECSC). Ngày 18 tháng 4 năm 1951, với mục đích phối | hợp quản lý giá cả, sản xuất và điều kiện lao động liên quan đến các tài nguyên than và thép là những đầu vào thiết yếu cho sản xuất quân nhu – những yếu tố góp phần gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới, các quốc gia Pháp, Tây Đức, Ý, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan đã ký Hiệp ước Paris năm 1951 thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu. Hiệp ước này được coi như nền tảng trong việc đem các nước châu Âu xích lại với nhau trong hòa bình sau Thế chiến thứ hai. Một số kẻ thù chính trong chiến tranh nay đã chia sẻ với nhau việc sản xuất than và thép, các nguồn tài nguyên then chốt, trước đây là tâm điểm của các cuộc chiến tranh, tranh chấp. Có thể thấy, những bước đi đầu tiên là nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, ý tưởng là các nước có trao đổi buôn bán phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ có nhiều khả năng tránh được xung đột. Kể từ đó, EU đã phát triển thành một thị trường chung khổng lồ, với đồng euro (€) là đồng tiền chung chính thức từ năm 1999. Hiện nay có 19 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Ireland, Luxembourg, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Ý, Slovenia, Malta, Cộng hòa Síp, Estonia, Latvia, Litva, Slovakia) và 06 nước, lãnh thổ không thuộc Liên minh châu Âu sử dụng đồng euro. Với khởi đầu là một liên minh thuần túy về kinh tế, nhưng đến nay, EU đã phát triển thành một tổ chức bao trùm tất cả các lĩnh vực chính sách.
EU đã trải qua nửa thế kỷ hòa bình, ổn định và thịnh vượng, nâng cao mức sống của người dân và sử dụng đồng tiền chung. Nhờ bãi bỏ kiểm soát biên giới giữa các nước EU, người dân có thể đi lại tự do, sống và làm việc ở Châu Âu nhờ vậy cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Liên minh Châu Âu dựa trên cơ sở pháp trị. Điều này có nghĩa là mọi công việc mà EU thực hiện là dựa trên các hiệp ước được tất cả các quốc gia thành viên thỏa thuận một cách tự nguyện và dân chủ. Những hiệp định này đề ra các mục tiêu của EU trong rất nhiều lĩnh vực. Nhân phẩm, quyền tự do, dân chủ, bình đẳng, nền pháp trị và sự tôn trọng quyền con người là các giá trị nòng cốt của EU. Kể từ khi ký kết Hiệp ước Lisbon vào năm 2009, Hiến chương của EU về các quyền cơ bản (The EU‘s Charter of Fundamental Rights) đã tập hợp tất cả những quyền này trong một văn kiện chung. Các thể chế và Chính phủ các quốc gia thành viên EU có nghĩa vụ gìn giữ các giá trị đó. Thị trường chung là động lực kinh tế chủ yếu của EU, cho phép hầu hết các hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ và người dân được di chuyển tự do. Với hơn 500 triệu dân, EU chiếm hơn một phần tư GDP của thế giới, là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu và chiếm một phần năm thương mại toàn cầu, một công cụ chủ chốt để phát triển kinh tế. Châu Âu là nhà xuất khẩu hàng hóa sản xuất công nghiệp và dịch vụ lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hơn một trăm quốc gia, vùng lãnh thổ. Liên minh có một cơ cấu thể chế độc đáo. Các ưu tiên chính, khái quát của EU được đề ra bởi Hội đồng Châu Âu, Hội đồng này tập hợp các nhà lãnh đạo cấp quốc gia và cấp Liên minh. Các Nghị sĩ được bầu trực tiếp đại diện cho các công dân Châu Âu trong Nghị viện Châu Âu (European Parliament). Lợi ích của EU được thúc đẩy bởi Ủy ban Châu Âu và các Ủy viên – do các quốc gia thành viên đề cử với sự tham vấn ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, sau khi được Nghị viện Châu Âu thông qua. Cuối cùng, các Chính phủ bảo vệ lợi ích của đất nước mình trong Hội đồng Liên minh Châu Âu. Trong số rất nhiều các thể chế và cơ quan liên thể chế khác, có hai cơ quan đóng vai trò trọng yếu, đó là: Tòa án Công lý (The Court of Justice) để duy trì quyền lực của luật pháp Châu Âu và Tòa Kiểm toán để kiểm soát tài chính đối với các hoạt động của EU (The European Court of Auditors). Cùng với sự tiếp tục lớn mạnh của Liên minh, EU vẫn tập trung minh bạch hóa và dân chủ hóa các thể chế quản trị của mình. Nghị viện Châu Âu (được bầu trực tiếp) đang được trao thêm nhiều quyền hơn, các nghị viện quốc gia được giao một vai trò to lớn hơn, hoạt động bên cạnh các thể chế của Châu Âu. Công dân Châu Âu ngày càng có nhiều kênh để tham gia vào tiến trình chính trị của EU và có thể tham gia bằng bất kỳ ngôn ngữ nào trong số 23 ngôn ngữ chính thức của EU. Liên minh Châu Âu cũng đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế thông qua ngoại giao, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển và các tổ chức quốc tế, với các lợi ích và trách nhiệm với an ninh khu vực và toàn cầu ngày càng tăng. Đặc biệt, EU thể hiện tình đoàn kết qua việc cung cấp hơn một nửa tổng số viện trợ phát triển quốc tế và là nhà tài trợ lớn nhất thế giới về viện trợ nhân đạo. EU ngày càng tích cực trong công tác phòng ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng và kiến thiết hòa bình, thông qua các cơ quan quản lý khủng hoảng do EU đứng đầu, cũng như thông qua các công cụ đối phó khủng hoảng và ổn định tình hình. Ngoài ra, EU cũng cam kết hỗ trợ, cải cách hệ thống đa phương, các cuộc đàm phán toàn cầu về thương mại và biến đổi khí hậu, cũng như chương trình nghị sự về quản trị toàn cầu. EU có quan hệ ngoại giao với gần như tất cả các nước trên thế giới. Liên minh có quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác quốc tế chủ chốt, có cam kết sâu sắc với các cường quốc đang nổi lên trên toàn cầu, và đã ký các Hiệp định liên kết song phương với một số quốc gia lân cận. Ở nước ngoài, Liên minh được đại diện bởi các Phái đoàn EU có chức năng tương tự như của một Đại Sứ quán. Cơ quan Đối Ngoại Châu Âu (The European External Action Service – EEAS) trợ giúp Đại diện Cấp Cao của Liên minh Châu Âu về Đối Ngoại và Chính sách An ninh, người chủ tọa Hội đồng Đối Ngoại của Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên và thực hiện chính sách ngoại giao, an ninh chung, đảm bảo tính nhất quán và sự phối hợp trong hoạt động đối ngoại của EU. Cuối cùng, EU được nhận diện thông qua nhiều biểu tượng, trong đó biểu tượng được nhiều người biết đến nhất là Lá cờ Châu Âu, một vòng tròn gồm 12 ngôi sao vàng trên nền xanh lam tượng trưng cho các lý tưởng thống nhất, đoàn kết và hòa hợp giữa các dân tộc Châu Âu. “Thống nhất trong đa dạng” là khẩu hiệu của Liên minh. Khẩu hiệu này biểu thị cách thức người dân Châu Âu tập hợp dưới hình thức Liên minh Châu Âu để phấn đấu vì hòa bình và thịnh vượng, trong khi vẫn duy trì được sự phong phú và đa dạng của các nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ khác nhau của lục địa.
Sau hơn 60 năm hình thành và phát triển, EU được xây dựng từng bước với mức độ liên kết giữa các thành viên ngày càng mở rộng và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Cùng với phát triển về chiều sâu, EU cũng trải qua nhiều đợt mở rộng, kết nạp nhiều thành viên mới. Sự kiện mở rộng lãnh thổ gần đây nhất của EU là sự hợp nhất của Mayotte vào năm 2014. Hiện nay, một số quốc gia trong khu vực Tây Balkan (Albania, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đang tiến hành những thủ tục để gia nhập EU. Kể từ năm 2018, các cuộc đàm phán gia nhập đang được tiến hành với Serbia (kể từ 2014), Montenegro (từ 2012) và Thổ Nhĩ Kỳ (kể từ năm 2005). Serbia và Montenegro được các lãnh đạo EU coi là những ứng cử viên hàng đầu, và dự kiến rằng họ sẽ tham gia vào năm 2025. Các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang diễn ra với tốc độ chậm hơn, đặc biệt kể từ nỗ lực đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 do sự phản đối của EU đối với phản ứng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Bosnia & Herzegovina và Kosovo cũng là những ứng viên tiềm năng mặc dù chưa đáp ứng được các yêu cầu của EU.
Bên cạnh đó cũng có những lần mà lãnh thổ EU bị thu hẹp như sự ra đi của Algeria khi giành độc lập vào năm 1962 và của Greenland năm 1985. Tuy nhiên, năm 2018 có thể coi là một năm lịch sử đối với EU. Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển (từ năm 1951 đến năm 2017), EU chỉ kết nạp thêm thành viên mới và chưa từng có việc một quốc gia thành viên tách khỏi EU. Anh là quốc gia đầu tiên làm điều này (sự kiện Brexit). Ngày 01/01/1973, Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên EU. Tuy nhiên, mối quan hệ tốt đẹp giữa Anh và EU không kéo dài được lâu. Ngay đầu thập niên 1980, Chính phủ của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã có những tranh cãi với EU về việc đóng góp cho ngân sách của khối này. Đến những năm 1990, mâu thuẫn giữa Anh và EU tiếp tục nảy sinh, Anh quyết định rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái (The European Exchange Rate Mechanism – ERM) của châu Âu năm 1992 và sau đó là không tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 1997. Mâu thuẫn giữa Anh và EU bị đẩy lên đỉnh điểm vào ngày 29/3/1996 khi Ủy ban châu Âu công bố lệnh cấm xuất khẩu toàn cầu đối với thịt bò của Anh do những lo ngại liên quan đến bệnh bò điên. Các chính trị gia và cả những người nông dân Anh đều cảm thấy độc lập chủ quyền quốc gia bị tổn thương nặng nề khi họ không còn được tự quyết định, mà chỉ khi Ủy ban châu Âu đồng ý thì Anh mới có quyền bán sản phẩm của mình ra thế giới. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm gia nhập EU, các chính trị gia Anh và EU đã có những suy nghĩ nghiêm túc về tư cách thành viên của Anh trong EU [8]. Ngày 23/6/2016, Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, theo đó 52% cử tri Anh đã lựa chọn rời khỏi EU, từ đây nước Anh bước vào một giai đoạn đầy khó khăn và bất ổn. Đến ngày 31/01/2020, Anh thông qua Luật Brexit. Sau ngày này, nước Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng, sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi cũng như phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU. Công dân Anh sẽ không còn là công dân EU, nhưng sẽ vẫn được tự do đi lại giữa các quốc gia thành viên EU như trước đây. Anh sẽ tiếp tục phải tuân thủ các quy định và pháp luật của EU, tiếp tục đóng góp vào ngân sách của khối, nhưng nước này bị đẩy ra khỏi các thể chế chính trị của EU: các nghị sĩ Anh không được tham gia Nghị viện châu Âu, Anh không còn ghế trong các cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU cũng như không còn tiếng nói trong vô số các cơ quan kỹ thuật của khối... Việc Anh tách ra khỏi EU có thể sẽ làm đảo lộn những mối quan hệ vốn đã ổn định của EU, Anh và các nước quốc gia khác trên thế giới, kết hợp với ảnh hưởng của đại dịch Covid–19 khiến EU đối mặt với sự bất ổn về mặt tài chính, chính trị, kinh tế, thương mại trên mọi lĩnh vực.
Châu Âu có vai trò rất quan trọng trên phạm vi toàn thế giới, cụ thể:
– Đặt ra những chính sách nhân quyền: Ngăn chặn sự tàn bạo của Chiến tranh thế giới thứ hai không được lặp lại sau này, các luật cấm phân biệt đối xử, thể hiện quyền bình đẳng và tự do đi lại các nước trong khối EU. Việc làm này đã tác động tích cực cho việc nhân quyền trở thành một khía cạnh của quan hệ đối ngoại chính trị với các nước thứ ba. Ngoài ra, EU còn có các chính sách nhân quyền liên quan đến tự do ngôn luận, tra tấn, án tử hình... Ở các quốc gia, nơi mà con người được có những quyền lợi cao nhất, thi công cụ dân chủ và nhân quyền của EU luôn đáp ứng việc tăng cường sự tự do cơ bản và tôn trọng quyền con người. Thể hiện tính độc lập tuyệt đối trong việc bầu cử, thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và luật pháp trên thế giới thì việc quan sát bầu cử là một hoạt động quan trọng của EU. Cộng tác viên hòa bình của EU đã thực hiện tốt sứ mệnh là lãnh đạo và hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình với các nước trên thế giới. Tránh xung đột vũ trang, tạo điều kiện các giải pháp hòa bình. Đây là mục tiêu ý nghĩa và lớn nhất của liên minh Châu Âu.
– Nhà viện trợ lớn nhất thế giới: Liên minh Châu Âu là tổ chức cung cấp viện trợ nước ngoài nhiều hơn bất kỳ tổ chức hiệp hội kinh tế nào khác trên thế giới. EU và các quốc gia thành viên đã cung cấp hơn một nửa trong gói ODA trên toàn cầu. Nhờ sự đóng góp này mà hàng triệu người dân trên thế giới có được việc làm ổn định hơn rất nhiều. EU còn cung cấp các gói viện trợ trong lĩnh vực thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, người tị nạn ở nhiều quốc gia. Các chương trình trợ giúp nhân đạo dựa trên tiêu chí: tổn thương vật chất, tinh thần và đánh giá nhu cầu tùy theo từng trường hợp. Ngoài ra, EU còn là một đơn vị phản ứng cực nhanh đối với các trường hợp khẩn cấp tầm quốc tế. Điển hình như năm 2015, EU đã cung cấp nơi trú ẩn, lương thực, chăm sóc sức khỏe, cung cấp nước sạch cho hơn 120 triệu người bị ảnh hưởng bởi xung đột chiến tranh, thiên tai ở 80 quốc gia trên toàn thế giới.
– Bảo vệ an ninh toàn cầu: Theo Chính sách an ninh quốc phòng chung thì EU luôn quan tâm đến các nhiệm vụ quân sự và dân sự trên thế giới theo hướng tích cực gồm các nhiệm vụ: đào tạo cảnh sát địa phương, quản lý biên giới... như các chiến dịch: Lực lượng hải quân EU “Atalanta” giải quyết vi phạm bản quyền và bảo vệ các chuyến hàng nhân đạo của Chương trình Thế Giới, Chiến dịch “Sophia” phá vỡ việc kinh doanh buôn người, buôn lậu khu vực Nam Địa Trung Hải.
– Đóng góp vào hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu: Tại hội nghị khí hậu Paris (COP21) năm 2015, hầu hết các quốc gia trong khối EU đã tham gia ký kết đảm bảo thỏa thuận khí hậu toàn cầu có tính pháp lý. Đồng thời, các quốc gia thành viên EU cũng đóng góp tài chính rất lớn để thực hiện các biện pháp thay đổi khí hậu cho các nước đang phát triển. Khối thương mại lớn nhất thế giới EU là khối thương mại lớn nhất trên toàn thế giới. Vì thương mại là một chính sách chung, các hiệp định thương mại quốc tế được ký kết bởi EU chứ không phải bởi các quốc gia thành viên riêng lẻ.
2. Khái quát về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu:
EU là một chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật quốc tế. Trong tiến trình nhất thể hoá, EU đã thống nhất về mặt kinh tế và đang trên con đường hội nhập chính trị. Việc ra đời Chính sách đối ngoại và An ninh chung năm 1992 đã thể hiện tham vọng của các quốc gia thành viên trong tiến trình xây dựng một châu Âu thống nhất.
Sau Thế chiến thứ Hai, vào những năm cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, Chiến tranh Lạnh giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang leo thang. Tại châu Âu, chính phủ Mỹ vẫn cố gắng thiết lập ảnh hưởng đối với các nước châu lục này bằng kế hoạch Marshall và thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO (1949). Còn các nước Tây Âu, dù phải dựa vào Mỹ do những khó khăn về kinh tế thời kỳ hậu chiến, song vẫn tìm cách duy trì và bảo vệ lợi ích của mình, chống lại sự khống chế của Mỹ. Năm 1949, hai nước Đức được thành lập và phát triển theo hai hướng hoàn toàn trái ngược, khi đó vấn đề thống nhất đối với Đức trở nên xa vời và hầu như chưa có triển vọng tiến triển. Ở châu Á, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ có những tác động nhất định đến khu vực châu Âu. Tình hình thế giới căng thẳng, một cuộc khủng hoảng mới ở châu Âu có khả năng xảy ra, vì vậy, vào tháng 9/1950, tại Hội đồng NATO, Mỹ đã chính thức gợi ý vấn đề tái vũ trang Tây Đức. Ngay sau đó Chính phủ Mỹ đã cụ thể hoá ý định này bằng kế hoạch Spofford, bộc lộ rõ ràng ý đồ tái vũ trang Tây Đức dưới quyền kiểm soát của NATO. Vấn đề thành lập quân đội Tây Đức khi đó vẫn bị dư luận Tây Âu, đặc biệt là nhân dân Pháp phản đối. Chính phủ Pháp đã bác bỏ kế hoạch đó và phủ quyết việc Tây Đức gia nhập NATO. Giới cầm quyền nước Pháp lo ngại sự trỗi dậy của nước Đức, không muốn thấy nước Đức quá mạnh và vượt khỏi vòng kiểm soát của họ. Chính vì vậy, tháng 10/1950, Thủ tướng Pháp Pléven đã đưa ra kế hoạch thành lập Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu (European Defence Community – EDC).
Mục đích của Kế hoạch Pléven là thành lập một Quân đội Châu Âu, trong đó các quốc gia thành viên sẽ gửi lực lượng quân đội tham gia, dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Phòng thủ Châu Âu có tính chất siêu quốc gia (supranational authority).
Đồng thời, EDC cũng sẽ có các cuộc họp thường xuyên để nguyên thủ các quốc gia thành viên phối hợp hành động trong chính sách đối ngoại.
Nếu dự án về việc xây dựng lực lượng quân sự châu Âu được thực hiện thì các quốc gia thành viên sẽ không thể duy trì một chính sách đối ngoại hoàn toàn độc lập. EDC sẽ trở thành đại diện chung cho các quốc gia thành viên trước cộng đồng quốc tế, có tư cách tham gia các hiệp định phòng thủ và tham gia các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, việc thành lập quân đội chung sẽ đặt ra những yêu cầu về đào tạo, huấn luyện quân đội và quan trọng hơn cả là cần có một ngân sách chung để chi trả cho các hoạt động trên. Như vậy, có thể nói Kế hoạch Pleven là ý tưởng đầu tiên về một chính sách phòng thủ và đối ngoại chung cho châu Âu. Năm 1951, Cộng đồng Than Thép chính thức được thành lập. Một năm sau (1952) Hiệp ước thành lập EDC cũng được ký kết tại Paris, tuy nhiên sau đó EDC vẫn chỉ là “một kế hoạch trên giấy”. Có thể thấy, mục đích của Kế hoạch Pléven là kiểm soát việc tái thiết lập quân đội Tây Đức và đưa nước này vào hệ thống khối quân sự của phương Tây với điều kiện Pháp vẫn có thể kiểm soát và duy trì vai trò lãnh đạo của mình ở Tây Âu. Theo kế hoạch này, Tây Đức có thể gia nhập với một số đơn vị nhỏ lẻ, chịu sự lãnh đạo của một cơ quan quyền lực siêu quốc gia. Giới cầm quyền Tây Đức phản đối việc tham gia Quân đội Châu Âu với những điều kiện mà Kế hoạch Pléven đưa ra và cương quyết đòi phải được bình đẳng với Pháp, tương xứng với khả năng kinh tế và quân sự của Đức. Lúc này, nhiều nước Tây Âu khác, đặc biệt là các nước chưa tham gia Cộng đồng Than Thép như Anh, cũng muốn ngăn chặn ý đồ nắm giữ vị trí lãnh đạo của Pháp trong Quân đội Châu Âu. Bên cạnh đó, Mỹ lại coi Tây Đức là một trong những đồng minh Tây Âu tiềm năng nên cũng ủng hộ lập trường của Tây Đức, bác bỏ Kế hoạch Pléven. Tiến trình thương lượng về việc thành lập quân đội chung kéo dài gần hai năm, cuối cùng Pháp bị cô lập nên buộc phải nhượng bộ. Năm 1954, Quốc hội Pháp đã chính thức bác bỏ việc thành lập EDC.
Sau sự thất bại của EDC năm 1954, tư tưởng nhất thể hoá Tây Âu về mặt quân sự, chính trị không được ủng hộ, các nước này đều tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế nhằm tập hợp lực lượng thống nhất châu Âu, đồng thời tách dần khỏi phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Ba tổ chức kinh tế lần lượt ra đời và đến năm 1967 hợp nhất lại thành Cộng đồng Châu Âu (European Community – EC). Với mục tiêu phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo Tây Âu đặt ưu tiên cho các chính sách kinh tế nội khối, thúc đẩy hợp tác và hội nhập về phương diện kinh tế, thiết lập một thị trường chung. Chính vì vậy, vấn đề về chính sách đối ngoại chung hầu như không được đề cập tới.
Tuy nhiên, tất cả đều nhận thấy một điều hiển nhiên rằng, việc phát triển một thị trường chung, thực hiện mục tiêu nhất thể hóa châu Âu tất yếu sẽ tạo nên những vấn đề đòi hỏi phải hợp tác chính trị và có những chính sách đối ngoại chung. Vì vậy, năm 1969, tại Hội nghị Thượng đỉnh Fague, các quốc gia thành viên EC đã quyết định xem xét việc đưa ra một chính sách đối ngoại chung. Bản Báo cáo Davigonon đưa ra những phân tích về các phương thức hợp tác chính trị, được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Luxembourg năm 1970, đã đánh dấu sự ra đời của EPC (Europe Political Cooperation) – Hợp tác Chính trị Châu Âu.
Khi đó, EPC không được thiết lập bằng một hiệp ước, nói cách khác, EPC không có một thể chế hoạt động chính thức. Các thành viên tham gia EPC đều trên cơ sở tự nguyện, vẫn duy trì các chính sách cũng như các hoạt động đối ngoại một cách độc lập. Chính vì vậy, EPC hoạt động chưa thực sự có hiệu quả và chưa thể hiện được chính sách đối ngoại chung của EC. Năm 1974, các hoạt động của EPC được hỗ trợ phần nào khi Hội đồng Châu Âu được thành lập, tạo điều kiện cho các nguyên thủ quốc gia gặp gỡ, trao đổi và phối hợp chính sách đối ngoại với nhau,
Tuy nhiên, sau 17 năm, EPC mới có một cơ sở pháp lý và một thể chế hoạt động chính thức. Năm 1986, EPC đã được chính thức công nhận trong Đạo luật Châu Âu thống nhất (Single European Act). Theo đạo luật này, mục tiêu của EPC bao gồm tất cả các vấn đề về chính sách đối ngoại chung liên quan đến các lợi ích chung. Các quốc gia thành viên cũng khẳng định sẽ “nỗ lực tham gia thiết lập và thực hiện chính sách đối ngoại chung của Cộng đồng châu Âu [30]”. Thông qua EPC, các nhà hoạch định chính sách ECC cố gắng tập trung giải quyết những vấn đề thường gặp trong giai đoạn đầu của tiến trình nhất thể hóa, đó là: Yêu cầu thành lập một cơ sở pháp lý toàn diện; Đảm bảo tính dân chủ giữa các thành viên và đạt được sự cân bằng giữa hiệu quả của một chính sách đối ngoại chung với việc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Song có thể thấy, đặc trưng chính sách đối ngoại thời kỳ này là sự thiếu trọng tâm, thiếu sự dẫn dắt, khiến các đối tác không tin tưởng vào một chính sách đối ngoại chung của EC.
Đầu thập niên 1990, Chiến tranh Lạnh kết thúc đã làm thay đổi toàn bộ cục diện quan trọng quốc tế. Hàng loạt các sự kiện như giải thể Liên bang Xô viết, sự tan rã của Liên bang Nam Tư, thống nhất nước Đức... đã có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng các nước Tây Âu. Lúc này EC đã được củng cố với ba lần mở rộng từ 6 thành viên lên 12 thành viên. Những tác nhân bên ngoài cùng với các yếu tố nội tại buộc EC phải củng cố và cải cách chính sách đối ngoại chung nhằm nâng cao vai trò của EC trên trường quốc tế.
Thêm vào đó, cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 – 1991 đã làm lộ ra những bất đồng về quan điểm đối ngoại giữa các thành viên EC, khiến các quốc gia thành viên bộc lộ những phản ứng khác nhau. Anh vẫn tích cực ủng hộ Mỹ sử dụng vũ lực, Pháp lại muốn giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao, Đức đang vướng bận với việc thống nhất đất nước, Tây Ban Nha, Bỉ và một số nước giữ thái độ cầm chừng, không cho lực lượng hải quân tham chiến, còn một số quốc gia khác như Ireland lại giữ thái độ trung lập. Ngoại trưởng Bỉ thậm chí còn phát biểu rằng, sự đối lập trong chính sách đối ngoại của các thành viên EC đã chứng tỏ: “Cộng đồng Châu Âu là một tên khổng lồ về kinh tế, một chú lùn chính trị và là một con sâu về quân sự”. Sự bất đồng trong quan điểm về cuộc chiến Iraq đã buộc EC phải xem xét lại chính sách đối ngoại của mình và thêm một lần khẳng định sự cần thiết có một bộ máy mang tính thể chế giúp EC hoạt động với tư cách là một tổ chức thống nhất. Năm 1992, Hiệp ước Mastricht, hay còn gọi là Hiệp ước Liên minh Châu Âu, đã được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1993, theo đó EC được đổi thành Liên minh Châu Âu – European Union (EU). Theo Hiệp ước này, EPC đã được thay thế bằng Chính sách Đối ngoại và An ninh chung EU (The EU Common Foreign and Security Policy – CFSP). CFSP là trụ cột liên chính phủ thứ hai trong ba trụ cột của EU (Trụ cột thứ nhất là Cộng đồng Châu Âu, còn trụ cột thứ ba là Tư pháp và các vấn đề nội bộ của EU). Đây là quyết định quan trọng đối với sự phát triển chính sách đối ngoại chung của EU. Hiệp ước Liên minh Châu Âu đã đề ra 05 mục tiêu cơ bản của CFSP đó là: Bảo vệ những giá trị chung, những lợi ích căn bản của EU; Tăng cường an ninh cho EU; Duy trì hoà bình và củng cố an ninh quốc tế; Thúc đẩy hợp tác quốc tế; Thúc đẩy dân chủ, pháp quyền và nhân quyền. CFSP bao gồm vị thế chung, phối hợp hành động giữa các thành viên và có chiến lược chung của EU. Tổng Thư ký Hội đồng Châu Âu là đại diện cho CFSP, ngoài ra còn có các đại diện ngoại giao đặc biệt được chỉ định của EU tại một số khu vực như Trung Đông, Đông Âu... Với CFSP, EU được coi là một chủ thể thống nhất trong quan hệ quốc tế. So với EPC, CFSP đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU trong việc hoạch định một chính sách đối ngoại và an ninh chung, từ đó có thể tiến đến một chính sách phòng thủ chung. Không dừng lại ở việc trao đổi, tham vấn ý kiến giữa các quốc gia thành viên, CFSP đã có một cơ chế cụ thể cho việc phối hợp hành động giữa các thành viên. Việc tiến hành các hoạt động liên quan đến CFSP đều được quyết định thông qua biểu quyết đa số tại Hội đồng Châu Âu. Như vậy, có thể coi CFSP là một bước tiến trong tiến trình nhất thể hóa của EU, từ hợp tác chính trị đến một chính sách đối ngoại chung.
So với các liên kết khu vực khác, rõ ràng EU đang thể hiện sự vượt trội về hiệu quả hoạt động nội khối và sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên. Những động thái mới đây như việc mở rộng EU, thúc đẩy sự hoàn thiện của các thể chế, không những tiếp tục chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của mô hình liên kết này mà còn thể hiện một tầm ảnh hưởng lớn hơn của EU trên trường quốc tế. Tuy vậy, để sự hợp tác nội khối tiếp tục đạt được một cách thực chất hơn cũng như nâng cao vai trò của EU với tư cách là một tổ chức có sức mạnh và tiếng nói trong việc giải quyết các mâu thuẫn trên thế giới, EU cần có những nỗ lực lớn hơn nhằm đưa các chương trình đã đặt ra đi vào đời sống chính trị và kinh tế của EU một cách nhanh chóng và hiệu quả.