Hiện nay, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập thường được các quốc gia sử dụng để thực hiện mục tiêu điều tiết nền kinh tế xã hội. Chế độ ưu đãi, miễn giảm thuế thường được áp dụng cho các lĩnh vực quan trọng. Vậy ưu đãi thuế là gì? Chế độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Ưu đãi thuế là gì?
Một trong những yếu tố không thể thiếu trong tất cả các sắc thuế là ưu đãi thuế. Bởi vì, chính sách ưu đãi thuế không chỉ thể hiện được sự quan tâm của nhà nước đối với các đối tượng nộp thuế mà còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi ứng xử phù hợp với định hướng của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời chính sách ưu đãi thuế cũng góp phần chia sẻ với người nộp thuế khi họ gặp phải khó khăn chịu thiệt hại ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế.
Từ đó có thể hiểu, ưu đãi thuế là việc áp dụng các chính sách thuế riêng biệt so với các quy định chung của pháp luật thuế nhằm tạo ra sự đối xử ưu đãi hơn cho một hoặc một số nhóm đối tượng người nộp thuế cụ thể. Có thể hiểu đơn giản ưu đãi thuế là tổng hợp các quy định của pháp luật thuế mà theo đó, chủ thể nộp thuế được hưởng những ưu tiên nhất định so với các đối tượng khác trong quan hệ thuế với Nhà nước.
2. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các doanh nghiệp. Chính vì thế Nhà nước sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế nhằm tác động đến hoạt động đầu tư vốn và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu điều tiết kinh tế – xã hội của mình. Việt Nam là một trong các quốc gia có điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù, đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, các điều kiện phát triển và nguồn lực về vốn được phân bổ không đồng đều giữa các vùng, miền do đó, các chính sách, pháp luật về ưu đãi nói chung về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là việc Nhà nước tạo ra một số điều kiện nhất định cho các đối tượng nộp thuế doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực, địa bàn, loại hình mà Nhà nước khuyến khích phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế, thu hút đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, về mặt lí luận, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là việc Nhà nước dành cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực, địa bàn, loại hình mà Nhà nước khuyến khích phát triển với những điều kiện thuận lợi hơn về thuế suất, về thời gian miễn, giảm thuế và những vấn đề khác nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp đó trong quá trình hoạt động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Với tư cách là một chế định pháp luật: Pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là tổng hợp các quy định do Nhà nước ban hành về các biện pháp, những lợi ích nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế thu nhập cho những doanh nghiệp hoặc những nhóm doanh nghiệp nhất định dưới hình thức các ưu đãi về thuế suất, thời gian miễn giảm thuế và các hình thức khác trong những điều kiện nhất định so với các doanh nghiệp khác, qua đó nhằm khuyến khích và thu hút vào lĩnh vực, địa bàn nhất định.
3. Chế độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:
3.1. Ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:
Chế độ ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật bao gồm hai mức ưu đãi chủ yếu sau đây:
– Ưu đãi thuế suất 10% (áp dụng trong thời hạn 15 năm và trong suốt thời gian hoạt động).
– Ưu đãi thuế suất 17%, kể từ ngày 01/01/2016 (áp dụng trong thời hạn 10 năm và trong suốt thời gian hoạt động).
Thứ nhất, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất 10% trong các trường hợp sau đây:
– Ưu đãi thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm đối với:
+ Thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, trong đó bao gồm:
Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghệ cao kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao; dự án cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; dự án sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường như: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; dự án thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.
+ Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.
– Các trường hợp được kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi nhưng không quá 15 năm, bao gồm:
+ Thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới:
Các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao; dự án đầu tư cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; …
Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường như: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; dự án thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.
+ Thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ các dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản theo quy định) phải có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỷ đồng và được sử dụng công nghệ đã được thẩm định theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ, đồng thời thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký của cả dự án đó không quá 5 năm kể từ thời ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
– Ưu đãi thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập từ:
+ Hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giám định tư pháp, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
+ Hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản.
+ Hoạt động báo in của cơ quan báo chí.
+ Thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.
+ Hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản; hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn; hoạt động nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; hoạt động sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; hoạt động sản xuất, khai thác và tinh chế muối trừ sản xuất muối; các hoạt động đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm.
+ Phần thu nhập từ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn của hợp tác xã.
Thứ hai, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất 17% trong các trường hợp sau đây:
– Ưu đãi 17% trong thời gian 10 năm áp dụng đối với thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới:
+ Các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
+ Các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực như: sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất thép cao cấp; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; sản xuất thiết bị tưới tiêu; dự án phát triển ngành nghề truyền thống.
– Ưu đãi 17% trong suốt thời gian hoạt động: được áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng hợp tác xã và Tổ chức tài chính vi mô.
Ngoài ra, Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định như sau:
– Đối với tất cả các doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam đều được áp dụng mức thuế xuất 20%.
– Đối với những doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam được áp dụng mức thuế xuất từ 32% – 50%.
– Đối với các doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm được áp dụng mức thuế xuất 50%.
3.2. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế:
– Miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo áp dụng đối với trường hợp thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới có ưu đãi thuế suất 10% trong thời gian 15 năm và trường hợp thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
– Miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 05 năm tiếp theo được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa.
– Miễn thuế 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo được áp dụng đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc lĩnh vực có ưu đãi thuế suất 20% trong thời gian mười năm; và áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghiệp.
– Thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới mà dự án đó được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 03 năm đầu, thì thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được tính kể từ năm thứ tư doanh nghiệp có thu nhập từ dự án đầu tư mới.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: