Khái quát phong trào cách mạng ở Trung Quốc (1919-1939) ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Lịch sử 11 Bài 15. Mời các bạn cùng tham khảo nhé.
Mục lục bài viết
1. Phong trào Ngũ tứ và sự thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc:
Thứ nhất: Phong trào Ngũ Tứ (ngày 4 tháng 5 năm 1919)
* Nguyên nhân của Phong trào Ngũ Tứ:
– Trong giai đoạn này, âm mưu chia cắt Trung Quốc của các nước đế quốc ngày càng rõ ràng và những quyết định bất công của các nước đế quốc đối với Trung Quốc.
– Phong trào cách mạng Trung Quốc giai đoạn này có sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga.
* Diễn biến của Phong trào Ngũ Tứ:
– Ngày 4 tháng 5 năm 1919 học sinh, sinh viên ở Bắc Kinh nổi dậy biểu tình, thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội khác tham gia, đặc biệt là giai cấp công nhân.
– Từ Bắc Kinh, cuộc biểu tình đã lan rộng ra 22 tỉnh và 150 thành phố trên toàn quốc, thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia, đặc biệt là giai cấp công nhân.
* Kết quả của Phong trào Ngũ Tứ: giành thắng lợi.
* Nét mới và ý nghĩa của phong trào Ngũ Tứ:
– Trong phong trào Ngũ Tứ, nét mới là lực lượng giai cấp công nhân tham gia với tư cách là lực lượng nòng cốt (trưởng thành và trở thành lực lượng chính trị độc lập)
– Mục tiêu của Phong trào Ngũ Tứ: nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và phong kiến. Không chỉ dừng lại ở đấu tranh chống phong kiến như cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 (Đánh đổ triều đình Mãn Thanh).
* Ý nghĩa của Phong trào Ngũ Tứ:
– Phong trào Ngũ Tứ mở đầu cho phong trào chống đế quốc và chống phong kiến ở Trung Quốc.
– Giai cấp công nhân lần đầu tiên xuất hiện trên vũ đài chính trị với tư cách là lực lượng cách mạng độc lập.
– Đánh dấu sự chuyển tiếp của cách mạng Trung Quốc từ cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ sang cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.
Thứ hai: Sự thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc 7/1921
– Công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng phát triển rộng rãi.
– Nhiều nhóm cộng sản được thành lập. Với sự chuyển biến mạnh mẽ của giai cấp công nhân và sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập vào tháng 7 năm 1921. Sự kiện này đánh dấu sự thành công to lớn của giai cấp công nhân Trung Quốc.
– Đồng thời mở ra thời kỳ giai cấp vô sản có chính Đảng riêng để từng bước đi theo con đường cách mạng của riêng mình.
2. Chiến tranh Bắc phạt (1926 – 1927) và Nội chiến Quốc – Cộng (1927 – 1937):
* Chiến tranh Bắc phạt (1926 – 1927)
– Trong những năm 1926 – 1927, lực lượng Quốc – Cộng hợp tác tiến hành chiến tranh chống lại các quân phiệt Bắc Dương đang chia cắt và thống trị các vùng khác nhau ở miền Bắc Trung Quốc (Bắc phạt).
– Ngày 12 tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch tiến hành đảo chính ở Thượng Hải.
– Ngày 19 tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch thành lập chính quyền ở Nam Kinh.
– Đến tháng 7 năm 1927, chính quyền đã hoàn toàn rơi vào tay Tưởng Giới Thạch. Cuộc chiến tranh Bắc phạt kết thúc tại đây.
* Nội chiến Quốc – Cộng (1927 – 1937)
– Quốc dân đảng đã tổ chức bốn cuộc vây hãm lớn để tiêu diệt các căn cứ cách mạng của Đảng Cộng sản, nhưng đều thất bại. Trong cuộc vây hãm thứ năm (1933 – 1934), sức mạnh của lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng.
– Tháng 10 năm 1934, quân đội của Đảng Cộng sản rút lui về phía bắc, được lịch sử gọi là cuộc Vạn lí trường chinh. Trên đường trường chinh, tháng 1 năm 1935, Mao Trạch Đông trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
– Tháng 7 năm 1937, Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Dưới áp lực đấu tranh của quần chúng, Quốc dân đảng buộc phải đình chiến, hợp tác với Đảng Cộng sản và thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Nhật.
=> Cách mạng Trung Quốc từ đây chuyển sang thời kỳ kháng chiến chống phát xít Nhật.
3. Bài tập vận dụng phong trào cách mạng ở Trung Quốc (1919-1939):
Câu 1. Phong trào Ngũ Tứ (1919) ở Trung Quốc bùng nổ bằng cuộc đấu tranh của lực lượng xã hội nào dưới đây?
A. Học sinh, sinh viên.
B. Công nhân.
C. Nông dân.
D. Tư sản dân tộc.
Đáp án: A
Giải thích:
Phong trào Ngũ Tứ (1919) ở Trung Quốc bùng nổ bằng cuộc đấu tranh của 3000 học sinh, sinh viên yêu nước ở Bắc Kinh.
Câu 2. Trong phong trào Ngũ Tứ (1919), giai cấp nào sau đây đã bước lên vũ đài chính trị như một lực lượng cách mạng độc lập?
A. Tư sản.
B. Nông dân.
C. Công nhân.
D. Địa chủ.
Đáp án: C
Giải thích:
Trong phong trào Ngũ Tứ (1919), giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị như một lực lượng cách mạng độc lập
Câu 3. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đảng Quốc đại do M. Gan-đi đứng đầu có chủ trương đấu tranh là chủ trương nào dưới đây:
A. kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đòi độc lập.
B. bất bạo động, bất hợp tác đối với thực dân Anh.
C. tập hợp nhân dân khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền thực dân.
D. kết hợp bạo động và cải cách để đòi độc lập.
Đáp án: B
Giải thích:
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đảng Quốc đại do M. Gan-đi đứng đầu có chủ trương đấu tranh là: bất bạo động, bất hợp tác đối với thực dân Anh.
Câu 4. Lãnh tụ của phong trào dân tộc ở Ấn Độ trong những năm 1918 – 1939 là ai?
A. Ti-lắc
B. M. Gan-đi
C. J. Nê-ru
D. R. Ta-go.
Đáp án: B
Giải thích:
Lãnh tụ của phong trào dân tộc ở Ấn Độ trong những năm 1918 – 1939 là M. Gan-đi
Câu 5. Chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá sâu rộng vào Trung Quốc kể từ sau sự kiện nào?
A. phong trào Ngũ tứ.
B. phong trào Nghĩa hòa đoàn.
C. phong trào Duy tân Mậu tuất.
D. cách mạng Tân Hợi.
Đáp án: A
Giải thích:
Chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá sâu rộng vào Trung Quốc kể từ sau phong trào Ngũ tứ.
Câu 6. Lực lượng chính tham gia phong trào Ngũ tứ ở Trung Quốc (1919) là lực lượng nào?
A. công nhân và tư sản dân tộc.
B. tư sản dân tộc, công nhân, bình dân thành thị.
C. nông dân, công nhân, binh lính.
D. công nhân, nông dân và trí thức yêu nước.
Đáp án: D
Giải thích:
Lực lượng chính tham gia phong trào Ngũ tứ ở Trung Quốc (1919) là công nhân, nông dân và trí thức yêu nước.
Câu 7. Lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Ấn Độ trong những năm 1919 – 1939 là đảng nào sau đây:
A. Đảng Quốc Đại.
B. Đảng Cộng sản Ấn Độ.
C. Đảng Đại hội dân tộc.
D. Đảng dân chủ.
Đáp án: A
Giải thích:
Lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Ấn Độ trong những năm 1919 – 1939 là Đảng Quốc Đại.
Câu 8. Hãy cho biết, ngày 4/5/1919 diễn ra sự kiện nào trong tiến trình lịch sử Trung Quốc?
A. Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập.
B. Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.
C. Cuộc biểu tình của 3000 học sinh yêu nước Bắc Kinh.
D. Nhân dân Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh Bắc phạt.
Đáp án: C
Giải thích:
Ngày 4/5/1919 diễn ra cuộc biểu tình của 3000 học sinh yêu nước Bắc Kinh.
Câu 9. Trong những năm 1927 – 1937, ở Trung Quốc diễn ra cuộc nội chiến giữa đảng nào dưới đây:
A. Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản.
B. Quốc dân đảng và Đảng Nhân quyền Trung Hoa.
C. Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do.
D. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Đáp án: A
Giải thích:
Trong những năm 1927 – 1937, ở Trung Quốc diễn ra cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản.
Câu 10. Tháng 7/1937, Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, nhằm thôn tính toàn bộ nước nào?
A. Việt Nam.
B. Trung Quốc.
C. Miến Điện.
D. Mã Lai.
Đáp án: B
Giải thích:
Tháng 7/1937, Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, nhằm thôn tính toàn bộ Trung Quốc.