Trong những năm vừa qua, nước ta thực hiện đẩy mạnh đổi mới nền kinh tế từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và ngân sách nhà nước chính là một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quá trình này. Trong đó Thuế là vấn đề được quan tâm để củng cố ngân sách nhà nước.
Mục lục bài viết
1. Thuế là gì?
Có thể nói, việc ra đời của thuế mang tính chất tất yếu và gắn liền cùng với sự ra đời, phát triển của nhà nước, chính từ Các-Mác đã viết rằng: Thuế là cơ sở kinh tế của bộ máy nhà nước, là thủ đoạn đơn giản để kho bạc thu tiền hay tài sản của người dân để dùng vào việc chi tiêu của nhà nước. Như chúng ta đã biết, mỗi nhà nước muốn tồn tại thì phải có một nguồn vật chất nhất định để duy trì sự tồn tại và thực hiện chức năng của nhà nước. Một trong những nguồn thu quan trọng nhất hình thành nên điều này chính là thuế, thực tiễn cho thấy hoạt động thu thuế đã tạo ra nguồn thu tài chính lớn cho nhà nước. Chính vì lẽ đó, Nhà nước đã ban hành các chính sách về thuế để đảm bảo việc thu thuế được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.
Một cách chung nhất: thuế là những khoản tài chính mà Nhà nước quy định các tổ chức, cá nhân khi có đủ điều kiện phải có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước, góp phần đảm bảo Ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu chi tiêu và thực hiện chức năng quản lý kinh tế – xã hội của nhà nước.
2. Đặc điểm của thuế:
Thuế là một trong những chính sách quan trọng mà Nhà nước ban hành nhằm đảm cho việc duy trì nguồn ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, thuế có những đặc điểm đặc trưng phân biệt rõ rệt với các khoản thu khác của Nhà nước không phải là thuế. Cụ thể có thể kể đến những đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, thuế được xác định là những khoản nghĩa vụ do Nhà nước quy định phải nộp với những điều kiện nhất định, khi chủ thể đáp ứng đủ các điều kiện đó thì bắt buộc phải thực hiện việc nộp thuế vào Ngân sách cho nhà nước.
Nhà nước ban hành các chính sách thuế nhằm mục đích đảm bảo việc thu nộp thuế của các chủ thể được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thuế được xác định là khoản nghĩa vụ mà các chủ thể bắt buộc phải thực hiện, bên cạnh các quy định về cách thức, mức nộp thuế pháp luật còn quy định về các chế tài đối với những trường hơp không nộp hoặc nộp không đầy đủ về khoản thuế mà mình đang có nghĩa vụ nhằm răn đe, đảm bảo công tác thu nộp thuế được thực hiện một cách nghiêm minh.
Bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định đều phải có nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện công tác thu thuế theo trình tự pháp luật quy định, không có bất kỳ sự ưu tiên cho đối tượng nào.
Thứ hai, thuế là khoản thu chứa đựng yếu tố quyền lực của nhà nước
Như ở trên đã đề cập, sự xuất hiện của thuế gắn liền với nhà nước, thu thuế chính là một trong những biện pháp đảm bảo nguồn ngân sách của Nhà nước nhằm phát huy vai trò của Nhà nước đối với xã hội. Chính vì vậy, Nhà nước đã ban hành và hệ thống hóa các chính sách về thuế vào các quy định của pháp luật nhằm để đảm bảo việc tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thu nộp thuế khi các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đều buộc phải tuân thủ. Tính quyền lực của nhà nước trong việc thu nộp thuế còn thể hiện qua việc Nhà nước ban hành các quy định về chế tài áp dụng đối với những trường hợp không tuân thủ các quy định về thu nộp thuế. Những quy định này không chỉ đảm bảo tính răn đe mà còn là biện pháp để luôn đảm bảo việc thu nộp thuế được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nguồn tài chính cho ngân sách nhà nước.
Thứ ba, bản chất thuế không hoàn trả trực tiếp và không mang tính đối giá
Thuế là khoản thu nộp mang tính chất đặc thù, Nhà nước ban hành quy định về các loại thuế phải nộp và điều kiện để đóng những loại thuế đó. Như vậy, người nộp thuế chỉ cần đáp ứng những điều kiện mà pháp luật quy định thì đều phải có nghĩa vụ thực hiện đóng thuế bất kể có nhận được khoản lợi ích nào hay chưa. Điều này hoàn toàn khác với việc đóng nộp phí và lệ phí, đó là những khoản mà người nộp thực hiện khi đã nhận được một lợi ích ngay từ phía nhà nước. Đối với thuế, người nộp thuế nhận được những lợi ích không thể xác định dưới dạng vật chất do thuế mang lại khi nhà nước thực hiện chức năng của mình. Điều này xuất phát từ mục đích của việc thu thuế chính là dùng để chi tiêu cho các sản phẩm công, người nộp thuế được hoàn trả gián tiếp như: như: Nhà nước đảm bảo an ninh quốc phòng, y tế, giáo dịch, …Đây là những lợi ích chung mà cả người nộp thuế và người không có nghĩa vụ nộp thuế đều được hưởng không phụ thuộc vào số tiền thuế phải nộp.
Thứ tư, về phạm vi áp dụng của thuế:
Có thể nói, thuế là chính sách được Nhà nước ban hành và áp dụng chung trên toàn phạm vi lãnh thổ, thực hiện đồng bộ, nhất quán giữa các địa phương không phân biệt. Tất cả những đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật về thuế đều có nghĩa vụ thực hiện việc thu nộp thuế.
Việc nghiên cứu các đặc điểm này của thuế giúp cho các nhà làm luật lựa chọn sự điều chỉnh pháp luật một cách phù hợp đối với thuế, mặt khác giúp cho các đối tượng có liên quan thực hiện đầy đủ chức trách và nhiệm vụ của mình. Quy định nội dung các loại thuế mà còn xác lập các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, các biện pháp đảm bảo thực hiện thu, nộp thuế.
Bên cạnh đó, với đặc thù của Việt Nam là nền kinh tế với cơ cấu nhiều thành phần, việc ban hành hệ thống pháp luật về thuế đã góp phần đảm bảo cho chính sách thuế được thực hiện một cách thống nhất, điều chỉnh toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nguồn thu nhập của tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Việc nghiên cứu các đặc điểm sẽ giúp các nhà làm luật nghiên cứu các quy định của pháp luật thuế về cơ cấu các loại thuế, phạm vi đối tượng nộp thuế, thuế suất, miễn giảm thuế…qua đó giúp Nhà nước chủ động phát huy vai trò điều tiết đối với nền kinh tế.
3. Phân loại các loại thuế trong hệ thống pháp luật Việt Nam:
Như ở trên đã đề cập, khi nói đến thuế không chỉ là một loại thuế nhất định mà Nhà nước quy định các loại thuế đánh trên các đối tượng khác nhau với những điều kiện áp dụng khác nhau. Do đó, việc thực hiện phân loại thuế thành những nhóm khác nhau có vai trò quan trọng không chỉ trong công tác ban hành pháp luật mà còn trong công tác thực thi của cả cơ quan lâp pháp và hành pháp. Trên cơ sở những tiêu chí khác nhau, thuế có thể được phân loại khác nhau, hiện nay phổ biến thuế được phân loại theo các tiêu chí như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào mục đích điều tiết của thuế mà thuế có thể phân loại thành hai loại sau đây:
– Thuế trực thu: Nhóm này bao gồm các loại thuế mà theo đó người thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước đồng thời chính là những người phải chịu thuế. Các loại thuê điển hình trong nhóm này bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp,…
– Thuế gián thu: Khác với các loại thuế nằm trong nhóm thuế trực thu, đây là nhóm thuế bao gồm các loại thuế mà những người nộp thuế không đồng thời là người phải chịu thuế. Điển hình các loại thuế nằm trong nhóm thuế này phải kể đến như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,… Có thể nói đối với các loại thuế này, người chịu thuế cũng chính là khách hàng, còn người nộp thuế lại là người bán hàng, bởi lẽ thuế đã được bao gồm trong chính sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà bên bán hàng đã bán cho khách hàng của họ.
Thứ hai, bên cạnh việc phân loại thuế dựa trên cơ sở tiêu chí trên, thuế còn có thể được phân loại căn cứ vào đối tượng đánh thuế. Việc phân loại thuế trên tiêu chí này có thể kể đến các nhóm thuế phổ biến như sau:
– Các loại thuế được đánh thuế trên tài sản, điển hình như thuế sử dụng đất, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường,…
– Các loại thuế nằm trong nhóm thuế thu nhập: Nhóm thuế này bao gồm các loại thuế đánh vào thu nhập, thực hiện đối với những đối tượng có giá trị thặng dư phát sinh từ tài sản, điển hình như thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
– Các loại thuế được phân loại nằm trong nhóm thuế được đánh vào các hành vi sử dụng, khai thác tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Một trong những loại thuế đặc thù trong nhóm này chính là thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên,…
Bên cạnh những hình thức phân loại dựa trên cơ sở những tiêu chí kể trên thì việc phân loại thuế cũng có thể được thực hiện dựa trên cơ sở những tiêu chí khác phụ thuộc vào mục đích của việc phân loại. Tuy nhiên dù được phân loại là thuế gì thì thuế cũng giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn thu ngân sách nhà nước